Lợi nhuận trước thuế của Manulife đạt 2.127 tỷ đồng, giảm 12,6% so với cùng kỳ. |
Theo báo cáo tài chính 6 tháng đầu năm, nhiều doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ top đầu đều có lãi sau thuế đi lùi so với cùng kỳ. Đây là năm thứ hai liên tiếp ngành bảo hiểm nhông nhân thọ sụt giảm lợi nhuận, kể từ sau cuộc khủng hoảng niềm tin vào đầu 2023.
Công ty TNHH Manulife Việt Nam (Manulife) mới đây đã công bố báo cáo tài chính bán niên 2024 với lợi nhuận trước thuế đạt 2.127 tỷ đồng, giảm 12,6% so với cùng kỳ.
Mặc dù lợi nhuận đi lùi nhưng Manulife vẫn là doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ lãi lớn nhất trong nửa đầu năm 2024, cao hơn cả "ông lớn" Bảo Việt Nhân Thọ (776 tỷ đồng) hay Prudential (1.092 tỷ đồng), Dai-ichi Life (1.362 tỷ đồng).
Trong 6 tháng đầu năm, mảng kinh doanh bảo hiểm của Manulife lỗ 1.329 tỷ đồng, trái ngược với mức lãi 1.302 tỷ đồng của cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân do doanh thu thuần giảm mạnh 24% trong khi chi phí gần như không dổi.
Cụ thể, Manulife ghi nhận doanh thu phí bảo hiểm gốc đạt 8.634 tỷ đồng, giảm 24,4% so với cùng kỳ. Trong đó, doanh thu phí các mảng chủ chốt như bảo hiểm liên kết đầu tư và bảo hiểm hỗn hợp, sức khỏe đều giảm mạnh so với cùng kỳ 2023.
Là trụ cột "gồng gánh" lợi nhuận, hoạt động tài chính tiếp tục diễn biến tích cực khi ghi nhận khoản lãi thuần 3.142 tỷ đồng, tăng hơn 40% so với nửa đầu năm 2023. Trong đó, doanh thu hoạt động tài chính của Manulife đạt hơn 3.903 tỷ đồng, tăng 53,5% chủ yếu nhờ lãi từ mua bán cổ phiếu cao gấp gần 17 lần cùng kỳ năm trước (1.359 tỷ đồng) và lãi tiền gửi ngân hàng tăng 81,7% (819 tỷ đồng).
Đến cuối tháng 6, quy mô đầu tư tài chính của Manulife ở mức 106.422 tỷ đồng, tăng 9,6% so với đầu năm và chiếm 83,6% tổng tài sản. Trong đó, quy mô đầu tư tài chính ngắn hạn tăng 29,6%, lên mức 38.251 tỷ đồng và đầu tư tài chính dài hạn tăng 0,9%, đạt 68,171 tỷ đồng.
Một doanh nghiệp bảo hiểm khác là Công ty TNHH Bảo hiểm nhân thọ Prudential Việt Nam công bố báo cáo tài chính bán niên 2024 với doanh thu thuần hoạt động kinh doanh bảo hiểm đạt 10.968 tỷ đồng, giảm 13,3% so với cùng kỳ năm 2023.
Doanh thu phí bảo hiểm gốc 6 tháng đầu năm của Prudential chỉ đạt 11.143 tỷ đồng, giảm 13,2% so với cùng kỳ (giảm mạnh nhất là doanh thu của bảo hiểm liên kết đầu tư – giảm 21,9%).
Trong khi đó, tổng chi phí hoạt động kinh doanh bảo hiểm lại tăng 2,6% lên 12.640 tỷ đồng, bao gồm hơn 11.880 tỷ đồng chi bồi thường và trả tiền bảo hiểm (tăng 5,8% so với cùng kỳ) và 760 tỷ đồng chi phí khác, chủ yếu là chi phí hoa hồng (giảm 30,6% so với cùng kỳ).
Kết quả, nửa đầu năm 2024, hoạt động kinh doanh bảo hiểm của Prudential lỗ gộp 1.672 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi gần 322 tỷ đồng.
Bù lại, hoạt động tài chính tiếp tục là điểm sáng của Prudential trong nửa đầu năm 2024 với doanh thu hơn 6.508 tỷ đồng, tăng 17% so với cùng kỳ. Trừ đi chi phí 321 tỷ đồng, công ty lãi thuần 6.187 tỷ đồng từ mảng kinh doanh này, tăng 16,8% so với cùng kỳ.
Theo thuyết minh, lãi thuần từ hoạt động tài chính tăng trưởng chủ yếu nhờ việc Prudential ghi nhận lãi hơn 719 tỷ đồng từ việc bán chứng khoán đầu tư, cùng kỳ năm trước lỗ 449 tỷ đồng. Trong khi thu nhập lãi từ trái phiếu, tiền gửi,... biến động không quá lớn so với cùng kỳ.
Về mặt chi phí, nửa đầu năm 2024, chi phí bán hàng của công ty giảm 22,7% so với cùng kỳ xuống 2.117 tỷ đồng, phần lớn do giảm mức chi thưởng, hỗ trợ quyền lợi khác cho đại lý bảo hiểm cũng như chi phí khuyến mãi, hội thảo khách hàng. Chi phí quản lý doanh nghiệp lại nhích nhẹ lên 1.304 tỷ đồng.
Kết quả, trừ chi phí công ty lãi thuần 1.093 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế và sau thuế lần lượt đạt 1.092 tỷ đồng và 916 tỷ đồng, đều giảm 31,8% so với nửa đầu năm 2023.
Về quy mô tài sản, tính đến ngày 30/6/2024, tổng tài sản của Prudential đạt 182.282 tỷ đồng, tăng 3,2% so với đầu năm và hiện chỉ kém Bảo Việt Nhân thọ (205.906 tỷ đồng). Trong đó, 72,5% tài sản của Prudential là tài sản dài hạn (132.227 tỷ đồng) và gần 27,5% còn lại là tài sản ngắn hạn (50.055 tỷ đồng).
Kết quả hoạt động kinh doanh của Công ty TNHH Bảo hiểm Nhân thọ AIA Việt Nam giảm khoảng 700 tỉ đồng. |
Cùng xu hướng giảm còn có Công ty TNHH Bảo hiểm Nhân thọ AIA Việt Nam, công bố báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh giữa niên độ 2024 với các chỉ tiêu doanh thu thuần kinh doanh bảo hiểm đạt hơn 6.859 tỉ đồng, giảm khoảng 700 tỉ đồng so với cùng kỳ năm ngoái; lợi nhuận trước thuế hơn 581 tỉ đồng, giảm gần một nửa so với cùng kỳ (hơn 1.100 tỉ đồng).
Một doanh nghiệp bảo hiểm nước ngoài khác là Công ty TNHH Bảo hiểm Nhân thọ Generali Việt Nam công bố doanh thu thuần kinh doanh bảo hiểm 6 tháng đầu năm 2024 giảm gần 300 tỉ đồng so với cùng kỳ, khi đạt 1.472 tỉ đồng. Do đó lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp này cũng giảm sâu còn 116,7 tỉ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái đạt 449,8 tỉ đồng.
18 tháng qua, ngành bảo hiểm nhân thọ đối diện với nhiều thay đổi. Luật Kinh doanh bảo hiểm có hiệu lực từ đầu 2023 và Thông tư 67 từ cuối năm ngoái đưa ra chính sách chặt chẽ hơn, chú trọng bảo vệ quyền lợi của người tham gia bảo hiểm. Các ngân hàng bị cấm bán bảo hiểm liên kết đầu tư trước và sau giải ngân 60 ngày. Đồng thời, tư vấn viên phải ghi âm, ghi hình quá trình tư vấn. Các kỳ thi với sản phẩm liên kết đơn vị được tổ chức khắt khe, khiến tỷ lệ đỗ xuống thấp. Mức hoa hồng chi trả cho đại lý trong năm đầu tiên với sản phẩm bảo hiểm liên kết đầu tư còn 30%, giảm 10% so với trước.
Lãnh đạo ngành bảo hiểm nhân thọ thừa nhận thị trường đã phát triển nhanh và cần thanh lọc để đi đúng hướng. Xu hướng phát triển chung là tư vấn viên phải giỏi, chuyên nghiệp mới trụ được với nghề, chứ không còn xảy ra tình trạng "đi vào, đi ra liên tục" như trước.