Không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế Kinh tế tuần hoàn trong Chiến lược Quốc gia về tăng trưởng xanh Quy định mới về quản lý chất thải rắn sinh hoạt |
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà nhấn mạnh các giải pháp thực hiện kinh tế tuần hoàn |
Ngày 28/6, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) chủ trì tổ chức “Hội nghị khởi động xây dựng Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện kinh tế tuần hoàn của Việt Nam”.
Kinh tế tuần hoàn mang lại nhiều lợi ích
Theo Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà, tại COP26, các quốc gia đã đưa ra những cam kết mạnh mẽ về giảm phát thải khí nhà kính với mục tiêu đạt phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050 để giữ cho mức tăng nhiệt độ Trái đất không quá 1,5 độ C vào cuối thế kỷ này. Trong đó, chuyển đổi năng lượng từ hóa thạch sang năng lượng sạch, tái tạo là trọng tâm.
Tuy nhiên, theo nhiều tổ chức quốc tế, trong đó có Quỹ Ellen Macarthur, chuyển đổi năng lượng, cùng với tiết kiệm sử dụng hiệu quả năng lượng chỉ đóng góp được 55% cho mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính. 45% nằm ở các giải pháp kinh tế tuần hoàn.
Bộ trưởng Bộ TN&MT phân tích, việc áp dụng các nguyên tắc loại bỏ chất thải và ô nhiễm, lưu thông các sản phẩm, nguyên liệu và tái tạo thiên nhiên trong mô hình kinh tế tuần hoàn sẽ giúp giảm phát thải khí nhà kính trong công nghiệp, nông nghiệp.
Cụ thể là việc giảm thiểu và loại bỏ chất thải và ô nhiễm sẽ giảm phát thải khí nhà kính trong toàn bộ chuỗi giá trị bằng cách luân chuyển, thu giữ lại năng lượng có trong các sản phẩm và vật liệu, tái tạo tự nhiên giúp cô lập và thu giữ được carbon.
Quỹ Ellen Macarthur đã tính toán và đưa ra ví dụ minh họa: Thế giới có thể giảm 38% lượng khí thải từ vật liệu xây dựng vào năm 2050 bằng cách loại bỏ chất thải trong các tòa nhà và quá trình xây dựng, chia sẻ mục đích sử dụng các tòa nhà nhiều hơn; tái sử dụng và tái chế vật liệu xây dựng. Tương tự như vậy, có thể giảm một nửa lượng khí thải từ hệ thống thực phẩm vào năm 2050 thông qua các biện pháp tuần hoàn trong nông nghiệp.
Toàn cảnh Hội nghị |
"So với mô hình kinh tế tuyến tính truyền thống, việc thúc đẩy các hành động theo mô hình kinh tế tuần hoàn góp phần thực hiện cam kết đạt phát thải ròng bằng '0', chắc chắn sẽ mang lại nhiều lợi ích cho quốc gia và doanh nghiệp", Bộ trưởng Trần Hồng Hà khẳng định.
Chia sẻ về các lợi ích của kinh tế tuần hoàn, các chuyên gia chỉ ra rằng, phát triển kinh tế tuần hoàn là thể hiện trách nhiệm của quốc gia trong giải quyết những thách thức toàn cầu do ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu, đồng thời nâng cao năng lực, sức cạnh tranh của nền kinh tế. Kinh tế tuần hoàn giúp tận dụng được nguồn nguyên vật liệu đã qua sử dụng thay vì tiêu tốn chi phí xử lý; giảm thiểu khai thác, tận dụng tối đa tài nguyên thiên nhiên; hạn chế tối đa chất thải, khí thải ra môi trường.
Kinh tế tuần hoàn góp phần giảm rủi ro cho doanh nghiệp về khủng hoảng thừa sản phẩm, khan hiếm tài nguyên; tạo động lực để đầu tư, đổi mới công nghệ, giảm chi phí sản xuất, tăng chuỗi cung ứng...
Xã hội sẽ được hưởng lợi nhờ giảm chi phí trong quản lý, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu; tạo ra thị trường mới, cơ hội việc làm mới, nâng cao sức khoẻ người dân...
Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho rằng, việc chuyển đổi từ mô hình tuyến tính sang kinh tế tuần hoàn bước đầu sẽ gặp khó khăn nhất định, trong bối cảnh Việt Nam còn thiếu các cơ chế chính sách thúc đẩy và nguồn lực, công nghệ tái chế, tái sử dụng còn hạn chế.
Tuy nhiên, với sự tham gia của toàn hệ thống chính trị, sự hưởng ứng của toàn xã hội, trong đó doanh nghiệp và người dân là động lực thúc đẩy, Nhà nước đóng vai trò kiến tạo, chúng ta có thể tin tưởng rằng có thể sớm thúc đẩy quá trình chuyển đổi.
Lồng ghép kinh tế tuần hoàn vào các chiến lược phát triển
Bà Caitlin Wiesen, Trưởng Đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam cho biết, Cam kết phát thải ròng bằng “0” được đưa ra bởi Thủ tướng Phạm Minh Chính tại COP26 ở Glasgow và việc giới thiệu định nghĩa về 'nền kinh tế tuần hoàn’ trong Luật Bảo vệ Môi trường (LEP) sửa đổi đều đánh dấu nền tảng trong quá trình chuyển đổi bền vững của Việt Nam. Với những cam kết này, Việt Nam đã trở thành một trong 70 quốc gia cam kết giải quyết một trong những vấn đề cấp bách nhất của thời đại chúng ta.
Bà Caitlin Wiesen khuyến nghị, để đạt tới một nền kinh tế tuần hoàn bao trùm, carbon thấp và đạt được mức phát thải ròng bằng “0”, Việt Nam cần giảm nhiên liệu hóa thạch và tăng cường năng lượng tái tạo, thúc đẩy sản xuất và tiêu thụ bền vững, xanh, carbon thấp.
Cùng với đó, cần thúc đẩy “thành phố tuần hoàn”, với 70% dân số sống ở các vùng ven biển và vùng đồng bằng trũng thấp, việc di dời đến các thành phố và di chuyển bên trong các thành phố có thể sẽ rất nhanh chóng. Trong 30 năm qua, tỷ lệ đô thị hóa của Việt Nam đã tăng gấp đôi lên 38% vào năm 2050, 57% người Việt Nam sẽ được đô thị hóa.
Bà Caitlin Wiesen, Trưởng Đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam chia sẻ tại hội nghị. |
Bà Caitlin Wiesen nhấn mạnh, sự phục hồi kinh tế từ COVID-19 mang lại cơ hội lịch sử để chuyển hướng sang một mô hình phát triển bền vững và bao trùm hơn. Phục hồi xanh từ COVID-19 có thể giảm phát thải khí nhà kính tới 25% dưới kịch bản thông thường của doanh nghiệp vào năm 2030, tăng khả năng cho kịch bản giữ nhiệt độ tăng dưới 2 độ C, phù hợp với Thỏa thuận khí hậu Paris.
“Tại UNDP, chúng tôi cam kết hỗ trợ Chính phủ Việt Nam xây dựng tầm nhìn xa hơn về sự phục hồi kinh tế xanh, một nền kinh tế tuần hoàn bao trùm và các-bon thấp để thực hiện phát thải ròng bằng không vào năm 2050. UNDP kêu gọi tất cả các đối tác của chúng tôi tham gia cùng nhau và thực hiện sứ mệnh này, nền kinh tế tuần hoàn trung hòa carbon - một trong đó, định hình lại chuỗi giá trị, xem xét lại các mô hình sản xuất và tiêu dùng, đồng thời chú trọng vào giới cho một quá trình chuyển đổi công bằng đảm bảo rằng không ai bị bỏ lại phía sau”, Bà Caitlin Wiesen khẳng định.
Ông Roongrote Rangsiyopash, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc điều hành SCG cũng chia sẻ "Kinh tế tuần hoàn đòi hỏi sự hợp tác chặt chẽ giữa các công ty, khách hàng, chuỗi cung ứng và những bên liên quan tham gia trong chuỗi giá trị".
Bộ trưởng Trần Hồng Hà |
Để triển khai xây dựng Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện kinh tế tuần hoàn của Việt Nam, huy động sáng kiến từ các cơ quan liên quan, Bộ trưởng Trần Hồng Hà đề nghị tập trung vào giải pháp cụ thể.
Thứ nhất là kiến tạo thể chế, cụ thể hóa các quy định trong Luật Bảo vệ môi trường, nhất là những quy định về trách nhiệm của nhà sản xuất, nhà phân phối trong việc thu hồi, phân loại, tái chế, hoặc chi trả chi phí xử lý các sản phẩm thải bỏ dựa trên số lượng sản phẩm bán ra trên thị trường; ban hành các tiêu chí về mua sắm công xanh, sử dụng các sản phẩm có nguồn gốc vật liệu tái chế.
Hai là, xây dựng lộ trình thay thế các nhiên liệu, sản phẩm sử dụng nguyên liệu nguy hại, sản phẩm sử dụng một lần (đồ nhựa, túi nylon) bằng các nhiên liệu, nguyên liệu thân thiện với môi trường, sản phẩm sử dụng nhiều lần, kéo dài thời gian sử dụng hữu ích của sản phẩm.
Ba là, lồng ghép kinh tế tuần hoàn vào chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển các đô thị, khu công nghiệp, khu chế xuất, trung tâm nhiệt điện... theo mô hình tuần hoàn, không phát thải chất thải, khí thải và nước thải.
Ra mắt Mạng lưới kinh tế tuần hoàn Việt Nam |
Bốn là, thúc đẩy quan hệ hợp tác hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận với các cơ hội tiếp nhận hỗ trợ về tài chính và công nghệ cho kinh tế tuần hoàn.
Năm là, truyền thông nâng cao nhận thức trách nhiệm của cộng đồng doanh nghiệp và người dân về kinh tế tuần hoàn; về trách nhiệm phân loại tại nguồn các loại rác thải để thực hiện tái chế, tái sử dụng; thay đổi hành vi tiêu dùng hướng tới các sản phẩm thân thiện môi trường.
Những giải pháp này sẽ được các đại biểu tập trung thảo luận tại các phiên họp chuyên đề: Thúc đẩy hợp tác về kinh tế tuần hoàn thông qua tạo lập mạng lưới đối tác, chia sẻ kiến thức; tài chính đổi mới và công nghệ xanh về kinh tế tuần hoàn; các mô hình kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam và thúc đẩy các giải pháp kinh tế tuần hoàn nhằm giảm thiểu tác động của ô nhiễm nhựa tới sức khỏe.
Tại hội nghị, Bộ TN&MT cùng với các đối tác phát triển công bố Mạng lưới kinh tế tuần hoàn Việt Nam.
Mạng lưới kinh tế tuần hoàn Việt Nam nhằm mục đích tăng cường đối thoại, tạo ra sáng kiến và huy động hành động tập thể hướng tới quá trình chuyển đổi kinh tế tuần hoàn. Mạng lưới cung cấp những hiểu biết mới nhất từ tất cả các cá nhân và cộng đồng trong các lĩnh vực chính sách kinh tế tuần hoàn, nghiên cứu, đầu tư và giáo dục.