Sống khỏe: Công dụng tuyệt vời từ cây rau muống Sống khỏe: Bài thuốc ít người biết đến từ cây nhàu Những công dụng tuyệt vời của cây bạc hà đối với sức khỏe |
Cây sâm bố chính |
Cây sâm bố chính còn có tên khác là: Thổ hào sâm, nhân sâm Phú Yên, sâm báo, sâm khu năm. Tên khoa học là Abelmoschus sagittifolius, thuộc họ Cẩm quỳ (Malvaceae) hay còn được gọi là họ dâm bụt hoặc họ bông.
Đặc điểm: Là loại cây thân thảo, có chiều cao khoảng 1m, chủ yếu mọc đứng, đôi khi nó có thể mọc bám vào các cây khác để phát triển.
Lá cây màu xanh, gốc lá hình trái xoan và cuối phiến lá lại có hình dáng tương tự như mũi tên. Bề mặt lá có nhiều lông.
Hoa đơn có 5 cánh, màu hồng phớt vàng hay đỏ. Hoa mọc ở kẽ lá và có đường kính khoảng 8cm. Cuống hoa dài, đầu trên hơi phình ra, bên ngoài phủ lông cứng.
Quả hình trứng, một đầu nhọn, chia làm 5 múi, bên ngoài phủ lông. Quả non màu xanh, khi chín sẽ chuyển sang màu nâu và nứt ra thành 5 mảnh rõ ràng.
Hạt trong quả chứa nhiều hạt nhỏ màu nâu, hình dáng tương đối giống quả thận.
Phân bố: Sâm bố chính là cây bản địa của Việt Nam. Cách đây khoảng 300 năm, thảo dược này đã được tìm thấy ở huyện Bố Trạch (Quảng Bình) theo dạng mọc hoang.
Ngày nay, với nhiều lợi ích được phát hiện, sâm bố chính được trồng rộng rãi để làm thuốc. Nhiều nhất là ở các tỉnh Nam Trung Bộ và khu vực Tây Nguyên như Phú Yên, Gia Lai, Bình Định...
Bộ phận dùng: Rễ sâm bố chính là bộ phận được dùng để bào chế thuốc. Rễ có hình dáng bên ngoài giống nhân sâm, màu vàng nhạt hoặc trắng. Đường kính trung bình của rễ dao động từ 1,5 – 2cm.
Thu hái – sơ chế: Rễ sâm bố chính thường được thu hoạch vào mùa đông. Tùy theo nhu cầu dùng tươi hay khô mà có cách sơ chế khác nhau:
Sâm tươi: Sau khi đào về, rễ được rửa sạch đất cát, cắt bỏ hết rể con xung quanh, ngâm với nước vo gạo rồi để qua một đêm. Vớt ra cho ráo nước trước khi đem ngâm với rượu trên 40 độ hoặc sắc uống.
Sâm khô: Sau bước ngâm nước vo gạo thì thái mỏng hoặc để nguyên cả củ đồ chín. Phơi hoặc sấy khô.
Bảo quản: Bảo quản dược liệu nơi khô ráo, tránh để bị ẩm mốc.
Rễ sâm bố chính là bộ phận được dùng để bào chế thuốc |
Một số công dụng của sâm bố chính: Sâm bố chính có công dụng hỗ trợ bổ tỳ vị, thanh nhiệt, dưỡng ẩm, bổ máu, nhuận phế, trợ tiêu hóa, sinh tân dịch, mỏi lưng, động kinh, tiêu hóa trì trệ, suy giảm sinh lý…
Theo y học hiện đại: Thí nghiệm trên chuột nhắt trắng cho thấy, cao cồn sâm bố chính khi được sử dụng theo đường uống hoặc đường tiêm phúc mạc có thể làm giảm khả năng hoạt động tự nhiên của loài động vật này.
Ngoài ra, cao sâm bố chính còn làm tăng tác dụng gây ngủ của thuốc barbituric, kéo dài giấc ngủ. Đồng thời chống co giật ở chuột khi được cho sử dụng pentetrazol.
Những thử nghiệm trên cho thấy sâm bố chính có thể giúp an thần và ức chế hoạt động của hệ thần kinh trung ương.
Độc tính: Sâm bố chính không có độc, tuy nhiên, dược liệu này có thể gây dị ứng nếu không hợp cơ địa.
Trường hợp bị dị ứng với sâm, bạn có thể gặp một số triệu chứng như: Da nóng đỏ, nổi mề đay, ngứa da, biểu hiện dị ứng nặng: Sưng môi, lưỡi họng, khó thở, thở khò khè, giảm huyết áp, mạch đập nhanh…
Một số bài thuốc từ cây sâm bố chính
Chữa sốt nóng, khát nước, ra mồ hôi: Dùng sâm bố chính 20g, thục địa 30g, nhục quế 3g. Sắc uống mỗi ngày 1 tháng.
Dùng làm huốc bổ khí huyết: Dùng sâm bố chính 30g, hoài sơn, đương quy, ý dĩ sao, mỗi vị 15g, hồi đầu 12g. Làm thành viên với mật ong hoặc keo mạch nha, dùng mỗi ngày 15 - 20g.
Trẻ em gầy còm xanh xao, hay đi lỏng, lỵ kéo dài: Sâm bố chính sao chín 25%, hoài sơn sao chín 30%, ý dĩ sao chín 20%, hạt sen sao chín 15%, bạch chỉ sao chín 10%. Các vị đem tán nhỏ, rây bột mịn, cho uống với nước đường hoặc trộn với đường đun chảy. Trẻ em trên 10 tuổi, ngày dùng 4 - 10g.
Sâm bố chính giúp giảm tình trạng xanh xao, hay đi lỏng, lỵ kéo dài... |
Chữa bài tiết, tiêu hóa bị ngưng trệ: Dùng sâm bố chính 20g, trầm hương 4g, bạch truật (tẩm sữa sao) 40g, đem trầm hương mài riêng. Sắc sâm bố chính với bạch truật rồi trộn trầm hương vào, dùng hết trong ngày.
Dùng cho bệnh nhân hen khi lên cơn: Dùng đậu đen 500g, sâm bố chính 200g, củ đinh lăng, ngải cứu mỗi thứ 200g và một ít mật ong, đem tán nhỏ và làm hoàn. Ngày dùng 24g, nên chia thành 2 lần dùng.
Hỗ trợ điều trị thiếu máu, mất ngủ, mệt mỏi: Dùng hoàng tinh chế 80g, sâm bố chính 120g, thỏ ty tử, tầm gửi cây dâu, quả dâu, hà thủ ô đỏ, đỗ trọng mỗi thứ 40g, ba kích, cao hổ cốt, huyết giác mỗi thứ 20g đem ngâm với 2l rượu trong hai ngày đêm.
Sau đó đem chưng cách thủy, hạ thổ 1 tuần. Mỗi lần dùng 15 – 40ml, ngày dùng 2 lần sau khi ăn. Khi dùng bài thuốc này cần kiêng chất kích thích và đồ tanh.
Chữa mồ hôi nhiều, chân tay quyết lạnh: 20g sâm bố chính, 20g đương quy (tẩm mật rượu sao vàng), 8g chích thảo, 80g hoàng kỳ (tẩm nước phòng phong sao vàng), 12g phục linh (tẩm sữa), 8g lộc nhung (nung nghiền nhỏ) sắc uống hết trong ngày.
Lưu ý khi sử dụng sâm bố chính
Sâm bố chính có tính mát nên khi sử dụng cho bệnh nhân có thể hư hàn, cần phải tẩm với gừng và sao kỹ trước khi dùng;
Mua nguyên liệu có nguồn gốc rõ ràng. Sâm bố chính được trồng tự nhiên trên đất đồi sẽ có chất lượng tốt hơn;
Người có thể trạng hư hàn phải tẩm nước gừng, sao kỹ. Không dùng sâm bố chính chung với lê lô;
Kiêng dùng các chất kích thích trong quá trình dùng sâm bố chính;
Các bài thuốc từ sâm bố chính chỉ cho hiệu quả tốt khi phù hợp cơ địa. Cần kiên trì sử dụng một thời gian để thấy được kết quả;
Cây sâm bố chính có đặc điểm gần giống với cây vông vang nên dễ bị nhầm lẫn. So với sâm bố chính thì cây vông vang lớn hơn, phần lông cũng mọc dài hơn. Ngoài ra, hoa vông vang có màu vàng, trong khi đó hoa bố chính lại màu hồng.
* Những thông tin trong bài viết chỉ có tính chất tham khảo. Khi muốn sử dụng sâm bố chính để chữa bệnh cần tham khảo ý kiến bác sĩ chuyên khoa.