Hưng Yên thu hút đầu tư từ môi trường kinh doanh thuận lợi BIDV - Ngân hàng phục vụ khách hàng FDI tốt nhất Việt Nam 2023 Những điểm sáng trên bức tranh kinh tế 2 tháng đầu năm 2024 |
Hai tháng đầu năm 2024, tình hình thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) của nước ta đã đạt được kết quả rất tích cực. |
Thống kê cho thấy, hai tháng đầu năm 2024, tình hình thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) của nước ta đã đạt được kết quả rất tích cực. Cụ thể, vốn đầu tư đăng ký đạt 4,29 tỷ USD, tăng 38,6% so với cùng kỳ 2023. Đáng nói, có không ít dự án quy mô lớn được cấp chứng nhận đăng ký đầu tư trong tháng 2/2024, điển hình như: dự án Trina Solar Cell tại Thái Nguyên; dự án Gokin Solar Hải Hà Việt Nam tại Quảng Ninh;...
Thu hút vốn FDI tiếp tục là mục tiêu quan trọng của Việt Nam trong nhiều năm tới, tuy nhiên, theo các chuyên gia, để nâng cao chất lượng FDI như định hướng của Đảng, Nhà nước, cần tiếp tục tập trung tháo gỡ những “nút thắt” như: nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư phải được tiếp tục mạnh mẽ hơn nữa, quyết liệt hơn nữa. Cùng với đó là tìm hiểu kỹ “khẩu vị đầu tư” của các nhà đầu tư khác nhau, đặc biệt là các nền kinh tế Âu - Mỹ để tìm cách đáp ứng…
Các trở ngại trong con mắt của nhà đầu tư nước ngoài
Theo khảo sát của Hiệp hội thương mại Mỹ (AmCham) tại Trung Quốc, 40% công ty đang tìm cách tăng đầu tư để củng cố chuỗi cung ứng, với hơn 50% xem Đông Nam Á là điểm đến hàng đầu. Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu (EuroCham) cho hay các thành viên tiếp tục xem xét chiến lược chuỗi cung ứng tại khu vực này.
Đứng trước triển vọng, ông Tim Evans, Tổng giám đốc HSBC Việt Nam cho rằng Việt Nam cần xác định các trở ngại trong con mắt của nhà đầu tư nước ngoài, để từ đó tháo gỡ. Qua tiếp xúc với khách hàng, ông chỉ ra 3 nút thắt.
Thứ nhất là chất lượng và khả năng tiếp cận nguồn lao động. Việt Nam cần liên tục cải thiện năng suất bởi vẫn đứng sau các nước lớn trong khu vực về năng suất lao động, với sản lượng mỗi giờ làm việc tương đối thấp.
Số liệu của Tổ chức Năng suất châu Á (APO) cho thấy năm 2020, giá trị sản xuất mỗi giờ lao động của người Việt Nam chỉ đạt 6,4 USD, so với 14,8 USD ở Thái Lan và 68,5 USD ở Singapore.
Năng suất nhân tố tổng hợp (TFP) trung bình ở cấp doanh nghiệp tăng dưới 2% giai đoạn 2014-2018, thấp hơn mức của nhiều nền kinh tế Đông Á (dữ liệu của IMF năm 2022). TFP là chỉ tiêu phản ánh kết quả sản xuất nhờ nâng cao hiệu quả sử dụng vốn và lao động, đổi mới công nghệ, cải tiến quản lý, nâng cao trình độ.
Khảo sát gần nhất của EuroCham tại Việt Nam cho biết 32% số người được hỏi cho rằng lực lượng lao động có trình độ khá tốt, nhưng cần cải thiện kỹ năng và chuyên môn. 50% đánh giá mức độ sẵn có của lực lượng lao động ở mức vừa phải, phản ánh thách thức trong việc tìm kiếm ứng viên đủ tiêu chuẩn
Thứ hai, chỉ số hiệu quả logistics của Việt Nam tụt lại sau Trung Quốc, Malaysia, Thái Lan với nhiều thiếu hụt trong năng lực logistics, thời gian giao hàng, khả năng truy xuất. "Hạ tầng logistics không đáp ứng được tiêu chuẩn quốc tế và vận tải đường bộ chiếm tới 74% tổng các phương tiện vận tải, trong khi nhu cầu lại nghiêng về vận tải đường biển và cảng biển để hỗ trợ cho xuất khẩu", ông nói.
Khảo sát do Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (Jetro) công bố gần đây cũng đánh giá Việt Nam đã có sự cải thiện về cơ sở hạ tầng, nhưng khả năng cạnh tranh về khía cạnh này với các nước láng giềng chưa cao.
Doanh nghiệp Nhật cho rằng hạ tầng điện và đường sá tốt nhất là Malaysia, trong khi hạ tầng cảng và viễn thông dẫn đầu là Singapore. "Việt Nam đang thua các quốc gia khác trong Đông Nam Á về cơ sở hạ tầng", ông Nobuyuki Matsumoto, Trưởng đại diện Jetro tại TP HCM nhận định.
Thứ ba là môi trường pháp lý. Khảo sát HSBC Global Connection chỉ ra các thay đổi về luật pháp là một trong hai thách thức lớn nhất với doanh nghiệp nước ngoài đang hoạt động ở Việt Nam. Trong đó, 30% công ty gặp khó khăn với việc thích nghi các chính sách và quy định thay đổi nhanh chóng ở đây.
Khảo sát của Jetro cũng nêu một trong các rủi ro cho nhà đầu tư Nhật khi vào Việt Nam là sự phức tạp trong các thủ tục hành chính, hệ thống pháp luật chưa hoàn thiện, vận hành thiếu minh mạch đều cao hơn so với trung bình Đông Nam Á.
Còn theo EuroCham, 52% đơn vị được hỏi xác định "gánh nặng hành chính và sự kém hiệu quả của bộ máy". Ngoài ra, 34% doanh nghiệp nói các quy tắc, quy định không rõ ràng và được giải thích khác nhau cũng là thách thức lớn.
Ngoài tháo gỡ 3 nút thắt, ông Tim Evans cho rằng chiến lược thu hút thêm FDI nên khởi đầu bằng việc tìm hiểu và nắm bắt tình hình cạnh tranh giữa Việt Nam và các nước còn lại trong Đông Nam Á, cũng như đánh giá thêm Ấn Độ, Mexico.
Nhiều điểm sáng thu hút FDI ngay từ đầu năm
Đánh giá chung về thu hút đầu tư nước ngoài 2 tháng qua, Cục Đầu tư nước ngoài nhận định, tổng vốn đầu tư đăng ký 2 tháng đầu năm 2024 tiếp tục tăng so với cùng kỳ (tăng 38,6%), song mức tăng giảm nhẹ 1,6 điểm phần trăm so với tháng 1/2024.
Cơ quan quản lý nhà nước cho biết, vốn đầu tư tập trung nhiều vào các tỉnh, thành phố có nhiều lợi thế trong thu hút FDI (cơ sở hạ tầng tốt, nguồn nhân lực ổn định, nỗ lực cải cách thủ tục hành chính và năng động trong công tác xúc tiến đầu tư…).
10 địa phương có lợi thế cũng là 10 địa phương thu hút FDI nhất gồm Hà Nội, Quảng Ninh, Thái Nguyên, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bắc Ninh, Đồng Nai, Bắc Giang, TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Hưng Yên. Riêng 10 địa phương này đã chiếm 74,3% số dự án mới và 81,7% số vốn đầu tư của cả nước trong 2 tháng đầu năm 2024.
Trong số 30 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư được cấp phép mới tại Việt Nam trong 2 tháng đầu năm 2024, Singapore là nhà đầu tư lớn nhất với 1,94 tỷ USD, chiếm 53,8% tổng vốn đăng ký cấp mới; tiếp đến là Đặc khu hành chính Hồng Công (Trung Quốc) 460,7 triệu USD, chiếm 12,8%; Nhật Bản 408,4 triệu USD, chiếm 11,4%; Trung Quốc 381,6 triệu USD, chiếm 10,6%; Hàn Quốc 137,9 triệu USD, chiếm 3,8%; Đài Loan 67 triệu USD, chiếm 1,9%.
Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam 2 tháng đầu năm 2024 ước đạt 2,8 tỷ USD, tăng 9,8% so với cùng kỳ năm trước. Đây là số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện cao nhất của 2 tháng trong 5 năm qua.
Trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 2,17 tỷ USD, chiếm 77,5% tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện; hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 279,3 triệu USD, chiếm 10%; sản xuất, phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí đạt 128,4 triệu USD, chiếm 4,6%.
Trong danh sách dự án cấp phép đầu tư trong 2 tháng đầu năm 2024 tại Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam chủ yếu là các dự án nhỏ và vừa, đầu tư chủ yếu vào ngành công nghiệp chế biến, chế tạo. Dự án có vốn đầu tư lớn nhất là dự án của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Công nghệ điện tử nghe nhìn BOE Bắc Kinh (Trung Quốc) đầu tư tại Bà Rịa - Vũng Tàu có tổng vốn 278 triệu USD.
Đáng chú ý, vừa qua đã diễn ra sự kiện Khu công nghệ cao TP.HCM ký kết hợp tác với Công ty Siemens EDA (thuộc Tập đoàn Siemens) để đào tạo nhân lực ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn tại Việt Nam và việc Công ty BE Semiconductor Industries N.V (BESI) của Hà Lan hoàn thành công đoạn chuẩn bị để đưa máy móc phục vụ đóng gói chip vào hoạt động tại nhà máy tại Khu công nghệ cao TP.HCM.
Tuy nhiên, Đồng Nai mới là địa phương có hoạt động thu hút đầu tư sôi động nhất trong 2 tháng đầu năm tại Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Chỉ trong vòng 1,5 tháng đầu năm 2024, địa phương này đã cấp phép cho 27 dự án đầu tư nước ngoài (bao gồm cả dự án cấp mới và tăng vốn) với tổng vốn đầu tư 439 triệu USD.
Vốn FDI đổ vào Hải Dương đã gấp 26,3 lần kế hoạch năm |
Hòa Bình chấp thuận chủ trương đầu tư cho 32 dự án trong 8 tháng |
Sau 9 tháng, Hải Dương đã hoàn thành mục tiêu thu hút vốn FDI năm 2023 |