Điều tra của VCCI - Liên đoàn thương mại và công nghiệp Việt Nam cho thấy các doanh nghiệp đánh giá công tác hỗ trợ doanh nghiệp đã có nhiều chuyển biến tích cực, việc tiếp cận thông tin, chính sách thuận lợi hơn, chi phí không chính thức tiếp tục chiều hướng giảm, cải cách thủ tục hành chính phát huy hiệu quả, trong đó có việc đẩy mạnh tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính trực tuyến góp phần đáng kể tiết giảm thời gian, chi phí cho các doanh nghiệp.
Nhiều cải cách về thể chế, pháp luật kinh doanh
Thời gian qua, là việc Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã tích cực thúc đẩy mạnh mẽ các hoạt động xây dựng, hoàn thiện chính sách, pháp luật, đặc biệt là các chính sách lớn, tác động trực tiếp đến môi trường đầu tư kinh doanh của doanh nghiệp.
Các đại diện doanh nghiệp gặp mặt Chính phủ nhân ngày Doanh nhân Việt Nam 2024 |
Từ cuối năm 2023, việc xây dựng, ban hành các luật lớn, quan trọng tác động đến môi trường đầu tư kinh doanh như Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Đấu thầu,... cũng như hoàn thiện các văn bản hướng dẫn đã góp phần thảo gỡ những điểm vưởng, tạo tính đồng bộ, thống nhất và thúc đẩy hoạt động đầu tư.
Trong năm 2024, những luật lớn liên quan đến tài chính như Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt, Luật Thuế giá trị gia tăng, Luật thuế thu nhập doanh nghiệp, cũng đang được xem xét sửa đổi với nhiều chế định sửa đổi quan trọng”. Đặc biệt là việc soạn thảo hai dự án Luật sửa đổi các luật lớn để khắc phục những điểm vướng, khai thông các dự án đầu tư và tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi hơn.
Thủ tướng Chính phủ cũng thành lập Ban chỉ đạo rà soát, xử lý vướng mắc trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) để nhận diện, xử lý các điểm vướng, bất cập của các quy định về kinh doanh.
Ban Chỉ đạo đã tiến hành rà soát, tổng hợp vướng mắc tử nhiều ngành, lĩnh vực và kiến nghị sửa đổi nhiều chế định lớn. Các kiến nghị của Ban Chỉ đạo được cản nhắc, xem xét để xây dựng hai luật sửa đổi, bổ sung các luật nổi trên.
Nhiều cải cách về thể chế, pháp luật kinh doanh tạo ra môi trường kinh doanh tích cực. |
Phản hồi tích cực từ phía doanh nghiệp
Những chính sách mới ban hành và các chính sách đang soạn thảo đề nhận được sự quan tâm và kỳ vọng rất lớn của cộng đồng kinh doanh. Các doanh nghiệp, hiệp hội đã tham gia rất tích cực vào hoạt động xây dựng chính sách và pháp luật.
Riêng trong 09 tháng đầu năm 2024, Liên đoàn thương mại và công nghiệp Việt Nam đã gửi 120 văn bản góp ý, trong đó có các góp ý đối với những luật quan trọng. Liên đoàn cũng tích cực tham gia hơn 28 cuộc họp thẩm định, thẩm tra các văn bản pháp luật quan trọng tại Bộ Tư pháp, tại các Ủy ban của Quốc hội, các cuộc họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và hơn 139 cuộc họp, hội thảo, hội nghị tại các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ để trao đổi, góp ý về các vấn đề về chính sách, pháp luật.
Từ đầu năm 2024 đến nay, cộng đồng doanh nghiệp cảm nhận được những chuyển động chính sách rất tích cực từ các cơ quan soạn thảo. Nhà nước đã có những nỗ lực trong việc sửa đổi, bổ sung những quy định gây vướng, không còn phù hợp với thực tế. Các hoạt động cải cách thủ tục hành chính cũng được thúc đẩy đối với những quy định hiện hành và kiểm soát trong các văn bản soạn thảo mới.
Mặc dù vậy, bên cạnh những nỗ lực rất đáng hoan nghênh này, cộng đồng kinh doanh kỳ vọng hơn nữa về mức độ cải cách và giải quyết các điểm vướng mắc, bất cập của quy định pháp luật.
Nhiều Nghị quyết là điểm tựa cho doanh nghiệp, doanh nhân
Trước đó, ngày 10/10/2023, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 41-NQ/TW về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới, thay thế cho Nghị quyết số 09-NQ/TW.
Nghị quyết 41-NQ/TW đã nhấn mạnh quan điểm “đội ngũ doanh nhân có vị trí, vai trò quan trọng, là một trong những lực lượng nòng cốt góp phần đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và hội nhập quốc tế; xây dựng và phát triển nền kinh tế độc lập, tự chủ, bảo đảm quốc phòng, an ninh".
Nghị quyết 41-NQ/TW có những quan điểm và giải pháp mới rất quan trọng như cần tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, an toàn, bình đẳng để doanh nhân phát triển và cống hiến; bổ sung chế tài kinh tế phù hợp để xử lý vi phạm, không hình sự hóa quan hệ kinh tế,..
Các đại diện doanh nghiệp gặp mặt Chính phủ nhân ngày Doanh nhân Việt Nam 2024 |
Tiếp đó, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 66/NQ-CP, ngày 9/5/2024, về chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 41-NQ/TW.
Nghị quyết 66/NQ-CP đã đề ra nhiều mục tiêu quan trọng về phát triển doanh nhân, doanh nghiệp như: đến năm 2030, có ít nhất 2 triệu doanh nghiệp; đến năm 2045 hình thành và phát triển đội ngũ doanh nhân Việt Nam có quy mô, năng lực và trình độ đáp ứng mục tiêu quốc gia phát triển, thu nhập cao, có vị thế, uy tín trong khu vực và quốc tế,...
Theo thống kê sơ bộ của VCCI và Ban Kinh tế Trung ương, đến nay đã có 55/63 tỉnh/thành ủy, 22 ban bộ ngành trung ương và các tổ chức chính trị xã hội ban hành chương trình hành động, kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 41-NQ/TW.
Những thay đổi trong chính sách và pháp luật đang tạo nên nhiều điểm sáng trong môi trường đầu tư kinh doanh tại Việt Nam. Thông qua đó, Chính phủ bày tỏ hy vọng các cải cách trong thời gian tới sẽ giúp Việt Nam duy trì vị thế là điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư trong tương lai.