Tiền Giang phát huy thế mạnh cây trồng đặc sản Giá sầu riêng tăng mạnh, nông dân lãi 1,2 - 1,5 tỷ đồng/héc ta Xuất khẩu rau củ quả sẽ đạt kỷ lục mới? |
Trung Quốc chi hơn 2 tỷ USD để mua sầu riêng Việt Nam. |
Năm thắng lớn của ngành sầu riêng
Năm 2023, Trung Quốc đã chi hơn 2 tỷ USD để mua gần 524.000 tấn sầu riêng từ Việt Nam, tăng hơn 11 lần so với năm trước đó.
Đây là số liệu mới nhất được Hiệp hội Rau quả Việt Nam dẫn từ Hải quan Trung Quốc. Theo đó năm ngoái, sầu riêng Việt Nam được Trung Quốc mua với số lượng nhiều nhất từ trước tới nay. Nâng thị phần sầu riêng Việt Nam tại thị trường Trung Quốc từ 6% năm 2022 lên gần 33% trong năm 2023.
Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, cho rằng 2023 là một năm thắng lớn của ngành sầu riêng. Với sản lượng xuất khẩu gần 524.000 tấn sang Trung Quốc, Việt Nam đang khiến thị phần sầu riêng của Thái Lan, Malaysia bị thu hẹp.
Những tháng đầu năm nay, ông Nguyên cho rằng sầu riêng Việt đang "một mình một chợ" tại Trung Quốc, nhất là dịp Tết Nguyên Đán nhu cầu biếu tặng của người dân nước này cao. Trong khi đó, nguồn cung hàng trái vụ có số lượng hạn chế nên giá được dự báo tiếp tục tăng.
Theo ông Nguyên, sầu riêng Việt Nam có lợi thế về giá và thời gian vận chuyển, chỉ mất khoảng 2 ngày so với 7 ngày từ Thái Lan, nhưng các nhà cung cấp khác cũng có thế mạnh riêng. Thái Lan giữ ưu thế về sản lượng, là nhà cung cấp sầu riêng nhập khẩu chính cho Trung Quốc với 68% thị phần. Nước này cũng đang chuyển sang vận chuyển bằng tàu cao tốc Lào - Trung Quốc để rút ngắn thời gian vận chuyển.
Chưa tận dụng được hết giá trị của quả sầu riêng mang lại
Chưa tận dụng được hết giá trị của quả sầu riêng mang lại. |
Việt Nam có thế mạnh so với các nước trong khu vực, bởi quả sầu riêng chúng ta có quanh năm, chỉ có tháng nhiều tháng ít. Còn Thái Lan, đối thủ cạnh tranh lớn nhất chỉ có vài tháng trong năm. Thêm nữa, mình trồng được rải từ miền Nam cho đến miền Trung, đầu năm thì sầu riêng ở miền Nam chín, giữa năm là Đông Nam Bộ, cuối năm là Tây Nguyên, nghịch vụ ở miền Tây.
Trong khi đó thị trường tiêu thụ sầu riêng lớn nhất của nước ta là Trung Quốc. Ở các tỉnh giáp biên giới với Việt Nam như Quảng Tây, Quảng Đông, Vân Nam có các chợ đầu mối rau quả lớn nhất Trung Quốc nằm ở cách biên giới nước ta khoảng 100km, từ đây quả sầu riêng được vận chuyển đến nhiều nơi trên đất nước Trung Quốc tiêu thụ. Như vậy mình có thế mạnh về vận chuyển gần, người ta nói, nhất cự ly nhì tốc độ, và chúng ta cũng gần các cảng biển lớn của Trung Quốc, nhất cận thị, nhị cận giang. Còn các nước trong khu vực khác như Myanmar họ xuất sang Trung Quốc rồi vòng vèo mấy ngàn km mới tới chợ đầu mối, Thái Lan nhiều khi phải mượn đường của Việt Nam để xuất sầu riêng.
Ngoài ra Việt Nam còn có lợi thế logictics và mùa vụ dài hơn so với các nước khác, nên mặt hàng sầu riêng của chúng ta "còn sống dai lắm". Chính vì thế, ngành hàng sầu riêng năm 2023 tăng 500% so với năm 2022, đứng sau là mít năm 2023 xuất khẩu tăng 40% so với năm 2022, các mặt hàng khác như chuối và xoài chỉ tăng vài phần trăm.
Theo chia sẻ của ông Nguyên, năm 2023 lịch sử trong mấy chục năm Việt Nam xuất khẩu rau quả, sức bật rất nhanh, chỉ trong vòng một năm tăng 70%, đó là do những năm tháng bị Covid 19 xuất khẩu sang Trung Quốc đình trệ, buộc người dân và doanh nghiệp xuất khẩu sang thị trường khác đòi hỏi yêu cầu cao hơn nên phải nâng cao chất lượng. Trung Quốc cũng vậy, khi mở cửa cũng đòi hỏi chất lượng quả sầu riêng tốt hơn, khi đó người dân Việt Nam đã biết tạo ra sản phẩm là chất lượng, mẫu má phù hợp để xuất khẩu.
Thêm nữa, việc Việt Nam ký kết 16 hiệp định thương mại tự do FTA giúp hàng hóa nước ta đi các nước được giảm thuế quan, tăng các mặt hàng xuất khẩu. Nghị định thư xuất khẩu chính ngạch sầu riêng sang Trung Quốc đã góp phần giúp kim ngạch xuất khẩu rau quả Việt Nam 2023 tăng mạnh, các nhà quản lý bất ngờ.
Tuy nhiên, sầu riêng của Việt Nam mới xuất khẩu được quả tươi chứ chưa xuất được đông lạnh, vì thế, chúng ta chưa tận dụng được hết giá trị sầu riêng mang lại. Nếu xuất được đông lạnh tăng giá trị xuất khẩu, đem lại giá trị cho người nông dân và doanh nghiệp hơn.
Năm 2024 nếu sầu riêng xuất được đông lạnh, được cấp thêm mã số vùng trồng, từ đó mình có thể tăng kim ngạch xuất khẩu rau quả lên 6,5 tỷ USD, riêng sầu riêng dự báo năm 2024 đạt 3,5 tỷ USD. Để làm tốt việc cấp mã số vùng trồng, chúng ta phải tập huấn cho người nông dân, vấn đề giúp người dân nắm bắt kỹ thuật, làm sao khi đối tác kiểm tra sẽ đạt tiêu chuẩn xuất khẩu.