Ngành chức năng dọn rác dưới đáy biển để bảo vệ san hô. Ảnh: Nhân Bùi |
Nhiều mầm non đã mọc trên nền san hô gãy đổ
Ngày 3/2, ông Đàm Hải Vân, Phó ban quản lý vịnh Nha Trang, cho báo chí biết khu vực phía tây Hòn Mun là nơi san hô bị gãy đổ hiện phục hồi, có nhiều mầm non mọc lên phần lớn thuộc giống Acropora (san hô cứng tạo rạn). Do đặc điểm sinh học tăng trưởng chậm, mỗi năm loài san hô này chỉ tăng khoảng một cm.
Theo Ban quản lý vịnh Nha Trang, cơn bão năm 2021 đã làm hư hại phần lớn hệ sinh thái hệ san hô trong vịnh. Ngoài ra trong vài thập niên gần đây, khí hậu trái đất và nhiệt độ nước biển tăng nên xảy ra hiện tượng tẩy trắng san hô (coral bleaching) tác động nghiêm trọng với hệ sinh thái nơi đây.
Cuối năm 2022, UBND tỉnh Khánh Hòa có kế hoạch phục hồi vịnh Nha Trang nhận được sự hưởng ứng của người dân, doanh nghiệp. Ban quản lý thường xuyên kiểm tra, giám sát hệ sinh thái rạn san hô, vệ sinh đáy biển ở khu vực Hòn Mun như bắt sao biển gai, nhặt rác; dừng du lịch lặn biển ở một số điểm dễ gây hại san hô, phạt nặng một số tàu khai thác trái phép...
Sau một năm, san hô xung quanh Hòn Mun phục hồi với "nhiều tín hiệu đáng mừng". Hiện phía tây bắc và bắc hòn đảo này vẫn còn các loài san hô tạo rạn, phần lớn là giống Porites và Millepora dichotoma. Độ che phủ của san hô dao động trong khoảng 30-50%, tăng so với mức 10-20% trước đây.
Để góp phần phục hồi hệ sinh thái ở vịnh Nha Trang, năm vừa qua ngành chức năng Khánh Hoà đã thả 12.000 cá giống các loại và hải sâm xuống vịnh Nha Trang; trồng 2,5 ha rừng ngập mặn ở đảo Đầm Bấy, bãi bồi ven sông Cái, sông Tắc, sông Quán Trường.
Cần có những đợt khảo sát kỹ lưỡng hơn
Hệ sinh thái rạn san hô xung quanh Hòn Mun đang trong quá trình phục hồi. Ảnh: TN. |
Dù đã có những dấu hiệu phục hồi song Tiến sĩ Võ Sĩ Tuấn - nguyên Viện trưởng Viện Hải Dương học cho rằng, cần phải có những đợt khảo sát kỹ lưỡng hơn để đánh giá về sự phục hồi của các rạn san hô ở vịnh Nha Trang. "Qua khảo sát mới đây, tôi nhận thấy các vùng phía nam và một số điểm ở tây bắc Hòn Mun là các rạn san hô ít bị tác động, ít bị hủy hoại chứ không phải là rạn san hô mới được phục hồi, bởi thực tế đây là giống san hô cành Porites chứ không phải san hô Acropora. Một số điểm ở đông bắc Hòn Mun như bãi Mama Hạnh, rạn san hô có dấu hiệu phục hồi nhưng lại theo hướng không có lợi, bởi loài phát triển mạnh ở đây là thủy tức san hô chứ không phải san hô cứng tạo rạn tốt" - Tiến sĩ Võ Sĩ Tuấn cho biết. Tương tự, Tiến sĩ Hoàng Xuân Bền - Phó Viện trưởng Viện Hải dương học cho rằng, việc BQL vịnh Nha Trang đánh giá các rạn san hô ở Hòn Mun phục hồi tốt là có phần “lạc quan”. Để đánh giá về sự phục hồi các rạn san hô ở vịnh Nha Trang nói chung và khu vực Hòn Mun nói riêng cần một đợt khảo sát với sự tham gia của các nhà khoa học có chuyên môn.
Theo các nhà khoa học có thâm niên nghiên cứu về hải dương học, để phục hồi rạn san hô có 2 cách là tạo điều kiện phục hồi tự nhiên và phục hồi nhân tạo bằng cách di giống san hô để trồng. Trong đó, phục hồi tự nhiên là tốt nhất nhưng trước khi tiến hành phải kiểm tra, đánh giá xem nền đáy tự nhiên còn tốt không, còn nguồn giống tại chỗ hay không? Còn việc trồng phục hồi rạn san hô nhân tạo rất tốn kém và phụ thuộc nhiều vào nguồn giống sẵn có nên khó có thể tiến hành trên diện rộng. Theo ông Bền, Viện Hải dương học đã thử nghiệm phục hồi san hô ở vịnh Nha Trang trong những năm 2004, 2013, 2015, 2016 và 2018. Qua đó, xác định 9 loài san hô cứng có khả năng phục hồi ở vịnh Nha Trang với tỷ lệ sống hơn 60% và tốc độ tăng trưởng trung bình 0,4-6,5mm/tháng. Kết quả này đã mang lại những hiệu quả nhất định trong việc phục hồi, tăng độ phủ san hô. Tuy nhiên, tỷ lệ sống của san hô phục hồi ở vịnh Nha Trang không bằng với các điểm phục hồi vùng biển Lý Sơn, Bình Định, Côn Đảo. Khó khăn lớn nhất trong việc phục hồi san hô ở vịnh NhaTrang hiện nay là giống Acropora còn quá ít.
Theo Tiến sĩ Võ Sĩ Tuấn, một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất trong Kế hoạch phục hồi tổng thể vịnh Nha Trang đó là việc phục hồi nhân tạo các rạn san hô vẫn chưa được tiến hành. “Tôi nghe nói rất nhiều về việc phục hồi rạn san hô nhân tạo nhưng đến nay, chưa thấy báo cáo cụ thể. Theo tôi biết, hiện nay, có một số doanh nghiệp tư nhân đang phục hồi san hô nhưng triển khai không có cơ sở khoa học, thậm chí đang làm sai khi đào san hô sống từ nơi khác về trồng. Thời gian đầu san hô có thể nhìn rất đẹp nhưng lâu dần không tương thích với môi trường thì sẽ chết dần. Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp lại đem thủy tức san hô về trồng chứ không phải san hô”, ông Tuấn nói. Hiện nay, giống san hô Acropora còn rất ít, nếu không cẩn trọng có thể làm mất luôn nguồn giống. Giải pháp tốt nhất là làm vườn ươm giống, sau đó đem đến nơi cần phục hồi.