Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, Việt Nam đã xây dựng được một hệ thống văn bản quy phạm pháp luật tương đối đầy đủ về khai thác khoáng sản, bao gồm các quy trình về thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng khoáng sản và quản lý thu chi ngân sách… Tuy nhiên, hiện vẫn đang tồn tại khoảng cách nhất định giữa những quy định của pháp luật và thực tiễn quản lý, giữa nội dung văn bản và việc thực hiện nghĩa vụ tài chính trong khai thác khoáng sản. Tình trạng trốn thuế tài nguyên (chủ yếu là do khai báo không đúng sản lượng để tính thuế và sản lượng khai thác thực tế), vận chuyển, buôn bán lậu... đã và đang diễn ra ở nhiều địa phương, dẫn tới thất thu ngân sách. Đặc biệt, công khai thông tin và trách nhiệm giải trình của các bên trong khai khoáng còn rất hạn chế. Dẫn đến tình trạng người dân ở nhiều địa phương có các dự án khai khoáng chưa thể giám sát được nguồn thu từ hoạt động khai thác khoáng sản, thậm chí, họ còn chịu nhiều ảnh hưởng của môi trường dẫn đến tình trạng xung đột, tranh chấp giữa người dân và doanh nghiệp ở một số địa phương. Thực tế đã thấy rất rõ, tình trạng khai thác tài nguyên khoáng sản tràn lan, nhiều nơi vô tổ chức đã không những làm thất thoát lớn nguồn tài nguyên mà còn ảnh hưởng xấu đến cơ sở hạ tầng, làm xuống cấp rất nhanh hệ thống đường xá, cầu cống, phá hủy môi trường sống, nảy sinh nhiều tệ nạn xã hội cho địa phương nơi có khoáng sản. Tuy nhiên thực trạng hiện nay có không ít nơi đang có dấu hiệu quản lý, khai thác và sử dụng khoáng sản không đúng với các quy định về Luật khoáng sản, Luật Bảo vệ môi trường đang có hiệu lực thi hành. |
Thời gian gần đây, Tạp chí Thương hiệu và Sản phẩm nhận được nhiều thông tin về tình trạng cát tặc khai thác cát trái phép trên sông Hồng địa phận xã Mộc Bắc, thị xã Duy Tiên, tỉnh Hà Nam.
Để xác minh thông tin phản ánh, Phóng viên đã có mặt tại xã Mộc Bắc để ghi nhận thực tế. Theo đó, qua ghi nhận tại đây trên sông Hồng thuộc địa phận xã Mộc Bắc (khu vực lò gạch – đối diện với bến đò Giáng huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên) có tình trạng cát tặc khai thác cát trái phép. Lọt vào ống kính phóng viên là hình ảnh tàu khai thác cát không biển hiệu theo quy định đang vô tư hoạt động khai thác tài nguyên giữa ban ngày.
![]() |
Tình trạng cát tặc khai thác cát trái phép trên sông Hồng địa phận xã Mộc Bắc, thị xã Duy Tiên, tỉnh Hà Nam |
Ghi nhận thêm tại đây, không khỏi xót xa khi nhìn thấy bờ sông Hồng thuộc địa bàn xã Mộc Bắc trở nên nham nhở vì sạt lở. Trao đổi với Phóng viên, một người dân tại địa phương cho biết: "Đất bờ sông chúng tôi canh tác để trồng cỏ phục vụ việc nuôi bò sữa tuy nhiên vài năm gần đây luôn diễn ra tình trạng sạt lở."
Trước thực trạng trên, ngày 22/4 Phóng viên Tạp chí Thương hiệu và Sản phẩm đã làm việc với đại diện phía UBND xã Mộc Bắc. Tham gia buổi làm việc có: Ông Đoàn Trọng Khiêm – Phó Chủ tịch UBND xã Mộc Bắc, ông Vũ Đức Luyện – Trưởng Công an xã Mộc Bắc, ông Nguyễn Trung Kiên – Phó Công an xã Mộc Bắc, ông Lưu Văn Hiến – Cán bộ địa chính UBND xã Mộc Bắc.
Qua trao đổi, Phó Chủ tịch UBND xã Mộc Bắc cho biết: "Hiện tại trên địa bàn xã có 3 mỏ được cấp phép. Vị trí mà phóng viên ghi nhận tình trạng khai thác cát không thuộc mỏ nào trên địa bàn xã. Địa điểm trên nằm trên địa bàn xã và giáp ranh với 3 tỉnh Hà Nam, Hà Nội, Hưng Yên. Tình trạng khai thác cát trên là do cát tặc khai thác lậu. Sau khi nhận được phản ánh từ người dân, phía xã đã cử trực tiếp đồng chí Nguyễn Trung Kiên – Phó Công an xã Mộc Bắc đi kiểm tra.
Về tình trạng cát tặc diễn ra trên địa bàn xã Mộc Bắc thì địa phương cũng đã nắm được và có báo cáo với các cơ quan chuyên môn, Công an thị xã Duy Tiên, Cảnh sát đường sông và UBND thị xã Duy Tiên. Còn về phía địa phương cũng chỉ biết đứng trên bờ ghi nhận hình ảnh chứ không có phương tiện để trực tiếp ra vị trí cát tặc khai thác."
![]() |
Ông Đoàn Trọng Khiêm – Phó Chủ tịch UBND xã Mộc Bắc cho biết: về phía địa phương cũng chỉ biết đứng trên bờ ghi nhận hình ảnh chứ không có phương tiện để trực tiếp ra vị trí cát tặc khai thác. |
Ông Nguyễn Trung Kiên thông tin thêm: "Sau khi được lãnh đạo xã chỉ đạo, tôi đã trực tiếp đi kiểm tra từ lúc 6h sáng ngày 21/4. Quá trình kiểm tra có phát hiện một tàu cát đang khai thác lậu. Ngay sau khi phát hiện, chúng tôi đã thông báo cho các lực lượng chức năng có chuyên môn công an tỉnh Hà Nam, công an thị xã Duy Tiên về tình trạng này. Theo chuyên môn, chúng tôi cũng chỉ ghi nhận đề xuất với các cơ quan có chuyên môn, có thẩm quyền để có hướng xử lý."
Như vậy, việc cát tặc khai thác cát trên sông Hồng, UBND xã Mộc Bắc (thị xã Duy Tiên, tỉnh Hà Nam) đã nắm được. Tuy nhiên, do hạn chế về mặt phương tiện, chức năng và thẩm quyền nên UBND xã chỉ biết báo cáo lên thị xã để ngăn chặn xử lý.
![]() |
Tài nguyên đang bị chảy máu do cát tặc hoành hành trên sông Hồng địa bàn xã Mộc Bắc, thị xã Duy Tiên, tỉnh Hà Nam |
Tài nguyên khoáng sản đang chảy máu từng ngày nhưng chính quyền cấp cơ sở lại hạn chế trong công tác xử lý ngăn chặn. Trong khi đó, người dân đang mất dần đất phù sa phì nhiêu màu mỡ được sông Hồng bồi đắp để bà con canh tác.
Theo lời của cán bộ xã Mộc Bắc, trách nhiệm ngăn chặn và xử lý cát tặc trên Sông Hồng đoạn thuộc địa bàn xã Mộc Bắc lại được đẩy lên UBND thị xã Duy Tiên và cấp cao hơn nữa là UBND tỉnh Hà Nam cùng các cơ quan chức năng khác như Cảnh sát giao thông đường thủy, phòng chuyên môn, Sở ngành liên quan của thị xã Duy Tiên và của tỉnh Hà Nam.
Tiếp sau đây, UBND thị xã Duy Tiên sẽ làm gì để chấm dứt thực trạng trên, bảo vệ tài nguyên khoáng sản và tài nguyên đất của người dân?
Tạp chí Thương hiệu và Sản phẩm sẽ tiếp tục thông tin.
Ở một diễn biến khác, để làm rõ hơn về việc báo cáo tình trạng khai thác cát trái phép trên địa bàn của UBND xã Mộc Bắc tới các cơ quan chuyên môn. Ngày 26/4, Phóng viên Tạp chí Thương hiệu và Sản phẩm đã có cuộc trao đổi nhanh với ông Trần Hồng Thanh - Chủ tịch UBND xã Mộc Bắc. Qua trao đổi, ông Thanh cho biết: Về thực trạng này xã đã báo cáo lên các cơ quan chuyên môn bằng cả điện thoại và cả văn bản. Còn về việc cung cấp biên bản báo cáo xã từ chối cung cấp. |