Triển vọng cây trồng mới
Giáo sư Nguyễn Lân Hùng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Mắc ca Việt Nam trao đổi với nông dân Sơn La cách trồng, chăm sóc mắc ca.
Đến các xã vùng cao của huyện Quỳnh Nhai, Mai Sơn, Thuận Châu, Sốp Cộp, câu chuyện được cấp ủy, chính quyền, người dân nơi đây bàn thảo nhiều là việc khai thác quỹ đất được quy hoạch là rừng sản xuất nhưng chưa có rừng để trồng cây mắc ca theo hai hình thức: Nhà nước cho nhà đầu tư thuê đất; cá nhân, hộ gia đình có đất phù hợp đầu tư trồng, phát triển mắc ca.
Hành trình tìm hiểu câu chuyện về cây mắc ca của chúng tôi bắt đầu bằng chuyến thăm vườn mắc ca tại xã Mường Chiên, huyện Quỳnh Nhai cùng ông Dương Văn Đạt, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Liên Việt Sơn La. Trên những triền đồi, màu xanh của những cây mắc ca nổi bật hơn dưới cái nắng chói trang những ngày tháng 5. Nâng chùm quả mắc ca đã bằng đầu ngón tay cái, ông Đạt nói: Là một trong những đơn vị tiên phong trồng cây mắc ca của tỉnh, năm 2018, Công ty đầu tư trồng thí điểm 63 ha mắc ca trên địa bàn xã Mường Chiên. Giống mắc ca được lựa chọn trồng, gồm: QN1, A38, 800, 246, 849, 816, 842. Đến nay, 1.000 cây mắc ca đã cho bói quả. Hiện, Công ty tạo việc làm ổn định cho 10 lao động địa phương, với thu nhập từ 6 - 8,5 triệu đồng/tháng/người; khoảng 30 lao động thời vụ, thu nhập khoảng 5 triệu đồng/người/tháng.
Cẩn thận vun xới, làm cỏ cho cây mắc ca, gạt những giọt mồ hôi trên gương mặt ửng hồng, chị Lò Thị Duyên, xã Mường Chiên, phấn khởi: Mặc dù không góp đất liên kết trồng cây nhưng vào làm việc, trung bình mỗi tháng, tôi được trả công 6,5 triệu đồng, giúp gia đình có nguồn thu nhập ổn định, có điều kiện chăm lo việc học cho con.
Còn anh Lò Văn Tùng, xã Chiềng Khoang, vui mừng: Tôi được Công ty nhận vào làm việc được 3 năm, công việc của tôi là phụ trách về kỹ thuật trồng, chăm sóc mắc ca với mức lương 8,5 triệu đồng/tháng. Anh Tùng chia sẻ thêm: Kỹ thuật trồng mắc ca cơ bản người dân cần nắm rõ, dùng cuốc đào một hố sâu 40cm ở giữa hố, chiều rộng vừa đủ đặt bầu cây. Lấy dao tách vỏ bầu nilon ra ngoài, nhẹ nhàng đặt bầu cây ở giữa hố đất, thẳng đứng, vun đất lấp quanh gốc khoảng 40cm thành hình mai rùa, nén chặt, cho thêm đất vào gốc cây, cao hơn mặt đất khoảng 5cm. Nên trồng cây theo hướng Bắc - Nam để đón ánh sáng mặt trời giúp lá cây quang hợp. Mỗi năm cần tiến hành 2 lần chăm sóc, xới xáo đất, làm sạch cỏ trong phạm vi bán kính 0,8 -1m. Thời gian đầu, từ 0-2 năm tuổi, tiến hành bón phân vào đầu mùa mưa và cuối mùa mưa. Thời kỳ kiến thiết từ 2 năm tuổi trở lên, thì bón phân vào tháng 1 - 2 hàng năm. Thời kỳ cây bắt đầu cho thu hoạch quả, thì bón vào sau khi thu hoạch và sau khi làm cỏ, dọn dẹp tỉa cành.
Cùng đi với chúng tôi, ông Lừ Văn Toản, Phó Chủ tịch xã Mường Chiên, nói: Triển khai dự án trồng cây mắc ca, xã đã chỉ đạo Ban quản lý các bản rà soát diện tích đất lâm nghiệp để chuyển đổi cây trồng, đến thời điểm này, xã phối hợp đơn vị chức năng bàn giao 163 ha đất cộng đồng cho Công ty cổ phần Liên Việt Sơn La.
Công ty CP Liên Việt Sơn La làm việc xã Mường Chiên (Quỳnh Nhai) về mở rộng diện tích trồng mắc ca.
Ghi nhận thực tế, nhiều hộ gia đình trồng mắc ca trên địa bàn tỉnh đã cho thu nhập, là một trong những hộ tiên phong trồng mắc ca xen cà phê, ông Mùa A Tâm, bản Hua Lỷ, xã Chiềng Khoang, huyện Quỳnh Nhai, chia sẻ: Năm 2015, tôi mua 170 cây mắc ca về trồng xen trên diện tích 0.5 ha cà phê, năm 2021, bói được 2 tạ quả. Từ năm sau trở đi, diện tích mắc ca của gia đình dự kiến sẽ cho thu hoạch khoảng 3-4 tấn quả tươi/năm.
Còn ở huyện vùng biên Sốp Cộp, cây mắc ca bén rễ từ năm 2020, do Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Mường Và trồng thử nghiệm hơn 60 ha tại bản Co Đứa, xã Mường Và. Ông Nguyễn Ngọc Quang, Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Mường Và, cho biết: Đến nay, Công ty đã trồng gần 70 ha tại bản Co Đứa, với giống cây mua từ Lâm Đồng. Cây mắc ca phát triển tốt, cao trên 2 m, tỷ lệ sống đạt 98%. Bước đầu, Công ty tạo việc làm cho 10 lao động địa phương, với mức thu nhập 5-6 triệu đồng/người/tháng.
Đồng hành cùng với doanh nghiệp, người dân từ những ngày đầu tiên đưa cây mắc ca vào trồng, dấu chân đã in khắp trên các đồi mắc ca, ông Vũ Văn Quân, Phó Chủ tịch UBND huyện Sốp Cộp, chia sẻ: Huyện đang chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, UBND các xã phối hợp rà soát đất lâm nghiệp chưa có rừng để đưa vào quy hoạch trồng mắc ca với diện tích 2.000 ha, tập trung ở các xã: Púng Bánh, Mường Lèo, Mường Lạn… Hiện nay, ngoài chính sách của tỉnh, huyện miễn giảm thuế sử dụng đất theo quy định của Luật Đất đai; hỗ trợ hoàn thiện thủ tục hồ sơ thuê đất, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về bàn giao mặt bằng, tạo điều kiện cho nhà đầu tư triển khai trồng mắc ca.
Ông Quàng Văn Bạt, già làng uy tín của bản Co Đứa, xã Mường Và, cho hay: Đất đai nơi đây hoang hóa, bạc màu, nhiều năm qua, người dân vẫn loay hoay tìm loại cây trồng phù hợp. Từ khi có chủ trương đầu tư cây mắc ca, tôi và người dân nơi đây rất tin tưởng mắc ca sẽ là cây trồng xóa đói, nghèo.
Ngoài các xã Mường Chiên, Chiềng Khay, huyện Quỳnh Nhai và xã Mường Và, huyện Sốp Cộp, rất nhiều gia đình ở các huyện: Thuận Châu, Mường La, Mai Sơn, Mộc Châu đã chuyển đổi diện tích trồng cây màu kém hiệu quả sang trồng mắc ca. Theo tổng hợp của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đến nay, toàn tỉnh có hơn 660 ha mắc ca.
Trước đây, người trồng sử dụng giống cây mắc ca thực sinh gieo bằng hạt, sau nẩy mầm vài tháng tuổi đem trồng, phải mất 5-8 năm sau mới cho quả. Hiện nay, thông qua các đề tài nghiên cứu, ứng dụng kỹ thuật, sử dụng giống cây lưu vườn từ 2-3 năm. Vì vậy, chỉ sau 2,5-3 năm trồng, cây mắc ca đã cho thu hoạch, tỷ lệ cây sống đạt cao.
Ngân hàng Bưu điện Liên Việt Chi nhánh Sơn La tổ chức Hội nghị tư vấn vay vốn trồng cây mắc ca cho nông dân Sơn La.
Sức hút đầu tư
Mắc ca được xác định là cây lâm nghiệp đa mục tiêu phủ xanh, đất trống đồi trọc và kỳ vọng tạo đột phá sinh kế cho đồng bào vùng cao, biên giới của tỉnh. Hiện thực hóa mục tiêu này, tỉnh Sơn La đã và đang triển khai các giải pháp khuyến khích, tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác, hộ gia đình, cá nhân để mở rộng diện tích trồng mắc ca.
Ông Vũ Văn Quân, Phó Chủ tịch UBND huyện Sốp Cộp, thông tin: Huyện phối hợp với các doanh nghiệp đầu tư trồng mắc ca rà soát đất lâm nghiệp chưa có rừng được giao cho cộng đồng bản, hộ gia đình quản lý và một phần diện tích được tạm giao cho UBND xã quản lý để triển khai dự án trồng mắc ca công nghệ cao tại các xã: Púng Bánh, Mường Lèo, Mường Lạn… Theo kế hoạch đến năm 2030, huyện Sốp Cộp trồng mới 1.700 ha mắc ca.
Đến thời điểm này, tỉnh đã thu hút 3 doanh nghiệp, 1 hợp tác xã thực hiện các dự án đầu tư phát triển mắc ca với diện tích 2.823 ha, gồm: Công ty CP Liên Việt Sơn La; Công ty CP Mắc ca Liên Việt Sơn La; Công ty CP Đầu tư và Phát triển Mường Và và 1 HTX Mường Giôn (Quỳnh Nhai). Ông Dương Văn Đạt, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Liên Việt Sơn La, cho biết: Ngày 16/4/2019, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư; Sở Kế hoạch và Đầu tư cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư lần đầu ngày 3/2/2021, với quy mô 1.100 tấn/năm trên diện tích hơn 241 ha, thực hiện tại xã Mường Chiên, Chiềng Khay của huyện Quỳnh Nhai. Dự án có tổng đầu tư trên 51 tỷ đồng.
Ông Hà Như Huệ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nói: Hiện nay, cây mắc ca đang thu hút các doanh nghiệp có tiềm lực, kinh nghiệm đầu tư trồng mắc ca theo chuỗi liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm. Đây là cơ sở quan trọng hướng đến việc đưa hạt mắc ca trở thành một trong những sản phẩm nông sản chủ lực xuất khẩu của tỉnh. Đồng thời, các doanh nghiệp đầu tư trồng mắc ca tại Sơn La hiện đã tham gia là thành viên của Hiệp hội mắc ca Việt Nam, sẽ được hỗ trợ các hoạt động xúc tiến thương mại và giao thương, kêu gọi đầu tư, cung cấp thông tin, giới thiệu cơ hội, mở rộng hợp tác kinh doanh.
Giống cây mắc ca lưu vườn xanh tốt tại vườn ươm của Công ty CP Đầu tư và Phát triển Mường Và, huyện Sốp Cộp.
Nâng tỷ lệ che phủ rừng
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV, nhiệm kỳ 2020-2025, đề ra mục tiêu đến năm 2025, tỷ lệ che phủ rừng ổn định 50% bao gồm cả diện tích cây ăn quả trên đất dốc. Hoàn thành chỉ tiêu này, việc tỉnh ta đưa cây mắc ca vào danh mục cây lâm nghiệp đa mục tiêu được xem là giải pháp khả thi.
Ông Nguyễn Huy Tuấn, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh, chia sẻ: Đến hết năm 2021, tỷ lệ che phủ rừng toàn tỉnh mới đạt 46,4%. Cùng với việc hoàn thành chỉ tiêu trồng 10.500 ha rừng hằng năm, cộng với việc đạt chỉ tiêu trồng 5.000 ha cây mắc ca, thì tỷ lệ che phủ rừng đến năm 2025 tỉnh Sơn La nâng lên 50%.
Mô hình trồng cây mắc ca xen nương chè tại xã Chiềng Sơn, huyện Mộc Châu.
Ông Tuấn khẳng định: Cây mắc ca mang lại lợi ích kép, tạo thu nhập cho người dân từ quả mắc ca, đến sau thời gian cây khép tán, đủ tiêu chí thành rừng, diện tích trồng mắc ca sẽ được nghiệm thu để chi trả dịch vụ môi trường rừng. Đảm bảo quyền lợi cho chủ rừng góp đất trồng cây mắc ca ngay từ khi thực hiện dự án, doanh nghiệp, chính quyền và chủ rừng đã ký biên bản ghi nhớ về việc chi trả dịch vụ môi trường rừng. Theo đó, chủ rừng là người được hưởng tiền dịch vụ môi trường rừng.
Người dân xã Chiềng Khoang (Quỳnh Nhai) kiểm tra quả mắc ca niên vụ 2022.
Sau gần 2 năm thực hiện chủ trương, cây mắc ca đã và đang dần phủ kín những đồi đất dốc, hứa hẹn mang lại nguồn sinh kế ổn định, bền vững cho đồng bào các dân tộc vùng cao, biên giới. Hướng tới mục tiêu phát triển bền vững, phát triển cây mắc ca theo quy hoạch, tỉnh ta đang tạo môi trường thuận lợi thu hút các nhà đầu tư có tiềm lực phát triển chuỗi liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm mắc ca.