Triển vọng tích cực của hàng Việt tại thị trường Halal toàn cầu Đưa hàng Việt đến gần hơn với người tiêu dùng Nga Hàng Việt Nam rộng cửa vào thị trường Trung Đông |
Hàng hóa từ Trung Quốc đang ồ ạt tràn vào Việt Nam. |
Hàng Trung Quốc giá rẻ đang tràn vào Việt Nam
Vài năm trở lại đây, hoạt động TMĐT xuyên biên giới giữa Trung Quốc và Việt Nam phát triển với tốc độ chóng mặt. Với khoảng 1.500 km biên giới đất liền, hàng hóa từ Trung Quốc đang ồ ạt tràn vào Việt Nam thông qua những nền tảng như Temu.
Đối với nhà bán hàng Trung Quốc, thị trường Việt Nam là "mảnh đất màu mỡ". Thống kê từ hãng nghiên cứu Momentum Works cho thấy Việt Nam là thị trường TMĐT có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất năm 2023. Với tốc độ mở rộng gần 53% so với cùng kỳ lên 13,8 tỷ USD, Việt Nam cũng vượt qua Philippines để trở thành thị trường TMĐT lớn thứ 3 trong khu vực.
Trước Temu, sàn TMĐT 1688 của tập đoàn Alibaba cũng bắt đầu hỗ trợ tiếng Việt. Đây là động thái đầy bất ngờ khi suốt hàng chục năm qua, nền tảng này chỉ áp dụng duy nhất tiếng Trung, thậm chí chưa tích hợp ngôn ngữ Anh.
1688 vốn là nền tảng bán buôn phục vụ thị trường nội địa Trung Quốc. Đối tượng chính của nền tảng là người mua số lượng lớn và chủ yếu là B2B (doanh nghiệp với doanh nghiệp).
Thay vì thông qua các đầu mối mua hộ, trung gian vận chuyển Việt - Trung, 1688 nay trực tiếp hỗ trợ người dùng Việt Nam mua và vận chuyển hàng hóa.
Tương tự, Taobao - một nền tảng TMĐT khác của Alibaba - cũng đã mở dịch vụ giao hàng tận tay người dùng tại Việt Nam.
Trên thực tế, trước khi những "tay chơi" mới tiến vào Việt Nam, vài năm trở lại đây, các sàn TMĐT dẫn đầu thị phần trong nước hiện nay như Shopee, Lazada hay TikTok Shop đã cho phép người dùng Việt mua hàng Trung Quốc thông qua tính năng gian hàng quốc tế.
Với hàng loạt chính sách trợ giá, hỗ trợ thanh toán hay cung cấp nền tảng giao dịch cho nhà bán lẻ quốc tế, các sàn TMĐT đã thu hẹp đáng kể khoảng cách giữa hàng hóa Trung Quốc với người tiêu dùng Việt Nam.
Qua theo dõi 4 sàn TMĐT lớn mà người bán nước ngoài đang khai thác, Bộ Công Thương ghi nhận trên dưới 1 tỷ USD giá trị hàng nhập khẩu qua kênh TMĐT mỗi tháng, tính đến đầu tháng 6 vừa qua.
Mặt khác, các công ty logistics lớn của Trung Quốc như Best Express, J&T Express cũng đóng vai trò quan trọng trong quy trình giao hàng chặng cuối về Việt Nam.
Hồi đầu năm, Viettel Post trở thành doanh nghiệp Việt Nam đầu tiên ký kết thỏa thuận tăng cường kết nối, phát triển logistics xuyên biên giới cùng chính quyền và các doanh nghiệp Trung Quốc tại 2 TP Nam Ninh và Bằng Tường, bao gồm việc xây dựng 2 trung tâm logistics lớn tại 2 địa phương và hợp tác khai thác vận tải đa phương thức tuyến Yên Viên - Đồng Đăng - Bằng Tường - Nam Ninh.
Theo công ty phân tích dữ liệu TMĐT Metric, sự gia nhập của Temu hay các sàn TMĐT giá rẻ khác vào Việt Nam đang tạo ra nhiều áp lực cạnh tranh.
Bên cạnh vấn đề giá thành, việc tốc độ giao hàng xuyên biên giới được rút ngắn tương đương tốc độ vận chuyển nội địa cũng là "cơn đau đầu" với các nhà bán lẻ địa phương.
Theo một chuyên gia trong ngành fulfillment (thực hiện đơn hàng), quy trình logistics tại Trung Quốc khá hoàn thiện và được cải tiến từng ngày, đặc biệt là mạng lưới giao thông. Nhờ đó, mỗi đơn hàng từ Trung Quốc về Việt Nam nay chỉ tốn 4-6 ngày, ngang thời gian vận chuyển từ TP.HCM ra Hà Nội.
Cần có chính sách hỗ trợ đối với hàng Việt Nam
TS Võ Trí Thành (viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh) |
Trả lời Báo Tuổi Trẻ, ông Lê Bá Trình - nguyên thành viên Ban Chỉ đạo Trung ương, nguyên trưởng Ban Thường trực Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" cho rằng, sức ép từ hàng hóa thời trang và phụ kiện thời trang ở phân khúc trung bình và thấp của Trung Quốc với hàng Việt hiện nay là có thật. Tuy nhiên ở các mặt hàng nông sản, thực phẩm, hàng gia dụng... nhất là các mặt hàng giá rẻ, không rõ nguồn gốc, người tiêu dùng vẫn ưu tiên lựa chọn hàng Việt.
Tuy nhiên, nếu chúng ta không chịu bứt phá từ khâu sản xuất đến lưu thông phân phối và các giải pháp bảo hộ, hàng Việt sẽ thua ngay trên sân nhà.
Theo ông Lê Bá Trình, để cạnh tranh với hàng nhập qua các sàn TMĐT, các doanh nghiệp Việt cũng cần đầu tư hàm lượng công nghệ cao trong sản xuất kết hợp với đổi mới phương thức phân phối, ứng dụng sàn TMĐT hoặc liên kết ngay với doanh nghiệp phân phối trên sàn TMĐT.
Phải đảm bảo sao cho việc đưa hàng đến tay trực tiếp người dùng, đảm bảo chất lượng, đa dạng, phong phú, giá thành thấp, vừa nhanh chóng, thuận tiện.
Đặc biệt, cùng với các chính sách hỗ trợ phù hợp, Nhà nước cũng cần đầu tư hạ tầng logistics (kho bãi, công nghệ quản lý, giao nhận hàng...) và có chính sách giảm thuế cho doanh nghiệp logistics, chính sách ưu tiên hoạt động của sàn TMĐT cùng với nghiên cứu tạo ra các rào cản hợp lý đối với hàng ngoại nhập, bảo đảm môi trường sản xuất, kinh doanh, lưu thông, phân phối tốt hơn nữa.
TS Võ Trí Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh thì cho rằng, các cơ quan chức năng cần có giải pháp nhằm giảm sức ép cạnh tranh cho doanh nghiệp nội địa, đồng thời ngăn chặn việc thị trường Việt Nam tràn ngập hàng kém chất lượng của Trung Quốc.
Có thể áp dụng ngay việc đánh thuế với hàng nhập khẩu dưới 1 triệu đồng, hàng hóa nhỏ lẻ nhưng cần đánh giá kỹ lưỡng để xem hiệu quả như thế nào trước khi có giải pháp tổng thể lâu dài hơn.
Tuy nhiên điều quan trọng nhất là nâng cao năng lực cạnh tranh cho hàng hóa Việt Nam, hỗ trợ hàng Việt nhiều hơn nữa và có phương thức cạnh tranh trên môi trường thương mại điện tử. Đó là việc hoàn thiện khung khổ pháp lý, gắn với thực hiện các cam kết.
Đồng quan điểm, TS Tô Hoài Nam - Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa nhận định, việc có quy định chi tiết về tiêu chuẩn hàng dùng trong nội địa là cần thiết, bởi đời sống người dân ngày càng nâng lên, cơ quan chức năng cần quan tâm hơn vấn đề này.
Việt Nam đã ký nhiều hiệp định quốc tế nên phải tuân theo, không thể chơi một mình một sân. Tuy nhiên, nếu có chính sách bảo vệ hàng nội, bảo vệ sản xuất trong nước, nhiều sản phẩm như nông sản, dệt may, da giày, đồ nhựa... của Việt Nam hoàn toàn có thể cạnh tranh được trên sân nhà.
Vì vậy ngoài biện pháp pháp lý, cần tuyên truyền vận động ưu tiên dùng hàng Việt vì nhiều loại hàng hóa trong nhóm hàng thiết yếu có thể cạnh tranh được.
Đồng Nai: Gần 100 công nhân Dechang nghi ngộ độc sau bữa ăn chiều |
Top 10 ngân hàng thương mại Việt Nam uy tín năm 2024 |
Vì sao hầu hết sản phẩm Việt đang phải “vay thương hiệu” để xuất khẩu? |