Những tín hiệu tích cực của kinh tế Việt Nam ngay trong “Tháng ăn chơi” Tháo gỡ 3 nút thắt để thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam GDP quý I tăng 5,66%, cao nhất trong vòng 4 năm |
GDP quý 1/2024 ước tính tăng 5,66% so với cùng kỳ năm trước
Trong 03 tháng đầu năm 2024, nền kinh tế thế giới tiếp tục gặp nhiều khó khăn, thách thức. Cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, căng thẳng địa chính trị; thiên tai, hạn hán, bão lũ, biến đổi khí hậu gây hậu quả nghiêm trọng; nguy cơ về an ninh năng lượng, an ninh lương thực, an ninh mạng ngày một gia tăng… Lạm phát mặc dù hạ nhiệt nhưng vẫn cao hơn mục tiêu; nhiều nền kinh tế lớn tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ thắt chặt, duy trì mức lãi suất cao; thương mại, tiêu dùng và đầu tư toàn cầu phục hồi chậm. Trong nước, với quyết tâm tạo động lực đột phá để phát triển kinh tế - xã hội theo mục tiêu đề ra, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt các bộ, ngành, địa phương tập trung triển khai thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 05/01/2024 về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2024; Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 06/CT-TTg ngày 15/02/2024 về việc đôn đốc thực hiện nhiệm vụ trọng tâm sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024. Các bộ, ngành, địa phương đã tập trung xây dựng kế hoạch hành động để thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm đạt mục tiêu tăng trưởng. Kinh tế - xã hội quý I/2024 của nước ta đạt được kết quả tích cực trong bối cảnh kinh tế thế giới còn nhiều bất ổn, khẳng định chính sách quản lý và điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương từng bước phát huy hiệu quả.
Tại buổi Họp báo, bà Nguyễn Thị Hương - Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê đã công bố những số liệu thống kê cơ bản về tình hình kinh tế - xã hội của Việt Nam trong quý I/2024.
GDP quý I/2024 ước tính tăng 5,66% so với cùng kì năm trước, cao hơn tốc độ tăng của quý I các năm 2020 - 2023. Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,98%, đóng góp 6,09% vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 6,28%, đóng góp 41,68%; khu vực dịch vụ tăng 6,12%, đóng góp 52,23%. Cơ cấu GDP xét theo ngành với khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỉ trọng 11,77%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 35,73%; khu vực dịch vụ chiếm 43,48%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 9,02%.
Về sử dụng GDP quý I/2024, tiêu dùng cuối cùng tăng 4,93% so với cùng kỳ năm trước, đóng góp 56,77% vào tốc độ tăng chung; tích lũy tài sản tăng 4,69%, đóng góp 24,07%; xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 18%; nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 17,08%, chênh lệch xuất, nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ đóng góp 19,16%.
Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt 178,04 tỷ USD
Tại họp báo, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương cho biết: "Nét nổi bật, đóng góp tích cực vào kết quả chung của tăng trưởng quý I/2024, trước hết phải đề cập đến xuất, nhập khẩu. Tính chung quý I/2024, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt 178,04 tỷ USD, tăng 15,5% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu tăng 17%, nhập khẩu tăng 13,9%. Cán cân thương mại hàng hóa xuất siêu đạt 8,08 tỷ USD. Đây là con số tích cực trong bối cảnh khó khăn về thương mại toàn cầu đang suy giảm".
Về mặt hàng, trong tổng số 45 mặt hàng xuất khẩu chính trong quý I/2024 có đến 35/45 (đạt 77,8%) nhóm hàng tăng so với cùng kỳ năm 2023 và chiếm đến 91,3% tổng trị giá mặt hàng xuất khẩu. Trong đó một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước, như: Điện tử máy tính và linh kiện tăng 30,3%; Gỗ và sản phẩm gỗ tăng 18,9%. Một số mặt hàng xuất khẩu nông lâm sản có lợi thế của Việt Nam tăng trưởng tốt so với cùng kỳ như: cà phê tăng 54,2%; hạt điều tăng 20,2%; rau quả tăng 25,8%; gạo tăng 40%.
Về thị trường, đều có sự tăng trưởng khá so với cùng kỳ năm trước ở hầu hết các thị trường xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, cụ thể như: Trung Quốc tăng 5,2%; Hoa Kỳ tăng 26%; Nhật Bản tăng 6,4%; thị trường EU tăng 16,3%... Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 26,2 tỷ USD. Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 29,4 tỷ USD.
Tổng cục trưởng Nguyễn Thị Hương cho rằng, có được kết quả như trên là nhờ Chính phủ đã có sự chỉ đạo quyết liệt các bộ, ngành, địa phương và sự quyết tâm của doanh nghiệp. Đã tận dụng được các cơ hội của các hiệp định thương mại tự do, tăng cường việc xúc tiến thương mại và quảng bá sản phẩm của Việt Nam ra thị trường quốc tế; khẳng định chất lượng hàng hóa của Việt Nam ngày càng được thế giới tin dùng. Bên cạnh đó cũng có thể thấy xu hướng cầu thế giới về một số mặt hàng của Việt Nam cũng đã bắt đầu phục hồi, đây là tín hiệu rất đáng mừng trong bối cảnh vẫn còn nhiều thách thức.
FDI thực hiện tại Việt Nam tăng 7,1%
Theo thông tin được Tổng cục Thống kê công bố, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thực hiện tại Việt Nam trong quý I/2024 ước đạt 4,63 tỷ USD, tăng 7,1% so với cùng kỳ năm trước. "Những năm qua, mặc dù dòng vốn đầu tư thương mại và đầu tư của thế giới rất hạn hẹp nhưng Việt Nam vẫn là điểm sáng thu hút vốn đầu tư nước ngoài, thể hiện rõ ở việc tăng liên tục qua các năm. Thu hút nhiều nguồn vốn FDI và lượng khách du lịch quốc tế tăng cũng là điểm sáng đóng góp vào tăng trưởng quý I/2024. Những con số thống kê đã thể hiện sự nỗ lực của Việt Nam trong việc kết nối với thế giới, khẳng định được vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế", Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương nhấn mạnh. Tính chung quý I/2024, khách quốc tế đến Việt Namước đạt hơn 4,6 triệu lượt người, tăng 72% so với cùng kỳ năm trước và tăng 3,2% so với cùng kỳ năm 2019 - năm chưa xảy ra dịch COVID-19. Theo kịch bản của Nghị quyết 01 của Chính phủ, mục tiêu tăng trưởng năm 2024 đạt từ 6%-6,5%. Trong đó, quý I có mức tăng trưởng tương ứng 5,2% và 5,6%. Như vậy, nhìn tổng thể bức tranh kinh tế, kết quả tăng trưởng quý I đạt 5,66% đang sát với kịch bản cao (5,6%).
Cả nước có 59.900 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động
Trong quý I/2024, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp cũng đạt nhiều kết quả tích cực. Cả nước có 59,9 nghìn doanh nghiệp đăng kí thành lập mới và quay trở lại hoạt động, tăng 5,1% so với cùng kì năm trước; bình quân một tháng có gần 20 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động.
Số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường là 73,9 nghìn doanh nghiệp, tăng 22,8% so với cùng kì năm trước; bình quân một tháng có gần 24,7 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường. So sánh giữa số doanh nghiệp đăng kí thành lập mới và quay trở lại hoạt động với số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tổng số doanh nghiệp nước ta giảm 14,1 nghìn doanh nghiệp, bình quân một tháng giảm 4,7 nghìn doanh nghiệp.
Khách du lịch tăng vọt
Tính chung quý I/2024, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành ước đạt 1.537,6 nghìn tỉ đồng, tăng 8,2% so với cùng kì năm trước (quý I/2023 tăng 13,9%); vận tải hành khách ước đạt 1.199,6 triệu lượt khách vận chuyển, tăng 8,5% so với cùng kì năm trước; vận tải hàng hóa ước đạt 620,1 triệu tấn hàng hóa vận chuyển, tăng 13% so với cùng kì năm trước; hoạt động viễn thông nhìn chung ổn định với doanh thu theo giá hiện hành ước đạt 89,1 nghìn tỉ đồng, tăng 3,4% so với cùng kì năm trước; khách quốc tế đến Việt Nam ước đạt hơn 4,6 triệu lượt người, tăng 72% so với cùng kì năm trước và tăng 3,2% so với cùng kì năm 2019 - năm chưa xảy ra dịch Covid-19.
6 điểm sáng trên bức tranh kinh tế Việt Nam tháng 1 năm 2024 |
Những mảng màu tươi sáng của kinh việt Nam đầu năm mới |
Sự phục hồi kinh tế của Việt Nam đang đúng hướng |