Vào năm 2022 anh Dương Văn Tùng, ở thị xã Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hoá (con rể ông Đậu Xuân Tranh) dẫn chúng tôi thăm vườn mắc ca rộng 2 hecta của gia đình ở xã Phú Sơn, thị xã Nghi Sơn. Đập vào mắt chúng tôi là những hàng cây mắc ca xanh ngút ngàn đã cho thu hoạch năm thứ 2.
Ông Đậu Xuân Tranh cho biết, trong một lần tình cờ nghe bài phát biểu trên truyền hình của nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Công Tạn về phát triển kinh tế địa phương từ cây mắc ca. Cây mắc ca sống cả trăm năm, từ năm thứ 7 vườn cây đi vào thu hoạch. Khi đó, 1 hecta mắc ca cho thu khoảng 5 tấn hạt, với giá bán 125.000 đồng/kg như hiện nay sẽ thu trên 600 triệu đồng.
Nhận thấy đây là một cơ hội thách thức mới và đưa về địa phương để thử nghiệm từ năm 2015, ông Đậu Xuân Tranh đã bén duyên với mảnh đất ở xã Phú Sơn. Ông đã bắt tay vào cải tạo đất đai và trồng cây mắc ca đầu tiên ở thị xã Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa.
![]() |
Ông Đậu Xuân Tranh cùng gia đình thu hoạch mắc ca ngày vụ |
Trong thời gian qua, có nhiều đoàn công tác đã đến tham quan và khảo sát đánh giá kết quả trồng cây mắc ca tại vườn gia đình ông Đậu Xuân Tranh. Ông Tranh rất vui vẻ trao đổi với mọi người về cách xây dựng mô hình trồng cây Mắc ca của gia đình.
Hiện nay, trong vườn gia đình ông Đậu Xuân Tranh có gần 500 cây mắc ca đang sinh trưởng, phát triển tốt. Để vườn cây xanh tốt, ông Tranh đã tìm tòi học hỏi kỹ thuật chăm sóc và bón phân hợp lý.
“Cây mắc ca nó phụ thuộc vào yếu tố khí hậu và phụ thuộc vào yếu tố chăm sóc, thời kỳ ra hoa đủ độ ấm tức là nước, nó bung hoa đậu trái như cây cà phê. Nói chung ở thị xã Nghi Sơn trồng được mắc ca là một vấn đề rất khó khăn, vì khí hậu thời tiết", ông Tranh tâm sự.
Anh Dương Văn Tùng con rể ông Đậu Xuân Tranh cho biết năm 2022 anh đã kết nối tới Hiệp hội mắc ca Việt Nam và ban ngành UBND tỉnh Thanh Hoá và thị xã Nghi Sơn để phát triển mắc ca đến người dân, khi anh trò chuyện và kết nối tới ban ngành, nhiều người không tin rằng trên địa bàn thị xã Nghi Sơn lại có hộ gia đình trồng được cây mắc ca hiện nay.
Sau đó đoàn địa phương tới thăm quan đánh giá mô hình có hiệu quả, trái nhiều, cây mắc ca đã được 6 tuổi mà cho năng suất 10 kg/cây, như vậy là rất tốt, thứ hai cây Lâm nghiệp sâu bệnh tương đối ít. Hiện bà con nhân dân nói chung, gia đình ông Đậu Xuân Tranh nói riêng hy vọng cấp ủy, chính quyền địa phương tạo mọi điều kiện và quan tâm hỗ trợ một số chính sách để phát triển cây Mắc ca góp phần mang hiệu quả kinh tế cao cho người dân.
![]() |
Ông Đậu Xuân Tranh và anh Dương Văn Tùng giới thiệu quả mắc ca đã thu hoạch cùng Ban Quản lý rừng phòng hộ thị xã Nghi Sơn |
Được biết, để người dân nắm bắt được các tiềm năng cũng như kỹ thuật trồng, chăm sóc cây mắc ca, thời gian qua, anh Dương Văn Tùng đã kết nối với Hiệp hội Mắc ca Việt Nam tổ chức tập huấn, giới thiệu về thị trường mắc ca, quy trình kỹ thuật trồng và chăm sóc; quy trình hỗ trợ vay vốn của Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt để đầu tư trồng mắc ca tại thị xã Nghi Sơn.
Mô hình trồng cây mắc ca của gia đình ông Đậu Xuân Tranh bước đầu khẳng định cây trồng có giá trị kinh tế cao, ít sâu bệnh, có tính thích nghi rộng, không khó trồng, không đòi hỏi đầu tư quá nhiều và có thể trồng xen với nhiều loại cây khác đem lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần xóa đói giảm nghèo ở địa phương.