Lợi thế phát triển cây sầu riêng của Tiền Giang
Tiền Giang với điều kiện thổ nhưỡng thuận lợi phát triển cây ăn trái, trong đó, có cây sầu riêng. |
Với các vùng sinh thái khá rõ rệt (ngọt, mặn, lợ, phèn…), Tiền Giang có điều kiện thuận lợi để hình thành nên những vùng chuyên canh cây ăn trái đặc sản nổi tiếng, trong đó, có cây sầu riêng. Diện tích sản xuất sầu riêng tỉnh Tiền Giang, tính đến cuối năm 2022 trên 17.600 ha (diện tích cho sản phẩm là 10.500 ha, chiếm 59,7%), năng suất 26,4 tấn/ha, sản lượng đạt 278 ngàn tấn/năm.
Đến nay, qua rà soát từ các địa phương, diện tích sầu riêng hiện toàn tỉnh Tiền Giang là trên 20.000 ha. Vùng sản xuất sầu riêng tập trung chủ yếu ở các huyện Cái Bè, Cai Lậy, Châu Thành, thị xã Cai Lậy. Tỉnh Tiền GIang sản xuất chủ yếu 2 giống sầu riêng Ri6, Monthong (DONA) và một số giống khác của địa phương (sáu Hữu, chuồng bò...).
Một trong các giải pháp để giúp tiêu thụ sầu riêng của tỉnh Tiền Giang là công tác xây dụng nhãn hiệu. Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học và Công nghệ đã cung cấp văn bản bảo hộ Nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm "Sầu riêng Ngũ Hiệp" và Nhãn hiệu tập thể "Sầu riêng Cai Lậy". Hiện nay, tỉnh Tiền Giang đang tiến hành thực hiện Tạo lập, quản lý và khai thác, phát triển Nhãn hiệu chứng nhận "Sầu riêng Tiền Giang" dùng cho sản phẩm sầu riêng của tỉnh Tiền Giang tại thị trường Việt Nam và Trung Quốc.
Từ nhiều năm nay, sầu riêng Tiền Giang chủ yếu phân phối và tiêu thụ sản phẩm dưới dạng trái tươi. Trong đó, tiêu thụ ở 4 thị trường chính gồm: Xuất khẩu, các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, các tỉnh phía Bắc và Thành phố Hồ Chí Minh. Trong đó, sản phẩm xuất khẩu chiếm 70% tổng sản lượng sầu riêng trên địa bàn (thị trường chính là Trung Quốc chiếm khoảng 80% tổng sản lượng xuất khẩu).
Tính đến nay, toàn tỉnh Tiền Giang đã được cấp 72 mã số vùng trồng sầu riêng với diện tích 2.600,5 ha, chiếm tỷ lệ 25% diện tích sầu riêng cho sản phẩm. Đồng thời, tỉnh Tiền Giang còn 213 hồ sơ xin cấp mới mã số vùng trồng chờ Tổng cục Hải quan Trung Quốc kiểm tra, phê duyệt.
Bên cạnh những thuận lợi, diện tích trồng sầu riêng những năm gần đây tăng mạnh. Việc mở rộng diện tích như hiện nay có nguy cơ tiềm ẩn cung vượt cầu, nhất là vào thời điểm thu hoạch chính vụ. Phần lớn sản lượng sầu riêng bán ra thị trường với dạng trái tươi, sản phẩm chế biến ít nên chưa khai thác hết giá trị gia tăng. Sản lượng sầu riêng xuất khẩu từ các vùng trồng chưa được phản hồi kịp thời về địa phương quản lý…
Giàu lên nhờ sầu riêng
Các vùng chuyên canh sầu riêng tại tỉnh Tiền Giang phấn khởi bởi giá sầu riêng đang tăng mạnh dịp tết. |
Trong những ngày giáp Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024, nông dân các vùng chuyên canh sầu riêng tại tỉnh Tiền Giang rất phấn khởi bởi giá sầu riêng đang tăng mạnh, mang lại cho bà con nguồn thu nhập cao. Hiện nay, thương lái đang thu mua sầu riêng tại vườn với giá từ 130.000 đồng - 135.000 đồng/kg tùy loại, như vậy, giá sầu riêng đang cao gấp đôi cùng kỳ năm trước.
Với năng suất sầu riêng bình quân đạt từ 20 tấn - 25 tấn/ha, mỗi ha trồng sầu riêng thu hoạch đúng thời điểm hiện nay cho nông dân nguồn thu kỷ lục, từ 2,6 tỷ đồng trở lên.
Chia sẻ xoay quanh vấn đề này, ông Nguyễn Văn Đông, nông dân trồng sầu riêng ở xã Phú An (huyện Cai Lậy) cho hay, ông trồng 2.000 m2 sầu riêng, chủ yếu giống sầu riêng Mong Thong chất lượng cao. Gần đây, ông thu hoạch đạt sản lượng gần 5 tấn quả sầu riêng bán với giá sầu riêng bình quân 130.000 đồng/kg, thu 650 triệu đồng.
Trong khi, ông Nguyễn Văn Tấn, nông dân trồng sầu riêng ở xã Long Tiên, huyện Cai Lậy (tỉnh Tiền Giang) cho biết, ông vừa thu hoạch được gần 10 tấn quả, bán giá 130.000 đồng/kg, thu gần 1,3 tỷ đồng. Theo ông Tấn, những ngày qua, giá sầu riêng tăng mạnh nên nông dân vùng chuyên canh trong những ngày giáp Tết Giáp Thìn ai cũng phấn khởi bởi cây trồng đặc sản này đang cho hiệu quả kinh tế rất cao.
Lãnh đạo xã Phú An cho biết, địa phương có vùng chuyên canh sầu riêng trên 800 ha. Trong năm 2023, sầu riêng có giá mang lại nguồn thu nhập cao cho nông dân vùng chuyên canh; nhiều người dựng nên cơ nghiệp. Nhờ vậy, cây sầu riêng đã giúp xã Phú An nâng thu nhập bình quân đầu người lên gần 70 triệu đồng/người/năm, giảm tỷ lệ hộ nghèo đa chiều xuống chỉ còn 0,71%.
Thu nhập tăng cao là nhân tố tích cực góp phần giúp xã Phú An trong năm 2023 hoàn thành các tiêu chí và được công nhận, ra mắt thành công xã nông thôn mới nâng cao. Đồng thời, xã đang hướng đến mục tiêu ra mắt xã nông thôn mới kiểu mẫu trước năm 2025.
Đáng chú ý, ông Nguyễn Văn Mẫn - Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Tiền Giang cho biết, địa phương hiện có trên 20.000 ha trồng sầu riêng, tập trung tại các huyện, thị vùng kiểm soát lũ phía Tây: huyện Cai Lậy, huyện Cái Bè, thị xã Cai Lậy, huyện Châu Thành... với sản lượng sầu riêng mỗi năm khoảng 300.000 tấn quả.
Thời điểm giáp Tết, nông dân vùng chuyên canh sầu riêng đang thu hoạch vụ nghịch trong năm. Vụ sầu riêng nghịch tại Tiền Giang thường có giá bán cao mang lại lợi nhuận lớn cho người dân. Ông Nguyễn Văn Mẫn đánh giá, sầu riêng có giá nhờ đầu ra thuận lợi và là một trong những chủng loại trái cây đặc sản có giá trị kinh tế cao, là nguồn nông sản xuất khẩu quan trọng của địa phương.
Cần làm gì để phát huy thế mạnh cây sầu riêng?
Hiện nay, trái sầu riêng đạt mức giá kỉ lục, nhà vườn lãi rất cao. |
Để phát huy hơn nữa thế mạnh cây trồng đặc sản, ngành nông nghiệp Tiền Giang chú trọng chuyển giao kỹ thuật thâm canh, khuyến khích nông dân áp dụng đồng bộ các biện pháp khoa học để đạt năng suất, sản lượng cao. Đặc biệt là xử lý sầu riêng rải vụ cho thu hoạch vào thời điểm nghịch vụ trong năm, tránh thu hoạch rộ lúc chính vụ nhằm giảm nguy cơ trúng mùa, dội chợ, mất giá.
Theo đó, vào khoảng tháng 4 hoặc tháng 5 hàng năm, nông dân xử lý vườn sầu riêng làm bông, dưỡng trái và sẽ cho thu hoạch trái già, trái chín vào tháng 11 trở đi. Thời điểm này, sầu riêng trái vụ có giá bán cao, bà con thu lợi nhuận cao.
Đồng thời, trong nỗ lực tận dụng cơ hội trái sầu riêng được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc và thị trường các nước, Tiền Giang quan tâm xây dựng mã số vùng trồng và mã số cơ sở đóng gói phục vụ xuất khẩu chính ngạch sầu riêng sang thị trường Trung Quốc.
Theo Nguyễn Văn Mẫn cho biết, tỉnh hiện có 72 mã số vùng trồng sầu riêng với tổng diện tích trên 2.600 ha và 66 mã số cơ sở đóng gói được cấp xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc. Nhờ trái sầu riêng xuất khẩu thuận lợi, đầu ra ổn định, các địa phương vùng kiểm soát lũ đầu nguồn vốn xây dựng được các vùng chuyên canh sầu riêng tập trung lớn, ngày càng sung túc, ấm no và xây dựng nông thôn mới thành công.
Điển hình như huyện Cai Lậy, thị xã Cai Lậy, nằm trong vùng kiểm soát lũ phía Tây đã được công nhận hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới. Hiện nay, huyện Cái Bè và huyện Châu Thành dự kiến sẽ tiếp tục ra mắt huyện nông thôn mới vào đầu năm 2024.
Đặc biệt, các xã Long Khánh (thị xã Cai Lậy), xã Cẩm Sơn (huyện Cai Lậy) trong tháng 01/2024 cũng vừa công bố ra mắt thành công xã nông thôn mới kiểu mẫu. Đây là những địa phương có vùng chuyên canh sầu riêng cho sản lượng hàng hóa lớn, đóng góp quan trọng vào thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đổi mới nông nghiệp - nông dân - nông thôn ở địa phương.
Nhận định về triển vọng của sầu riêng xuất khẩu trong năm 2024, Ông Phùng Đức Tiến - Thứ trưởng Bộ NN&PTNT cho biết, khi Việt Nam và Trung Quốc ký nghị định thư xuất nhập khẩu sầu riêng chính ngạch thì dự báo giá trị của trái cây này chỉ đạt hơn 1 tỷ USD nhưng kết thúc năm 2023 đã đạt gần 2 tỷ USD.
Dự báo trong năm 2024, nếu Trung Quốc đồng ý nhập khẩu chính ngạch sầu riêng đông lạnh thì giá trị xuất khẩu của sầu riêng sẽ còn tăng mạnh hơn nữa. Hiện tại, các cơ quan chức năng phía Việt Nam và Trung Quốc đã hoàn tất việc đàm phán kỹ thuật để đi đến ký kết nghị định thư xuất khẩu sầu riêng đông lạnh và dừa tươi sang Trung Quốc, sau đó sẽ thống nhất và ký nghị định thư.
Ông Đặng Phúc Nguyên - Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho hay, Thái Lan đang chặt bỏ măng cụt nhiều để chuyển sang trồng sầu riêng. Campuchia cũng trồng sầu riêng. Việt Nam không trồng sẽ mất cơ hội. Theo ông Đặng Phúc Nguyên cho rằng, cơ hội xuất khẩu sầu riêng sang thị trường Trung Quốc nói riêng và các thị trường khác nói chung còn rất lớn. Đặc biệt, các quốc gia trồng loại trái cây này chỉ thu theo mùa vụ, trong khi nước ta được thu quanh năm. Đây chính là thế độc quyền của sầu riêng Việt Nam. Thêm nữa, chúng ta có lợi thế về thời gian vận chuyển. “Nhất cự ly, nhì tốc độ”, quãng đường vận chuyển gần nên chi phí logistics đưa sầu riêng sang Trung Quốc của nước ta rẻ hơn nhiều các đối thủ Thái Lan và Malaysia. Hàng sầu riêng Việt Nam không chỉ cạnh tranh về chất lượng mà cạnh tranh với sầu riêng Thái Lan cả về giá. Sức thu mua trái sầu riêng tại thị trường Trung Quốc vẫn lớn, mấy năm trước họ nhập 4 tỷ USD/năm, con số này còn tăng bởi trước đó họ chủ yếu lấy hàng Thái Lan (Thái Lan cung cấp 90% cho thị trường Trung Quốc) chỉ phục vụ được nhu cầu cho khoảng 200 - 300 triệu người. Hay nói cách khác, chỉ một bộ phận người tiêu dùng ở Trung Quốc được ăn sầu riêng do giá thành loại quả này đắt đỏ. Với thị trường Trung Quốc 1,4 tỷ dân, sầu riêng Việt Nam chất lượng, giá cả phải chăng sẽ phục vụ được đông đảo người tiêu dùng Trung Quốc. "Năm 2023 kim ngạch sầu riêng của nước ta ước đạt 2,3 tỷ USD. Sang năm 2024, sản lượng sầu tăng cao, được cấp thêm nhiều mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói đủ điều kiện xuất khẩu thì kim ngạch có thể đạt khoảng 3,5 tỷ USD", ông Đặng Phúc Nguyên cho biết thêm. |