Vườn mắc ca của người dân xã Sơ Pai (huyện Kbang) cho năng suất cao. |
Trồng mắc ca thu hoạch ổn định trong 50 năm
Nhiều năm nay, ông Thiều Viết Đoàn (trú tại thôn Thống Nhất, xã Sơn Lang, huyện Kbang) mạnh dạn trồng xen canh 2,5ha cây mắc ca trong vườn cà phê lâu năm.
Hiện vườn nhà ông Đoàn có 1,5ha mắc ca đã cho thu hoạch với năng suất trung bình 3,5-4 tấn/ha. Sau khi trừ hết các chi phí, mỗi ha trồng cây "tỷ đô", "nữ hoàng của các loại hạt" cho thu nhập 130-150 triệu đồng/vụ thu hoạch.
Ông Đoàn bộc bạch: "Hơn 5 năm trước, tôi và bà con trong vùng rất nóng ruột khi giá cà phê, cây trồng chủ lực trong vườn bấp bênh. Qua tìm hiểu, tôi mạnh dạn đầu tư trồng xen canh mắc ca, chấp nhận "được ăn cả, ngã về không" vì thời điểm ấy loại cây trồng này còn quá mới mẻ với tôi, may mắn lại được".
Vườn mắc ca nhà anh Đoàn, trung bình mỗi ha cho thu nhập 130-150 triệu đồng/vụ. |
Ông Đoàn cho biết thêm, cây mắc ca từ lúc trồng đến khi thu hoạch phải mất 5 năm, nhưng năng suất rất ổn định. Đặc biệt, cây mắc ca có vòng đời trên 50 năm nên trồng 1 lần cho thu nhập bằng cả đời người.
So với cây cà phê, trồng mắc ca có nhiều thuận lợi hơn vì chi phí đầu tư chỉ tập trung vào năm đầu tiên. Những năm đó, chỉ cần bón phân 2-3 lần và tưới nước thường xuyên. Ngoài ra, cây mắc ca còn có khả năng chịu hạn và chống chịu sâu bệnh tốt.
Tương tự, gia đình anh Lại Huy Hưng (xã Sơ Pai, huyện Kbang) có 3ha cây mắc ca. Anh Hưng cho biết, nếu thời tiết thuận lợi, năng suất có thể đạt 5 tấn/ha, thu nhập ước đạt 600-700 triệu đồng/vụ.
Theo anh Hưng, người trồng chỉ cần lưu ý lúc mắc ca nở hoa vào khoảng cuối năm. Khí hậu lạnh lúc này có nhiệt độ khoảng 20-22 độ C, cây sẽ phát triển tốt. Nếu nắng quá hoặc gặp mưa, hoa mắc ca sẽ không đậu quả và bị thối.
Cây mắc ca có khả năng chịu hạn và chống chịu sâu bệnh tốt, giảm chi phí đầu tư cho nông dân. |
Ông Đinh Văn Hdăn - Phó Chủ tịch UBND xã Sơn Lang, huyện Kbang - cho biết trên địa bàn xã có khoảng 500ha mắc ca. Ban đầu, người dân thường trồng xen canh với cà phê. Khi đầu ra ổn định, người dân cũng mạnh dạn chuyên canh để nâng cao hiệu quả kinh tế.
Nhiều hộ dân đã đầu tư máy móc để chế biến hạt mắc ca thành phẩm. Các sản phẩm mắc ca được chế biến và tiêu thụ ở nhiều tỉnh, thành lớn như TPHCM, Hà Nội, Khánh Hòa…
Triển vọng của cây mắc ca trên đất Gia Lai
Toàn tỉnh Gia Lai hiện có hơn 2.200ha cây mắc ca, riêng huyện Kbang đã có gần 2.000ha. Vùng trồng tập trung tại các xã: Sơn Lang, Đakrong, Sơn Pai, Krong, Lơ Ku, Kon Pne, Đăk Smar, Tơ Tung, Kông Lơng Khơng, Nghĩa An và thị trấn Kbang với tổng diện tích là 1.681,3 ha.
Năng suất bình quân đối với trồng thuần (278 cây/ha), 1.53 tấn hạt/ha, (thời gian trồng từ 5-7 năm) 2,22 tấn hạt/ha (thời gian trồng từ 8-10 năm); đối với trồng xen (124 cây/ha), 0,68 tấn hạt/ ha (thời gian trồng từ 5-7 năm) 0.99 tấn hạt/ha (thời gian trồng từ 8-10 năm).
Về sản lượng: Hiện nay trên địa bàn huyện có khoảng 526,8 ha mắc ca đã thu hoạch, trong đó 116,8 ha trồng thuần, 410 ha trồng xen, sản lượng năm 2022 ước đạt gần 500 tấn hạt và sẽ tiếp tục tăng trong những năm tới.
Về hiệu quả kinh tế: Người dân trồng cây mắc ca xen vào cây trồng khác như: cà phê, sắn, đậu,… chăm sóc 4 năm bắt đầu cho thu hoạch, đến năm thứ 5 sẽ cho thu nhập tăng thêm cho người dân gần 50 triệu đồng/năm và năng suất sẽ tăng theo từng năm. Như vậy thấy được hiệu quả của việc trồng cây mắc ca là rất lớn.
Người dân xã Sơn Lang (huyện Kbang) chăm sóc vườn cây mắc ca. |
Ông Mã Văn Tình - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Kbang - cho hay, cây mắc ca ưa đất lạnh, phù hợp thổ nhưỡng, khí hậu ở huyện nên ít sâu bệnh. Huyện Kbang định hướng đến năm 2030, có trên 3.000ha cây trồng "nữ hoàng của các loại hạt" này.
Ngay từ năm 2018, địa phương đã có chính sách hỗ trợ cho các hộ nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số trồng xen cây mắc ca cùng với các loại cây trồng khác để tăng thêm thu nhập. Bên cạnh đó, huyện phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ hoàn tất các thủ tục đăng ký nhãn hiệu chứng nhận thương hiệu.
Tiềm năng về đất đai và kế hoạch phát triển cây mắc ca đến năm 2050: Nguồn đất để trồng mắc ca (trồng xen) trên địa bàn còn rất lớn như tổng diện tích cà phê trên địa bàn huyện là 3.590 ha; diện tích đất nương rẫy trồng cây hàng năm.
Kế hoạch phát triển cây mắc ca đến nắm 2030 là 1.000 ha mắc ca, trong đó 850 ha trồng xen và 150 ha trồng thuần. Từ năm 2030 đến 2050 phát triển thêm 650 ha mắc ca, trong đó 550 ha trồng xen và 100 ha trồng thuần nâng, tổng số diện tích mắc ca trên địa bàn là 3.241 ha, trong đó trồng xen 2.852 ha, trồng thuần 389 ha.
Phấn đấu đến năm 2030 tất cả các xã có trồng mắc ca có ít nhất 1 cơ sở sơ chế, chế biến/xã với công suất 100 tấn hạt/năm/cơ sở đạt tiêu chuẩn chất lượng. Đến năm 2050 nâng công suất của các cơ sở sơ chế và chế biến lên công suất gấp đôi so với năm 2030, sản phẩm đầu ra đạt tiêu chuẩn xuất khẩu trong khu vực, đồng thời kêu gọi ít nhất có một công ty chế biến sản phẩm mắc ca tại khu công nghiệp huyện.
Tiềm năng là thế, tuy nhiên khu vực Tây nguyên nói chung, tỉnh Gia Lai nói riêng chưa có nhà máy chế biến sản phẩm mắc ca nên việc tiêu thụ sản phẩm mắc ca chưa ổn định, chủ yếu chế biến, xuất bán nhỏ lẻ, mang tính hộ gia đình, cá nhân.
Mặc dù đã kêu gọi, tạo điều kiện thu hút đầu tư, nhưng Huyện Kbang chưa có doanh nghiệp thực hiện liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm mắc ca đối với hộ dân. Huyện chưa có vườn cây mắc ca được chứng nhận là vườn cây đầu dòng nên chưa chủ động về vật liệu nhân giống.
Do đó, để phát triển vùng mắc ca bền vững, tỉnh Gia Lai cần quan tâm kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư nhà máy chế biến sản phẩm mắc ca đặt tại huyện Kbang (Tại cụm công nghiệp của huyện), thực hiện liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm mắc ca cho các hộ dân để cây mắc ca có thể phát triển ổn định, mang lại lợi ích kinh tế, tăng thu nhập, ổn định đời sống nhân dân./.