Vươn mình lớn mạnh
Về huyện Hậu Lộc – Thanh Hóa cuối tháng 10/2023 ai cũng nhận thấy sự phát triển vượt bậc về môi trường, cảnh quan so với những năm trước. Đời sống, kinh tế - xã hội người dân huyện Hậu Lộc ngày nay thay đổi vượt bậc, trên mỗi con đường từ thị trấn cho tới vùng quê các xã ven biển của huyện đang chuyển mình vươn lên mạnh mẽ.
Theo thống kê tại hội nghị đánh giá tình hình kinh tế xã hội huyện Hậu Lộc tháng 10/2023 do ông Nguyễn Minh Hoàng, Chủ tịch UBND huyện chủ trì, các chỉ số phát triển kinh tế xã hội của huyện đạt được những kết quả tích cực: Lĩnh vực sản xuất nông nghiệp ổn định, tiếp tục thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi hiệu quả kém sang các loại cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao, phù hợp với điều kiện của huyện như lúa chất lượng cao, rau an toàn, gắn với xây dựng nông thôn mới, phát triển sản xuất và bảo vệ môi trường; các doanh nghiệp tiếp sản xuất ổn định và tăng trưởng, các sản phẩm chủ yếu tăng trưởng khá như: Chế biến thủy sản các loại tăng 18,2%, nông cụ cầm tay tăng 17,4%; Thương mại dịch vụ vượt 9,3% so với cùng kỳ;...
Thu nhập bình quân đầu người năm sau cao hơn năm trước, năm 2023 dự kiến đạt 59,27 triệu đồng/người, bằng 83,5% kế hoạch. Hạ tầng kinh tế - xã hội được đầu tư ngày càng đồng bộ, đáp ứng tốt hơn yêu cầu phát triển kinh tế, văn hoá - xã hội. Văn hóa - xã hội đạt nhiều kết quả quan trọng, giáo dục mũi nhọn luôn đứng trong nhóm các huyện dẫn đầu của tỉnh; y tế có nhiều chuyển biến tích cực; tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh, đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân được nâng lên rõ rệt.
Huyện Hậu Lộc từng bước vươn mình trở thành khu vực kinh tế mũi nhọn của tỉnh Thanh Hóa. |
Quốc phòng - an ninh, trật tự an toàn xã hội luôn được bảo đảm, giữ vững ổn định, tạo môi trường thuận lợi cho kinh tế - xã hội phát triển. Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị được thực hiện đồng bộ, sáng tạo, đạt nhiều kết quả; năng lực lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của các cấp ủy đảng, chính quyền được nâng cao.
Chia sẻ với phóng viên, ông Bùi Quang Chung, thôn Đông Tân, xã Đa Lộc, huyện Hậu Lộc phấn khởi nói: "Trước kia nghèo đói nhưng bây giờ cuộc sống của người dân đang phát triển rất nhanh. Vùng quê này giờ phải nói là thịnh vượng".
Bà Bùi Thị Nhu, thôn Ninh Phú, xã Đa Lộc, huyện Hậu lộc cũng xúc động: "Chúng tôi cũng nghĩ rằng luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ trong từng gia đình để đáp lại lòng mong mỏi của địa phương lâu, chúng tôi sẵn sàng xây dựng nông thôn mới với trách nhiệm cao".
Tính đến tháng 6/2023, toàn xã của huyện Hậu Lộc đã đạt chuẩn nông thôn mới, về đích trước thời hạn mà UBND tỉnh Thanh Hóa để ra. Với quan điểm xây dựng nông thôn mới có điểm khởi đầu nhưng không có điểm kết thúc, ngay sau khi hoàn thành 100% nhiệm vụ đạt chuẩn nông thôn mới, Đảng ủy, chính quyền huyện Hậu Lộc tiếp tục quyết tâm giữ vững danh hiệu, tập trung xây dựng về “chất” để hướng tới phát triển kinh tế bền vững.
Chủ tịch UBND huyện Hậu Lộc - Nguyễn Minh Hoàng cho biết, trong những tháng cuối năm chính quyền tiếp tục đẩy mạnh các nhiệm vụ trọng tâm, như: Từng phòng, ban, ngành, đơn vị từ huyện đến xã cần tiếp tục rà soát các chỉ tiêu kinh tế xã hội, đề ra các giải pháp đối với các chỉ tiêu chưa đạt kế hoạch để tập trung cao độ thực hiện hoàn thành và vượt kế hoạch năm. Tăng cường quản lý nhà nước đối với lĩnh vực nông nghiệp; chú trọng công tác chăn nuôi; tiếp tục thực hiện các biện pháp quản lý, bảo vệ rừng; tăng cường chỉ đạo, thực hiện chống khai thác IUU…
Diện mạo mới trên quê hương Hậu Lộc - Thanh Hóa. |
Xây dựng sản phẩm OCOP từ tài nguyên biển
Huyện Hậu Lộc có 6 xã ven biển với hơn 12km bờ biển và 2 cửa lạch lớn là Lạch Trường, Lạch Sung, cách bờ 5km là đảo Nẹ. Phát huy thế mạnh, những năm qua Hậu Lộc đã đầu tư khai thác hiệu quả kinh tế biển và có bước chuyển biến đáng kể trong khai thác, nuôi trồng, chế biến hải sản, khai thác muối…
Kinh tế biển Hậu Lộc có sự phát triển tương đối toàn diện, tạo được diện mạo mới trong bức tranh phát triển kinh tế - xã hội huyện ven biển. Nếu như trước kia, các sản phẩm từ biển của Hậu Lộc chủ yếu bán tinh cho thương lái thì những năm trở lại đây, nhờ vào chính sách phát triển đúng đắn, các sản vật từ biển của Hậu Lộc đã vươn lên một tầm cao mới.
Khi thực hiện Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP), huyện Hậu Lộc xác định đây là đường hướng phát huy nội lực như nguồn lao động, văn hóa địa phương, trí tuệ, sự sáng tạo,... của địa phương. Từ đó, cải thiện đời sống người dân, xây dựng nông thôn mới thông qua các sản phẩm mang tính thương hiệu đặc trưng của từng địa phương, vùng miền. Có như vậy mới vừa nâng cao đời sống người dân, vừa quảng bá hình ảnh địa phương tới bạn bè trong và ngoài nước, hướng tới phát triển du lịch trong tương lai.
Với huyện Hậu Lộc, thế mạnh của địa phương là nghề khai thác, chế biến thủy, hải sản, nhất là các sản phẩm như tôm, cá, các loại nước mắm, mắm tôm... Như ở vùng biển Đa Lộc có sản phẩm mật ong rừng Sú Vẹt trở thành sản phẩm OCOP 3 sao; ở xã Hưng Lộc có sản phẩm tổ yến sào, tổ yến chưng của gia đình anh Nguyễn Văn Tú (Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Yến sào xứ Thanh) đã trở thành sản phẩm OCOP 4 sao cấp tỉnh.
Phát triển kinh tế biển giúp người dân huyện Hậu Lộc - Thanh Hóa từng bước ổn định cuộc sống. |
Nếu 6 xã biên giới biển huyện Hậu Lộc với đặc trưng sản phẩm OCOP từ khai thác, chế biến nguồn lợi từ hải sản, từ những cánh rừng ngập mặn, nuôi chim yến... thì ở các xã, thị trấn còn lại của huyện Hậu Lộc, các chủ thể, địa phương đã và đang lựa chọn sản phẩm nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp... đặc trưng, thế mạnh của mình để xây dựng thành sản phẩm OCOP.
Chỉ trong 9 tháng năm 2023, toàn huyện Hậu Lộc có thêm 5 sản phẩm được công nhận OCOP 3 sao, đạt 94,4% kế hoạch năm 2023, gồm: giò Hảo Liên, xã Hoa Lộc; đông trùng hạ thảo Thiên Thảo Việt - xã Đa Lộc; rau cải bó xôi, xã Phú Lộc; nem chua Xuân Kỳ, giò lụa Xuân Kỳ, thị trấn Hậu Lộc; lũy kế có 17 sản phẩm đã được công nhận. Hiện nay, Văn phòng Điều phối nông thông mới huyện đang tham mưu cho Hội đồng OCOP huyện đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cho 5 sản phẩm trong cuối năm 2023 là: Giá đỗ Dũng Lan và rượu sim Thanh Hồng (xã Triệu Lộc); dao thép không rỉ Tấn Lộc Tài (xã Tiến Lộc); nấm sò Tuấn Hưng, nấm mộc nhĩ Tuấn Hưng (xã Hòa Lộc).
Huyện Hậu Lộc đang tiếp tục hỗ trợ đưa 13 sản phẩm OCOP lên sàn thương mại điện tử. Hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh cá thể tham gia sàn giao dịch điện tử nông sản Thanh Hóa, voso, posmart. Theo mục tiêu, kế hoạch năm 2024, huyện Hậu Lộc phấn đấu xã Quang Lộc đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; xã Phú Lộc đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; 5 thôn đạt nông thôn mới kiểu mẫu; 5 sản phẩm OCOP 3 sao và 4 sao.