9 tháng năm 2024, xuất khẩu chè của Việt Nam đạt 105,84 nghìn tấn, trị giá 185,65 triệu USD |
Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, xuất khẩu chè của Việt Nam trong tháng 9/2024 đạt 13,09 nghìn tấn, trị giá 23,12 triệu USD, giảm 15,9% về lượng và giảm 21,2% về trị giá so với tháng 8/2024; nhưng tăng 21,3% về lượng và tăng 22,5% về trị giá so với tháng 9/2023.
Giá bình quân chè xuất khẩu trong tháng 9/2024 đạt 1.766 USD/tấn, giảm 6,2% so với tháng 8/2024, nhưng tăng 0,9% so với tháng 9/2023.
Tính chung, 9 tháng năm 2024, xuất khẩu chè của Việt Nam đạt 105,84 nghìn tấn, trị giá 185,65 triệu USD, tăng 29,5% về lượng và tăng 31,9% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023. Giá chè xuất khẩu bình quân trong 9 tháng đầu năm 2024 đạt 1.754 USD/tấn, tăng 1,8% so với cùng kỳ năm 2023.
Tháng 9/2024, xuất khẩu chè sang hầu hết các thị trường giảm so với tháng 8/2024: Xuất khẩu chè tới Pakistan giảm 21,5% về lượng và giảm 22,4% về trị giá; tới thị trường Đài Loan giảm 33,3% và 32,2%; tới Indonesia giảm 2,5% và 16,0%; tới Hoa Kỳ giảm 51,3% và 58,8%; tới Malaysia giảm 43,8% và 48,2%...
So với tháng 9/2024, xuất khẩu chè sang thị trường Pakistan tăng 30,8% về lượng và tăng 40,5% về trị giá; tới Trung Quốc tăng mạnh 387,9% và 123,0%; tới Nga tăng 60,5% và 103,1%... Ngược lại, xuất khẩu chè sang thị trường Đài Loan giảm 11,3% và 13,3%; tới Indonesia giảm 9,5% và 19,7%; tới Hoa Kỳ giảm 18,9% và 11,9%...
Tính chung 9 tháng đầu năm 2024, Pakistan tiêu thụ 33,3% tổng lượng chè xuất khẩu của Việt Nam, đạt 35,22 nghìn tấn, với trị giá 74,18 triệu USD, tăng 5,5% về lượng và tăng 15,1% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023.
Đáng chú ý, xuất khẩu chè sang thị trường Trung Quốc tăng mạnh 245,6% về lượng và tăng 108,8% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023, đạt 10,47 nghìn tấn, với trị giá 14,94 triệu USD.
Mặc dù đã có sự tăng trưởng tốt nhưng xuất khẩu chè của Việt Nam vẫn "lận đận" ở con số dưới 200 triệu USD, tức là chỉ bằng 5% so với cà phê (xuất khẩu cà phê đã vượt qua 4 tỷ USD). |
Các doanh nghiệp nhận định, năm 2024 ghi nhận nhiều tín hiệu tích cực cho xuất khẩu chè, với nhiều thị trường tăng mua từ 50% đến 230%. Kỳ vọng xuất khẩu mặt hàng này trong 3 tháng cuối năm đạt kỷ lục, có thể cả năm vượt qua mốc 229 triệu USD của năm 2011.
Việt Nam hiện là quốc gia xuất khẩu chè lớn thứ 8 trên thế giới. Tuy nhiên, xuất khẩu chè vẫn thấp hơn so với cà phê. Trong khi xuất khẩu cà phê đã vượt qua 4 tỷ USD thì xuất khẩu chè vẫn “lận đận” ở con số dưới 200 triệu USD, tức là chỉ bằng 5% so với cà phê.
Hiệp hội Chè Việt Nam cho biết, nguyên nhân là do chè xuất khẩu thường chỉ là chè thô, đóng trong bao lớn, không có nhãn mác; các đối tác nhập khẩu mua về sau đó đóng gói nhỏ, dán nhãn mác của họ rồi đem đi tiêu thụ.
Theo Cục Xuất nhập khẩu, để đẩy mạnh xuất khẩu sang các thị trường lớn trên thế giới và nâng cao giá trị chè, ngành chè Việt Nam phải đẩy mạnh sản xuất chè theo hướng an toàn; khuyến khích các doanh nghiệp sản xuất chè ứng dụng công nghệ cao, sinh học, sản xuất nông nghiệp hữu cơ.
Đồng thời ,hỗ trợ người trồng chè liên kết sản xuất gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm; hỗ trợ doanh nghiệp quảng bá, xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm chè; đa dạng hóa sản phẩm, chú trọng tăng nhanh tỷ trọng những sản phẩm có giá trị cao và sản phẩm mới…