Một số bài thuốc chữa bệnh hiệu quả từ cây sả Một số biện pháp phòng chống dịch bệnh đậu mùa khỉ Một số bài thuốc chữa bệnh hiệu quả từ cây núc nác |
Thay vì tìm đến các loại thuốc tây y, thuốc kháng sinh khi có dấu hiệu cảm cúm, bạn có thể thử áp dụng phương pháp giải cảm dân gian là xông hơi, vừa an toàn, mang đến hiệu quả tốt và còn có tác dụng thư giãn tinh thần, giúp bạn thoải mái hơn khi bị bệnh.
Các loại lá để nấu nồi nước xông thường có mùi thơm và dùng lá tươi để có hàm lượng tinh dầu cao, khả năng khuếch tán tinh dầu tốt. Các loại lá thường dùng gồm lá chanh, sả, hương nhu, bưởi, tía tô, kinh giới, hoắc hương, quế, gừng, bạc hà, húng chanh, tre, dâu... Mỗi lần dùng 5-10 loại lá tùy điều kiện, tổng lượng khoảng 600-1.000 g.
Tiếp đó, bạn rửa sạch tất cả các loại lá, rồi cho vào nồi (trừ lá bạc hà) và đổ nước vào sao cho phần nước vừa ngập phần lá xông. Đun nhỏ lửa cho sôi khoảng 10 phút, khi chuẩn bị xông thì cho lá bạc hà vào đun tiếp 1- 2 phút nữa. Khi xông, bạn nên chọn nơi thật kín gió, cởi quần áo, trùm chăn kín người, mở nồi một cách chậm rãi để cơ thể kịp thích nghi, tiến hành xông trong 5 - 10 phút. Khi xông xong, bạn từ từ mở chăn để cơ thể không bị sốc nhiệt, tiếp đó lấy nước xông đã nguội tắm thật nhanh rồi lau khô người, mặc quần áo, rồi nằm nghỉ.
Công dụng của từng loại lá:
Bạn có thể lựa chọn những loại lá thuận tiện và có công dụng phù hợp với bản thân để xông, không cần thiết phải chuẩn bị quá kỹ càng và đầy đủ, sẽ khiến việc thực hiện khó khăn và mất công hơn. Bạn có thể lưu ý các công dụng cơ bản của các loại lá như sau:
Lá tre: Giải nhiệt, thanh tâm, tiêu đờm, khiến mồ hôi ra, sát khuẩn, cảm sốt.
Sả: Làm cho ấm bụng tiêu hóa, sát khuẩn, khử uế, tiêu đờm, cảm sốt, đau bụng, tiêu chảy, đầy hơi, nôn mửa, ho, viêm phổi, giải độc rượu.
Lá bưởi: Giải cảm, tiêu thực. Uống trị sốt ho, nhức đầu.
Ngải cứu: Cầm máu, điều hòa khí huyết.
Hương nhu: Cảm nắng, sốt nóng, nhức đầu, làm cho ra mồ hôi.
Bạc hà: Sát khuẩn ngoài da và tai mũi họng, chống viêm. Nước xông bạc hà trị cảm cúm, nhức đầu, sổ mũi, đau họng.
Tía tô: Khu phong trừ hàn, trị cảm mạo.
Bên cạnh đó, bạn cũng có thể bổ sung, gia giảm thêm 1 số lá tương ứng với nhu cầu sức khỏe như lá ruối hoặc ngũ gia bì cho người đau nhức mình mẩy, gân cốt; thân rễ cây cúc tần cho người cơ thể không ra được mồ hôi; lá xoài cho người bị đau họng nhiều; lá đại bi cho người ho nhiều kèm có đờm...
Chú ý: Trước khi xông múc để riêng một cốc nước, khi xông xong uống để đề phòng cảm lạnh khi bỏ chăn ra và nâng cao hiệu quả điều trị. Môi trường để xông tuyệt đối kín gió, để tránh cảm lạnh, không nên xông quá lâu gây mất tân dịch (mất nước) gây hiện tượng ngộ hãn.
Do thành phần dược liệu có nhiều tinh dầu, nhất là sả, bạc hà và sức nóng của nhiệt lớn nên không được dùng cho phụ nữ mang thai. Trong quá trình xông đề phòng bỏng. Không xông khi cơ thể đang sốt cao hoặc đang hôn mê. Không cho trẻ nhỏ và người không điều khiển được hành vi sử dụng phương pháp này.