Ngành gỗ thực hiện chưa được một nửa kế hoạch
Theo ước tính của Tổng cục Thống kê, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam trong tháng 6 đạt 1,5 tỷ USD, tăng 12,5% so với tháng trước nhưng giảm 1,8% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tính chung 6 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ ước đạt 8,5 tỷ USD, tăng 3,4% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tăng trưởng ngành gỗ thấp hơn đáng kể so với kỳ vọng |
Mặc dù vậy, mức tăng trưởng này thấp hơn đáng kể so với kỳ vọng tăng 5 - 8% của Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (Viforest) và thấp hơn cả mức tăng trưởng 3,8% trong 6 tháng đầu năm 2020, thời điểm dịch bệnh COVID-19 bắt đầu bùng phát trên toàn cầu.
Còn nếu so với mục tiêu xuất khẩu 18 tỷ USD trong năm nay thì ngành gỗ thực hiện chưa được một nửa (47,2%) so với kế hoạch đề ra.
Dù nhiều doanh nghiệp sản xuất đồ gỗ đã có đơn hàng đến quý III/2022, thậm chí hết năm, nhưng thị trường đang xuất hiện các yếu tố mới ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất kinh doanh của ngành này.
Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ chậm lại trong những tháng đầu năm nay chủ yếu do tình trạng lạm phát tăng cao tại nhiều thị trường xuất khẩu chính khiến người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu.
Bên cạnh đó, giá cước vận tải ở mức cao; giá hàng hóa, nguyên, nhiên, vật liệu nhập khẩu là đầu vào của sản xuất đều tăng mạnh do nguồn cung khan hiếm bởi tác động của cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine; tình hình dịch bệnh bùng phát và chính sách “Zero COVID” tại Trung Quốc.
Số liệu từ Tổng cục Hải quan và Tổng cục Thống kê. (Biểu đồ: Trúc Mai) |
Gặp khó tại thị trường chủ lực
Còn theo các chuyên gia, một nguyên nhân quan trọng khác khiến tốc độ tăng trưởng của ngành gỗ giảm tốc là hoạt động xuất khẩu sang Mỹ, thị trường tiêu thụ 60% gỗ và sản phẩm gỗ Việt Nam đang có dấu hiệu chững lại sau quãng thời gian bùng nổ.
Số liệu của Tổng cục Hải quan cho thấy, trong 5 tháng đầu năm nay, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam sang thị trường Mỹ chỉ tăng khiêm tốn 1,6% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 4,1 tỷ USD. Đây là mức tăng khá thấp so với tốc độ tăng trưởng 2 con số trong những năm trước.
Trong khi đó, theo số liệu từ Ủy ban thương mại quốc tế Mỹ (USITC), 4 tháng đầu năm 2022, Mỹ đã chi hơn 8,8 tỷ USD nhập khẩu đồ nội thất bằng gỗ từ thế giới, tăng 11,4% so với cùng kỳ năm 2021.
Việt Nam vẫn là thị trường xuất khẩu đồ nội thất bằng gỗ lớn nhất vào Mỹ nhưng thị phần đã giảm từ 40% xuống còn 35%.
Đáng chú ý, trong số 10 thị trường xuất khẩu đồ nội thất bằng gỗ lớn nhất vào Mỹ thì chỉ có duy nhất Việt Nam ghi nhận sự sụt giảm trong 4 tháng đầu năm nay, với mức giảm 1,7% xuống còn hơn 3 tỷ USD.
Trong đó, nhóm hàng ghi nhận sự sụt giảm mạnh nhất là đồ nội thất văn phòng (giảm 39,2%) và đồ nội thất phòng khách và phòng ăn (giảm 10,2%).
Hoa Kỳ khởi xướng điều tra lẩn tránh thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp tủ gỗ từ Việt Nam |
Cục Xuất nhập khẩu cho biết, nhu cầu nhập khẩu đồ gỗ tại Mỹ vẫn tăng mạnh, tuy nhiên ngành gỗ của Việt Nam đang phải đối mặt với các biện pháp phòng vệ thương mại tại thị trường này.
Đầu tháng 6, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) thông báo khởi xướng điều tra lẩn tránh thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp với tủ gỗ nhập khẩu từ Việt Nam. Nguyên đơn cáo buộc doanh nghiệp Việt sử dụng các bộ phận gỗ nhập khẩu từ Trung Quốc có thuộc phạm vi áp dụng của biện phá phòng vệ thương mại mà Mỹ đang áp dụng.
Trong danh sách 11 nhóm sản phẩm xuất khẩu có nguy cơ bị áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại do Cục Phòng vệ Thương mại (Bộ Công Thương) cập nhật đến hết tháng 11/2021, riêng ngành gỗ đã có đến 4 sản phẩm có nguy cơ bị áp dụng biện pháp chống lẩn tránh, gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp hoặc biện pháp phòng vệ thương mại tại Mỹ.
Những sản phẩm này gồm: Gỗ dán từ nguyên liệu gỗ cứng, tủ gỗ, ghế sofa có khung gỗ, gỗ thanh và viền dải gỗ.
Còn nhiều thách thức
Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (Viforest) nhận định, mặc dù đạt kim ngạch xuất khẩu khả quan, song hoạt động xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam còn đối mặt nhiều thách thức.
Cụ thể, nguy cơ gián đoạn chuỗi cung ứng do căng thẳng thương mại, địa chính trị; giá cước vận tải ở mức cao; giá hàng hóa, nguyên, nhiên, vật liệu nhập khẩu là đầu vào của sản xuất dự báo tiếp tục tăng, đặc biệt là vụ kiện tủ gỗ.
Theo Viforest, cơ hội mà các FTA mang lại cho doanh nghiệp là rất lớn. Tuy nhiên, do một số hạn chế, các doanh nghiệp chưa tận dụng hết các cơ hội này, chính vì vậy kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ vào các thị trường có FTA với Việt Nam chưa có nhiều bứt phá. Trong đó, năng lực tự chủ về logistics được coi là rào cản lớn nhất.
Do đó, Việt Nam cần hoàn thiện chính sách, pháp luật về dịch vụ logistics, xây dựng được đội tàu siêu trường, siêu trọng cùng với hạ tầng logistics hiện đại để đáp ứng nhu cầu xuất nhập khẩu, không phụ thuộc vào đội tàu của các doanh nghiệp nước ngoài như hiện nay.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần phải cải thiện các mô hình kinh doanh, nâng cấp sản phẩm, dịch vụ, tái sắp xếp chuỗi cung ứng đầu vào để tận dụng triệt để các ưu đãi thuế quan từ các Hiệp định và thâm nhập vào thị trường mới.
Ngoài ra, để hoạt động xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt kết quả tích cực trong thời gian tới, cần sự hỗ trợ của các Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài trong việc cập nhật thông tin về các thị trường, nhu cầu xuất, nhập khẩu cũng như cảnh báo sớm các biện pháp phòng vệ thương mại…