Anh Lừu Phừ (thôn Na Lốc 2, xã Bản Lầu) hái quả mắc ca trong vụ thu hoạch năm 2021. |
Mắc ca dễ chăm sóc cho hiệu quả vượt trội
Người dân ở các xã vùng thấp của huyện Mường Khương (tỉnh Lào Cai) không xa lạ với đồi mắc ca của gia đình anh Lừu Phừ (thôn Na Lốc 2, xã Bản Lầu). Đây được coi là mô hình tiên phong về chuyển đổi cây trồng mới có hiệu quả kinh tế cao thay thế những loại cây có giá trị kinh tế thấp hoặc dễ bị sâu bệnh ở địa phương.
Khi biết anh Lừu Phừ trồng thành công loại cây được mệnh danh là “nữ hoàng quả khô” của vùng nắng gió Tây Nguyên, nhiều người đã đến tham quan, học hỏi.
Thời điểm này, đồi mắc ca được anh Lừu Phừ “quý như vàng” của gia đình. Đồi mắc ca hơn 1 ha của gia đình anh Lừu Phừ nằm xen giữa những đồi ngô của bà con trong thôn, nổi bật với màu xanh tốt quả chi chít từng chùm. Cạnh đó là những vạt cây mắc ca mới trồng được 1 năm cũng đang tạo lá non xanh mướt.
Đồi mắc ca của gia đình anh Lừu Phừ có hơn 500 cây, trong đó hơn 300 cây đã được 8 năm tuổi và hơn 200 cây 1 năm tuổi. Lứa cây 8 tuổi đã được thu 2 vụ. Vụ đầu tiên lác đác cây bói quả, gia đình chỉ thu được 2 tạ. Đến vụ thứ 2, 80% cây cho quả, sản lượng đạt 2 tấn hạt, giá bán 80.000 đồng/kg, trừ chi phí, anh Phừ thu lợi 60 triệu đồng.
Anh Lừu Phừ cho biết: Sau 8 năm trồng mắc ca, tôi nhận thấy việc chăm sóc loại cây này không quá khó, không mất nhiều công sức. Đặc biệt, cây rất phù hợp với thổ nhưỡng và khí hậu nơi đây. So với các loại cây trồng khác, mắc ca cho thu nhập cao hơn nhiều.
Cây mắc ca của nông dân xã Bản Lầu (huyện Mường Khương, Lào Cai) bước đầu cho thấy hiệu quả. Ảnh: Hải Đăng. |
Ông Nguyễn Văn Mão, Phó Chủ tịch UBND xã Bản Lầu (huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai) cho biết: Trước đây, các thôn chủ yếu trồng chuối và dứa. Gần 5 năm nay, cây chuối bị sâu bệnh chết hàng loạt, thêm vào đó, đầu ra sản phẩm khó khăn, nên bà con chuyển sang trồng các loại cây khác.
Mắc ca là một trong những cây trồng mới của bà con trong xã. Phần lớn các hộ trồng mắc ca từ năm 2022 sau khi thấy gia đình anh Lừu Phừ trồng thành công qua 2 vụ thu hoạch. Chúng tôi cũng khuyến cáo bà con mua giống cây ở nơi có uy tín, đảm bảo chất lượng cây trồng, đồng thời nghiên cứu kỹ thuật trồng, chăm sóc để đạt hiệu quả cao.
Cần có những đánh giá thấu đáo về hiệu quả cây mắc ca ở Lào Cai
Trong khi đó, ông Lê Thanh Hoa, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Mường Khương chia sẻ, huyện chưa có kế hoạch đưa cây mắc ca vào định hướng phát triển nông nghiệp của địa phương. Qua khảo sát, đánh giá, cây mắc ca cũng chưa đạt được năng suất mong muốn, đặc biệt đầu ra của loại quả này hiện chủ yếu do bà con tự bán lẻ vì số lượng ít, chưa có doanh nghiệp liên kết, bao tiêu đầu ra. Do vậy, ngành nông nghiệp huyện không khuyến khích người dân phát triển ồ ạt cây mắc ca.
Qua tìm hiểu được biết, giai đoạn từ năm 2012 - 2014, tỉnh Lào cai thực hiện Dự án “Xây dựng mô hình khảo nghiệm trồng mắc ca trên địa bàn tỉnh Lào Cai” cho 75 hộ với 37,5 ha tại các xã Nậm Pung, Y Tý (huyện Bát Xát) và xã Tả Phời, Vạn Hòa (thành phố Lào Cai).
Năm 2013, do ảnh hưởng của mưa tuyết nên 21,8 ha trồng tại huyện Bát Xát bị hư hại hoàn toàn. Năm 2018, theo đánh giá bước đầu thực hiện dự án cho thấy, với diện tích mắc ca còn lại ở thành phố Lào Cai, cây sinh trưởng bình thường, tỷ lệ ra hoa khoảng 60%, tỷ lệ đậu quả rất thấp.
Nguyên nhân đậu quả thấp chủ yếu do độ ẩm không khí cao, thường xảy ra mưa phùn hoặc mây mù trong giai đoạn cây phân hóa mầm hoa, nở hoa, hạt phấn bị thối không đậu quả.
Cây mắc ca tại khu vực xã Vạn Hòa (TP Lào Cai) cho quả lác đác, chưa thấy rõ hiệu quả. Ảnh: Hải Đăng. |
Gia đình ông Phạm Văn Mai, xã Vạn Hòa (thành phố Lào Cai) là 1 trong 75 hộ trên địa bàn tỉnh tham gia dự án trồng mắc ca từ năm 2012. Đến nay, mô hình này chỉ còn gia đình ông và 1 hộ ở xã Tả Phời duy trì. Ông Phạm Văn Mai cho biết: Gia đình tôi được dự án hỗ trợ trồng 2.000 cây từ năm 2014. Từ đó đến nay, gia đình luôn tuân thủ kỹ thuật trồng và chăm sóc cây, tuy nhiên sản lượng rất thấp, mỗi năm chỉ thu được 3 tạ - 4 tạ quả.
Năm 2016, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có quyết định phê duyệt “Quy hoạch phát triển cây mắc ca vùng Tây Bắc và Tây Nguyên đến năm 2020, tiềm năng phát triển đến năm 2030”.
Theo đó, Lào Cai không nằm trong vùng quy hoạch phát triển cây mắc ca. Đến nay cũng chưa có nghiên cứu cụ thể của ngành chức năng về các điều kiện cần thiết để đánh giá vùng trồng mắc ca phù hợp ở Lào Cai.
“Ngành nông nghiệp tỉnh đang tích cực liên hệ với Hiệp hội Mắc ca Việt Nam để khảo sát, đánh giá các điều kiện phát triển đối với cây mắc ca, đồng thời hướng tới việc hợp tác đưa cây trồng này phát triển trên địa bàn tỉnh nếu cây thích nghi tốt” - ông Tô Bá Toại (Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Lào Cai cho biết thêm.
Câu chuyện đưa cây “nữ hoàng quả khô” về với mảnh đất Lào Cai có nốt “thăng”, nhưng cũng có những nốt “trầm”. Điều người dân mong muốn là có những khảo sát, đánh giá khoa học, cụ thể của ngành chức năng về thổ nhưỡng, khí hậu tại Lào Cai đối với loại cây này, bởi lẽ là cây lưu niên, mang lại giá trị kinh tế cao, nếu phù hợp, cây mắc ca sẽ là cây trồng triển vọng giúp nâng cao thu nhập cho bà con./.