Kết nối thị trường xuất khẩu cho thanh long Việt Nam Tìm đường xuất khẩu thanh long sang Ấn Độ, Pakistan |
Đây là nhận định chung của các đại biểu tham dự Hội nghị “Xúc tiến xuất khẩu thanh long Việt Nam sang thị trường Ấn Độ,” do Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ đã phối hợp với Bộ Công Thương, Ủy ban nhân dân các tỉnh Bình Thuận, Tiền Giang, Long An và các cơ quan liên quan tổ chức ngày 19/1 nhằm hỗ trợ đẩy mạnh tiêu thụ trái thanh long Việt Nam tại Ấn Độ trong ngắn hạn và dài hạn, góp phần giải quyết khó khăn cho đầu ra của loại trái cây này và hạn chế phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc.
Các đại biểu tham dự Hội nghị “Xúc tiến xuất khẩu thanh long Việt Nam sang thị trường Ấn Độ" thông qua nền tảng trực tuyến zoom |
Tham dự và phát biểu tại hội nghị, về phía Đại sứ quán Việt Nam có ông Đỗ Thanh Hải - Tham tán Công sứ; ông Bùi Trung Thướng - Tham tán Thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Ấn Độ. Về phía Bộ Công Thương có ông Đỗ Quốc Hưng - Phó Vụ trưởng, Vụ Thị trường Châu Á – Châu Phi; ông Trần Quốc Toản -Phó Cục trưởng, Cục Xuất nhập khẩu. Về phía các Sở công Thương, ông Nguyễn Tuấn Linh - Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Tiền Giang; ông Biện Tấn Tài - Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bình Thuận; bà Châu Thị Lệ - Phó Giám đốc Sở Công Thương Long An.
Về phía Ấn Độ: ông Atul Kumar Saxena - Chủ tịch Phòng Thương mại và công nghiệp các nhà nhập khẩu Ấn Độ; ông Hiren Gandhi - Chủ tịch ủy ban thực phẩm và an toàn vệ sinh thực phẩm, Phòng Thương mại và công nghiệp Gujarat; đại diện một số công ty nhập khẩu hoa quả lớn tại Ấn Độ: Suri Agro Fresh Pvt. Ltd và IG International Pvt. Ltd. Hội nghị thu hút khoảng 50 doanh nghiệp xuất khẩu thanh long Việt Nam và khoảng 30 doanh nghiệp kinh doanh trái cây tại Ấn Độ.
Hội nghị gồm 3 phiên, phiên 1 dành chủ yếu cho các diễn giả và doanh nghiệp Việt Nam, trao đổi về tiềm năng và vị trí của thị trường Ấn Độ đối với thanh long Việt Nam; Phiên 2 trao đổi về đặc điểm thị trường Ấn Độ, tiềm năng thị trường Ấn Độ, hệ thống phân phối trái cây tại Ấn Độ và giải pháp đẩy mạnh tiêu thụ thanh long Việt Nam tại Ấn Độ, theo góc nhìn của các nhà nhập khẩu và bán buôn trái cây tại Ấn Độ; Phiên 3 là phiên kết nối các doanh nghiệp Việt Nam và Ấn Độ có nhu cầu giao thương, trao đổi thông tin.
Phát biểu tại hội nghị, ông Đỗ Quốc Hưng - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á, châu Phi (Bộ Công Thương) cho biết, Ấn Độ là thị trường trọng điểm của khu vực Nam Á, nơi hội tụ đầy đủ các yếu tố để trở thành đích đến tiềm năng cho trái thanh long Việt Nam. Việt Nam và Ấn Độ có nền tảng quan hệ tốt đẹp với bề dày 50 năm lịch sử, quan hệ đối tác chiến lược toàn diện có những bước phát triển vượt bậc.
Đặc biệt, thị trường Ấn Độ có dung lượng gần 1,4 tỷ dân; số lượng người ăn chay, có thói quen ăn uống với trái cây đông đảo. Ấn Độ nhập khẩu 95% từ Thái Lan, Malaysia, Việt Nam và Sri Lanka, trong đó Việt Nam chiếm tỷ lệ chủ yếu. Người Ấn Độ đánh giá khá tốt trái thanh long, vì có lợi cho sức khỏe, hương vị thơm, nhiều dinh dưỡng.
Ngoài ra, hiện nay Ấn Độ cũng bắt đầu triển khai trồng thanh long tại một số bang như Maharashtra, Karnataka, Andhra Pradesh, West Bengal, Telangana, Tamil Nadu, Odisha, Gujarat, quần đảo Andaman - Nicobar, và một số bang vùng Đông Bắc Ấn Độ với diện tích khoảng 3.000 - 4.000 ha và sản lượng đạt 12.000 tấn/năm.
Xúc tiến thúc đẩy Thanh Long Việt Nam sang thị trường Ấn Độ |
Ông Bùi Trung Thướng - Tham tán thương mại Việt Nam tại Ấn Độ - đánh giá, nhìn chung sản lượng này là thấp và chất lượng thanh long Ấn Độ không ngon và ngọt như thanh long Việt Nam. Đây cũng chính là cơ hội để mặt hàng này mở rộng hơn vào thị trường 1,4 tỷ dân.
Trong những năm qua, Bộ Công Thương cùng với Thương vụ Việt Nam tại Ấn Độ luôn chú trọng tạo thuận lợi cho việc đưa trái thanh long vào thị trường Ấn Độ, hỗ trợ doanh nghiệp kết nối với nhà nhập khẩu Ấn Độ, xúc tiến quảng bá trái thanh long Việt Nam với người tiêu dùng Ấn Độ.
Cụ thể, Thương vụ Việt Nam tại Ấn Độ đã hỗ trợ nhiều đoàn doanh nghiệp trong nước sang xúc tiến quảng bá thanh long tại Ấn Độ, hiện tại có nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã và đang xuất khẩu sang thị trường nhiều tiềm năng này.
Sau các chương trình quảng bá và xúc tiến thương mại, người dân Ấn Độ biết đến và ưa chuộng thanh long Việt Nam nhiều hơn, lượng xuất khẩu từ Việt Nam sang Ấn Độ không ngừng tăng.
Theo số liệu của Bộ Công Thương Ấn Độ, thị phần xuất khẩu thanh long của Việt Nam tăng mạnh từ 27% trong năm tài chính 2014 - 2015 lên 52% năm 2018 - 19, và chiếm gần 90% tổng lượng thanh long nhập khẩu của Ấn Độ trong 7 tháng gần đây.
Theo ông Trần Quốc Toản - Phó Cục trưởng, Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương, với sản lượng và năng lực sản xuất, chế biến đa dạng và dồi dào, các doanh nghiệp Việt Nam có thể đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ, sẵn sàng cung cấp các sản phẩm đảm bảo chất lượng cho thị trường quốc tế, trong đó có thị trường Ấn Độ.
Ông Đỗ Thanh Hải - Tham tán Công sứ, Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ cho rằng, mặc dù kim ngạch xuất khẩu thanh long sang Ấn Độ liên tục tăng trong thời gian qua nhưng còn dưới tiềm năng và nhu cầu của Ấn Độ. Ông Hải kêu gọi các doanh nghiệp Việt Nam cùng đồng hành với cơ quan nhà nước thực hiện các chương trình quảng cáo quy mô lớn tại Ấn Độ như thuê người nổi tiếng, quảng bá về lợi ích của của Thanh Long với sức khỏe con người.
Ông Bùi Trung Thướng, Tham tán Thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Ấn Độ đã tổng hợp và tóm tắt lại các đề xuất, kiến nghị và giải pháp của các diễn giả đã phát biểu trong hội nghị nhằm thúc đẩy tiêu thụ thanh long Việt Nam tại Ấn Độ như sau:
(1) Các cơ quan ban ngành, doanh nghiệp cần quan tâm đúng mức thị trường Ấn Độ, từ đó có sự đầu tư thời gian, công sức và tài chính đối với công tác xúc tiến thương mại Thanh Long Việt Nam tại thị trường Ấn Độ, với các chương trình quảng bá lớn, đa dạng về hình thức, để trái thanh long đến được đông đảo người dân Ấn Độ. Trên thực tế, trái Thanh Long chủ yếu xuất hiện ở các khách sạn, các buổi tiệc, không xuất hiện nhiều trong các nhà hàng và đặc biệt là tại các siêu thị, quầy bán hàng hoa quả, bán hàng rong. Nhiều người dân Ấn Độ không biết cách ăn, chế biến loại hoa quả này.
(2) Cần đặt mục tiêu cụ thể đối với thị trường Ấn Độ. Tăng cường công tác phối hợp giữa Đại sứ quán, Bộ Công Thương và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam trong việc trao đổi thông tin thị trường, mùa vụ, giá cả, doanh nghiệp, mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói.
(3) Các hiệp hội, doanh nghiệp xuất khẩu thanh long Việt Nam quan tâm hơn nữa đến thị trường Ấn Độ, từ đó có sự nghiên cứu thị trường và tương tác nhiều hơn với các đối tác Ấn Độ, phát huy tinh thần chủ động, tự lực là chính và tham khảo sự hỗ trợ, tư vấn của cơ quan Thương vụ.
(4) Các hiệp hội, doanh nghiệp phát huy tinh thần đoàn kết, hợp tác, xây dựng mức giá hợp lý tại thị trường Ấn Độ, không cạnh tranh lẫn nhau về giá; kinh doanh phải đảm bảo chữ tín và chất lượng sản phẩm; ký kết hợp đồng đảm bảo chặt chẽ nhất là điều khoản về chất lượng, kiểm tra hàng và điều khoản thanh toán, không chấp nhận thanh toán trả sau.