Trekking Tả Liên Sơn – Khám phá khu rừng cổ tích Chinh phục đỉnh Khang Su Văn để chạm tới cột mốc cao nhất Việt Nam Chinh phục vẻ đẹp hùng vĩ Bạch Mộc Lương Tử – chốn thần tiên vùng Tây Bắc |
Biển mây trên cao nguyên Sìn Hồ |
Cao nguyên Sìn Hồ ở đâu?
Lai Châu thuộc vùng núi Tây Bắc – một trong những cái nôi du lịch của Việt Nam đang rất thu hút khách du lịch trong nước và nước ngoài. Tuy không quá nổi tiếng như Sapa, Mộc Châu,… nhưng Lai Châu lại có những điểm du lịch vô cùng hấp dẫn và không kém phần xinh đẹp, hùng vĩ như: Đèo Ô Quy Hồ, Cánh đồng ruộng bậc thang Mường Than và đặc biệt là Cao Nguyên Sìn Hồ.
Cao nguyên Sìn Hồ nằm trên độ cao hơn 1500m và thuộc địa phận huyện Sìn Hồ của tỉnh Lai Châu. Cách trung tâm thành phố Lai Châu khoảng 60km, huyện Sìn Hồ nằm ở vị trí độc đáo với phía bắc giáp Vân Nam (Trung Quốc), phía nam giáp huyện Tủa Chùa, phía đông là huyện Phong Thổ và phía tây là huyện Mường Tè.
Hướng dẫn đi tới cao nguyên Sìn Hồ
Đi phượt Lai Châu bằng xe máy |
Cao nguyên này là một trong những địa điểm du lịch nổi tiếng nhất Lai Châu, nằm thuộc huyện Sìn Hồ, cách trung tâm thành phố khoảng 60km và tọa trên độ cao khoảng 1.500m. Do đó, đường đi tới đây không hề dễ dàng, nhất là đối với những du khách chưa có kinh nghiệm du lịch rừng, núi.
Nếu từ Hà Nội, đầu tiên du khách cần di chuyển tới Lai Châu bằng xe khách hoặc xe máy (nếu là phượt thủ). Đi xe máy du khách có thể chạy theo cung đường: Hà Nội -> Lào Cai -> Sapa -> đèo Ô Quy Hồ -> Lai Châu.
Hoặc cũng có thể chạy theo tuyến: Hà Nội -> Phú Thọ -> Yên Bái -> Mù Cang Trải -> Lai Châu. Sau khi tới được trung tâm thành phố Lai Châu, du khách có thể thuê xe máy tại các khách sạn, Homestay du khách nghỉ và tự mình chinh phục cao nguyên nhé.
Thời điểm nên ghé thăm cao nguyên Sìn Hồ?
Vẻ đẹp của cao nguyên Sìn Hồ |
Cao nguyên Sìn Hồ Là điểm du lịch nổi tiếng, nên du khách có thể đặt chân tới đây bất cứ khi nào. Bởi mỗi một thời điểm ở cao nguyên Sìn Hồ lại có những nét đẹp và trải nghiệm độc đáo riêng.
Nếu du khách muốn khám phá vẻ đẹp thiên nhiên tươi mới, với những cánh rừng hoa đào, hoa mận,... nở rộ, thì có thể ghé thăm vào dịp mùa xuân.
Còn mùa hè là thời gian lý tưởng để khám phá vẻ đẹp của mùa lúa chín, những thửa ruộng bậc thang giống như đang khoác lên mình một chiếc áo vàng ruộm tuyệt đẹp.
Mùa thu là thời điểm không khí hơi se lành, là thời gian thích hợp để đi chinh phục những ngọn núi xung quanh đây. Mùa đông là thời gian để du khách có cơ hội ngắm tuyết rơi trên cao nguyên cũng rất lý thú.
Khám phá vẻ đẹp của cao nguyên Sìn Hồ
Những ngôi nhà thấp thoáng bên sườn núi |
Nằm giữa những núi đá, những cánh rừng nguyên sinh và có mây mù quanh năm nên khí hậu vô cùng mát mẻ. Trập trùng núi, bồng bềnh mây, quanh co dốc đèo là những đặc điểm tạo nên một Lai Châu rất riêng và luôn để lại dấu ấn khó phai với du khách khi đặt chân đến đây.
Cao Nguyên Sìn Hồ được mệnh danh là “nóc nhà Lai Châu” với cảnh sắc tựa như tiên cảnh, mang nét đặc trưng của một vùng rừng núi nguyên sinh hoang sơ kỳ vĩ.
Vào những ngày đẹp trời, cao nguyên Sìn Hồ còn là một địa điểm săn mây lý tưởng của những người yêu thích vẻ đẹp thiên nhiên, nơi đây hàng ngày mây trắng bồng bềnh bao phủ khắp núi đồi tạo cho du khách cảm giác như đang bước trên thiên đường.
Đi cao nguyên Sìn Hồ |
Sau khi vượt qua những đoạn đường đèo chênh vênh, quanh co với một bên là vách núi sừng sững, bên còn lại là vực sâu thăm thẳm, du khách sẽ được tận mắt chiêm ngưỡng trọn vẹn vẻ đẹp của “một trời Tây Bắc”. Biển mây rộng lớn, bồng bềnh kéo dài dường như đến vô tận. Ánh nắng mặt trời rực rỡ soi sáng những triền núi xanh xa xa, tất cả đã làm nên một bức tranh hùng vĩ, hoang sơ mà không kém phần thu hút.
Không chỉ nổi bật với cảnh biển mây phủ lấp một vùng núi non hùng vĩ, cao nguyên Sìn Hồ còn có những dãy ruộng bậc thang trải dài bất tận. Đến mùa lúa chín, tầng tầng lớp lớp hạt lúa vàng nặng trĩu đung đưa theo gió tạo nên một bản nhạc hòa tấu du dương nhẹ nhàng, cho du khách hòa mình vào thiên nhiên, thả trôi đi những muộn phiền và lo toan trong cuộc sống.
Bản làng thấp thoáng trong mây |
Nhìn trên bản đồ Việt Nam sẽ thấy một chấm son Lai Châu. Cao chót vót trên chấm son vùng sơn cước ấy chính là cao nguyên Sìn Hồ. Theo tiếng bản địa thì “sìn hồ” nghĩa là nơi tập trung nhiều con suối. Có hai dòng sông chảy qua nơi đây là sông Đà và sông Nậm Na. Ngoài ra còn có nhiều con suối lớn như suối Nậm Mạ, suối Nậm Múng, Nậm Tăm, Phiêng Ớt.
Trong huyện có 8 xã nằm ở khu vực thủy điện Sơn La. Điều kiện địa hình, khí hậu, thủy văn, sông ngòi vô cùng thuận lợi cho việc phát triển kinh tế và phát triển du lịch sinh thái, thắng cảnh, nghỉ dưỡng.
Vẻ đẹp độc đáo của thiên nhiên và con người cao nguyên Sìn Hồ
Cảnh sắc tuyệt đẹp trên cao nguyên Sìn Hồ thu hút du khách du lịch |
Cao nguyên Sìn Hồ không chỉ hấp dẫn bởi cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, mà còn mang dấu ấn về một vùng đất chứa đựng những giá trị văn hóa, lịch sử lâu đời của các dân tộc bản địa. Sìn Hồ nói riêng và Lai Châu nói chung là nơi cư trú chủ yếu của nhiều dân tộc đồng bào thiểu số như H’Mông, Thái, Dao...
Khi đến với cao nguyên Sìn Hồ, du khách như được lạc vào không gian xưa với nhiều dấu tích huyền thoại. Tại đây lưu giữ được nhiều di sản văn hóa cổ truyền, đa dạng và độc đáo bản sắc của người dân địa phương vùng núi rừng Tây Bắc như: múa xòe Thái-Mường-So, các lễ hội truyền thống (lễ hội hoa ban của người Thái, lễ hội diễn xướng của người Thái Trắng, lễ cơm mới của người La Hủ...), những di chỉ khảo cổ, bộ tranh cúng 36 bức của người Giáy…
Chợ phiên mang đậm nét dân tộc vùng cao |
Cao nguyên Sìn hồ là nơi sinh sống của rất nhiều dân tộc khác nhau nên thường có những phiên chợ đầy màu sắc, họp vào chủ nhật mỗi tuần. Nếu có dịp du khách có thể tham gia để có thể tìm hiểu thêm về văn hoá đa sắc tộc với nhiều món quà lưu niệm độc đáo được tạo nên từ đồng bào dân tộc thiểu số.
Bên cạnh đó du khách cũng có thể tham gia Lễ hội Hạn Khuống cùng vui chơi, nhảy múa, ca hát và uống rượu quanh đóm lửa hồng với các nam thanh nữ tú đồng bào dân tộc Thái. Tất cả sẽ để lại cho du khách những kỷ niệm khó quên sau hành trình khám phá Cao Nguyên Sìn Hồ.
Làng Pú Đao – cao nguyên Sìn Hồ |
Nếu đã đến Sìn Hồ là phải đến bản Pú Đao, đây là điều những phượt thủ kinh nghiệm dày dặn luôn nói. Bản Pú Đao nằm chót vót trên núi cao, cần đi qua những con đèo uốn lượn vắt ngang qua núi. Để đi đến Pú Đao, du khách cần phải đi qua cầu Lai Hà - cây cầu bắc ngang phụ lưu sông Đà.
Đứng từ trên cầu, du khách có thể nhìn thấy những ngôi nhà sàn người Thái đang ẩn mình dưới hàng dừa và những tán mây lớn dường như muốn sà xuống mặt đất.
Cắm trại qua đêm – Bình minh tuyệt đẹp
Một trải nghiệm mà du khách không thể bỏ lỡ khi muốn chinh phục toàn bộ vẻ đẹp của cao nguyên Sìn Hồ chính là cắm trại qua đêm, thưởng thức những món ăn dân tộc độc đáo và ngắm bình minh giữa núi rừng Tây Bắc.
Muốn cắm trại qua đêm tại Sìn Hồ, du khách phải chuẩn bị sẵn sàng đối mặt cái lạnh 8-10 độ của đêm Tây Bắc. Giá rít qua những tán cây khiến cái lạnh càng thêm cắt da cắt thịt. Để đối phó cái lạnh đó, các nhóm cắm trại tại bãi cắm thường quây quần dựng lều và dựng những đống lửa lớn.
Quây quần bên đống lửa rực ấm, mọi người cùng nhau chuyền tay ly rượu cho ấm bụng. Đừng bỏ qua những món ăn đặc sản lạ của hơn 20 dân tộc thiểu số của Lai Châu như: món măng đắng, món khâu nhục, rượu Mông Kê… Bữa ăn sau một dài ngày dài trèo đèo lội suối giữa rừng nguyên sinh chắc sẽ là trải nghiệm tuyệt vời và khó quên trong đời.
Cắm trại đêm ở Sìn Hồ là trải nghiệm được du khách yêu thích nhất |
Sáng sớm tinh mơ, du khách sẽ được thức dậy giữa cái lạnh trong trẻo của núi rừng nguyên sơ, trong tiếng lao xao của gió, tiếng róc rách của suối, tiếng kêu của chim muông hoang dã… Bình minh trên cao nguyên tỏa sáng một cách ấm áp như truyền thêm sự sống cho vạn vật và đánh thức toàn bộ thế giới từ màn đêm bí ẩn.
Có dịp đến Lai Châu, hãy thử một lần lên cao nguyên Sìn Hồ và cắm trại qua đêm, thưởng thức bữa ăn bên đống lửa và ngắm bình minh rực rỡ giữa thiên nhiên hoang dã Tây Bắc.
Sản phẩm du lịch mới
Trong vài năm gần đây, tại khu 2 thị trấn Sìn Hồ có dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho du khách, đó là dịch vụ tắm lá thuốc, xoa bóp và bấm huyệt do ông Sùng A Páo, một danh y người dân tộc H’mông đảm trách. Nhiều vị lãnh đạo của huyện và các cơ quan, ban ngành đã từng đưa khách đến giới thiệu như một “đặc sản” của địa phương, song loại hình này vẫn chưa thể phát triển do thiếu vốn và hướng đầu tư hợp lý.
Du khách thoải mái khi tắm lá thuốc |
Dung dịch để ngâm tắm là một loại nước có màu đen sánh được nấu từ 10 loại cây thuốc hái từ trên núi, trong đó có gừng và sả là có thể trồng ngay tại vườn nhà. Khách sẽ được mời vào một căn phòng nhỏ, trút bỏ xiêm y rồi ngồi ngâm mình ngập đến tận cổ trong dung dịch nước thuốc nóng chừng 40°C, được chứa trong một chiếc thùng gỗ, có mùi thơm nồng ngai ngái.
Do là một vị thuốc nên chỉ sau ít phút ngâm mình, du khách tưởng như cơ thể nhão ra trong một cảm giác lâng lâng chếnh choáng, nhưng cũng hết sức dễ chịu. Thảo nào trước khi bước vào thùng thuốc, kỹ thuật viên cứ dặn đi dặn lại: “nếu có cảm giác say quá, phải nhỏm người lên và vén rèm gió để hít thở không khí bên ngoài”. Sau 30 - 40 phút ngâm mình, khách sẽ được mời lên nhà trên để bước vào giai đoạn “kỹ thuật” là xoa bóp và bấm huyệt.
Ở giai đoạn xoa bóp và bấm huyệt, ban đầu du khách sẽ có cảm giác đau nhói đến quặn mình, tiếp đến tê rần và lan đều khiến người được bấm huyệt tưởng như cơ thể đang tan ra rồi được sắp xếp lại để chuẩn bị hoàn sinh vậy.
Thú vị nhất là với cú hất vào lưng “trình độ” như thể truyền công lực, khách bật tung người nhỏm dậy một cách “điệu nghệ” và bất ngờ, kết thúc qui trình vật lý liệu pháp độc đáo. Điểm đáng nói là giá cả dịch vụ cũng rất mềm chỉ 50.000 đồng. Trước khi chia tay, khách còn được mời uống cốc nước thuốc nóng, được nấu từ các vị thuốc như trong nước tắm.
Nếu có dịp đến Lai Châu du khách hãy thử một lần lên cao nguyên Sìn Hồ và cắm trại qua đêm, thưởng thức bữa ăn bên đống lửa và ngắm bình minh rực rỡ giữa thiên nhiên hoang dã Tây Bắc, chắc chắn sẽ đem đến cho du khách những trải nghiệm khó quên.