Thử nghiệm mô hình kinh doanh tuần hoàn trong nông nghiệp tại Việt Nam. |
Giảm phát thải khí nhà kính, nâng cao giá trị kinh tế
Ngày 27/3/2024 tại Hà Nội, Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) và Viện Quản lý Nước Quốc tế (IWMI) đã công bố một sáng kiến chung nhằm hỗ trợ các hộ nông dân quy mô nhỏ và các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs) tại Cần Thơ, Đắk Lắk và Sơn La.
Sáng kiến này nhằm áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn trong chuỗi giá trị cà phê và lúa, dự kiến sẽ có tác động tích cực đến sinh thái nông nghiệp, nâng cao giá trị kinh tế và cải thiện cuộc sống của cộng đồng địa phương.
Ở Việt Nam, sản xuất lúa gạo đóng góp 19% tổng lượng phát thải khí nhà kính toàn quốc (NDC, 2022). Những khí thải này xuất phát từ các yếu tố khác nhau như phá rừng, việc sử dụng mật độ phân bón và nước tưới càng ngày càng tăng, và việc quản lý không tốt các sản phẩm phụ như rơm và vỏ trấu.
Tương tự, các vườn trồng cà phê cũng là một trong những nguy cơ trực tiếp và gián tiếp của nạn phá rừng. Để giải quyết những vấn đề này, kinh tế tuần hoàn là một phương pháp tiếp cận nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực đến hệ sinh thái nông nghiệp và cải thiện hiệu suất kinh tế.
Để giải quyết những vấn đề trên, kinh tế tuần hoàn là một phương pháp tiếp cận nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực đến hệ sinh thái nông nghiệp và cải thiện hiệu suất kinh tế. Theo đó, sự hợp tác giữa nông dân và doanh nghiệp sẽ xác định và lan rộng các giải pháp tuần hoàn liên quan đến chất thải nông thôn và chất thải đô thị tại các địa điểm được lựa chọn thông qua các khóa đào tạo thực tiễn tăng cường năng lực cho 200 nhóm nông dân.
Trong quá trình triển khai thử nghiệm, hai mô hình kinh doanh tiềm năng sẽ được UNDP và IWMI chọn để xác định những khó khăn và tìm ra các giải pháp tuần hoàn phù hợp. Trong đó việc hỗ trợ tư vấn kỹ thuật sẽ hỗ trợ những mô hình trở nên khả thi về mặt kinh tế, tiết kiệm tài nguyên và trở thành giải pháp nông nghiệp thông minh với khí hậu.
Mạng lưới Kinh tế tuần hoàn Việt Nam sẽ đồng chủ trì buổi hội thảo để phổ biến các mô hình kinh doanh cải tiến để nhân rộng ở các tỉnh khác và thúc đẩy việc học hỏi bằng cách tạo điều kiện kết nối các bên liên quan, bao gồm các cơ quan Chính phủ, các công ty tư nhân, các hiệp hội, cơ quan học thuật và đối tác phát triển.
Theo bà Ramla Khalidi - Trưởng Đại diện Thường trú của UNDP tại Việt Nam, áp dụng nguyên tắc tuần hoàn trong nông nghiệp sẽ góp phần giảm lượng khí thải carbon của Việt Nam, giảm thiểu chất thải và đồng thời còn tạo ra thêm các cơ hội việc làm.
“Sáng kiến thử nghiệm này nằm trong khuôn khổ các công việc UNDP đang triển khai nhằm khuyến khích phát triển nông nghiệp xanh, carbon thấp, và nông nghiệp tuần hoàn. Ngoài ra sáng kiến cũng thúc đẩy sự tham gia của các hộ nông dân quy mô nhỏ tại 3 tỉnh triển khai sáng kiến,” bà Ramla Khalidi nhấn mạnh.
Tiến sĩ Mark Smith - Tổng Giám đốc Viện Quản lý Nước Quốc tế nhấn mạnh: “Mục tiêu chung của chúng tôi là đảm bảo rằng các giải pháp sinh thái tuần hoàn được sử dụng hiệu quả để tạo ra lợi ích kinh tế, môi trường và xã hội; cũng như giúp hộ nông dân và các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở các khu vực nông thôn và thành thị đóng góp vào việc giảm lượng phát thải khí thải nhà kính.”
Nông nghiệp tuần hoàn mang lại lợi ích “kép”
Thu hoạch tôm từ mô hình tôm – lúa. Ảnh: HCP. |
Chia sẻ với báo chí, bà Hạ Thúy Hạnh, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cho hay: Thuật ngữ “nông nghiệp kinh tế tuần hoàn” ở nước ta còn mới, nhưng với các nước trên thế giới không còn xa lạ.
Mục đích của kinh tế tuần hoàn là nhằm kéo dài thời gian sử dụng các sản phẩm, không vứt bỏ đi thứ gì trong quá trình canh tác; đầu ra của chu kỳ này là đầu vào của chu kỳ tiếp theo thông qua áp dụng khoa học tiến bộ kỹ thuật và áp dụng các giải pháp công nghệ sinh học, công nghệ hóa lý.
Nhờ đó, gia tăng giá trị, nâng cao thu nhập cho nông dân. Ngoài ra, bảo vệ môi trường, hệ sinh thái, sức khỏe con người; giảm khai thác tài nguyên quá mức; nâng cao chuỗi giá trị sản xuất.
“Mục tiêu của kinh tế tuần hoàn là hạn chế sử dụng tài nguyên và giảm phát thải khí nhà kính vào môi trường, bằng việc tổ chức sản xuất theo vòng tuần hoàn khép kín…”, bà Hạnh nhấn mạnh.
Theo bà Hạnh, nông nghiệp tuần hoàn ở nước ta đã xuất hiện từ lâu. Trước đây, người dân vẫn thường canh tác theo mô hình vườn - ao - chuồng, vườn - ao - chuồng - rừng. Đến nay, nhiều địa phương trên cả nước đã và đang xuất hiện các mô hình như tôm - lúa, lúa - cá,… Đây cũng là dạng mô hình kinh tế tuần hoàn.
Với tình hình thực tế như hiện nay khi đầu vào sản xuất nông nghiệp (phân bón, thức ăn chăn nuôi…) đang ở mức cao thì mô hình nông nghiệp kinh tế tuần hoàn rất thiết thực với bà con nông dân. Bởi, canh tác theo mô hình kinh tế tuần hoàn giúp người dân chủ động được nguồn phân tại chỗ; giảm giá thành sản xuất, chi phí đầu vào…
Hơn nữa đầu ra trong chăn nuôi (chất thải gia súc, gia cầm) sau khi ủ hoại mục sẽ trở thành nguồn phân hữu cơ rất hữu ích cho cây trồng và đất đai. Giúp đất tơi xốp, không bị chai cứng; còn cây trồng phát triển tốt, đủ chất dinh dưỡng.
“Nông nghiệp kinh tế tuần hoàn giúp người dân thay đổi tư duy, nhận thức trong sản xuất nông nghiệp, nhằm hướng đến nền nông nghiệp xanh, bền vững…”, bà Hạnh bộc bạch.
Hiện nay, kinh tế tuần hoàn là một trong những nội dung được quan tâm nhất của Bộ NN-PTNT trong quá trình thúc đẩy kinh tế nông nghiệp và tận dụng phế phẩm nông nghiệp như là một nguồn lợi để gia tăng chuỗi giá trị nông nghiệp, giúp tăng thu nhập của nông dân, cải thiện môi trường sinh thái, góp phần phát triển nông nghiệp bền vững.
Bà Hạnh chia sẻ, hoạt động khuyến nông đã góp phần không nhỏ trong việc chuyển giao tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, bao gồm các lĩnh vực như trồng trọt, lâm nghiệp, chăn nuôi, thú y và nuôi trồng thuỷ sản...
Thông qua các các hoạt động khuyến nông, trình độ kỹ thuật của người sản xuất nông nghiệp đã được nâng lên rõ rệt. Bên cạnh việc khai thác nhiều đối tượng cây trồng, vật nuôi trên cơ sở phát huy tiềm năng, điều kiện từng vùng, miền, chăn nuôi theo hướng hữu cơ, hướng kinh tế tuần hoàn đang được quan tâm, nhằm nâng cao giá trị sản phẩm, phát triển sản xuất nông nghiệp một cách bền vững, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.
Tuy nhiên, theo bà Hạnh, hiện nay cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển nông nghiệp kinh tế tuần hoàn ở nước ta chưa nhiều. Các mô hình kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp chưa phổ biến. Nhận thức của một số người dân, doanh nghiệp chưa đầy đủ…