Những nơi trước đây vốn là vùng đất nghèo với muôn vàn khó khăn, tưởng chừng điện không thể đến được thì nay ánh điện đã lung linh giúp cuộc sống của đồng bào nơi đây được ấm no và đầy đủ hơn, từ đó tạo động lực từng bước đánh thức tiềm năng phát triển kinh tế vùng.
Khi đến với một số thôn, bản nghèo của tỉnh Thanh Hóa ngày nay, chúng ta sẽ thấy sự đổi thay lớn mạnh khi nguồn điện về. Đi đến đâu, cũng được nghe người dân khen ngợi về những “chiến sỹ áo cam” đang ngày đêm cần mẫn giữ cho đòng điện thông suốt để phục vụ bà con phát triển sản xuất, cũng như trong cuộc sống sinh hoạt thường ngày. Đặc biệt, chính nhờ có điện mà bức tranh kinh tế - xã hội tại những thôn bản này đang ngày một tươi sáng hơn.
Những bữa trưa vội vàng tại chỗ của những chiến sỹ áo cam nghành điện. |
Nếu chỉ vì mục tiêu kinh doanh thuần túy thì việc đầu tư lưới điện cho các thôn bản miền núi sẽ không khả thi, bởi suất đầu tư cho một dự án là rất lớn nhưng doanh thu nhận lại thì quá nhỏ. Tuy nhiên, Công ty Điện lực Thanh Hóa xác định rõ nhiệm vụ đưa điện về các thôn bản chưa có điện là hiện thực hóa chủ trương đúng đắn và cao cả của Đảng, nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế, nâng cao đời sống cho đồng bào các dân tộc vùng cao. Do đó, những năm qua, Công ty đã tập trung tối đa mọi nguồn lực, tranh thủ từng đồng vốn để triển khai hành trình mang ánh sáng đến với người dân vùng sâu, vùng xa.
Những chiến sỹ áo cam không ngại gian nan, nguy hiểm dưới thời tiết khác nghiệt. |
Bản Bút thuộc xã Nam Xuân, huyện Quan Hóa tỉnh Thanh Hoá là một trong những địa bàn đặc biệt khó khăn nằm cách trung tâm thành phố Thanh Hoá hơn 150km. Khi chưa có điện, đồng bào nơi đây gặp phải muôn vàn khó khăn trong đời sống vật chất và văn hóa tinh thần. Từ khi có điện lưới quốc gia, người dân bản Bút đã có thêm nhiều cơ hội để phát triển kinh tế. Trong tổng số 105 hộ là đồng bào dân tộc Thái đang sinh sống tại đây, đã có 05 hộ mạnh dạn đầu tư, cải tạo không gian, sưu tầm những vật dụng, trang phục truyền thống trưng bày để làm dịch vụ du lịch homestay nhằm thu hút du khách đến trải nghiệm, khám phá. Thông qua loại hình dịch vụ này, vừa có thể quảng bá văn hóa địa phương, vừa đem lại nguồn thu nhập cho chính người dân nơi đây.
Ngoài ra, chính nhờ có điện, nhiều hộ gia đình trong bản đã mạnh dạn mua máy móc phục vụ sản xuất nông nghiệp và đời sống, cũng như tiếp cận thông tin về các mô hình phát triển kinh tế hay, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp.
Có điện lưới quốc gia, nhiều làng nghề truyền thống được phát triển, đáp ứng nhu cầu việc làm và tăng thu nhập cho người dân |
Bản Xa Mang, bản vùng cao giáp biên giới nước bạn Lào, thuộc xã Sơn Điện, huyện Quan Sơn, nơi cũng vừa được các cấp chính quyền và ngành Điện tỉnh Thanh Hóa đầu tư, xây dựng hệ thống lưới điện phục vụ người dân. Sau nhiều năm kiến nghị, cũng như chờ đợi, từ ngày bản nhận được thông tin sẽ được đầu tư đưa điện lưới quốc gia về cho người dân thì tất cả mọi người đều vui mừng, phấn khởi. Sau gần nửa năm có điện, đến nay cuộc sống của người dân cũng theo đó mà khấm khá đi lên rất nhiều.
Với bản Chiềng Khạt, xã Đồng Lương, huyện Lang Chánh, từ khi có điện lưới quốc gia, nơi đây phát triển vượt bậc về mọi mặt. Được biết, trên địa bàn đã trồng những vùng nguyên liệu kết hợp khai thác, chế biến như măng, tre, nứa, luồng, các loại thảo dược. Đặc biệt phải kể đến việc giữ gìn và phát huy làng nghề truyền thống dệt thổ cẩm của người Thái, Mường. Với việc áp dụng khoa học, công nghệ khi đưa máy móc thiết bị sử dụng điện vào sản xuất đã giúp cho rút ngắn thời gian, tiết kiệm nhân công, tăng sản lượng và chất lượng sản phẩm so với cách làm thủ công trước kia.
Điện góp phần phát triển kinh tế, nâng cao hiệu quả du lịch cộng đồng tại vùng cao Thanh Hóa. |
Theo cán bộ Hội phụ nữ xã cho hay: Điện đã giúp cho sự phát triển kinh tế địa phương và đời sống bà con nhân dân, chất lượng điện rất đảm bảo, ổn định, nhiều dịch vụ chuyển đổi số như thanh toán tiền điện không dùng tiền mặt, tra cứu sản lượng, hóa đơn tiền điện... hôm qua tưởng chừng chỉ có trong phim khoa học viễn tưởng, thì nay những người đồng bào dân tộc thiểu số chúng tôi với một vài thao tác trên điện thoại thông minh là đã tự mình có thể nắm bắt, tương tác và sử dụng tất cả những tiện ích mà ngành điện mang lại.
Vượt qua những khó khăn thách thức, những người thợ điện xứ Thanh vẫn ngày đêm miệt mài để đưa dòng điện sáng lan tỏa rộng khắp tới các thôn bản vùng cao, vùng sâu, vùng xa của tỉnh Thanh Hóa đã như luồng sinh khí mới tạo động lực giúp người dân nơi đây phát triển kinh tế, ổn định đời sống, nâng cao trình độ văn hoá khi tiếp cận với nền văn minh, khoa học hiện đại ngày nay.