Chinh phục đỉnh Pu Si Lung - Nóc nhà vùng biên giới Lai Châu Khám phá động Tiên Sơn - Thắng cảnh giữa núi rừng đại ngàn Tây Bắc Khám phá 'Tây Bắc đệ nhất động' Pu Sam Cáp Lai Châu |
Bản Nà Luông thuộc xã Nà Tăm, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu |
Giới thiệu Bản Nà Luông
Bản Nà Luông nằm cách trục đường quốc lộ 4D gần 7km, thuộc xã Nà Tăm, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu. Đây là nơi cư trú của 91 hộ và gần 500 nhân khẩu đồng bào dân tộc Lào.
Theo giải thích của người dân nơi đây, trong tiếng dân tộc Lào, “Nà” có nghĩa là ruộng, “Luồng” có nghĩa là con rồng. Từ xa, phóng tầm mắt thì thấy rất rõ dòng Nậm Mu như con rồng đang uốn lượn bên những thửa ruộng bậc thang của bản Nà Luồng.
Theo Trung tâm xúc tiến du lịch Lai Châu, cách đây 300 năm, một bộ lạc người Lào đã tìm tới địa phận ven dãy Hoàng Liên Sơn khai phá làm ruộng nước, mở mang cuộc sống mới. Người Lào ở bản Nà Luồng rất chú trọng giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc nên không bị đổi thay theo thời gian. Đối với du khách ưa khám phá cảnh quan thiên nhiên và văn hóa truyền thống thì Nà Luồng là địa điểm không thể bỏ qua trong hành trình khám phá vùng cao Tây Bắc.
Phong cảnh yên bình của bản Nà Luồng. |
Với những phong tục, tập quán sinh hoạt đặc trưng, nghề dệt thổ cẩm truyền thống và phương thức lao động sản xuất trồng lúa nước, trồng ngô, bản Nà Luồng đang được coi là điểm hội tụ các yếu tố, điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch cộng đồng, gắn với văn hóa dân tộc...Bản Nà Luông là điểm bản đầu tiên của tỉnh Lai Châu được “xếp hạng” trong khu vực do chính những người trong ngành bầu chọn.
Cách đây chưa lâu, bản Nà Luồng đã được Sở VHTT&DL Lai Châu và Tổng cục Du lịch lựa chọn đầu tư phát triển thành điểm du lịch cộng đồng. Bản Nà Luông được Tổng cục Du lịch đưa vào danh sách các điểm đến trong tuyến du lịch “Vòng cung Tây Bắc”.
Những nếp nhà nhà sàn cổ của người Lào ở Lai Châu |
Đối với du khách ưa khám phá cảnh quan thiên nhiên và văn hóa truyền thống thì Nà Luồng là địa điểm không thể bỏ qua trong hành trình khám phá vùng cao Tây Bắc.
Bản Nà Luông cách trung tâm tỉnh Lai Châu khoảng 34km, tuy nhiên đường tới bản rất khó đi du khách phải thật cẩn thận và chú ý. Đổi lại trên con đường quanh co, uốn quanh các sườn núi đó du khách sẽ bị choáng ngợp bởi cảnh vật thiên nhiên nơi đây.
Đường đến Nà Luồng quanh co hiểm trở nhưng vô cùng thơ mộng |
Trong ánh nắng vàng của buổi chiều tà, dòng Nậm Mu đầu bản lấp lánh dưới ánh mặt trời như rát bạc. Nhìn từ trên cao xuống, khung cảnh hiện ra trước mắt du khách là cánh đồng lúa vàng óng đang vào mùa gặt. Cùng với những đụn khói lam chiều từ những nếp nhà nhà sàn cổ thấp thoáng hiện ra trong những bóng cây cổ thụ, bên sườn núi tạo nên vẻ đẹp cho bản Nà Luồng làm nao lòng nhiều khách du lịch.
Dòng Nậm Mu ngay dưới chân cầu hiền hòa chảy |
Sức hút đến với du khách ngay từ đầu bản khi phải qua chiếc cầu treo chênh vênh, cảm giác bồng bềnh, lãng đãng trong gió núi dẫn lối vào bản. Trên con đường mòn dẫn vào bản qua cánh đồng đang vào mùa gặt, mùi ngai ngái của rơm rạ như đưa du khách về với cánh đồng quê thuở thơ ấu.
Vừa đặt chân đến bản, du khách sẽ nghe thấy tiếng lách cách âm vang khắp bản. Dưới gầm sàn, đầu nhà là bóng dáng cô gái Lào răng đen, mặc trang phục truyền thống đang miệt mài bên khung cửi.
Khám phá nét độc đáo mang đậm bản sắc văn hóa
Bản Nà Luồng đang là nơi định cư của hơn 90 hộ dân |
Nhờ chú trọng việc giữ gìn và phát huy truyền thống văn hóa dân tộc nên các phong tục tập quán dường như còn nguyên vẹn không bị đổi thay theo thời gian. Vì vậy, đến với bản Nà Luông, du khách sẽ được chiêm ngưỡng vẻ đẹp cổ kính của các ngôi nhà sàn có kiểu kiến trúc 4 mái đặc trưng, hít thở bầu không khí trong lành, được tận hưởng cảm giác bình yên, êm ả nơi núi rừng Tây Bắc và đặc biệt là được giao lưu trò chuyện, hàn huyên tâm sự với những con người chân chất, tấm lòng đơn sơ nhưng nồng hậu.
Khi buổi bình minh, tiếng chim hót vui réo rắt, rồi sau mỗi buổi chiều tà cảnh ấm cúng, sum họp lại rộn ràng trong các ngôi nhà gỗ thưng hữu tình nơi miền sơn cước này.
Điều hấp dẫn, thú vị nữa ở Nà Luồng là mùa xuân dường như nhộn nhịp một cách lạ thường. Trái tim các chàng trai cô gái thổn thức, rạo rực hơn khi chọn ngày kéo vợ, lựa giờ chọc sàn. Nên duyên chồng vợ là sự gắn bó, đồng điệu của trái tim nên các cô gái được kéo về, nếu đồng ý thì gia đình nhà trai sẽ sang thưa chuyện với bố mẹ cô gái, còn không thì đôi nam thanh nữ tú ấy trở lại mối quan hệ bạn bè như trước, vì vậy mà cuộc sống lứa đôi ở đây đều rất hạnh phúc.
Khung cảnh bản Nà Luồng trong nắng sớm |
Màu đen là màu chủ đạo trong bộ trang phục của phụ nữ Lào và được thiết kế tinh tế, đẹp mắt. Các chị em rất khéo trong việc phối màu, cắt may để tạo nên bộ trang phục độc đáo và lạ mắt. Khi mặc trang phục sẽ thấy được hết vẻ đẹp duyên dáng, uyên chuyển của người phụ nữ.
Áo phụ nữ màu chàm đen được can ghép bằng nhiều mảnh vải màu, xẻ tà cài khuy bên phải, cổ hình tim, phía trước đính hai hàng bạc xu. Phụ nữ Lào thường đeo vòng cổ, vòng tay, hoa tai, trâm cài. Phụ nữ Lào từ trung tuổi trở lên đều nhuộm răng đen bằng một loại nhựa cây lấy từ rừng. Những phụ nữ Lào trẻ tuổi lại có xu hướng để răng trắng.
Đến với Nà Luồng, du khách sẽ bắt gặp cảnh phụ nữ đang thêu thùa, dệt vải, vừa làm, vừa trò chuyện rất vui vẻ. Để may được một bộ quần áo, chị em phải mất từ 1-2 tháng. Tốn nhiều thời gian như vậy là do các đường nét hoa văn, họa tiết được chị em thêu dệt rất tinh tế và tỉ mỉ. Mỗi người đều muốn mình có những bộ váy áo thật đẹp để mặc vào các dịp đặc biệt như lễ hội, cưới hỏi… nên các đường kim mũi chỉ và các công đoạn khác đều được chị em chăm chút rất cẩn thận.
Trang sức của người dân bản Nà Luồng |
Đa số đàn ông người dân tộc Lào trong bản đều giỏi nghề mộc, đóng đồ gỗ, đan lát, chài lưới. Phụ nữ dân tộc Lào rất giỏi với việc trồng dâu, trồng bông, nuôi tằm và dệt vải. Sản phẩm dệt của người Lào là những sản phẩm dệt đẹp ở Tây Bắc, sánh ngang với các sản phẩm dệt của người Thái. Theo các hộ dân, nhiều sản phẩm độc đáo của họ được đặt hàng để mang sang tiêu thụ tại Sapa.
Đến nay, cuộc sống của người dân bản địa phần lớn còn mang tính tự cung, tự cấp. Các món ăn chủ yếu được chế biến từ những sản phẩm của nhà làm ra như: rau rừng, cá suối nướng, cơm lam… Tuy cách trung tâm huyện lỵ chừng 10km, nhưng rất lâu rồi bà con đã tự trồng rau ăn phục vụ nhu cầu cuộc sống hàng ngày và góp phần vào việc phát triển du lịch cộng đồng.
Phụ nữ Nà Luồng thêu trang phục bên nhà sàn. |
Món ăn truyền thống của người dân bản Nà Luồng là cá (gọi là pa). Nằm bên dòng Nậm Mu, từ xa xưa người dân đã biết đánh bắt cá để chế biến món ăn. Cá nướng được người dân gọi là pa lam. Cá nướng có 2 cách chế biến: Người dân mổ đôi con cá rồi cho gia vị vào nướng, cách này được gọi là pỉnh ốp. Một cách nữa là cá cuốn lá vả ở trong rồi cuốn lá dong bên ngoài để nướng. Cách làm này được gọi là pa lam pay ngoa. Do cá đều được người dân đánh bắt từ sông nên cá rất thơm và ngon. Nếu được thưởng thức món cá sông nướng một lần hẳn du khách sẽ không thể quên.
Công cụ đánh bắt của bản Nà Luồng |
Với phong cảnh đẹp cùng những phong tục, tập quán sinh hoạt đặc trưng của dân tộc đã thu hút rất đông khách đến bản Nà Luồng. Hiện nay, một vài nhóm nhỏ lẻ đi khám phá Tây Bắc, họ yêu vẻ đẹp tự nhiên, lối sống đặc trưng của mình cộng với bản sắc vốn có. Ngoài ra, còn có những đoàn khảo sát với sự giới thiệu của ngành du lịch địa phương.
Nếu đến bản Nà Luông, du khách sẽ phải tự tìm hiểu hoặc hỏi những người dân bản. Do đó, hãy làm quen, nói chuyện nhiều với người dân địa phương để biết được những nét đặc sắc về phong tục, tập quán… của người Lào.
Vẻ đẹp yên bình của bản Lìm Mông |
Ghé thăm xã Tú Lệ - Một nét thanh bình của vùng núi Tây Bắc |
Review du lịch Hà Giang: Ghé thăm làng dệt thổ cẩm Lũng Tám |