Xuất khẩu hàng hóa sang EU có thể chững lại đến quý II Xuất khẩu hàng hoá nửa cuối tháng 9 tăng hơn 2 tỷ USD Xuất khẩu hàng hóa sang Trung Quốc đạt gần 50 tỷ USD |
Trong 11 tháng, xuất khẩu hàng hóa Việt Nam sang Trung Quốc đạt 55,5 tỷ USD, tăng 6,2% so với cùng kỳ năm 2022. |
Trung Quốc là thị trường xuất khẩu duy nhất tăng trưởng của Việt Nam
Theo Tổng cục Hải quan, trước tình hình kinh tế thế giới ảm đạm, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang các thị trường chủ lực hầu như đều suy giảm. Thị trường châu Âu cũng ghi nhận mức giảm 8,1% với kim ngạch 40 tỷ USD.
Đáng chú ý, trong nhóm các thị trường chủ lực, chỉ duy nhất thị trường Trung Quốc đạt tăng trưởng dương. Thống kê cho thấy, đầu năm 2023, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Trung Quốc giảm nhẹ trước bối cảnh khó khăn chung.
Tuy nhiên, trong 4 tháng qua, tình hình đã nhanh chóng đảo chiều. Tính đến hết tháng 11, xuất khẩu hàng hóa sang Trung Quốc đạt 55,5 tỷ USD, tăng 6,2% so với cùng kỳ năm 2022. Mức tăng này chủ yếu đến từ các mặt hàng nông sản nhận được sự đón nhận tốt hơn từ thị trường tỷ dân.
Tổng cục Hải quan cho biết, trong 11 tháng, xuất khẩu nông, lâm, thủy sản của Việt Nam đạt gần 48 tỷ USD. Trong đó, thị trường Trung Quốc chiếm 23,2%. Đây cũng là thị trường xuất khẩu nông sản lớn duy nhất của Việt Nam có tăng trưởng với mức ấn tượng 18%.
Ông Lê Thanh Hòa - Phó Cục trưởng Cục Chất lượng - Chế biến và Phát triển thị trường (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, đến nay, Trung Quốc đã cấp phép cho 12 mặt hàng rau quả Việt Nam xuất khẩu chính ngạch vào Trung Quốc.
Tổng cục Hải quan Trung Quốc cũng đã công bố danh sách hơn 800 doanh nghiệp chế biến thủy sản Việt Nam đủ điều kiện xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc; đồng thời đã phê duyệt mã sản phẩm cho 40 cơ sở bao gói cua, tôm hùm sống và 5 cơ sở bao gói tôm sú, tôm thẻ chân trắng, 128 loại sản phẩm và 48 loài thủy sản của Việt Nam. Đây là thời cơ để các doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận, tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu, khai thác thị trường 1,4 tỷ dân này.
Ông Nguyễn Minh Tiến - Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chia sẻ, hiện thị trường Trung Quốc đang có sự thay đổi rất lớn. Nhu cầu về sản phẩm nông sản trên các nền tảng thương mại điện tử tăng đáng kể hàng loạt doanh nghiệp Việt Nam đang đầu tư các kênh thương mại điện tử như TikTok Shop, Taobao…để tiếp cận khách hàng Trung Quốc.
Theo ông Tiến, hiện rất nhiều doanh nghiệp thương mại điện tử ở các tỉnh ở sâu trong đất liền Trung Quốc đều có chính sách hình thành khu ngoại quan. Khi doanh nghiệp của Việt Nam đưa sản phẩm nhập vào kho ngoại quan, tổ chức livestream trên nền tảng thương mại điện tử thì rất phù hợp với xu thế tiêu dùng ở thị trường Trung Quốc và có thể được hưởng các chính sách của địa phương Trung Quốc trong việc giảm chi phí lưu kho, tạo thuận lợi cho công tác hải quan và các thủ tục kiểm định.
Doanh nghiệp Việt cũng cần đẩy mạnh bán hàng trên nền tảng thương mại điện tử để tận dụng cơ hội đưa hàng Việt vào sâu thị trường Trung Quốc.
Điểm sáng xuất khẩu
Xuất khẩu hàng hóa đã cải thiện trong những tháng gần đây, nhưng mức độ khởi sắc còn chậm. Hết 11 tháng năm 2023, xuất khẩu cả nước vẫn hụt khoảng 20 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước, tương ứng đạt 322,5 tỷ USD, giảm 5,9%.
Trong khi xuất khẩu sang hầu hết thị trường chủ lực tăng trưởng âm, thì Trung Quốc là thị trường lớn duy nhất đạt mức tăng trưởng dương. Đặc biệt, sự tăng tốc càng thấy rõ trong nửa cuối năm, đưa xuất khẩu sang thị trường tỷ dân quay trở lại đà tăng từ tháng 7/2023 (6 tháng đầu năm, xuất khẩu sang thị trường này giảm 2,2% so với cùng kỳ).
Số liệu của Bộ Công thương cho thấy, kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam - Trung Quốc đạt 155,7 tỷ USD, trong đó xuất khẩu sang Trung Quốc đạt gần 56 tỷ USD, tăng 6,2%, là điểm sáng trong xuất khẩu của cả nước trong bối cảnh xuất khẩu sang hầu hết thị trường chủ lực sụt giảm.
Với kết quả này, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của nước ta, chiếm 17,3% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước. Trong khi đó, nhập siêu với Trung Quốc đạt 43,65 tỷ USD, giảm 23,1% so với cùng kỳ năm ngoái.
Xuất khẩu sang Trung Quốc khởi sắc, trở lại mức tăng trưởng dương kể từ tháng 7 và liên tục nhích lên với các đơn hàng lớn của nông sản, công nghiệp chế biến đã góp phần thu hẹp đà giảm xuất khẩu của cả nước nói chung.
Triển vọng xuất khẩu còn rất lớn
Trong tổng trị giá xuất khẩu rau quả 11 tháng đạt 5,32 tỷ USD, riêng Trung Quốc nhập tới 3,4 tỷ USD (sầu riêng khoảng 1,8 tỷ USD). |
Với khoảng 1,4 tỷ dân, nhu cầu tiêu dùng hàng hóa cực kỳ lớn và đa dạng ở mọi phân khúc, khoảng cách địa lý gần, Trung Quốc đang là thị trường xuất khẩu cực lớn của nhiều ngành sản xuất, nổi bật trong năm 2023 là nhóm ngành nông, lâm, thủy sản.
Trao đổi về xuất khẩu 11 tháng của ngành nông nghiệp, ông Phùng Đức Tiến - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhấn mạnh dấu ấn mở rộng xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Dù xuất khẩu 11 tháng đạt 47,84 tỷ USD, giảm 2,7% so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng Trung Quốc là thị trường dẫn đầu, đạt 11,5 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 23,2%, tăng 18% so với cùng kỳ.
Có tốc độ tăng trưởng thần tốc là nhóm hàng rau quả, gạo, cao su. Trong tổng trị giá xuất khẩu rau quả 11 tháng đạt 5,32 tỷ USD, riêng Trung Quốc nhập tới 3,4 tỷ USD (sầu riêng khoảng 1,8 tỷ USD). Đây là con số kỷ lục về xuất khẩu từ trước tới nay.
“Thương mại Việt - Trung trong lĩnh vực nông sản còn nhiều tiềm năng mà hai bên chưa khai thác hết. Việt Nam đang xúc tiến thêm 4 sản phẩm xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc, gồm dược liệu, dừa, hoa quả đông lạnh, dưa hấu, nhằm tăng nhanh kim ngạch xuất khẩu hàng nông sản”, Thứ trưởng Tiến nhận định.
Hiện tại, nghị định thư về 4 sản phẩm trên đã trải qua quá trình điều tra, xem xét, đánh giá, dự kiến sớm đi đến ký kết. Khi đó, “hành trình” xuất khẩu các sản phẩm này được mở ra, nhờ việc quy hoạch vùng sản xuất, chế biến, đóng gói… theo đúng quy định trong các nghị định thư.
Tại Kỳ họp lần thứ 12, Ủy ban Hợp tác kinh tế, thương mại Việt Nam - Trung Quốc, tổ chức cuối tháng 11/2023, Bộ trưởng Bộ Thương mại Trung Quốc Vương Văn Đào khẳng định: “Sẵn sàng phối hợp với Việt Nam giải quyết các vấn đề hai bên quan tâm, Trung Quốc có nhu cầu lớn và hoan nghênh nông sản chất lượng cao của Việt Nam. Bộ Thương mại sẽ tiếp tục điều phối, thúc đẩy Hải quan Trung Quốc mở cửa thị trường đối với nông sản Việt Nam”.
Đối với vướng mắc trong xuất khẩu tôm hùm bông, theo ông Đào, doanh nghiệp Việt Nam cần khẩn trương đăng ký cơ sở sản xuất và đóng gói với Hải quan Trung Quốc; các cơ quan chủ quản hai nước cần sớm triển khai công tác kiểm tra, đánh giá doanh nghiệp, vùng trồng theo hình thức trực tiếp hoặc trực tuyến để tôm hùm bông có thể được xuất khẩu vào Trung Quốc.
Nhu cầu nhập khẩu của Trung Quốc còn tăng, song theo các chuyên gia, thị trường tỷ dân đã nâng chuẩn, không còn dễ tính, buộc doanh nghiệp Việt Nam phải tuân thủ để hàng xuất khẩu không bị “tuýt còi”. Mặt khác, Trung Quốc là nước xuất khẩu lớn, cơ cấu mặt hàng xuất khẩu rất tương đồng với Việt Nam, nên cũng tạo thách thức đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam.