Hạt dẻ là một trong những quả đặc hữu nổi tiếng của tỉnh Cao Bằng. |
Huyện Trùng Khánh, cách TP. Cao Bằng khoảng 58 km, là thủ phủ của loại hạt dẻ thơm bùi ít nơi đâu sánh được. Hàng năm, cứ vào đầu mùa thu là hạt dẻ bắt đầu chín và có thể thu hoạch được. Những quả hạt dẻ chín đã tách hẳn làm đôi, phía trong lộ ra hai, ba hạt nâu bóng to bằng đầu ngón tay ôm khít lấy nhau thành một khối tròn nằm gọn trong lòng vỏ cứng.
Cây hạt dẻ theo tiếng địa phương còn gọi là Mác lịch. Huyện Trùng Khánh có diện tích trồng cây hạt dẻ trên 240 ha, tập trung nhiều ở thị trấn Trùng Khánh, các xã Chí Viễn, Khâm Thành, Đình Phong, Ngọc Khê và Phong Châu.
Cứ vào vụ hạt dẻ, khách hàng các nơi đặt mua hạt dẻ Trùng Khánh với giá 230 nghìn đồng/kg, đắt gấp 3 lần hạt dẻ Trung Quốc nhưng không đủ cung cấp ra thị trường.
Các hộ dân Bản Khấy, xã Đàm Thủy, huyện Trùng Khánh cho biết: Hạt dẻ hiện nay thu hoạch chủ yếu ở các cây trồng lâu năm, từ 10 - 20 năm; diện tích trồng mới chưa nhiều nên sản lượng thấp. Tuy hạt dẻ Trùng Khánh hạt nhỏ nhưng do khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp nên vẫn thơm, bở, ngọt, ngậy đặc biệt riêng có.
Chị Đoàn Lê Hải, du khách quận Cầu Giấy (Hà Nội) cho biết: Tôi ra chợ Xanh (Thành phố Cao Bằng) và đến khu du lịch thác Bản Giốc (Trùng Khánh) thấy bày bán hạt dẻ ghi hạt dẻ Trùng Khánh nóng nên mua ăn thấy ngọt, có vị thơm. Sau đó, tôi được người bạn thân tại Cao Bằng biếu hạt dẻ Trùng Khánh mua tận gốc với bà con, khi ăn lại thấy hạt dẻ Trùng Khánh thơm, bở, ngọt, ngậy khác hẳn hạt dẻ Trung Quốc (mang thương hiệu Trùng Khánh) mua tại chợ Xanh giá 70 - 80 nghìn đồng/kg. Vì hạt dẻ Trùng Khánh ngon quá, tôi nhờ chị bạn thân đặt mua mấy kg mang về Hà Nội làm quà dù biết giá đắt hơn 3 lần hạt dẻ Trung Quốc.
Những năm qua, hạt dẻ Trung Quốc mượn thương hiệu hạt dẻ Trùng Khánh có lượng tiêu thụ tại Cao Bằng hàng trăm tấn. Vì hạt dẻ Trung Quốc so với hạt dẻ Trùng Khánh, các huyện khác chất lượng không quá kém mà giá nhập chỉ hơn 50 nghìn đồng/kg, sau khi khía vỏ, hấp, rang sấy bán 70 - 80 nghìn đồng/kg, giá phải chăng, số lượng nhiều đáp ứng nhu cầu thị trường.
Theo tìm hiểu, giai đoạn năm 1960 - 1970, huyện Trùng Khánh có 1.600 ha cây hạt dẻ do các hợp tác xã trồng và quản lý. Sau khi các hợp tác xã giải thể (từ 1990 - 2016), chỉ còn khoảng 240 ha cây dẻ. Tuy đã có nhiều dự án hỗ trợ trồng mới cây hạt dẻ nhưng gần như không phát huy hiệu quả.
Mùa dẻ chín cũng chính là “mùa vui” của người dân các dân tộc huyện Trùng Khánh. |
Theo lãnh đạo Huyện Trùng Khánh, những năm qua, huyện xác định dẻ là cây trồng đặc hữu có giá trị kinh tế cao, được chứng nhận “Chỉ dẫn địa lý” vùng sản xuất tại các xã Chí Viễn, Đàm Thủy, Đình Minh, Phong Châu, Đình Phong… Nhiệm kỳ 2020 - 2025, Đảng bộ huyện ban hành chương trình về phát triển cây dẻ, lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, địa phương tập trung nguồn lực vào cuộc để vận động, hỗ trợ người dân trồng cây dẻ. Phấn đấu giai đoạn 2020 - 2025 trồng 300 ha, đến năm 2030 trồng thêm 200 ha. Đến nay, huyện mới trồng được gần 200/300 ha, nâng tổng diện tích cây dẻ toàn huyện lên 700 ha, thu nhập khoảng 200 triệu đồng/ha.
HĐND huyện ban hành chính sách hỗ trợ phát triển trồng cây dẻ gắn với quảng bá du lịch, có quy hoạch và giao chỉ tiêu tại các xã phát triển du lịch trồng từ 15 - 30 ha.
Hộ trồng cây dẻ được huyện cấp 2 loại giống, gồm: cây dẻ ươm từ hạt và cây dẻ chiết ghép, có nghiệm thu cây mọc và hướng dẫn chuyển giao kỹ thuật. Mặc dù huyện đã có những chương trình, giải pháp cụ thể để hỗ trợ bà con trồng mới cây dẻ nhưng vẫn gặp phải khó khăn. Qua tìm hiểu các hộ dân trồng dẻ tại các xã Đàm Thủy, Chí Viễn, Đình Minh, Đình Phong… chúng tôi được biết, tâm lý bà con vẫn còn e ngại về giống cây dẻ chiết ghép. Vì trước đây có dự án cấp giống cây dẻ cho dân đem về trồng cho ít quả, hạt nhỏ, chất lượng kém nên bà con tự ươm hạt trồng theo cách truyền thống.
Hạt dẻ Trùng Khánh ngày càng khẳng định được chất lượng và giá trị trên thị trường. |
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Thái Hà cho biết: Sản phẩm nào đưa ra thị trường đều phải đứng trước bài toán cạnh tranh, hạt dẻ Trùng Khánh cũng vậy. Để phát triển được cây dẻ, huyện Trùng Khánh cần phối hợp, kêu gọi các doanh nghiệp tâm huyết cùng huyện xây dựng trại giống, ươm cây giống chất lượng cao để tạo niềm tin cho nhân dân; kêu gọi doanh nghiệp, hợp tác xã phối hợp cùng người dân đầu tư, hỗ trợ, hướng dẫn người dân chăm sóc, tiêu thụ sản phẩm, đảm bảo chuỗi liên kết. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng cây dẻ là cây đặc hữu quan trọng, đưa vào đề án phát triển nông nghiệp thông minh của tỉnh và đề ra mục tiêu đến năm 2025 đạt 900 - 1.000 ha...
Để đưa hạt dẻ ra thị trường với các sản phẩm mới, chị Trương Thị Minh Hậu, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh cho biết: Hiện nay, Hiệp hội Du lịch tỉnh đang xúc tiến xây dựng Chi hội đầu bếp Cao Bằng. Thời gian tới tôi sẽ tham mưu với Ban Chấp hành Hiệp hội Du lịch, Chi hội đầu bếp Cao Bằng quan tâm tổ chức các sự kiện ẩm thực về hạt dẻ tại vườn hạt dẻ, thi nấu ăn về món hạt dẻ và mời nhà đầu bếp nổi tiếng của Việt Nam đến tham dự để quảng bá về ẩm thực từ hạt dẻ như xôi hạt dẻ, chè hạt dẻ, hạt dẻ hầm chân giò, bánh hạt dẻ… Gắn kết các sản phẩm từ ẩm thực hạt dẻ, trải nghiệm vườn dẻ với du lịch, tạo ra sản phẩm du lịch mới đặc sắc riêng có của huyện Trùng Khánh, góp phần thúc đẩy xây dựng thương hiệu mạnh về hạt dẻ gắn với du lịch tỉnh Cao Bằng. Quan trọng nhất vẫn là chính quyền đồng hành cùng người dân và doanh nghiệp.
Lãnh đạo Huyện ủy Trùng Khánh cho rằng: Huyện tiếp tục chỉ đạo quyết liệt các phòng chức năng, xã, thị trấn quy hoạch vùng trồng dẻ và đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về lợi thế trồng cây dẻ, liên kết với các trung tâm nông nghiệp để sản xuất cây giống tốt, đảm bảo chất lượng; liên kết với các doanh nghiệp đảm bảo công tác thu hoạch, bảo quản hạt dẻ lâu hơn, chất lượng tốt hơn. Đặc biệt gắn phát triển cây dẻ với làm mới sản phẩm du lịch như trải nghiệm vườn dẻ, các món ăn đặc sắc từ hạt dẻ… Huy động nguồn vốn từ các chương trình, vốn sự nghiệp, các dự án, tiểu dự án để hỗ trợ giống, phân bón cho người dân để người dân có nguồn lực, yên tâm trồng cây dẻ.