Khám phá hang Chiều - Hang động kỳ vĩ và huyền bí bậc nhất ở Mai Châu Độc đáo động Thác Bờ - Địa điểm du lịch tâm linh nổi tiếng ở Hòa Bình Kỳ thú dáng tiên nữ, tiên ông nơi động Tiên Phi Hòa Bình |
Lũng Vân khi quang mây - Ảnh: langduchoang |
Lũng Vân là một xã của huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình với diện tích 21,5 km2. Trước năm 1956 Lũng Vân thuộc huyện Bá Thước, tỉnh Thanh Hóa, sau này được nhập vào Hòa Bình.
Lũng Vân nằm cách trung tâm thành phố Hòa Bình khoảng 40km, là một trong bốn cái nôi văn hóa lớn và cổ xưa nhất ở xứ Mường Hòa Bình. Với cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp, hùng vỹ cùng nét văn hóa đặc trưng, Lũng Vân đang là điểm đến của không ít người đam mê du lịch phượt. Được coi là “nóc nhà xứ Mường Bi”, bởi đó là vùng đất sinh sống cao nhất của người dân tộc Mường, đồng thời cũng là nơi chứa đựng rất nhiều câu chuyện đã đi vào huyền thoại.
Lũng Vân gồm những ngọn núi cao hùng vĩ điệp trùng thấp thoáng trong mây, với những con đường nhỏ nhưng dốc cao và vô cùng hiểm trở…Chính vì những điều kiện thiên nhiên và địa hình đó, nơi đây đã từng là điểm đến của một số nhóm phượt và off-road muốn trốn tránh sự ồn ào thành thị để tìm cho mình những giây phút trải nghiệm trong một không gian thiên nhiên tĩnh lặng.
Phương tiện di chuyển tới Lũng Vân
Đi phượt Lũng Vân bằng xe máy |
Hiện nay, đến Lũng Vân đã thuận lợi hơn nhiều so với trước, giao thông cũng tấp nập hơn với nhiều loại hình phương tiện, du khách có thể đi thuê xe máy để tiện trong việc chủ động đi lại. Nếu du khách đi theo nhóm đông người thì có thể thuê xe ô tô. Tính giá chia ra thì mỗi người vừa phải trả ít kinh phí hơn thuê xe máy mà còn đảm bảo an toàn cũng như về mặt đường đi không sợ lạc.
Từ thành phố Hòa Bình, du khách di chuyển theo hướng đi Mai Châu – Mộc Châu, qua thị trấn Mường Khến 1 đoạn, hỏi đường đi Lũng Vân – Địch Giáo. Từ Địch Giáo nhìn theo hướng con đèo Dốc Mùn ngoằn ngoèo, dốc đứng lên những ngọn núi đang chìm trong biển mây. Ấy là Lũng Vân, với những bản Mường nhà sàn treo lưng chừng núi vây lấy lòng chảo mây ngàn.
Thời điểm thích hợp du lịch Lũng Vân
Mây giăng ở Lũng Vân. Ảnh: tintucdulich. |
Nằm ở độ cao 1200m so với mặt nước biển, nơi đây quanh năm mây mù bao phủ nên còn có tên gọi Thung Mây. Thung lũng được bao bọc bởi núi Trâu, núi Pó, núi Tiên, khí hậu mát mẻ, nhiệt độ trung bình vào khoảng 20 – 23,3ºC. Cái tên Lũng Vân hẳn còn xa lạ với nhiều người. Một phần bởi nó nằm sâu bên trục đường Hòa Bình – Mộc Châu, đường tới Lũng Vân lại vô cùng hiểm trở với những đèo dốc liên tiếp dài 13km. Bởi thế, cũng dễ hiểu khi ít khách du lịch biết về Lũng Vân.
Thiên nhiên đã luôn ưu ái Lũng Vân cảnh sắc vẹn toàn, dù du khách đến đây vào bất kỳ thời điểm nào trong năm cũng sẽ bắt gặp một vùng đất xinh đẹp, đáng sống. Nhưng có lẽ để nói đến mùa đẹp nhất, cũng như thuận lợi cho du khách thì vào khoảng sau tết Nguyên Đán khi trời đất vẫn còn tràn ngập sắc xuân, vạn vật khoác lên mình tấm áo mới xanh mát, tươi mới hơn.
Đặc biệt, thời điểm này là lý tưởng cho du khách săn mây, những vạt mây bồng bềnh xà xuống bao phủ cả đất trời Lũng Vân như những nàng tiên ham chơi không chịu về; ấy thế, lại làm cho Lũng Vân trở nên huyền ảo, đẹp hơn bao giờ hết. Nếu không, hãy chọn thời điểm lúa chín vàng Lũng Vân cũng không hề thua kém những thửa ruộng bậc thang nào trên dải đất Việt Nam.
Những trải nghiệm độc đáo ở Lũng Vân
Nghe người dân kể về truyền thuyết của người Mường
Lũng Vân xinh đẹp nằm im lìm trong lòng chảo mây. Ảnh: luhanhvietnam |
Theo truyền thuyết được ghi lại trong áng mo “Đẻ đất, đẻ nước” của người Mường thì đã lâu lắm rồi, chẳng ai còn nhớ được, giữa chốn núi non hiểm trở đã xảy ra một cơn đại Hồng thuỷ, bất thần đổ ập xuống trong một đêm mưa gió bão bùng. Dòng nước cuộn xiết đã cuốn trôi hết nhà cửa, trâu bò, con người và cả núi rừng. Giữa cuộc tan tác ấy, có đôi vợ chồng bấu víu được trên chiếc bè. Cứ thế, chiếc bè chìm nổi trong sóng dữ hết ngày này sang này khác cho đến khi vướng vào một cây cổ thụ khổng lồ có tên là Bi, rễ cây ăn xuyên qua “chín sông, mười núi” bền chắc đến nỗi cơn đại Hồng thuỷ kia không thể làm bật gốc.
Lũng Vân ở nơi cao nhất xứ Mường Bi - Ảnh: dat09 |
Khi cơn Hồng thuỷ rút đi, đôi vợ chồng nọ cũng không biết quê xứ của mình ở đâu để trở về. Bởi sau cơn Hồng thuỷ, mặt đất như trở lại thời hỗn mang, mọi thứ đều tan tác hoặc bị cuốn trôi. Không biết đi đâu, họ ở lại dựng nhà dưới gốc cây Bi, sinh con đẻ cái, phát rừng làm nương, cày cuốc sườn đồi thành ruộng bậc thang, làm Cọn lấy nước, thuần phục muông thú thành vật nuôi, lập bản, lập mường. Nhớ ơn cây thần cứu mạng, họ đã lấy tên cây đặt tên cho mường. Đó là vùng Mường Bi ngày nay – một mường lớn và trù phú nhất trong 4 mường Bi – Vang – Thàng – Động của xứ Mường Hoà Bình.
Cái tên Lũng Vân, có lẽ được bắt nguồn từ điểm đặc trưng của một thung lũng với bốn bề là núi cao dựng, nối nhau trùng điệp quanh năm chờn vờn mây phủ. Xưa, Lũng Vân còn có tên là Mường Chậm. Theo những người dân thì chữ Chậm ở đây không phải là sự nhanh, chậm theo nghĩa thông thường. Nhưng trong tiếng Mường nó cũng chẳng thể hiện ý nghĩa gì. Nguồn gốc xa xưa của địa danh này cũng chẳng mấy ai rõ. Chỉ biết rằng truyền thuyết tạo nên xứ Mường trong mây này là một câu chuyện buồn của một cuộc trốn chạy quan Lang của một gia đình nghèo còn được ghi trong trí nhớ của một lớp người xưa cũ như một câu truyện truyền thuyết đời nối đời.
Lũng Vân được mệnh danh là Vùng đất của sương mù |
Tương truyền thì trong xứ Mường Hoà Bình, Mường Chậm là xứ mường trẻ nhất, nằm ở địa thế sâu, xa nhất. Mường Chậm là kết quả cuộc trốn chạy của một nhà dân thường. Vì phạm tội với nhà Lang nên phải bồng bế nhau bỏ mường đi tìm đất mới. Thuở ấy, nhà lang xứ Mường Bống ở đất Lạc Sơn cho đắp một con đập dẫn nước về các thửa ruộng bậc thang lẩn khuất giữa các khe nách núi.
Từ khi có con đập, lũ trẻ thường rủ nhau tắm và chui luồn như những con rái cá trong cái cống dẫn nước bắc ngang qua chân núi. Một nhà dân thuộc họ Bùi vô tình đan cái ngõ hầu (đó) chặn một đầu bên kia miệng cống. Mải nô đùa, luồn lách 9 đứa trẻ bị giắt vào ngõ hầu và chết trong đó. Nhà lang phạt vạ, bắt nhà họ Bùi đan đủ 9 cái ngõ hầu, mỗi năm nộp lúa, ngô… quy ra vàng bạc đầy 9 cái ngõ hầu để nộp vạ cho mường… Không chịu được sự bất công, sau một mùa lúa mới, trong một đêm tối trời, nhà họ Bùi đã gùi chín gùi lúa mới bồng bế nhau bỏ mường, trốn khỏi nhà lang.
Lũng Vân có sức lôi cuốn kỳ lạ - Ảnh: Mai Danh Hảo |
Họ đi miết cho tới khi lạc vào một vùng hoang vu cây cối rậm rạp. Nghe tiếng Cuốc kêu, biết là vùng này có nước, họ mới dừng chân ở lại…. Mường Chậm được hình thành như thế. Con Cuốc chỉ đường cho người trốn vạ nhà lang được nhà họ Bùi nhớ ơn, không bao giờ ăn thịt. Cuộc sống bình yên trên vùng đất mới của dòng họ Bùi bắt đầu như vậy. Một năm sau, người vợ của nhà họ Bùi đi xúc cá, được một quả trứng. Bỏ đi đâu bà cũng bắt đúng quả trứng ấy. Lấy làm lạ, bà mang về cho gà ấp, quả trứng nở ra một con rắn. Con rắn hiền lành chẳng bao giờ làm hại ai cả.. Lớn lên, con rắn bò về cái lằn nước nơi trước kia người vợ nhà họ Bùi vớt được quả trứng.
Trước khi đi, rắn bảo: “Con trả ơn nuôi dưỡng của bố mẹ bằng cách mở rộng đất cho bố cày”. Một đêm mưa gió, sấm chớp đùng đùng, nước ngập cả mường, kéo đổ cây, cuốn cả nhà… Đúng lúc ấy, con rắn hiện lên bảo với ông lão họ Bùi: “con sẽ đi dập dòng nước dữ cứu mường. Lúc con đi, bố phải nhắm mắt đọc câu thần chú “con tôi làm được” và không được mở mắt nhìn. Nếu không con sẽ chết ngay!”. Nói rồi, con rắn lao vào dòng nước dữ trong đêm giông gió. Người cha nghe theo, nhắm mắt đọc câu thần chú. Nhưng rồi cuối cùng vì sự tò mò, ông mở mắt ra và nhìn thấy một con giao long khổng lồ đang hút từng đụn nước vào bụng, vừa hút, vừa lấy thân mình khoét núi cho nước thoát đi…
Cuộc sống ở Lũng Vân lúc nào cũng thanh bình |
Với những tiềm năng sẵn có, Lũng Vân hiện đang là một điểm thu hút khách du lịch. Đến Lũng Vân đẹp nhất vào thời điểm sau tết đến tháng Tư hàng năm, đó là lúc có nhiều mây bao phủ nhất. Mây bắt đầu từ chiều tối và đến sáng sớm hôm sau tan dần, đến giữa trưa thì trời quang hẳn. Đến Lũng Vân, du khách có thể tham quan, nghỉ đêm tại nhà sàn của người Mường, cùng làm những công việc hàng ngày với người dân hay tham gia các sinh hoạt văn hóa cộng đồng… Chợ Lũng Vân nằm ngay trung tâm xã, họp mỗi tuần một lần vào ngày thứ 3, du khách có thể đến đây để tìm hiểu những màu sắc văn hóa của dân tộc Mường.
Từ Lũng Vân các bạn cũng có thể đi tiếp sang huyện vùng cao Bá Thước của tỉnh Thanh Hóa, nơi có khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông, một địa điểm du lịch cũng vô cùng hấp dẫn với những bạn yêu các cung đường vùng cao Tây Bắc.
Săn mây ở Lũng Vân
Lũng Vân, nóc nhà xứ Mường - Ảnh: XAG Vịt |
Lũng Vân là đỉnh cao nhất của khu vực Mường Bi, du khách tới đây sẽ có cơ hội ngắm nhìn cảnh sắc thiên nhiên núi rừng, tận hưởng không gian trong lành, dễ chịu vô cùng. Đường đến Lũng Vân khá khó đi có lẽ bởi những áng mây vây quanh khung cảnh rừng núi, đây chính là những nét đẹp hư ảo chỉ có riêng ở Lũng Vân.
Buổi sáng ở Lũng Vân gió mát và nắng nhẹ, những áng mây trắng chờn vờn trên khắp các đỉnh núi, bản làng… Trưa đến, mặt trời ló rạng, nắng xuyên thẳng lớp mây mù dày đặc tràn xuống thung lũng.
Những giọt sương giá ngày đông đọng trên màu lá xanh mướt của những thửa ruộng bậc thang sáng lấp lánh như ngọc bích. Màu trắng của mây, màu vàng của nắng hòa vào làm một tạo nên bức tranh thơ tuyệt diệu giữa miền sơn cước.
Tham gia phiên chợ ở Lũng Vân
Ngoài trải nghiệm săn mây, phiên chợ ở Lũng Vân cũng là một trải nghiệm văn hoá độc đáo dành cho du khách. Tại đây, du khách sẽ được hòa mình vào không khí sôi nổi, tấp nập, tha hồ khám phá những nét văn hóa độc đáo của người dân nơi đây.
Mỗi tuần vào buổi sáng thứ 3 thì ở Lũng Vân có tổ chức một phiên chợ với nhiều mặt hàng từ ăn uống, may mặc tới quần áo khá nhộn nhịp nên nếu có cơ hội tới Lũng Vân vào những ngày này thì đừng quên tham gia phiên chợ.
Với sự bình dị trong cuộc sống của người dân nơi đây cộng thêm vẻ đẹp thiên nhiên huyền ảo thì Lũng Vân xứng đáng trở thành một địa điểm tham quan nổi tiếng mà du khách đến ghé thăm khi đi du lịch Hòa Bình.
Ăn gì khi đến Lũng Vân, Hòa Bình
Thịt trâu nấu lá lồm
Thịt trâu om lá lồm là món ăn riêng có của người Mường Hoà Bình. Ảnh: tripnow |
Thịt trâu om lá lồm là món ăn riêng có của người Mường Hoà Bình mà nhiều dân tộc anh em khác trong vùng không có được. Thịt trâu được mang thui cho sém vàng, thơm, cạo sạch rồi bung cho mềm, thái miếng nhỏ, hầm trong nồi đất chín kỹ rồi giã lá lồm, nêm một ít tấm gạo bỏ vào nồi hầm với thịt trâu.
Khi tấm chín nở và hơi sánh cũng là lúc thịt trâu nhừ và ngấm vị chua của lá lồm. Vị ngọt ngào của thịt trâu tươi, vị thanh chua chua của lá lồm, vị ngầy ngậy bùi béo của tấm gạo cùng sự đậm đà của gia vị... đã tạo nên một món ăn lạ mà ngon. Món này khi thưởng thức rắc thêm chút mắc khén vào và thưởng thức trong tiết trời se se lạnh thì ai cũng mê.
Thịt lợn muối chua
Món ăn được xem là đặc sản của Hòa Bình. Ảnh: dulich24 |
Nguyên liệu để làm nên món này là loại thịt của những con lợn được nuôi thả trong tự nhiên, thịt săn chắc. Thịt lợn sau khi được sơ chế mang ướp với men của lá rừng cùng với thính gạo tẻ rang vàng rộm, giã nhỏ trong khoảng thời gian 1 giờ. Tiếp theo, lấy lá chuối rừng hơ trên lửa, lau sạch rồi lót vào đáy bồ làm bằng tre, nứa, trước khi đưa thịt vào bồ xếp lần lượt cho tới hết.
Phần dưới của bồ được rải một lớp gạo rang nhỏ trộn với muối rang rồi xếp thịt lên, cứ một lần xếp thịt lại rải một lần gạo rang với muối. Sau đó, đậy kín nắp bồ bằng lá chuối và để bồ thịt muối trên gác bếp đun củi.
Khi thưởng thức món thịt lợn chua, dễ dàng cảm nhận được màu sắc của thịt, ngậy của bì, độ chua của men rừng, độ mặn vừa phải của muối, độ thơm của thính gạo. Món ăn này thường được ăn với các loại lá rau rừng.
Cơm lam
Món cơm lam của người Mường khiến nhiều người phải xao xuyến. Ảnh: sites |
Là món ăn đặc trưng của nhiều dân tộc nhưng cơm lam của người Mường Hòa Bình có nét đặc biệt là khi nấu đồng bào chọn loại nước suối đầu nguồn trong vắt, không dính tạp chất; bên cạnh đó, ống nứa, tre dùng nấu cơm được nút ở hai đầu bằng một loại lá nếp rừng thơm ngát nên khi chín cơm tỏa mùi thơm ngan ngát khiến người thưởng thức luôn thấy ngon, muốn ăn tới no bụng mà không ngán.
Chẳng vậy mà du khách tới Hòa Bình, trong mâm tiệc dù đã có nhiều món rồi thì vẫn không thể thiếu vài ống cơm lam. Rồi đến khi tạm biệt nơi đây, du khách cùng đừng quên tìm mua những ống cơm lam mang về làm quà cho người thân, bè bạn nhé.
Về bản Nà Luông khám phá bản sắc dân tộc Lào |
Vẻ đẹp yên bình của bản Lìm Mông |
Review Sapa: Bản Cát Cát - Ngôi làng cổ đẹp nhất vùng Tây Bắc |