Chỉ cần một chiếc điện thoại thông minh hay một chiếc iPad được xem là vật thiết thân trong thời công nghệ 4.0. Khi có sự kết nối của internet thì những thiết bị này giúp người dùng thu nhận được nhiều thông tin mà bản thân cần tìm kiếm. Với cán bộ thôn, xã việc ứng dụng công nghệ không chỉ giúp phục vụ tốt hơn nhiệm vụ chung mà còn đem lại nhiều lợi ích, nhất là trong phát triển kinh tế gia đình, địa phương.
Đến với nông trại của bà Nguyễn Thị Dung, 58 tuổi tại thị trấn Vân Du huyện Thạch Thành tỉnh Thanh Hoá. Nông trại của bà với gần 20 ha trồng cây mắc ca, thanh long ruột đỏ và ổi lê. Trung bình 1 năm, nông trại cho thu nhập khoảng trên 1 tỷ đồng.
Nông trại của bà Nguyễn Thị Dung ở thị trấn Vân Du huyện Thạch Thành |
Hiệu quả lớn, giá trị kinh tế cao nhưng theo chia sẻ của bà Dung thì thành công này có sự đóng góp của gần 30% từ ứng dụng công nghệ. Bà cho biết: “Ngoài sự hỗ trợ của hội nông dân, hội làm vườn và cả tư duy của bản thân thì công nghệ cũng có vai trò rất quan trọng. Tôi thường lên mạng để tìm kiến thức ứng dụng cho chăm sóc, phát triển cây trồng”.
Thực tế, những thông tin trên mạng được xem là trợ thủ đắc lực cho nông trại của bà Dung. Đơn cử, như bệnh thối nõn ở thanh long ruột đỏ hay bệnh xoăn lá ở ổi lê đã được bà Dung chữa trị cũng nhờ gõ... google. Qua các thông tin trên mạng, bà đã được gặp gỡ và kết nối với một số nông trại khác để cùng giao lưu, học hỏi kinh nghiệm. Vào năm 2022, sau khi được tập huấn về chuyển đổi số, bà đã cho ra mắt trang thông tin trên facebook có tên: Dung Ho Green Farm (Nông trại xanh Hồ Dung), giới thiệu, quảng bá sản phẩm của nông trại.
Có một điều đặc biệt ở bà Nguyễn Thị Dung, đó là trước mỗi cuộc họp khu phố, bà thường dành 30 phút để nói chuyện về nông nghiệp. Thời gian này, để mọi người chia sẻ về giá cả, bệnh của cây... Bà cho biết thêm: “Ai có kinh nghiệm gì thì cứ thông tin cho nhau. Như khi chữa bệnh xoăn lá ở ổi, sau khi có được thông tin từ trên mạng, thử nghiệm hiệu quả, tôi lại tuyên truyền cho bà con để biết cách xử lý, mua thuốc phù hợp, dùng đủ liều lượng, pha đúng cách.
Vườn ngô của gia đình anh Hà Văn Duyên. |
Nếu nông trại của bà Dung mang lại hiệu quả lớn với sự “đóng góp” gần 30% từ công nghệ thì câu chuyện làm kinh tế của anh Hà Văn Duyên, 44 tuổi, khu phố 9, thị trấn Sao Vàng (Thọ Xuân) lại khá thú vị. Anh từng được mệnh danh là “vua liều” khi xây dựng mô hình trồng cam Vinh với diện tích 0,5 ha trong điều kiện chỉ có kiến thức từ... mạng. Không qua một lớp tập huấn về trồng trọt, không học hỏi kinh nghiệm từ những người trồng cam đi trước, anh Hà Văn Duyên cứ âm thầm tra cứu thông tin trên mạng để đến với cam Vinh. Anh nhớ lại: “Lúc đấy tôi rất tự tin với sự lựa chọn của mình. Tôi vào trang hội làm vườn, vào các trang thông tin của những trang trại trồng cam trên toàn quốc để học hỏi. Tôi cứ mày mò như vậy. Có đến 80% lượng thông tin từ trên mạng đã giúp cho mô hình hiệu quả. Tất nhiên, hiệu quả này cũng chưa cao, 1 vụ cho thu nhập khoảng trên 100 triệu đồng. Nhưng vào thời điểm đấy, tôi cũng chưa biết lựa chọn gì ngoài cây cam”.
Từ mô hình của anh Duyên, tại khu phố 9, một số hộ cũng bắt tay vào trồng cam. Tuy nhiên, sau này, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, cây cam giảm mạnh về giá cũng như sức mua. Năm 2022, anh Duyên chuyển sang trồng cỏ và ngô, kết thúc 5 năm trồng cam (từ 2017-2021). Như anh chia sẻ, 2 loại cây trồng này mang lại giá trị thu nhập cao hơn cây cam. Nói về “vua liều” Hà Văn Duyên, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Sao Vàng, ông Bùi Trọng Toàn cho biết: “Là người đi tiên phong trồng cam, cũng là người vận dụng chủ yếu kiến thức từ các trang mạng để mang lại hiệu quả cho cây cam, anh Hà Văn Duyên đã từng khiến cho nhiều người ngạc nhiên về sự liều của bản thân. Và sự liều ấy, cũng đã mang lại hiệu quả nhất định”.
“Chạy” theo công nghệ. Phát triển kinh tế cũng nhờ... công nghệ. Câu chuyện của thực tế đã làm “ấm lòng” người nông dân nói chung, cán bộ thôn, xã nói riêng.