Cây Mắc ca được đưa lên trồng thử nghiệm tại một số huyện và TP. Điện Biên Phủ từ năm 2002. Đến năm 2009, cây Mắc ca được đưa vào trồng thử nghiệm thông qua một số chương trình, dự án và sau đó được người dân, doanh nghiệp phát triển mở rộng diện tích trồng trong những năm gần đây.
Theo báo cáo, đến hết năm 2018 trên địa bàn tỉnh trồng 2.170ha tập trung tại các huyện Tuần Giáo, Mường Ảng và TP. Điện Biên Phủ. Hiện có 1 doanh nghiệp tỉnh trồng 2ha làm vườn giống đã được công nhận, năng suất sản xuất 7 vạn cây/năm phục vụ nhu cầu cây giống cho nhân dân trong tỉnh Điện Biên và Lai Châu.
Qua quá trình theo dõi, đánh giá của cơ quan chuyên môn cho thấy cây Mắc ca trồng tại Điện Biên khá phù hợp với điều kiện thời tiết, khí hậu, đất đai tại một số địa phương như: Tuần Giáo, Mường Ảng và TP. Điện Biên Phủ, Mường Nhé, Nậm Pồ. Với tốc độ và khả năng sinh trưởng, phát triển tương đối tốt, một số diện tích Mắc ca đã ra quả, cho thu hoạch.
Điện Biên có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển, nhân rộng diện tích cây Mắc ca
Cây Mắc ca không quá kén chọn đất, nhưng được trồng và chăm sóc ở một vùng tiểu khí hậu như Điện Biên là một trong những điều kiện rất thuận lợi, bởi cây mắc ca là loại cây ăn quả á nhiệt đới, phù hợp điều kiện nhiệt độ thấp. Trên thực tế, các nguồn giống Mắc ca rất đa dạng, mỗi loại đều mang một sắc thái khác nhau, được sản xuất ươm giống ở các Công ty Dương Gia Đắk Lắk, Công ty Him Lam Lâm Đồng, Công ty HD Đắk Lắk, Dương Gia Kon Tum…. Là những công ty sản xuất giống chất lượng hiệu quả cao. Dự tính các công ty sẽ mở rộng sản xuất, bởi hiện nay nguồn giống không cung cấp đủ cho các dự án mắc ca trên cả nước. Với việc muốn đạt hiệu quả cao của một cây trồng, ngoài điều kiện thời tiết, đất đai, thổ nhưỡng, chế độ chăm sóc… thì yếu tố quan trọng nhất quyết định 50% năng suất đó chính là giống.
Chính vì vậy, các giống, dòng được chọn lựa rất kỹ càng trước khi đem về trồng. Giống được vận chuyển từ các công ty trên, sau khi đưa về Mường Nhé, Điện Biên được để vào nơi râm mát, tưới nước đầy đủ để cây có thể hồi lại sau quá trình vận chuyển dài, trồng xen kẽ, đánh số lô, luống, cây cụ thể theo từng khu vực. Và đặc biệt, việc theo dõi lịch sử sự phát triển của từng giống, dòng rất chặt chẽ thông qua việc cài đặt định vị của từng cây Mắc ca. Qua đó cho thấy việc trồng, chăm sóc cây Mắc ca tại huyện Mường Nhé rất chuyên nghiệp và là tiền đề để phát triển cũng như theo dõi năng suất quả sau mỗi vụ thu hoạch. Hy vọng rằng, trong tương lai không xa, Điện Biên sẽ trở thành thủ phủ về Mắc ca trên cả nước.
Sau thời gian có mặt trên đất Điện Biên, cây Mắc ca đã dần khẳng định được tính ưu việt hơn so với các loại cây trồng khác. Trong định hướng tái cơ cấu ngành Nông nghiệp tỉnh Điện Biên đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, Mắc ca sẽ được quy hoạch trồng trên địa bàn 4 huyện: Mường Nhé, Nậm Pồ, Ðiện Biên, Tuần Giáo với quy mô khoảng 26.000ha và diện tích quy hoạch khoảng 35.000ha. Việc quy hoạch, mở rộng diện tích này nhằm tạo thuận lợi trong công tác quản lý, chỉ đạo và kêu gọi các doanh nghiệp tham gia đầu tư phát triển, đảm bảo đưa cây mắc ca trở thành cây trồng nông nghiệp chủ lực của tỉnh trong tương lai, gắn với phát triển thành hàng hóa.
Điện Biên đang hướng đến quy hoạch phát triển trồng mắc ca theo quy mô lớn
Do đó, ngoài đưa ra chủ trương quy hoạch, Điện Biên còn quan tâm đến những chính sách ưu đãi về thuế; miễn giảm tiền thuê đất, tiền sử dụng đất; được Nhà nước thu hồi đất, giao cho doanh nghiệp thuê để trồng cây Mắc ca theo quy định của pháp luật… Hiện nay các doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế đang đầu tư, phát triển cây mắc ca tại Điện Biên theo mô hình chuỗi giá trị, từ khâu sản xuất cây giống, trồng đến bảo quản, chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Doanh nghiệp tự chịu trách nhiệm về hiệu quả đầu tư dự án của mình còn người dân tham gia liên kết trồng mắc ca sẽ thông qua góp đất, cho doanh nghiệp thuê đất hoặc tự trồng Mắc ca, có sản phẩm bán cho doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, để người dân không bị thiệt thòi khi tham gia liên kết trồng mắc ca với doanh nghiệp, chính quyền tỉnh Điện Biên chủ động đứng ra làm cán cân phân định. Theo đó, đối với những hộ dân cho thuê đất được tính từ năm thứ 6 là 4 triệu đồng/ha/năm, từ năm thứ 7 trở đi, giá trị chia sẻ lợi nhuận được cộng thêm phần điều chỉnh tăng hằng năm theo chỉ số giá tiêu dùng. Trong trường hợp có biến động tăng về sản lượng hoặc giá sản phẩm Mắc ca trung bình/ha từ 15% trở lên so với năm liền kề tính từ năm thứ 7 thì cơ quan quản lý Nhà nước, nhà đầu tư và người dân cùng nhau thương thảo, thống nhất lại mức chia sẻ lợi nhuận, đảm bảo hài hòa lợi ích của các bên, nhất là lợi ích của người dân.
Hiện nay, tỉnh Điện Biên đã phê duyệt chủ trương đầu tư cho 3 dự án, trong đó 2 dự án đầu tư mới của Công ty TNHH Xuất nhập khẩu và đầu tư Phú Thịnh tại huyện Ðiện Biên và Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Mắc ca Tây Bắc tại huyện Mường Nhé; 1 dự án điều chỉnh chủ trương đầu tư tại huyện Tuần Giáo của Công ty Cổ phần Macadamia Ðiện Biên, với tổng diện tích gần 16.000ha.
Thời gian tới, tỉnh tiếp tục xem xét, 2 chủ trương đầu tư trồng cây Mắc ca tại huyện Nậm Pồ. Đối với những diện tích cây Mắc ca quy mô nhỏ, do người dân tự trồng từ trước thì khuyến khích ký hợp đồng liên kết với doanh nghiệp để đảm bảo khâu bao tiêu, chế biến sản phẩm.
Diệu Thu