Xuất khẩu thủy sản tháng 11 đạt gần 840 triệu USD Xuất khẩu cà phê trong tháng 11/2023 đạt 80 nghìn tấn Xuất nhập khẩu đã vượt mốc 600 tỷ USD |
Xuất khẩu thủy sản tháng 11 đạt gần 840 triệu USD
Theo ước tính của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), kết thúc tháng 11/2023, ước tính kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 8,27 tỷ USD, giảm 19% so với cùng kỳ năm 2022. Riêng trong tháng 11/2023, xuất khẩu thuỷ sản đạt gần 840 triệu USD, tăng 6% so với cùng kỳ, nhưng chưa thể hiện được xu hướng khả quan vì so với những tháng trước không có sự đột phá về doanh số..
Trừ nhuyễn thể có vỏ có kim ngạch vẫn thấp hơn so với cùng kỳ, xuất khẩu các sản phẩm chính trong tháng 11/2023 đều cao hơn so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó tôm tăng 4%, cá ngừ tăng 26%, cá tra tăng 12%, mực, bạch tuộc tăng 3%, cá biển khác tăng 4%...
Trong đó, ngoại trừ nhuyễn thể có vỏ vẫn thấp hơn so với cùng kỳ, còn xuất khẩu các sản phẩm chính trong tháng 11/2023 đều cao hơn so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó tôm tăng 4%, cá ngừ tăng 26%, cá tra tăng 12%, mực, bạch tuộc tăng 3%, cá biển khác tăng 4%... Lũy kế 11 tháng năm 2023, ước tính kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 8,27 tỷ USD, giảm 19% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tính tới hết tháng 11/2023, xuất khẩu cá tra đạt gần 1,7 tỷ USD, vẫn thấp hơn 26% so với cùng kỳ năm 2022. Giá trung bình xuất khẩu giảm ở các thị trường chính, nhất là Mỹ và Trung Quốc, đã kéo giá trị xuất khẩu cá tra xuống thấp hơn so với năm 2022. Tuy nhiên, xuất khẩu cá tra đang có tín hiệu khả quan hơn ở một số thị trường Trung Quốc, Mexico, Canada, Brazil, Anh… Ngoài sản phẩm chủ lực là cá tra phile, thì các sản phẩm phụ như bong bóng cá tra khô, chả cá tra đang được nhiều thị trường quan tâm như Mỹ, Trung Quốc, Malaysia, Singapore.
Xuất khẩu tôm tới hết tháng 11/2023 ước đạt 3,15 tỷ USD, giảm 22% so với cùng kỳ năm ngoái.. Xuất khẩu tôm cũng bị chi phối bởi cạnh tranh về giá trong bối cảnh nguồn cung tôm thế giới dư thừa, giá bán hạ. Xuất khẩu sang hầu hết các thị trường chính đều thấp hơn so với cùng kỳ, trừ một vài thị trường nhỏ như Hongkong (Trung Quốc) và Thụy sỹ tăng 5%, Đài Loan (Trung Quốc) tăng 19%.
Ngoài ra, xuất khẩu cá ngừ 11 tháng đầu năm đạt khoảng 774 triệu USD, giảm 18%. So với các mặt hàng khác, cá ngừ có tín hiệu tích cực hơn. Dù xuất khẩu sang Mỹ vẫn giảm 35%, nhưng nhiều thị trường như EU, Thái Lan, Israel, Mexico, Nga, Hàn Quốc, Phillipine, Nhật Bản đang có xu hướng tăng nhập khẩu cá ngừ Việt Nam. Các sản phẩm loin cá ngừ hấp và cá ngừ đóng hộp có nhu cầu tốt hơn so với cá đông lạnh phile, cắt khúc …
Các loại cá khác, chủ yếu là cá biển tới hết tháng 11 đã mang về doanh số 1,74 tỷ USD, giảm 7% so với cùng kỳ năm 2022. Xuất khẩu mực, bạch tuộc, nhuyễn thể có vỏ, cua ghẹ tới hết tháng 11 vẫn tăng trưởng âm từ 10-13% so với cùng kỳ năm 2022.
Với diễn tiến hiện nay, xuất khẩu thủy sản cả năm 2023 ước tính sẽ đạt khoảng 9 tỷ USD, giảm 18% so với năm 2022. Trong đó, tôm sẽ thu về khoảng 3,4 tỷ USD, ít hơn 21% so với năm ngoái, cá tra ước đạt 1,8 tỷ USD, giảm 25%, cá ngừ đạt 850 triệu USD, giảm 15%; xuất khẩu mực, bạch tuộc ước đạt 660 triệu USD, giảm 14%.
Xuất khẩu rau quả đạt 5,3 tỷ USD sau 11 tháng
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), trong 11 tháng qua, xuất khẩu rau quả đạt 5,3 tỷ USD, trong đó sầu riêng đóng góp hơn 2 tỷ USD.
Bộ NN&PTNT cho biết, trong tháng 11/2023, xuất khẩu nông lâm thủy sản ước đạt 4,79 tỉ USD, tăng 13% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 11 tháng, tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản vẫn giảm gần 3% so với cùng kỳ, ước đạt 47,8 tỉ USD.
Nguyên nhân giảm do hai mặt hàng chủ lực là thủy sản và lâm sản xuất khẩu đều giảm tới gần 20% so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể, nhóm thủy sản đạt 8,2 tỉ USD (giảm 19%), lâm sản 13 tỉ USD (giảm 17%), đầu vào sản xuất 1,8 tỉ USD, giảm 18%.
Riêng nhóm nông sản và chăn nuôi lại tăng ấn tượng trong 11 tháng qua. Cụ thể, xuất khẩu nhóm nông sản đạt 24,3 tỉ USD (tăng 17%) và sản phẩm chăn nuôi 453 triệu USD (tăng 24%).
Đến nay, có 6 sản phẩm/nhóm sản phẩm đạt giá trị xuất khẩu trên 3 tỉ USD gồm cà phê (3,5 tỉ USD), gạo (4,41 tỉ USD), rau quả (5,3 tỉ USD, trong đó sầu riêng đóng góp hơn 2 tỉ USD), hạt điều (3,3 tỉ USD), tôm (3,4 tỉ USD), gỗ và sản phẩm gỗ (12 tỉ USD).
Xuất khẩu cà phê trong tháng 11/2023 đạt 80 nghìn tấn
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, ước tính xuất khẩu cà phê của Việt Nam trong tháng 11/2023 đạt 80 nghìn tấn, trị giá 252 triệu USD, tăng 83,0% về lượng và tăng 59,9% về trị giá so với tháng 10/2023, so với tháng 11/2022 giảm 37,9% về lượng và giảm 17,5% về trị giá.
Tính chung 11 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu cà phê của Việt Nam ước đạt xấp xỉ 1,38 triệu tấn, trị giá 3,54 tỷ USD, giảm 12,9% về lượng và giảm 2,5% về trị giá so với cùng kỳ năm. Ước tính, tháng 11/2023, giá xuất khẩu bình quân cà phê của Việt Nam đạt mức 3.148 USD/tấn, giảm 12,6% so với tháng 11/2023, nhưng tăng 32,8% so với tháng 11/2022.
Lũy kế 11 tháng năm 2023, giá xuất khẩu bình quân cà phê của Việt Nam ước đạt mức 2.570 USD/tấn, tăng 11,9% so với cùng kỳ năm 2022.
Xuất nhập khẩu vượt mốc 600 tỷ USD
Theo Tổng cục Thống kê, 11 tháng đầu năm 2023, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa ước đạt 619,17 tỷ USD; xuất siêu 25,83 tỷ USD. Cụ thể, trong tháng 11, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa ước đạt 60,88 tỷ USD, tăng 5,9% so với cùng kỳ năm 2022. Tính chung 11 tháng năm 2023, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa ước đạt 619,17 tỷ USD, giảm 8,3% so với cùng kỳ năm 2022. Cán cân thương mại hàng hóa 11 tháng năm 2023 ước tính xuất siêu 25,83 tỷ USD.
Về xuất khẩu hàng hóa, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 11/2023 ước đạt 31,08 tỷ USD, tăng 6,7% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 8,49 tỷ USD, tăng 13,5%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 22,59 tỷ USD, tăng 4,4%. Đây là điểm sáng rất tích cực khi mức tăng trưởng của khối doanh nghiệp trong nước tăng cao, gấp 3 lần khu vực có vốn đầu tư nước 2022.
Tính chung 11 tháng đầu năm 2023, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 322,50 tỷ USD, giảm 5,9% so với cùng kỳ năm 2022. Kim ngạch xuất khẩu mặc dù vẫn giảm so với cùng kỳ năm 2022 nhưng mức giảm trong tăng trưởng xuất khẩu đã thu hẹp đáng kể so với mức giảm 11,6% trong 6 tháng đầu năm 2023.
Trong 11 tháng đầu năm 2023 có 33 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 93,1% tổng kim ngạch xuất khẩu (có 07 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 66%). Nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực có tốc độ tăng trưởng dương so với cùng kỳ năm 2022.
Xuất khẩu sầu riêng 10 tháng vượt 2 tỷ USD
Hiệp hội Rau quả Việt Nam (Vinafruit) cho biết trong tháng 10, xuất khẩu sầu riêng đạt 350 triệu USD, giảm 21% so với tháng 9 nhưng tăng 345% so với tháng 10/2022. Tính chung 10 tháng năm 2023, xuất khẩu sầu riêng đạt hơn 2 tỷ USD, gấp 7 lần cùng kỳ năm 2022, chiếm 42% tổng kim ngạch xuất khẩu rau quả.
Theo đó, năm nay sầu riêng là loại trái cây có kim ngạch xuất khẩu cao kỷ lục, dẫn đầu trong nhóm rau quả Việt Nam và chiếm tỷ trọng 51%. Trong tổng kim ngạch xuất khẩu sầu riêng, 94% là hàng tươi được xuất đi 8 nước trên thế giới, 6% còn lại là hàng đông lạnh và hàng sấy.
Trong đó, Trung Quốc là thị trường tiêu thụ sầu riêng Việt cao nhất với thị phần chiếm 97%, đạt gần 1,9 tỷ USD. Ngoài thị trường Trung Quốc, năm nay xuất khẩu sầu riêng sang thị trường Czech cũng tăng đột biến đạt gần 10 triệu USD, tăng 28 lần so với cùng kỳ năm 2022.
Theo Hiệp hội Rau quả Việt Nam, kim ngạch tăng vọt như hiện nay, Việt Nam đang bám sát Thái Lan và vượt Malaysia, Philippines ở thị trường Trung Quốc. Những tháng cuối năm, sầu riêng trái vụ của Việt Nam tiếp tục có lợi thế hơn hàng Thái khi nước này đang bị ảnh hưởng bởi thời tiết. Theo các doanh nghiệp xuất khẩu, hai tháng cuối năm, Việt Nam có thể thu về 200-400 triệu USD từ xuất khẩu sầu riêng, nâng tổng kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này trong năm 2023 đạt 2,5 tỷ USD.