Dự án được triển khai trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có hợp phần bồi thường, hỗ trợ, tái định cư trên địa bàn huyện Như Xuân, tỉnh Thanh Hóa được Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT bổ sung vào dự án hồ chứa nước Bản Mồng, tỉnh Nghệ An tại Quyết định số 2464/QĐ-BNN-XD ngày 27/6/2019.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp phát biểu tại hội nghị. |
Khi dự án hồ chứa nước Bản Mồng đi vào hoạt động sẽ có dung tích chứa lên đến 225 triệu m3, là dự án có tiêu chí quan trọng quốc gia. Khi đi vào hoạt động sẽ góp phần giải quyết 1/3 nhu cầu thiếu nước của tỉnh Nghệ An và một phần cho tỉnh Thanh Hóa. Đây là công trình đa mục tiêu, vừa cấp nước cho sản xuất công nghiệp, dân sinh, vừa bổ sung nước về mùa kiệt cho sông Lam, cắt giảm lũ cho hạ du sông Hiếu, đồng thời kết hợp phát điện với công suất 45MW, phát triển du lịch.
Về quy mô và kinh phí hợp phần: Dự án thực hiện việc đầu tư xây dựng khu tái định cư 119 hộ dân với 430 nhân khẩu của bản Thanh Sơn, xã Thanh Hòa; thực hiện việc hỗ trợ, đền bù đất đai, cây cối, hoa màu, vật kiến trúc bị ảnh hưởng trong vùng lòng hồ và khu tái định cư; thực hiện công tác trồng rừng thay thế cho 586,45 ha. Về kinh phí, dự kiến tổng mức đầu tư của hợp phần là 516,708 tỷ đồng, bao gồm 3 nội dung công việc chính là: Phần bồi thường, hỗ trợ nơi đi và nơi đến; Đầu tư xây dựng tái định cư và Trồng rừng thay thế.
Các thành viên trong đoàn công tác trao đổi ý kiến thảo luận tại hội nghị. |
Hiện nay, dự án đang vướng một số khó khăn vướng mắc, như: Đối với việc trồng rừng thay thế, hiện Thanh Hóa không còn đủ quỹ đất để thực hiện trồng 1.651,05 ha rừng thay thế cho diện tích 586,45 ha rừng khu vực ngập lòng hồ (nơi đi) đã được Quốc hội chấp thuận chủ trương chuyển mục đích tại Nghị quyết số 135/2020/NQ14 ngày 17/11/2020. Mặt khác, toàn bộ 586,45 ha rừng thuộc khu vực lòng hồ nếu chưa được quy hoạch là đất thủy lợi thì chưa đáp ứng điều kiện chuyển mục đích sử dụng rừng sang thực hiện dự án theo quy định tại Điều 19, Luật Lâm nghiệp năm 2017 (việc chuyển mục đích sử dụng rừng phải phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất).
Ngoài ra đối với việc hỗ trợ, đền bù và tái định cư, với quỹ thời gian còn 2 năm, rất khó để hoàn thành các công việc của Hợp phần. Bên cạnh đó, đến nay Bộ Tài nguyên và Môi trường chưa tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt điều chỉnh, bổ sung chỉ tiêu sử dụng đất như đề nghị của UBND tỉnh Thanh Hóa. Vì vậy, chưa có cơ sở điều chỉnh, bổ tiêu đất thủy lợi để thực hiện dự án.
Sau khi nghe báo cáo và ý kiến thảo luận tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp đánh giá cao công tác chuẩn bị và các điều kiện cần thiết khác trong phục vụ hợp phần dự án thuộc địa phận địa phương. Đối với một số vướng mắc, cụ thể là phần diện tích phục vụ dự án, đồng chí đề nghị tỉnh Thanh Hóa nghiên cứu cân đối phần diện tích khoảng 200ha trước ngày 15/11/2023 để phục vụ cho công tác di dân tái định cư cũng như diện tích để chặn dòng mở rộng lòng hồ theo thiết kế cho giai đoạn 1. Sau khi hoàn tất các hạng mục theo yêu cầu, Bộ Nông nghiệp và PTNT sẽ báo cáo Chính phủ có phương án hoàn trả phần diện tích theo quy định.
Với các dự án khác trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá do Bộ Nông nghiệp và PTNT quản lý. Đồng chí Nguyễn Hoàng Hiệp thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT đánh giá cao các dự án trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá đang được thực hiện đảm bảo và đúng tiến độ. Tuy nhiên, còn một số dự án có vốn ODA do Bộ Nông nghiệp và PTNT quản lý vẫn còn vướng mắc. Thay mặt lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và PTNT, đồng chí ghi nhận và giao các Vụ, Cục liên quan có tổng hợp lại để báo cáo Bộ trưởng và có hướng xử lý dứt điểm.
Ông Lê Đức Giang – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá phát biểu tại hội nghị. |
Ông Lê Đức Giang – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá thay mặt lãnh đạo tỉnh cảm ơn sự quan tâm của Bộ Nông nghiệp và PTNT đối với tình hình phát triển nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá. Về việc cân đối phần diện tích phục vụ hợp phần dự án, đồng chí giao Sở Nông nghiệp và PNTN phối hợp với phía tỉnh Nghệ An, tính toán chi tiết phần diện tích phục vụ dự án. Sau khi có kết quả cụ thể, giao Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT xây dựng phương án cụ thể, báo cáo UBND tỉnh Thanh Hoá xem xét để trình ban thường vụ Tỉnh ủy thông qua và gửi Bộ Nông nghiệp và PTNT.
Ngoài ra, ông Lê Đức Giang- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá cũng yêu cầu các sở, ngành, địa phương liên quan chuẩn bị các điều kiện cần thiết để triển khai dự án đập thủy lợi thủy điện Cẩm Hoàng, huyện cẩm thủy trong thời gian tới khi có quyết định.