Tham quan suối Lê Nin - Trái tim xanh của núi rừng Pác Bó Tham Quan Lũng Vân - Chạm mây nơi nóc nhà xứ Mường Top 7 quán Cafe view đẹp nổi tiếng thu hút khách ở Bắc Kạn |
1. Bánh ngải - món ăn nổi tiếng của người dân xứ Lạng
Bánh ngải là món ăn truyền thống của người Tày, Nùng Lạng Sơn |
Ngải cứu là một loại thuốc và cũng là thực phẩm quý chữa được nhiều bệnh tốt cho sức khỏe. Với công dụng tuyệt vời này người dân Lạng Sơn đã chuyển thể ngải thành một loại bánh hết sức đặc biệt và trở thành đặc sản nổi tiếng ở Lạng Sơn đó chính là: Bánh ngải.
Bánh ngải Lạng Sơn không chỉ ngon, lạ miệng mà còn đặc biệt tốt cho sức khỏe. Loại bánh này được làm từ lá cây ngải cứu có vị đắng, tính hơi ẩm nên có tác dụng tuyệt vời trong việc an thai, cầm máu, điều hòa khí huyết, giúp lưu thông máu lên não, trị suy nhược cơ thể, hỗ trợ điều trị cảm cúm ho đau đầu đau dây thần kinh, bổ máu, tăng cường lưu thông máu.
Đặc sản bánh ngải Lạng Sơn khá kén gạo và không phải bất cứ loại gạo nào cũng được chọn làm bánh. Theo chia sẻ của người dân địa phương ở đây bí quyết để có món bánh ngải thơm ngon gạo phải là nếp hương và không được lẫn gạo tẻ. Ngải cứu được chọn làm bánh phải là loại còn non và tươi. Đường để chấm bánh phải đảm bảo ngọt không có sạn và phải là loại đường phèn có màu vàng.
Hầu như phụ nữ Tày và Nùng nào đều biết làm bánh ngải. Từ lâu đời này món bánh ngải đã được lưu truyền từ đời này sang đời khác và trở thành món ăn không thể thiếu vào các dịp đặc biệt như: Dịp mừng lúa mới, dịp tết Thanh Minh và ngày thường người dân cùng làm bánh ngải bán tại các phiên chợ quê với giá rất rẻ từ 2.000 VNĐ tới 4.000 VNĐ/1 chiếc. Loại bánh này thuộc loại bánh chay mặc dù được làm từ gạo nếp nhưng cực kỳ dễ ăn mát và không ngấy. Khi thưởng thức du khách sẽ cảm nhận được mùi thơm dẻo của gạo nếp mùi thơm của vừng hòa quyện với nhau.
Nguyên liệu chính làm bánh từ lá ngải tốt cho sức khỏe |
Đặc biệt nhất của đặc sản bánh ngải Lạng Sơn là có vị của lá ngải và vị ngọt của đường. Phần nhân bánh được làm từ vừng đen rang chín sau đó được giã nhỏ trộn lẫn cùng với đường phèn và được làm chảy ra trên bếp nóng sau đó để đặc lại. Ngoài ra nhân bánh có thể được làm từ đỗ hay lạc. Khi thưởng thức sẽ thấy rất hấp dẫn bùi có vị ngọt bù. Nếu ai đã từng thưởng thức một lần sẽ cảm thấy hương vị rất khó quên và rất dễ bị “nghiện”. Nhìn màu sắc của những chiếc bánh ngải cứu Lạng Sơn du khách sẽ bị cuốn hút. Khách du lịch ăn thử sau cũng phải tấm tắc khen ngon và thường họ mua ít nhất 40 tới 50 chục bánh về làm quà cho bạn bè thưởng thức.
Điều đặc biệt nhất đó là dù làm từ lá ngải một loại rau được biết tới có vị đắng. Tuy nhiên qua nhiều công đoạn chế biến tỉ mỉ du khách sẽ không cảm nhận được vị đắng và hắc. Thay vào đó thấy rất ngon dẻo một đặc trưng rất lạ mang hương vị khó quên của người dân xứ Lạng. Khi thưởng thức du khách chỉ biết tấm tắc khen ngon. Sau khi ăn hết nhiều người nghiện món bánh này còn đặt bánh từ Lạng Sơn gửi về nhà để được ăn thỏa thích.
Ngày nay khi xã hội ngày càng phát triển đặc biệt du lịch Lạng Sơn ngày càng đông du khách thì bánh ngải trở thành thực phẩm hàng ngày một thứ đặc sản nổi tiếng xứ Lạng. Trong văn hóa tâm linh của người Tày đặc sản bánh ngải Lạng Sơn mang ý nghĩa văn hóa tâm linh giống như bánh chưng của người Kinh trong dịp tết cổ truyền của dân tộc.
2. Bánh Cao sằng – một nét văn hóa ẩm thực Xứ Lạng
Bánh cao sằng – sự kết hợp tinh hoa ẩm thực Trung Hoa và Việt Nam |
Món bánh cao sằng đã xuất hiện từ lâu đời và là món ăn kết hợp giữa ẩm thực Việt Nam với Trung Hoa. Theo tìm hiểu, từ xa xưa, cao sằng là món ăn được người Hoa (Trung Quôc) rất ưa chuộng, vì vậy trong quá trình sinh sống, giao lưu thương mại lại Lạng Sơn, người Hoa đã mang món ăn này đến. Qua thời gian, người dân Xứ Lạng đã chế biến món ăn này dần phù hợp với khẩu vị của người Việt Nam.
Sở dĩ gọi cao sằng là món ăn bình dân bởi nó được làm từ những nguyên liệu đơn giản: gạo tẻ, nhân là thịt lợn và hành khô. Tuy nhiên, để làm nên món bánh này, người ta phải chọn được loại gạo tẻ ngon, trắng và có mùi thơm, khi nấu lên sẽ mịn, mượt. Gạo tẻ sẽ được ngâm để qua đêm, sáng hôm sau vớt ra say nhuyễn, sau đó được hấp trong nồi cách thủy trong 40 phút, bánh được đổ thành hai lớp, khi lớp bột đầu tiên chín sẽ đổ lớp thứ hai. Sau khi chín hết lớp thứ hai, bột sẽ chín, đông lại thành bánh, phần nước bên trên sẽ được vớt bỏ.
Phần nhân bánh cũng khá đơn giản, được làm từ thịt lợn băm nhỏ và hành khô. Thịt và hành khô sau khi được xào chín sẽ phết một lớp mỏng lên trên mặt bánh để giúp bánh không bị khô, có mùi vị đậm đà hơn. Mùi vị đặc trưng của bánh cao sằng còn đến từ vị bùi của lạc đã được rang và giã nhỏ. Tùy khẩu vị mỗi người, bánh sẽ được cho thêm rau mùi thái nhỏ hoặc không. Nước ăn kèm cao sằng là nước giấm pha đường giúp bánh ăn không bị ngấy.
3. Bánh mì nướng Lạng Sơn – Vị thơm ngon lạ miệng
Nhiều người khi nhắc đến Lạng Sơn đều nghĩ ngay tới thịt lợn, thịt vịt nướng hay thứ rượu Mẫu Sơn được nấu bằng chính thứ nước suối chảy trên ngọn núi này.
Tuy nhiên, bên cạnh đó, ở xứ Lạng có một món ăn kém may mắn hơn một chút khi nó được ít người biết tới đó là bánh mì nướng dầu hào.
Phải nhắc lại rằng, chỉ ở đất Lạng Sơn mới có thứ bánh này. Loại bánh mì có một chút bùi bùi của vị bơ được nướng trên những vỉ than hoa đang rực cháy.
Bánh mì được nướng qua hai công đoạn, đầu tiên là phết dầu nướng cho nóng, sau đó sẽ được phết hỗn hợp dầu hào, mật ong để nướng lại lần hai. Du khách muốn ăn bánh giòn hay không đều có thể nói chủ quán điều chỉnh cho hợp với khẩu vị của mình.
Công đoạn nướng diễn ra khoảng 5 - 10 phút, được cắt nhỏ thành những miếng vừa miệng. Những miếng bánh mì ròn tan, có chút óng ánh của dầu hào được phết lên trên trông chúng giống như được phủ một lớp thủy tinh vậy. Khi ăn, thực khách sẽ cảm nhận được vị bùi của dầu hào được phết lên đều đặt lên thân bánh mì.
Ngoài ra, để ăn kèm với bánh mì nướng dầu hào, không thể không thiếu thịt xiên nướng, hàm nướng, họng nướng, hoặc dạ dày nướng,... được ăn kèm với bánh mì rồi nhúng một chút vào thứ nước chấm xền xệt riêng biệt của xứ Lạng.
Điều đặc biệt nhất của món ăn này lại nằm ở chính món nướng chấm “bí truyền” của từng hàng. Đặc điểm chung của món nước chấm này có thể tóm gọm bới những vị cay cay của tương ớt, một chút chua của me, vị thanh thanh, ngọt ngọt của đường thốt nốt, hòa quện cùng đường, quất, rau găm,... được trộn lại với nhau, vô tình tạo thành một thứ nước chấm đặc trưng nơi địa đầu biên giới.
Nếu một ngày du khách đi đến Lạng Sơn, hãy nghé qua một hàng bánh mì nướng bất kì nào đó để thưởng thức xem bánh mì nơi biên giới có khác gì hay không? Đề cảm nhận món ẩm thực tinh túy nơi xứ Lạng, nơi biên giới xa xôi nhé.
4. Bánh cuốn trứng - đặc sản tinh túy ẩm thực xứ Lạng
Đặc sản bánh cuốn trứng Lạng Sơn nổi tiếng |
Bánh cuốn là món ăn quen thuộc đối với mỗi người dân Việt, nếu có dịp tới xứ Lạng du khác không thể bỏ qua đặc sản bánh cuốn trứng thơm ngon nổi tiếng. Điều khác biệt của món bánh cuốn trứng Lạng Sơn đó chính là khâu lựa chọn nguyên liệu. Đầu tiên, phải là loại gạo được trồng trên nương rẫy, thơm ngon và dẻo. Có như vậy thì món bánh cuốn khi tráng lên mới thơm ngon và có màu trắng đẹp mắt.
Nét độc đáo của món bánh cuốn Lạng Sơn đó là không dùng nhân làm từ thịt băm với mộc nhĩ, mà được sử dụng thịt băm cùng với trứng gà. Bánh cuốn trứng Lạng Sơn là sự kết hợp hài hòa giữa nhân trứng thơm ngon béo ngậy, đã làm nên sức hấp dẫn đặc biệt của món ăn nổi tiếng này ở xứ Lạng. Thay vì nhân thịt băm mộc nhĩ, việc sử dụng trứng vừa giúp cho lớp bánh được béo và mềm. Lớp bánh sau khi được tráng, rồi đổ trứng đã đánh tan lên và dàn đều. Đối với phần nhân thịt, chỉ cần dùng thịt băm rắc đều vào giữa bánh rồi cuộn lại.
Công đoạn gấp mép bánh cuốn cũng phải đòi hỏi sự khéo léo và tỉ mỉ. Cụ thể, phải để cho lớp bánh ôm trọn lấy phần quả trứng và không bị trào ra ngoài đẹp mắt. Nghe thì có vẻ rất đơn giản, nhưng là kỹ thuật phải người quen tay mới có thể thực hiện được.
Món ăn hấp dẫn không thể bỏ qua khi tới Lạng Sơn |
Không chỉ độc đáo ở phần nguyên liệu, món bánh cuốn trứng Lạng Sơn còn hấp dẫn bởi nước chấm. Có thể nói nước chấm chính là "linh hồn" của món bánh cuốn trứng xứ Lạng. Chẳng những thế mà nhiều người nhận xét rằng, 90% độ ngon của món bánh cuốn trứng là bởi nước chấm. Đó là tô nước chấm ăn kèm với thịt băm chưng cùng với dấm, hạt tiêu, nước mắm hài hòa. Ngoài ra, khi thưởng thức bánh cuốn có thể ăn kèm với các loại rau thơm như mùi, húng để tăng thêm hương vị đặc trưng.
Cách thưởng thức bánh cuốn trứng chuẩn người Lạng Sơn đó là, gắp miếng bánh thả vào bát nước chấm, thêm hành phi, hạt tiêu và rau mùi rồi xì xụp. Lớp vỏ bánh mềm dẻo hòa quyện với phần nhân trứng tan chảy kết hợp cùng các gia vị trong nước chấm càng ăn càng nghiền. Đặc biệt, nếu vào những ngày trời se lạnh, được thưởng thức món bánh cuốn nóng hổi ấm bụng thì không gì có thể sánh bằng.
5. Bánh chưng đen Bắc Sơn - đặc sản mừng năm mới độc đáo của xứ Lạng
Bánh chưng đen vừa dẻo ngọt, vừa béo bùi, tạo thành món ngon khó ai cưỡng nổi |
Bánh chưng đen (hay còn gọi là bánh chưng cẩm) được gói theo hình trụ dài giống bánh tét miền Nam hay bánh gù của người Giáy. Tuy nhiên, món bánh đặc trưng của người Tày ở huyện Bắc Sơn (Lạng Sơn) có màu đen bóng rất lạ mắt, quyện chặt vào từng hạt nếp chắc mẩy và khiến không ít người phải tò mò.
Ngay từ tháng 10 Âm lịch, người Tày đã rục rịch chuẩn bị những công đoạn đầu tiên để gói bánh chưng đen. Sau vụ gặt lúa mùa, người ta chọn những cọng rơm nếp to, vàng ươm đem về phơi khô rồi đốt thành tro. Sau đó, họ vò kỹ, rây lấy phần mịn nhất rồi trộn với gạo nếp thơm để tạo ra màu đen bóng.
Một số nơi khác còn lấy thân cây núc nác trên rừng tước vỏ, đốt thành than, giã mịn như bột rồi trộn lẫn với gạo nếp. Người Tày sẽ liên tục đảo đều cho đến khi miết mạnh hạt gạo trên đầu ngón tay, thấy gạo đã quyện chặt với bột than thành màu đen nhánh thì mới đem đi gói. Tất cả các nguyên liệu làm bánh từ lúa nếp, thảo quả cho đến thịt lợn, đỗ xanh,… đều đặc biệt vì mang đậm phong vị vùng cao.
Gạp nếp đạt “chuẩn” phải chọn giống ngon nhất, hạt to tròn đem vo thật kỹ, xóc với một chút muối tinh. Thịt lợn là thịt ba rọi thái mỏng ướp với gia vị, thảo quả khô giã nhỏ trộn cùng tiêu, ớt bột. Cuối cùng, nhân bánh là đỗ xanh trộn hành mỡ, hạt tiêu và được bọc trong lá dong rừng tươi.
Bánh chưng đen phải được gói thủ công. Bánh dài khoảng 30 cm, đường kính 6 – 7cm và dùng lạt dài cuốn chặt. Trước khi luộc bánh, người ta đem ngâm qua nước lạnh một lần, xếp vào nồi đổ nước cho ngập mặt lá, đun khoảng 4 - 5 tiếng thì vớt ra.
Với người dân tộc Tày ở đây, món bánh chưng đen không thể thiếu mỗi khi tết đến xuân về |
Làm được bánh chưng đen không hề đơn giản. Chính bởi vậy khi chọn nàng dâu, người dân Bắc Sơn thường chú ý đến những cô gái biết làm nên chiếc bánh tròn trịa, đậm đà, khi bóc ra đường lạt gói phải hằn đều lên thân bánh...
Khi thưởng thức, người dân lấy chính sợi lạt quấn quanh thân bánh để cắt thành từng khoanh. Nhìn từ bên ngoài, bánh dẻo quánh, nhân vàng ươm màu đỗ, thơm lừng mùi hành mỡ, hạt tiêu, mùi lá dong. Chỉ cần nhìn thôi, thực khách cũng đủ ngây ngất và có cảm giác như bị mê hoặc bởi thứ đặc sản vùng cao.
Nếu muốn làm mới vị giác, du khách có thể thưởng thức món bánh chưng đen nướng. Đặt chiếc bánh còn nguyên lá lên lớp than hồng cho đến khi mùi thơm của gạo nếp, thảo quả và thịt mỡ lan tỏa trong không khí, đánh thức giác quan của tất cả mọi người.
Chỉ một miếng bánh nhưng mang đủ hương vị đặc biệt của nếp, thịt lợn, vị ngọt của nhân đỗ xanh, vị lạ của cây rừng... Đó thực sự là dư vị không thể nào quên. Nét độc đáo của bánh chưng đen còn ở vị bùi bùi, thơm mát, không gây nóng cổ, nóng bụng như bánh chưng thường. Chính vì vậy, người dân còn gọi đây là món ăn “hạ hỏa”.
Ngày trước, loại bánh này chỉ xuất hiện trong ngày lễ, Tết, giỗ chạp… Tuy nhiên, hiện nay, bánh chưng đen đã trở thành thứ đặc sản phổ biến mà bất cứ ai tới Bắc Sơn đều có thể mua về làm quà tặng. Bánh chưng đen có thể để được rất lâu, đến hết tháng Giêng mà vẫn thơm ngon.
Giáp Tết trong cái rét vùng cao, được ngồi bên nồi bánh chưng sôi sùng sục khói, uống vài ba chén rượu ngô thơm nồng, ôn lại chuyện năm cũ, bàn chuyện năm mới thì quả thực không còn gì ấm cúng và thú vị bằng.
6. Nem nướng Hữu Lũng
Nem nướng Hữu Lũng – đặc sản Lạng Sơn không thể thiếu. Nhắc đến nem nướng nhiều người sẽ nghĩ ngay đến món nem chua Thanh Hóa nướng nức tiếng gần xa được bày bán trên vỉa hè, các gánh hàng rong len lỏi khắp ngõ nhỏ, hay như nem chua rán Hàng Bông, được người dân Hà thành ưa chuộng. Nhưng nem nướng Lạng Sơn có hương gây mùi nhớ rất đặc biệt và cũng ngon không kém.
Lạng Sơn, thị trấn Hữu Lũng nổi tiếng là nơi có nhiều hộ dân sống bằng nghề gói nem nướng. Ngon nhất phải kể đến cửa hàng nem nướng Bà Láng, là cửa hàng làm nem nướng đầu tiên tại đây có tay nghề cao nhất. Hàng ngày, tại cửa hàng luôn rộn ràng cảnh người thái thịt, người lau lá chuối, người gói, người tước lạt, người buộc nem để đem bán tại chợ hay giao hàng đặt cho các bữa tiệc.
Du khách cần chuẩn bị thịt lợn, bì lợn, và chút thính trộn lẫn. Để có được nem nướng Lạng Sơn ngon phải chọn được phần thịt lợn khoét vai không quá nạc nhưng cũng không được quá mỡ, phải chọn con lợn mới giết, thịt hồng. Thông thường một chiếc nem gói khoảng 0,3kg thịt lợn.Thịt mua về được rửa sạch, thái con chì, bì lợn luộc chín, cạo sạch lông.
Sau đó trộn cả phần thịt và bì với bột thính, gói lại bằng lá chuối tươi và buộc lạt. Không nên buộc lạt quá chặt vì sẽ làm cho nem cứng, và khi nướng, nem sẽ không chín đều.
Ảnh: Fanpage Nem Nướng Hữu Lũng - Đặc Sản Lạng Sơn |
Nem để nguyên lá đem nướng trên than hoa hồng rực cho đến khi cháy xém hết lớp lá chuối, trong quá trình nướng phải lật nem liên tục để tránh nem bị cháy một bên. Đối với những gia đình không sử dụng bếp củi hay không có chỗ để dùng than hoa thì có thể nướng bằng lò vi sóng hoặc kẹp vỉ nướng trên bếp ga, tuy nhiên nướng bằng than hoa mới đúng kiểu và chuẩn hơn cả. Không nên để nem quá lâu mới đem nướng, nem sẽ rất chua.
Bày nem ra đĩa bỏ lớp lá đã cháy ra, hương thơm nồng của thịt nướng cùng mùi chua ngai ngái của thịt đã lên men quyện vào nhau, sẽ càng thăng hoa cùng vị cay cay của tương ớt.
Món nem này nếu nhìn bề ngoài chẳng khác mấy so với nem chạo, nem thính khá nổi tiếng ở nhiều tỉnh thành trong cả nước. Nhưng cũng như món bánh cuốn, món nem ở từng địa phương lại chứa trong đó một thứ “đặc sản” đặc trưng riêng toát ra từ hình dáng, nguyên liệu và hương vị của món ăn.
Tại Lạng Sơn, du khách có thể tìm ăn món nem nướng tại Hữu Lũng, tại cửa hàng nem Bà Láng. Đây là một hàng khá nổi tiếng và khai sinh món nem nướng trứ danh đầu tiên tại xứ Lạng.
7. Lợn quay Lạng Sơn- đặc sản vùng cao không thể chối từ
Để có món lợn quay thơm ngon phải trải qua rất nhiều công đoạn. Đầu tiên là chọn lợn. Lợn phải chọn những con có lông mượt, dày và dài và có trọng lượng từ 25 – 40kg. Chọn được lợn rồi là công đoạn chế biến và tẩm ướp gia vị. Nguyên liệu tẩm ướp chính gồm lá mắc mật tươi, quả mắc mật, đậu phụ nhự và tàu choong Đây là một loại tương đậu nành làm theo công thức của người Tày. Ngay cả mật ong để đánh màu cũng phải là loại tốt, nếu không con lợn không thể lên màu đều và đẹp.
Lợn quay Lạng Sơn được quay nguyên con, có màu vàng rộm. Khi ăn sẽ cảm thấy được vị ngọt của thịt, giòn của da lợn, đặc biệt là mùi thơm không thể lẫn vào đâu được của quả và lá mác mật. Với những nguyên liệu đặc trưng của vùng miền núi, người dân rất cởi mở khi được hỏi về bí quyết làm nên món ăn này. Đặc biệt, du khách muốn thịt lợn quay được ngon thì phải chọn con tầm 30-40kg. Đặc biệt là phải có lá mác mật với quả mác mật nhồi vào trong bụng thì thịt mới thơm mới đậm. Muốn da lợn giòn thì phết mật ong, mà phải mật ong rừng thì mới ngon.
Lợn quay Lạng Sơn được quay nguyên con. Tạo màu cho lợn quay là một trong những bước quan trọng nhất tạo nên độ bắt mặt cho món lợn quay Lạng Sơn. Để da của lợn quay nổi rộp thì người thợ cần dùng một cây kim dài, vừa quay vừa châm vào da, đồng thời phết mật ong và quay đều tay cho đến khi con lợn xuất hiện màu nâu cánh gián. Trước đây, người Tày thường quay lợn trực tiếp trên ngọn lửa than củi núi đá mất khoảng 2-3 tiếng. Hiện nay, bà con cải tiến bằng lò quay chạy tự động nhanh hơn rất nhiều, đáp ứng được nhu cầu kinh doanh của người dân. Mỗi một con lợn ngon được ra lò phụ thuộc vào tay nghề của người thợ cũng như bí quyết quay của từng gia đình.
Thịt lợn quay không chỉ là đặc sản xuất hiện vào những dịp đặc biệt như đám cưới, ma chay, lễ hội, mà đã trở thành món ăn phổ biến của người dân. Đặc biệt hơn nữa, thịt lợn quay Lạng Sơn cũng là món ăn thu hút nhiều thực khách trên mọi miền đất nước, ai ai cũng biết đến và để lại nhiều ấn tượng.
8. Vịt quay Lạng Sơn - món ngon nổi tiếng nhìn là thèm
Không chỉ nổi tiếng với bánh ngải, lợn quay, măng ớt… du lịch Lạng Sơn du khách còn được thưởng thức đặc sản vịt quay nổi tiếng. Điều làm nên sức hấp dẫn của món vịt quay đó chính là, loại vịt Thất Khê nổi tiếng thịt mềm, dày và có xương nhỏ.
Vịt quay Lạng Sơn được chế biến kết hợp cùng với các loại lá rừng đặc sản như quả mắc mật, lá mắc mật và gia vị mật ong, xì dầu, tiêu đen, sả, ớt, gừng, dầu đậu nành, hạt nêm, tỏi, đường, giấm,... tạo nên hương vị vô cùng hấp dẫn. Công đoạn tẩm ướp được xem là bí quyết của món vịt quay Lạng Sơn, mà những nơi khác không có được. Để làm món vịt quay chuẩn Lạng Sơn, đòi hỏi người thực hiện phải thật kiên trì và tỉ mỉ từng công đoạn. Nhất là khâu căn giờ quay vịt có yếu tố quyết định tới chất lượng vịt quay, màu sắc và mùi vị.
Cách thưởng thức món vịt quay của người dân Lạng Sơn cũng khác hoàn toàn so với những nơi khác. Họ không bao giờ dùng xì dầu hay nước chấm, mà sử dụng loại nước chấm tự pha chế. Là loại nước sánh lại được lấy từ bụng con vịt đã quay kèm theo bí quyết riêng. Thịt vịt được chặt thành từng miếng vừa ăn hoặc có thể dùng tay để xé, từng miếng thịt béo ngậy kèm chút lá rừng. Vịt quay là một trong những món ăn đặc sản Lạng Sơn mà du khách nào cũng muốn thưởng thức một lần khi có dịp tới xứ Lạng.