Để hàng Việt trở thành niềm tự hào của người Việt Nam… Đưa hàng Việt vươn tầm thế giới, chinh phục mọi thị trường Gần 60% doanh nghiệp sử dụng mạng xã hội để kinh doanh, vì sao tỷ thất bại vẫn cao? |
Tăng sức cạnh tranh cho hàng Việt trên sàn thương mại điện tử. Ảnh Đức Thanh |
Chiều 20/11, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Báo Tuổi Trẻ phối hợp Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) tổ chức hội thảo với chủ đề “Tiếp sức hàng Việt trên sàn thương mại điện tử”.
Hàng Việt trên sàn thương mại điện tử yếu thế trên sân nhà
Theo số liệu từ Metric, trong 9 tháng đầu năm 2024, tổng doanh số của thị trường thương mại điện tử Việt Nam đạt 227,7 nghìn tỉ đồng, tăng 37,66% so với cùng kỳ 2023; sản lượng đạt 2,430 triệu sản phẩm… Các sàn thương mại điện tử chiếm tỉ trọng lớn vẫn là Shopee, TikTok Shop, Lazada, Tiki…
Thống kê gần đây, trong top 10 thương hiệu có doanh số cao nhất trên sàn thương mại điện tử thì chỉ 1 doanh nghiệp nội địa, nhưng lại nằm cuối cùng trong danh sách.
Với số liệu trên, ông Nguyễn Minh Đức, Phó Tổng thư ký VECOM cho rằng, hàng Việt đang chịu sự cạnh tranh đến từ các thương hiệu quốc tế, nhưng không có nghĩa là hết cửa cho hàng nội địa, bởi thực tế chúng ta vẫn sở hữu những lợi thế mà doanh nghiệp nước ngoài khó khai thác được. Đơn cử như sự am hiểu thị trường bản địa, chăm sóc hậu mãi….
Ông Nguyễn Xuân Thảo, Ủy viên Ban thường vụ Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA), cho rằng hàng Việt đang gặp nhiều áp lực rất lớn khi các sàn thương mại điện tử xuyên biên giới giá rẻ như Temu, Shein, 1688, Taobao... đổ bộ.
Điều này càng làm gia tăng áp lực cạnh tranh trong khi trước đó, thị trường đã bị chi phối bởi các nền tảng nước ngoài như Shopee, TikTok Shop, Lazada, Tiki và Sendo.
Theo ông Thảo, hàng Việt gặp khó là do chi phí logistics cao hơn so với các nước khác, nhất là Trung Quốc; chất lượng dịch vụ chưa đồng nhất; chưa ưu tiên phát triển theo hướng bền vững; thiếu nhân lực có chuyên môn cao...
Ông Nguyễn Minh Hùng, Phó phòng quản lý thương mại Sở Công Thương TP.HCM cũng đánh giá, công nghệ sẽ giúp doanh nghiệp, nhà bán hàng vượt qua rào cản để bán hàng xuyên quốc gia.
“Công nghệ giúp chúng ta vượt qua rào cản ngôn ngữ. Ở Trung Quốc, nhờ phần mềm chuyển giọng, một người ngồi một chỗ có thể livestream đến 40 quốc gia, với 40 ngôn ngữ, giọng điệu rất địa phương. Do đó, nếu chúng ta tận dụng tốt công nghệ cũng sẽ dễ giành thắng lợi”- ông Hùng nói.
Cũng theo vị này, khi các nền tảng TMĐT ngoại giá rẻ vào Việt Nam, nhà bán hàng nhìn thấy nhiều thách thức, thấy "hàng nhiều quá chúng tôi cạnh tranh không lại", “thời gian giao hàng quá nhanh”, còn với người tiêu dùng thì lại lo bảo mật thông tin... nhưng cũng phải đặt câu hỏi ngược lại: Vì sao họ làm được như vậy?
"Tôi đã thử đặt 1 đơn hàng từ Trung Quốc và thấy chỉ mất nửa giờ để đóng gói, mất 2 tiếng để thông quan và ngay hôm sau đã bắt đầu giao cho mình. Điều này là nhờ vào hệ thống công nghệ hiện đại ngay từ khâu đầu vào sản phẩm. Nói vậy để thấy thêm một điều rằng phát triển logistics là rất quan trọng”- ông Hùng nói.
Ở góc độ doanh nghiệp trong ngành, ông Nguyễn Thành Trung, giám đốc Công ty TNHH Giải pháp công nghệ logistics (TLS) cũng bày tỏ, dù các doanh nghiệp Việt vẫn đáp ứng tốt các dịch vụ trong nội địa, nhưng để nhanh và rẻ như Trung Quốc thì vẫn cần những bước đột phá về cả quy trình lẫn công nghệ, cũng như tính liên kết ngành.
Cần làm thật, làm kiên trì và nghiêm túc
Ông Nguyễn Minh Đức, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam. Ảnh: Lê Mỹ |
Ông Trần Quốc Bảo, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Kido cho rằng, chưa bao giờ hàng Việt lại được tiếp sức nhiều trên môi trường TMĐT đến vậy. Đến cả doanh nghiệp nước ngoài còn cảm thấy tủi thân vì sự hỗ trợ "nồng nhiệt" này.
“Như vậy, đã đến lúc chúng ta đặt câu hỏi ngược lại, vậy doanh nghiệp Việt đã tận dụng hết sự hỗ trợ này chưa, đưa sản phẩm Việt lên các nền tảng online chưa, lên rồi thì làm chưa, và làm tới đâu?”- ông Bảo đặt câu hỏi và cho rằng, bán hàng trên các nền tảng TMĐT cần làm thật, làm kiên trì và nghiêm túc.
Vị lãnh đạo của Kido cũng đưa ra đề xuất, phát triển mô hình hợp tác xã online cho các ngành nghề. Đồng thời tăng cường sự nhận diện thương hiệu Việt trên online, như cách chúng ta đang tạo ra chỉ dấu cho hàng Việt ở kênh offline.
Trong khi đó, ông Nguyễn Ngọc Luận, giám đốc Công ty Meet More, đơn vị tiên phong đưa nông sản vào chế biến sâu, đồng tình và cho biết, đẩy mạnh sản phẩm và có chính sách hỗ trợ phát triển riêng cho sản phẩm OCOP - một chỉ dấu đặc trưng của hàng Việt. Sự hỗ trợ này cần được chú trọng trên các nền tảng TMĐT, tại các khu sân bay, khu du lịch đông người….
Ông Nguyễn Xuân Thảo chỉ ra thực tế phát triển lớn mạnh của các hệ thống thương mại điện tử, logistics, hàng nước ngoài tràn vào khiến doanh nghiệp bán lẻ trong nước phải đối mặt với thách thức về giá và tốc độ dịch vụ.
“Sự gia nhập của các sàn xuyên biên giới như Temu và Shein vào thị trường Việt Nam và một số động thái từ các sàn thương mại điện tử Trung Quốc giá rẻ khác như 1688, Taobao làm gia tăng áp lực cạnh tranh, khi trước đó thị trường đã bị chi phối bởi các nền tảng nước ngoài như Shopee, TikTok Shop, Lazada, Tiki và Sendo”, ông Thảo chia sẻ.
Để nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp Việt trên các sàn thương mại điện tử, ông Thảo đã nêu các giải pháp về ở phương diện logistics gồm: phát triển hệ sinh thái logistics và chuỗi cung ứng xanh, sử dụng xe máy điện cho giao hàng chặng cuối giúp giảm thiểu tắc nghẽn giao thông và thân thiện với môi trường, giúp tăng hình ảnh của hàng Việt; ứng dụng AI và học máy trong kiểm soát, truy xuất nguồn gốc hàng hoá được hiệu quả, nhanh chóng…
Trực tiếp tham gia việc bán hàng, KOL Diệp Lê chia sẻ, đối với các đơn hàng quốc tế, vấn đề khó khăn nhất là kiểm tra chất lượng đơn hàng. Trong khi đó, đây sẽ là thế mạnh của các doanh nghiệp Việt Nam. Với việc không có rào cản về ngôn ngữ, nên đội ngũ chăm sóc khách hàng sẽ hoạt động thuận lợi hơn qua những chiến dịch hậu mãi của mình.
“Doanh nghiệp Việt cũng sẽ hiểu người tiêu dùng Việt hơn để có thể hoàn thành đơn hàng có trải nghiệm đầy đủ từ livestream lúc bán hàng cho đến khi người tiêu dùng cầm được món hàng trên tay”, bà Diệp Lê chia sẻ.
Theo bà Diệp Lê, việc xây dựng một kho thư viện thông tin để khách hàng có thể dễ dàng tra cứu nguồn gốc sản phẩm cũng là cách để các doanh nghiệp Việt Nam tăng tính cạnh tranh trên các sàn thương mại điện tử.
Ông Nguyễn Minh Hùng - phó phòng quản lý thường mại Sở Công Thương TP.HCM, cho rằng, thế giới thay đổi nhanh và các doanh nghiệp chỉ cần ngủ quên sẽ khó theo kịp. Doanh nghiệp Việt cần xem bán hàng trực tuyến là bắt buộc, phải thích ứng. Các doanh nghiệp cũng cần trong tâm thế: bây giờ livestream đang là xu hướng nhưng trong tương lai hình thức này cũng có thể bị thay thế bằng hình thức khác.
Saigon Co.op đưa hàng Việt chinh phục thị trường Mỹ |
Hàng Việt Nam rộng cửa vào thị trường Trung Đông |
Cần làm gì để nâng sức cạnh tranh của hàng Việt? |