Thanh mai (hay dâu rừng) mới xuất hiện rầm rộ vài năm gần đây tại Việt Nam nhưng sau khi xuất hiện thì đã được mọi người rất yêu thích. Quả thanh mai ở nước ta mọc hoang ở các tỉnh miền núi phía Bắc như Lào Cai, Quảng Ninh, Hà Giang hay các tỉnh miền Trung như Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Thừa Thiên Huế,... nhưng nhiều nhất là ở vùng Quảng Bình.
Thanh mai là một loại quả rừng, thuộc họ quả dâu rượu myricaceae. Quả thanh mai chín có màu đỏ tím, mọng nước, trên mặt quả gợn lên giống như quả dâu tằm, khi ăn có vị chua thanh, mọng nước. Mùa quả chín thường là vào mùa hè, khoảng từ tháng 3 đến tháng 6 âm lịch.
Chưa có nghiên cứu khoa học chính thức về tác dụng của quả thanh mai nhưng thanh mai được coi là một loại quả ngon, dùng làm rượu, siro, mứt ăn rất ngon miệng lại có những tác dụng cho sức khỏe. Trong quả thanh mai có chứa nhiều vitamin C, các axit hữu cơ, tanin, đường,… và chứa ít myricetin (thành phần của nhóm hợp chất flavonoid có khả năng chống oxy hóa).
Quả thanh mai có tác dụng gì?
Trong Đông Y, quả thanh mai có vị chua và hơi ngọt, có tính bình, chứa nhiều vitamin, khoáng chất tốt cho sức khỏe. Theo cuốn sách Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam của giáo sư Đỗ Tất Lợi, quả thanh mai được ghi để dùng làm thuốc lần đầu tiên trong cuốn sách Khai Tống bản thảo.
Sau đó công dụng của quả thanh mai được dùng làm thuốc cũng được ghi trong y thư Bản thảo cương mục. Tài liệu cổ ghi lại rằng, quả thanh mai có vị chua, ngọt, tính bình, có công dụng tán ứ, thanh thấp nhiệt.
Ngày nay, quả thanh mai vẫn được xem là một vị thuốc thiên nhiên, thường đi cùng với những bài thuốc hữu ích từ dân gian như:
Chữa bệnh đường tiêu hóa: Quả thanh mai được thu hái, phơi khô làm thuốc chữa bệnh đau bụng, kiết lỵ, rối loạn tiêu hóa. Cách dùng là dùng lấy khoảng 8-12g quả thanh mai khô đem sắc với nước uống trong ngày. Nước uống từ thanh mai này vừa giúp giải quyết vấn đề về tiêu hóa, lại vừa giúp cung cấp những dưỡng chất cần thiết cho cơ thể người dùng.
Chữa bệnh ngoài da: Vỏ và thân của cây thanh mai đem phơi khô, sắc nước uống cũng giúp chữa bệnh lở ngứa, viêm loét ngoài da, hay ngộ độc thạch tín.
Tăng cường sức khỏe: Khi sử dụng quả thanh mai đúng cách còn giúp tăng cường lưu thông máu, tốt cho sức khỏe đôi mắt, làm đẹp da, chống lão hóa cực hiệu quả.
Giải nhiệt, cung cấp năng lượng: Vào mùa hè, người ta thường ngâm quả thanh mai với đường phèn để dùng làm nước uống giải nhiệt, giải độc, mát gan. Loại quả này cung cấp nhiều vitamin, khoáng chất giúp bù đắp lại lượng nước và muối khoáng bị mất vào những ngày thời tiết nóng.
Tăng sức đề kháng, phòng bệnh: Quả thanh mai cũng cung cấp nhiều dưỡng chất, nhất là vitamin C giúp bồi bổ cơ thể, tăng cường sức đề kháng, bổ phổi và tiêu đờm. Đặc biệt, quả thanh mai rất tốt trong việc hỗ trợ ổn định huyết áp và ngăn ngừa bệnh tiểu đường, bệnh béo phì và thừa cân hiệu quả.
Bà bầu ăn quả thanh mai có tốt không?
Câu trả lời là CÓ nhé. Nếu các mẹ mà bầu nghén ở mùa hè, khi mà mùa có quả thanh mai thì đây sẽ là món ăn vặt chống nghén tuyệt vời đấy. Vị chua chua hơi ngọt của quả thanh mai sẽ giúp mẹ giảm đi những cơn buồn nôn, khó chịu. Không chỉ vậy, uống nước quả thanh mai lại còn bổ sung thêm vitamin, khoáng chất giúp mẹ bầu khỏe hơn, đẹp hơn nữa đấy.
Cách làm siro thanh mai siêu ngon, siêu đơn giản
Nguyên liệu: 1kg quả thanh mai chín vừa phải (chọn quả chín vừa tới làm siro thanh mai sẽ không bị nát)
1kg đường
1 thìa cà phê muối tinh
Cách làm: Quả thanh mai mua về rửa nhẹ nhàng dưới vòi nước. Nếu cẩn thận bạn có thể ngâm qua nước muối loãng chừng 20-30 phút cho ra hết chất bẩn. Để khô ráo nước.
Bạn xếp lần lượt thanh mai vào hũ thủy tinh, một lớp quả thì phủ lên một lớp đường. Lần lượt cho đến khi đầy hũ.
Bạn rắc thêm 1 thìa cà phê muối để siro thêm đậm đà và không bị nổi váng.
Sau 1-2 tháng, bạn đã có thể bắt đầu sử dụng siro thanh mai. Lưu ý trong quá trình ngâm siro, hiện tượng lên men sẽ sinh ra khí trong hũ, do vậy bạn mỗi ngày bạn nên hé nắp lọ ra vài phút cho khí thoát bớt ra.