Từng bước nâng cao giá trị hạt mắc ca
Nằm trên vùng đất cao nguyên M'Nông, xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức (tỉnh Đắk Nông) mang đậm tính chất khí hậu Cao nguyên nhiệt đới ẩm. Thổ nhưỡng nơi đây phù hợp với nhiều loại cây trồng, trong đó có cây mắc ca. Mặc dù là loại cây trồng mới được thử nghiệm nhưng những năm gần đây, mắc ca Tuy Đức đã được đánh giá cao về chất lượng so với các vùng khác và đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Mắc ca- một sản vật quý trên cao nguyên M'Nông (Tuy Đức, Đắk Nông). Ảnh: Hoàng Hoài. |
Đặc biệt, những người nông dân trồng mắc ca nơi đây đã liên kết với nhau thành lập Hợp tác xã Nông nghiệp xanh Quảng Trực để nâng cao giá trị cho loại quả này. Đến nay, hợp tác xã có 35 hộ thành viên chính thức và 105 hộ thành viên liên kết để trồng và kinh doanh mắc ca, đa số các thành viên của hợp tác xã là đồng bào người M’nông.
Hợp tác xã có vùng nguyên liệu khoảng 200 ha. Để nâng cao giá trị sản phẩm, Hợp tác xã đã áp dụng quy trình sản xuất theo hướng VietGAP. Năm 2020, hợp tác xã có hơn 70 ha mắc ca đạt chứng nhận VietGAP. Sau khi cây mắc ca đến kỳ thu hoạch, Hợp tác xã Nông nghiệp xanh Quảng Trực đầu tư mua máy tách vỏ, máy sấy hạt, chế biến các sản phẩm mắc ca, chủ yếu là mắc ca sấy nứt bán ra thị trường.
Hợp tác xã Nông nghiệp xanh Quảng Trực không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm của mình để phục vụ khách hàng. Ảnh: Hoàng Hoài. |
Mắc ca của hợp tác xã được chế biến theo quy trình. Sau khi thu hoạch quả mắc ca tươi được tách vỏ, rồi sấy bằng công nghệ của Úc sau đó tách nứt thủ công, đóng gói hút chân không, không dùng chất bảo quản. Sản phẩm càng ngày càng được hoàn thiện hơn về tiêu chuẩn sản xuất đến chất lượng bao bì sản phẩm, truy xuất nguồn gốc sản phẩm theo mã vạch QR-code.
Mắc ca Mơ Nông được phân hạng sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh. Ảnh: Hoàng Hoài. |
Ông Nguyễn Anh Tuấn - Chủ tịch Hội đồng quản trị, kiêm Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp xanh Quảng Trực- cho biết: “Hàng năm, hợp tác xã xuất bán khoảng 100 tấn quả tươi, chế biến sâu (sấy, chẻ nứt) khoảng 30 tấn, tương đương 60.000 sản phẩm.
Sản phẩm mắc ca tươi được hợp tác xã thu mua sẽ cao hơn thị trường khoảng 10.000 đồng/kg. Sau khi chế biến sâu hạt mắc ca bán ra thị trường có giá cao hơn sản phẩm thô từ 100.000-125.000 đồng/kg. Không chỉ tạo sinh kế, nâng cao thu nhập cho bà con đồng bào M’nông mà hợp tác xã còn tạo việc làm cho 10-15 lao động tại địa phương”.
Khẳng định thương hiệu “Mắc ca Mơ Nông”
Năm 2020, nhằm góp phần tham gia chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tại địa phương, hợp tác xã tham gia chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP. Sản phẩm hạt mắc ca của hợp tác xã được Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh đánh giá, xếp hạng sản phẩm OCOP đạt chuẩn 3 sao. Hiện nay, mắc ca của hợp tác xã đã đăng ký nhãn hiệu ‘‘Mắc ca Mơ Nông’’, từng bước khẳng định thương hiệu trên thị trường.
Mắc ca Mơ Nông có mẫu mã rất đẹp phù hợp cho khách hàng chọn làm một món quà cho người thân. Ảnh: Hoàng Hoài. |
Sản phẩm mắc ca Mơ Nông được đánh giá cao về chất lượng do đồng bào M’nông canh tác truyền thống, không sử dụng các loại thuốc hóa học, không lạm dụng phân bón vô cơ nên làm ra sản phẩm hạt mắc ca rất tự nhiên, thân thiện với môi trường, đảm bảo sức khỏe người tiêu dùng.
Do được sản xuất, chế biến bằng công nghệ cao nên hạt mắc ca Mơ Nông vẫn giữ được rất nhiều chất dinh dưỡng như Omegar, Protein, canxi, sắt, kẽm… Đây là loại hạt rất tốt cho sức khỏe, phù hợp với mọi người, đặc biệt là người già, trẻ em, phụ nữ mang thai và nuôi con nhỏ, người ăn kiêng hay người có nguy cơ về tim mạch, huyết áp…
“Sản phẩm mắc ca của hợp tác xã hiện có giá bán ngoài thị trường khoảng 250.000-350.000 đồng/kg tùy theo size và thời điểm. Hợp tác xã bán sản phẩm qua các kênh truyền thống, còn chủ động mang sản phẩm đi chào hàng, tìm kiếm thị trường và đưa sản phẩm chế biến đến tận tay người tiêu dùng. Ngoài thị trường trong nước, chúng tôi đã có một số đơn hàng tại thị trường tỉnh Mondulkiri (Campuchia) và được tỉnh bạn đánh giá cao về sản phẩm”- ông Nguyễn Anh Tuấn chia sẻ thêm.