Gừng - Gia vị quen thuộc, dược liệu tốt cho sức khỏe Cây vọng cách - Rau gia vị, vị thuốc quý Xích đồng nam - Vị thuốc quý cho sức khỏe |
Hội đồng tỉnh Bắc Kạn thăm mô hình trồng cây dược liệu tại xã Quân Hà, huyện Bạch Thông, Bắc Kạn. |
Kho báu từ nguồn dược liệu quý hiếm
Với địa chất, khí hậu đặc thù, đồng thời sở hữu tỷ lệ che phủ rừng cao nhất cả nước với phần lớn là rừng đặc dụng, tỉnh Bắc Kạn có nhiều cây dược liệu rất quý, hiếm.
Tháng 8/2023, trên những diện tích rừng phòng hộ ở huyện Ba Bể (tỉnh Bắc Kạn), người dân và ngành chức năng đã phát hiện loài sâm bản địa (có hình thái giống sâm Ngọc Linh). Loài sâm mới phát hiện này được gọi tên Co Sâm Phja Boóc (theo tiếng dân tộc Tày nghĩa là cây sâm Phja Boóc).
Kết quả phân tích bước đầu cho thấy, đây là một loài sâm mọc tự nhiên dưới tán rừng ẩm, ở độ cao từ 1.200 m, thân thảo, sống nhiều năm, cao khoảng 0,3 m. Loài sâm này có hàm lượng saponin cao và chứa Saponin Rg1,Rb1 đặc trưng tương tự sâm Ngọc Linh.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bắc Kạn, vùng núi đá vôi lớn của tỉnh ở các huyện Ba Bể, Na Rì, Chợ Ðồn còn lưu giữ nhiều nguồn thực vật quý hiếm có giá trị cao như ba kích, hà thủ ô, đẳng sâm, thổ phục linh, kê huyết đằng, bình vôi...
Theo số liệu thống kê, tỉnh Bắc Kạn có khoảng gần 273.000ha diện tích rừng tự nhiên, đây là tiềm năng lớn để trồng cây dược liệu dưới tán rừng, hướng đến tạo ra những sản phẩm chất lượng cao.
Hiện nay, toàn tỉnh Bắc Kạn đã trồng được hơn 400ha cây dược liệu và chủ yếu như hà thủ ô, trà hoa vàng, cà gai leo, mướp đắng rừng, quế, hồi, giảo cổ lam, khôi nhung tía… Những năm gần đây, nhận thấy giá trị một số loài cây dược liệu, các chủ rừng đã chủ động tự mua cây giống hoặc tự nhân giống để trồng dưới tán rừng.
Tuy nhiên, với nguồn tài nguyên giống cây dược liệu phong phú tại tỉnh là vậy nhưng việc phát triển quy mô cây dược liệu tại tỉnh Bắc Kạn vẫn còn bộc lộ ra nhiều điểm hạn chế như: quy mô vùng trồng vẫn còn manh mún, nhỏ lẻ, trình độ sản xuất lạc hậu, thiếu tính liên kết. Các sản phẩm dược liệu chế biến chủ yếu dưới dạng thô, giá trị thấp, chưa cạnh tranh được với thị trường trong và ngoài nước. Liên vùng tập trung để cung cấp nguyên liệu ổn định cho các nhà máy, cơ sở chế biến chưa được hình thành. Nhiều bài thuốc cổ truyền, cây thuốc quý mới chỉ phục vụ chăm sóc sức khỏe ở phạm vi hẹp, chưa có sự liên kết trong trồng, sản xuất, tiêu thụ.
Ngoài ra, việc nghiên cứu các đề tài, dự án khoa học đã có nhưng chưa thương mại hóa thành sản phẩm dược liệu từ các công trình nghiên cứu.
Phát triển cây dược liệu là động lực quan trọng cho phát triển kinh tế rừng
Bắc Kạn đã xây dựng được một số mô hình trồng cây dược liệu. |
Nhận thấy được tiềm năng từ cây dược liệu, Bắc Kạn đã ban hành Nghị quyết số 01/2022/NQ-HÐND ngày 27/4/2022 của Hội đồng nhân dân tỉnh có quy định các mức hỗ trợ cho tổ chức, cá nhân khi tham gia sản xuất, chế biến, kinh doanh dược liệu. Nhờ đó, đến nay toàn tỉnh trồng được 529 ha dược liệu, đạt 96% mục tiêu kế hoạch phát triển cây dược liệu giai đoạn 2021-2025.
Trong những năm qua, Sở Khoa học và Công nghệ Bắc Kạn đã phối hợp với các viện nghiên cứu, trường đại học triển khai một số nhiệm vụ khoa học để bảo tồn, phát triển các loại cây dược liệu, như đề tài: Nghiên cứu phát triển trồng dược liệu tỉnh Bắc Kạn; Dự án Ứng dụng khoa học và công nghệ xây dựng mô hình trồng và chế biến dược liệu (Hoài Sơn và Địa Hoàng) theo chuỗi giá trị tại Bắc Kạn; Dự án Ứng dụng khoa học và công nghệ trồng và bao tiêu sản phẩm cây cà gai leo tại tỉnh Bắc Kạn các dự án đã tiến hành điều tra một số cây dược liệu trong tự nhiên như ba kích tím, hà thủ ô đỏ, dong riềng đỏ, đẳng sâm, ban lá dính, hoài sơn, địa hoàng.
Cùng với đó, sở phối hợp nghiên cứu xác định được vùng trồng, loại cây dược liệu có năng suất, chất lượng tốt, thích hợp sản xuất hàng hóa và có thị trường tiêu thụ ổn định. Xây dựng được một số mô hình trồng cây dược liệu. Hoàn thiện quy trình kỹ thuật từ nhân giống, trồng, thâm canh, sơ chế, bảo quản dược liệu.
Triển khai đề tài Nghiên cứu đặc điểm sinh học, phân bố và khả năng phát triển cây kim tuyến tại một số huyện của tỉnh Bắc Kạn do Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ tỉnh Bắc Kạn (nay là Trung tâm Ứng dụng Khoa học - Công nghệ và Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng tỉnh Bắc Kạn). Đề tài đã hoàn thiện kỹ thuật nhân giống cây kim tuyến bằng phương pháp nuôi cấy mô, kỹ thuật giá thể ra cây sau nuôi cấy mô, kỹ thuật trồng cây kim tuyến trong nhà lưới, tại vườn nhà. Phối hợp phân tích các thành phần hóa học, xác định tên khoa học và tác dụng kháng khuẩn chống viêm của cây kim tuyến.
Tỉnh Bắc Kạn đề ra mục tiêu trở thành thủ phủ trồng cây dược liệu trong tương lai gần. Theo đó, địa phương đã ban hành chính sách hỗ trợ các hợp tác xã liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm từ cây dược liệu. Tập trung hỗ trợ tư vấn xây dựng liên kết, hỗ trợ máy móc thiết bị, xây dựng mô hình khuyến nông, tập huấn kỹ thuật.
Năm 2023, UBND tỉnh Bắc Kạn tiếp tục thực hiện dự án đầu tư, hỗ trợ phát triển vùng trồng dược liệu quý theo Quyết định số 1719/QĐ-TTg ngày 14/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ. Hiện nay, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bắc Kạn đã khảo sát, đánh giá lựa chọn địa điểm vùng trồng dược liệu quý trên địa bàn tỉnh. Bắc Kạn xác định, phát triển cây dược liệu là một trong những động lực quan trọng trong phát triển kinh tế rừng, mở ra một hướng đi mới, đa dạng thu nhập cho người dân.
Bà Nguyễn Mỹ Hải - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bắc Kạn cho biết: Tỉnh đang triển khai dự án đầu tư phát triển vùng dược liệu quý tại Ba Bể. Mục tiêu là đến năm 2025 xây dựng được vùng nguyên liệu hơn 200 ha; xây dựng nhà máy chế biến tại huyện để đưa việc trồng, chế biến dược liệu theo hướng sản xuất hàng hóa, tạo ra giá trị kinh tế cao.
Bắc Kạn sẽ tiếp tục vận dụng các chính sách linh hoạt, kêu gọi các tổ chức kinh tế, doanh nghiệp, cá nhân tham gia trồng, sản xuất, chế biến dược liệu; nghiên cứu, sử dụng, chọn tạo ra giống cho năng suất, chất lượng tốt phù hợp đặc điểm khí hậu, đất đai. Tỉnh cũng ưu tiên dành nguồn kinh phí thực hiện các dự án nghiên cứu bảo tồn, phát triển dược liệu, đào tạo nguồn nhân lực; chú trọng khâu sản xuất, phát triển các loại giống bản địa. Sản xuất giống dược liệu nhập nội để tạo nguồn nguyên liệu trong tỉnh bao gồm: actisô, bạch truật, bạc hà, đương quy, tam thất...
Gần 100 gian hàng tham gia ngày hội dược liệu các hợp tác xã Việt Nam |
Hoa giấy: Vừa là cây cảnh, vừa là vị thuốc quý |
Sa sâm - Vị thuốc quý từ thiên nhiên |
Húng chó - Rau gia vị, bài thuốc quý |