Rau sam
Rau sam là một loại cây thân cỏ, thuộc họ Rau sam, có tên khoa học là Portulaca oleracae L.Trong dân gian, có một số cách gọi khác cho loại cây này như mã xỉ hiện, mã xỉ thái, trường thọ thái...
Rau sam có nguồn gốc từ Ấn Độ và Trung Quốc nhưng hiện nay, nó sống được ở rất nhiều nơi, thích nghi tốt với nhiều môi trường khác nhau. Tại Việt Nam, rau sam xuất hiện ở hầu hết các tỉnh thành, thường mọc dại ở vùng đất ẩm ướt ven đường, kênh rạch, ao hồ...
Đến nay, chỉ một số ít người Việt dùng rau sam để làm món ăn và thường không được bán phổ biến ở chợ, mặc dù được mọc nhiều ở các đồng ruộng. Trong khi đó, ở một số nước, rau sam là loại rau được ưa chuộng và thường săn lùng về ăn vì nó có nhiều công dụng kỳ diệu không ngờ.
Ở nhiều nước châu Âu, rau sam được dùng trong các món ăn khá phổ biến, người Hà Lan dùng rau sam làm dưa chua, người Pháp cũng rất thích rau sam, ở Mỹ có món rau sam trộn dầu giấm... Người Trung Hoa xưa gọi rau sam là "rau trường thọ".
Rau càng cua
Rau càng cua có tên gọi khoa học là Peperomia Pellucida. Về mặt thực vật học, cây thuộc họ Piperaceae (hồ tiêu) bao gồm khoảng 5 chi và 1.400 loài. Chi Peperomia đại diện cho gần như một nửa họ Piperaceae. P . Pellucida.
Rau có thể phát triển tới chiều cao khoảng từ 15cm đến 45 cm, lá màu xanh nhạt bóng, mọng nước, hình trái tim. Loài này phát triển vào mùa mưa (thường vào mùa xuân) và phát triển mạnh trong đất tơi xốp, ẩm ướt dưới bóng cây.
Ở Việt Nam, nhiều người coi rau này là loại cỏ dại, mọc hoang, chỉ làm thức ăn cho gia súc mà không biết rằng rau càng cua còn có tác dụng làm thuốc chữa bệnh.
Tại một số nước, rau càng cua rất được ưa chuộng, thường được dùng để chế biến thành nhiều món ăn vì những lợi ích y học kỳ diệu của nó. Hoạt chất chiết ra từ rau càng cua có tác dụng chống viêm, giảm đau nhức, kháng khuẩn. Rau càng cua còn làm thuốc chữa đau bụng, áp xe, mụn, bỏng nước, gout, thấp khớp...
Ở Philippines, người ta dùng lá càng cua đắp để điều trị ung nhọt và vết loét. Người dân Trung Quốc và Brazil dùng nước ép rau càng cua để trị bệnh viêm kết mạc. Còn người Java lại dùng loại rau này để trị sốt rét, đau đầu…
Rau bèo tây
Bèo tây còn được gọi là lục bình, lộc bình, hay bèo Nhật Bản là một loài thực vật thủy sinh, thân thảo, sống nổi theo dòng nước, thuộc về chi Pontederia của Họ Bèo tây.
Ở Nhật, bèo tây được bán khá đắt, 1 nhánh bèo tây có giá 80 yên Nhật khoảng 16.000 đồng. Người Nhật thường mua bèo tây trong siêu thị về để ăn, làm gỏi, chữa bệnh hoặc dùng để trồng lọc nước.
Cây bèo tây được phát hiện ra có công dụng tốt khi đắp vết thương, mụn nhọt, giảm sưng tấy, chống viêm rất hiện quả.
Ở nước ta, loại cây "thần dược" này đang mọc hoang dại rất nhiều ở các ao hồ, vùng sông nước và chỉ dùng cho lợn ăn.
Rau dương xỉ
Dương xỉ là loại cây thân thảo và gần như không thân, có chiều cao trung bình từ 15-30cm, lá kép mọc thành từng cụm có lông tơ nhỏ và thon gọn như những chiếc răng lược, lá non cuộn tròn và có lông. Là các thực vật có mạch và khác với thực vật có hạt ở phương thức sinh sản do không có hoa và hạt.
Các nhà khoa học phát hiện ra dương xỉ có rất nhiều công dụng với sức khỏe như bổ sung vitamin, giàu dinh dưỡng tốt cho cơ thể và còn có tác dụng chữa nhiều bệnh.
Loại rau này đặc biệt giàu protein, chất béo, carbonhydrate, khoáng chất và vitamin, giá trị dinh dưỡng rất cao. Trong dương xỉ chứa một số loại vi khuẩn có lợi có tác dụng thanh nhiệt giải độc, sát trùng, chống viêm vì thế những người bị các bệnh mẩn ngứa, vết thương lở loét ăn rất có lợi.
Người dân phương Tây, Hàn Quốc, Nhật Bản thường ăn dương xỉ hàng ngày để phát huy công dụng của nó với cơ thể. Thậm chí dương xỉ là một trong những mặt hàng đắt đỏ tại siêu thị những quốc gia này. Tuy nhiên ở nước ta, dương xỉ được coi là cây mọc dại. Chỉ một số ít người dân miền núi sử dụng làm rau ăn.
Rau tầm bóp
Cây tầm bóp còn được gọi bằng những cái tên khác như cây thù lù, cây lồng đèn, cây bôm bốp, cây bùm bụp…, có tên khoa học là Physalis Angulata, thuộc họ Cà.
Cây tầm bóp là loài cây mọc dại ở nhiều nơi và có nguồn gốc từ vùng nhiệt đới châu Mỹ.
Được coi là vị thuốc tốt trong điều trị bệnh đái tháo đường hoặc làm làm thuốc lợi tiểu. Quả, cây tầm bóp đặc biệt có giá ở Nhật Bản, Thượng Hải - Trung Quốc.
Ở Nhật Bản 1kg quả tầm bóp có giá bán lên tới 700.000 đồng, thậm chí còn đắt đỏ hơn giá của nhiều loại hoa quả nhập khẩu về Việt Nam. Người Nhật và nhiều nước khá thường mua tầm bóp về ăn tươi hoặc nấu canh ăn hàng ngày.
Ở nước ta, loại cây này mọc như cỏ dại diệt đi không hết. Thậm chí nhiều vùng nông thôn còn dùng thuốc diệt cỏ diệt tận gốc cây này mà không biết rằng nó có rất nhiều công dụng tuyệt vời cho sức khỏe.