Rau dền được ví là "thần dược trường thọ" |
Theo Đông y, rau dền có vị ngọt nhạt, tính hàn. Trong rau dền chứa nhiều protit, lipit, glucid. Khi tiêu thụ, các protit có trong rau dền được cơ thể hấp thu một cách trọn vẹn. Thành phần bêta carotène của rau dền nhiều hơn gấp đôi so với cà chua, mang lại nhiều dưỡng chất cho cơ thể, hỗ trợ việc tăng cường thể lực và nâng cao khả năng miễn dịch cho cơ thể.
Rau dền giàu vitamin A, B, C, PP, chứa gần 10 axit amin và chất khoáng cần thiết. Điều quan trọng hơn là, trong rau dền không chứa acid oxalic, nên calci và sắt trong dền sau khi đi vào cơ thể rất dễ được tận dụng và hấp thu. Vì thế, rau dền thúc đẩy quá trình phát triển của cơ thể, có giá trị dinh dưỡng cao, giúp xương gãy mau lành.
Tại Trung Quốc, Ấn Độ và Hy Lạp, rau rền rất được ưa chuộng, thậm chí còn được ca ngợi là loại rau "trường thọ" bởi công dụng đứng đầu bảng các nhóm rau.
Tại Nigeria, rau dền cơm còn được bào chế thành dịch truyền vào máu để thanh lọc máu. Một số trung tâm nghiên cứu trên thế giới còn bào chế rau dền cơm thành loại em bôi điều trị viêm nhiễm mắt, thuốc động kinh và thuốc chống co giật.
Các loại rau dền
Rau dền tía: Dền tía vị ngọt, tính mát, giúp thanh nhiệt, làm mát máu, lợi tiểu, sát trùng, trị nọc ong, rắn rết, dị ứng mẩn ngứa, kiết lỵ, viêm gan vàng da. Để chữa bệnh hậu sản, dùng dền tía nấu canh hoặc xay lấy nước nấu cháo. Đắp ngoài chữa sơn ăn mặt.
Để phòng chữa dị ứng, giảm tác hại của xạ trị, phóng xạ, lấy rau này thái nhỏ, đun sôi 300ml nước rồi cho và; khi sôi lại thì cho 50g gan heo thái miếng đã được ướp gia vị và xào với tỏi sẵn. Nếu phòng bệnh thì ăn 2-3 lần/tuần, còn chữa trị thì ngày một lần, kỵ tiết canh.
Rễ cây được dùng làm thuốc chữa sốt xuất huyết, nôn. Các nhà khoa học Nhật dùng các sản phẩm của dền tía để tẩy rửa chất phóng xạ, dầu hạt dền chữa nhiễm chất phóng xạ.
Rau dền gai: Dùng lá nấu canh hoặc dùng như các rau dền khác, thêm tôm hoặc thịt. Có người thích loại này vì nó có mùi vị đậm, đặc biệt dền gai luộc chấm vừng cũng là món ăn ngon bổ, phòng chữa các bệnh đường ruột.
Lá dền gai giã nát, thêm nước, chắt nước uống, đắp bã để chữa rết cắn, ong đốt lở ngứa, chữa viêm phổi, lỵ, giã nát đắp chữa bỏng, nhọt mưng mủ. Toàn cây cây chứa nhiều muối kali nên lợi tiểu, chữa sốt.
Rau dền cơm: Loại này luộc xào, nấu canh ngọt hơn dền tía; làm thuốc tương tự dền tía, như lợi tiểu, chữa viêm bàng quang.
Để chữa bệnh táo bón, huyết áp cao, nhức đầu, chóng mặt, nóng phừng mặt, lấy 250g dền cơm luộc sôi 3 phút, vớt ra trộn với dầu vừng hoặc bột vừng đen, ăn với cơm.
Hạt dền cơm có vị ngọt tính lạnh. Để mát gan, trừ phong nhiệt, chữa mắt kém, dùng bài thuốc: Bột hạt dền uống với nước sắc hạt muồng ngủ (thảo quyết minh) 12g. Để lợi tiểu, dùng nước sắc hạt dền 20g. Hạt dền còn có ích cho khí lực, thông đại tiểu tiện, trừ giun đũa.
5 lợi ích khi ăn rau dền
Thanh nhiệt, giải độc, nhuận tràng
Rau dền tính lạnh, vì vậy rất phù hợp để sử dụng trong những ngày nóng bức, nó giúp giải nhiệt, đồng thời giải độc tốt cho cơ thể.
Hơn nữa, trong thành phần rau dền chứa nhiều chất xơ, thúc đẩy hoạt động của hệ tiêu hóa, tăng tốc độ trao đổi chất, do đó giúp giải độc, nhuận tràng và ngăn ngừa bệnh táo bón.
Bổ máu
Theo lương y đa khoa Bùi Đắc Sáng, rau dền là một trong những loại rau có hàm lượng chất sắt cao nhất trong các loại rau tươi. Hàm lượng sắt lớn trong rau dền giúp gia tăng lượng hemoglobin và tế bào hồng cầu. Chính vì thế đây là thực phẩm rất có lợi cho bệnh nhân thiếu máu.
Tăng cường sức khỏe xương khớp
Rau dền là loại rau chứa hàm lượng canxi cao nhất. Trong 100g lá rau dền chứa đến 267mg canxi, đáp ứng 50% canxi cho một người mỗi ngày. Cũng vì sự dồi dào của canxi mà rau dền được coi là siêu thực phẩm có thể tăng cường sức mạnh của xương và ngừa loãng xương.
Phòng chống bệnh ung thư
Dù chỉ là loại rau giá bình dân xong trong rau dền có chứa các đặc tính chống ung thư bao gồm các hợp chất chống oxy hóa như vitamin E, C, sắt, magiê, phốt pho hay lysine... Các chất này có tác dụng chống lại các gốc tự do có hại và ngăn chặn sự hình thành của các tế bào ác tính gây ung thư.
Tốt cho bệnh tiểu đường
Đã có nhiều nghiên cứu chứng minh rằng ăn rau dền thường xuyên giúp ổn định đường huyết, rất tốt cho bệnh nhân tiểu đường tuýp 2.
Đăc biệt, loại rau này còn giúp làm giảm nguy cơ gặp các biến chứng liên quan đén tình trạng tăng lượng đường trong máu như béo phì.
Những điều lưu ý khi ăn rau dền
Bạn có thể luộc loại rau này hoặc xào. Tuy nhiên, nên luộc rau dền và uống nước luộc để tốt cho sức khỏe hơn cả.
Các chuyên gia cũng lưu ý không ăn rau dền với các thực phẩm kiêng kị. Theo Đông y, rau dền cũng là một vị thuốc nên cần kiêng dùng với những thực phẩm xung khắc như quả lê, thịt ba ba.
Rau dền có tính mát, không thích hợp dùng cho người tiêu lỏng và tiêu chảy mạn tính, phụ nữ có thai hư hàn, người bị viêm khớp dạng thấp, bệnh gút hay bệnh sạn thận.
Rau dền nấu chín không nên hâm đi hâm lại nhiều lần vì nitrat có trong lá sẽ bị chuyển đổi thành nitrit là chất nguy cơ gây ung thư và không tốt cho trẻ nhỏ.