Khai mạc Diễn đàn cấp cao về Công nghiệp 4.0 lần thứ 3 |
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại Diễn đàn cấp cao thường niên lần thứ 3 về công nghiệp 4.0. Ảnh: TTXVN |
Ngày 6/12, tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự, chủ trì và có bài phát biểu quan trọng tại Diễn đàn cấp cao thường niên lần thứ 3 về công nghiệp 4.0-Industry 4.0 Summit. Diễn đàn do Ban Kinh tế Trung ương tổ chức.
Chủ đề diễn đàn lần này là "Phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội bền vững thời kỳ hậu COVID-19 và đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá trong kỷ nguyên số".
Lấy dân làm chủ thể để phòng chống đại dịch COVID-19
Phát biểu tại diễn đàn, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng ghi nhận, đánh giá cao Ban Kinh tế Trung ương đã phối hợp chặt chẽ, cùng các bộ, cơ quan liên quan trong việc chuẩn bị, tổ chức Diễn đàn.
Thủ tướng trân trọng cảm ơn sự tham gia, đóng góp, ý kiến phát biểu rất tâm huyết, trách nhiệm của các đại biểu, chuyên gia trong nước, quốc tế và cộng đồng doanh nghiệp, đã chia sẻ các thông tin, kinh nghiệm phát triển với động lực mới từ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số; đưa ra nhiều khuyến nghị chính sách, giải pháp hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội cũng như các vấn đề dài hạn, xuyên suốt về công nghiệp hóa, hiện đại hóa của Việt Nam trong kỷ nguyên số.
Nhân dịp này, Thủ tướng cảm ơn các nước, bạn bè, đối tác quốc tế đã hợp tác, giúp đỡ, chia sẻ với Việt Nam trong phát triển kinh tế - xã hội nói chung và nhất là trong phòng chống dịch COVID-19, đặc biệt là sự hỗ trợ về y tế.
Thủ tướng nhấn mạnh, sự tàn phá của đại dịch COVID-19 đối với Việt Nam và thế giới trong gần 2 năm vừa qua là hết sức nặng nề. Hiện, Việt Nam đã chủ động chuyển sang giai đoạn thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát có hiệu quả dịch COVID-19, tạo tiền đề thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội thời gian tới.
"Mặc dù gần đây xuất hiện chủng mới Omicron, nhưng chúng ta cũng thấy rằng, chủng này xuất hiện, rồi sẽ có chủng khác xuất hiện. Rõ ràng, dự báo của cơ quan chức năng, các tổ chức quốc tế đều nêu rõ, dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, và có thể còn tiếp tục xuất hiện những biến chủng khác. Đây cũng là quy luật của tự nhiên", Thủ tướng nói.
Theo người đứng đầu Chính Phủ, điều quan trọng nhất là không được chủ quan, lơ là, mất cảnh giác. Song, cũng không nên sợ hãi, mất bình tĩnh.
"Sau một thời gian chống dịch, Việt Nam đã có kinh nghiệm trong công tác phòng chống dịch bệnh COVID-19. "Đương đầu" với đại dịch, chúng ta lựa chọn cách tiếp cận toàn dân, lấy dân làm chủ thể để phòng chống đại dịch. Bởi không có người dân nào an toàn nếu có người mắc COVID-19. Do vậy, chiến thắng đại dịch là chiến thắng của nhân dân", Thủ tướng nhấn mạnh.
Quang cảnh tại Diễn đàn cấp cao thường niên lần thứ 3 về công nghiệp 4.0. Ảnh: TTXVN |
Thủ tướng cho rằng, qua kinh nghiệm chống dịch, Việt Nam đã rút ra được 3 trụ cột chính trong công tác phòng chống dịch bệnh COVID-19: Cách ly và giải toả; tập trung xét nghiệm; áp dụng các biện pháp điều trị phù hợp, hiệu quả.
Trong đó, cách ly phải nhanh nhất, hẹp nhất, giải toả phải tốt nhất, các biện pháp điều trị áp dụng theo công thức "5K + vaccine + thuốc điều trị + công nghệ + ý thức người dân".
Theo người đứng đầu Chính phủ, thời điểm trước đây, khi dịch bệnh diễn biến phức tạp, Việt Nam chưa có nhiều vaccine và thuốc chữa bệnh, nên buộc phải áp dụng các biện pháp, mệnh lệnh hành chính khắt khe. Kết quả khiến tăng trưởng kinh tế quý III/2021 âm 6,17%.
Nhưng bây giờ, khi thay đổi các biện pháp phòng chống dịch, chuyển từ "zero COVID-19" sang thích ứng an toàn, hiệu quả, linh hoạt với dịch bệnh thì tình hình kinh tế - xã hội đã ổn định trở lại, đời sống nhân dân được cải thiện, xuất nhập khẩu ở mức cao, xuất siêu trở lại, niềm tin của người dân, doanh nghiệp, nhà đầu tư và bạn bè quốc tế được giữ vững và củng cố.
"Qua thách thức, khó khăn, chúng ta thấy được bản lĩnh và tinh thần đoàn kết của nhân dân Việt Nam rất cao", Thủ tướng khẳng định.
Chính phủ đang tập trung hoàn thiện 2 chương trình quan trọng
Thủ tướng cho biết, Chính phủ đang tập trung hoàn thiện 2 chương trình: Phòng, chống dịch COVID-19 và phát triển kinh tế - xã hội. Thủ tướng nhấn mạnh, hai nhiệm vụ này có sự gắn kết chặt chẽ, là hai mặt của một quá trình, phòng chống, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh thì mới có thể phát triển kinh tế - xã hội và phát triển kinh tế - xã hội thì mới có nguồn lực để phòng chống dịch, bảo đảm an sinh xã hội cho nhân dân.
Thủ tướng Phạm Minh Chính: Muốn chuyển đổi số, công nghệ số phải có xã hội số, công dân số. Ảnh: VGP |
Liên quan đến chương trình về phòng, chống COVID-19, Thủ tướng nhấn mạnh 2 điểm cần tập trung. Một là, hoàn thiện thể chế. Hai là, nâng cao năng lực y tế, bao gồm năng lực con người và cơ sở vật chất.
Thủ tướng nhấn mạnh: "Chậm nhất trong tháng 12 này, chúng ta phải đảm bảo tiêm đủ 2 mũi vắc xin cho người dân trên 18 tuổi trở lên. Ngoài ra, cần tiêm vắc xin mũi tăng cường, tiêm vắc xin cho các cháu từ 12-18 tuổi, nghiên cứu các giải pháp và các cấp có thẩm quyền để tiếp tục tiêm vắc xin cho trẻ em ít tuổi hơn nữa".
Về chương trình phục hồi phát triển kinh tế - xã hội, Thủ tướng cho biết sẽ tập trung một số nội dung quan trọng: Các vấn đề y tế, an sinh xã hội, hỗ trợ doanh nghiệp, thúc đẩy tập trung hạ tầng chiến lược, trong đó có hạ tầng chuyển đổi số.
Liên quan tới chuyển đổi số, Thủ tướng cho rằng muốn phát triển chuyển đổi số, công nghệ số thì phải có xã hội số, công dân số. Theo đó, Việt Nam đẩy mạnh xây dựng và hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng chiến lược, trong đó có hạ tầng giao thông, viễn thông…
“Việc bảo đảm điện và sóng cho các vùng sâu, vùng xa dù khó mấy cũng phải làm và không chỉ là trách nhiệm của Chính phủ mà còn cần sự vào cuộc của các cơ quan, địa phương, cùng với sự hỗ trợ của bạn bè, đối tác quốc tế. Không có điện và sóng thì không có chuyển đổi số, xã hội số, kinh tế số, công dân số…”, Thủ tướng nêu rõ.
Về an sinh xã hội, người đứng đầu Chính phủ cho biết sẽ tập trung vào trụ cột chính: Giảm thiểu khắc phục phòng ngừa rủi ro để người lao động thu nhập, cuộc sống ổn định.
"Hai chương trình đang tiếp tục hoàn thành để trình cấp có thẩm quyền. Cả hai đều sẽ được thực hiện gắn chặt với nhau, có sự lan tỏa. Việc hồi phục hay phát triển thì nội lực vẫn là cơ bản, lâu dài, còn ngoại lực là hỗ trợ, tạo đột phá", Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh.
Theo Thủ tướng nội lực ở đây dựa trên 3 trụ cột chính: Con người, thiên nhiên, văn hoá và truyền thống lịch sử. Nguồn lực bên ngoài bao gồm: công nghệ, tiền vốn, khoa học quản trị, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
Cũng theo Thủ tướng, trong bối cảnh đặc biệt, chúng ta cần tầm nhìn, hành động, cách làm đặc biệt. Tình hình nào thì quan điểm mục tiêu giải pháp đi theo tương ứng. Trước những diễn biến phức tạp thì cần có những nhiệm vụ giải pháp linh hoạt, thích ứng tình hình.
Thủ tướng cũng nhấn mạnh việc nâng cao đời sống vật chất tinh thần của nhân dân, tạo môi trường thuận lợi cho sự phát triển kinh tế, ổn định chính trị.
“Không hy sinh an sinh xã hội, môi trường, tiến bộ và công bằng để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần; lo cho gần 100 triệu dân ấm no và hạnh phúc, dân chủ, có cuộc sống bình yên, an ninh, an toàn, an dân, đó là điều quan trọng nhất”, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh.