6 điểm sáng trên bức tranh kinh tế Việt Nam tháng 1 năm 2024 Những mảng màu tươi sáng của kinh việt Nam đầu năm mới Sự phục hồi kinh tế của Việt Nam đang đúng hướng |
Hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa tại cảng Hải Phòng. Ảnh: Hải Anh |
Xuất nhập khẩu hàng hóa, sản xuất công nghiệp tăng mạnh
Bộ Tài chính cho biết, xuất nhập khẩu hàng hóa tháng đầu tiên của năm 2024 tăng mạnh, đạt hơn 64 tỷ USD, tăng gần 38% so với cùng kỳ năm ngoái. Đáng chú ý là xuất khẩu đạt hơn 33,6 tỷ USD, tăng 42% so với cùng kỳ. Kim ngạch xuất, nhập khẩu tháng 01/2024 ước đạt 64,22 tỷ USD, tăng 37,7% so với cùng kỳ. Trong đó, xuất khẩu ước đạt 33,57 tỷ USD, tăng 42%; nhập khẩu ước đạt 30,65 tỷ USD, tăng 33,3%; xuất siêu ước đạt 2,92 tỷ USD. Đây cũng là mức tăng cao nhất từ tháng 4/2022 (33,26 tỷ USD). Xuất khẩu tăng mạnh nhờ hai nhóm ngành chính là: Nông, lâm, thủy sản và công nghiệp chế biến, tăng lần lượt gần 97% và 38%. Điển hình như với mặt hàng gạo, nửa đầu tháng 01/2024, Việt Nam xuất khẩu 194.074 tấn gạo, kim ngạch đạt 134,57 triệu USD.
Điểm sáng nổi bật khác là sản xuất công nghiệp phục hồi. Theo Tổng cục Thống kê, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 01/2024 ước tính giảm 4,4% so với tháng trước và tăng 18,3% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng 19,3% so với cùng kỳ năm trước, đóng góp 15,1 điểm phần trăm vào mức tăng chung; sản xuất và phân phối điện tăng 21,6%, đóng góp 1,9 điểm phần trăm; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 5,7%, đóng góp 0,1 điểm phần trăm; ngành khai khoáng tăng 7,3%, đóng góp 1,2 điểm phần trăm.
Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 1/2024 ước tính giảm 4,4% so tháng trước và tăng 18,3% so với cùng kỳ, trong đó ngành công nghiệp chế biến,chế tạo tăng 19,3%.
Cũng theo Tổng cục Thống kê, tốc độ tăng, giảm chỉ số sản xuất tháng 01/2024 của một số ngành trọng điểm cấp II so với cùng kỳ năm trước: Sản xuất giường, tủ, bàn, ghế tăng 66,7%; dệt tăng 46,2%; sản xuất thiết bị điện tăng 43,3%; sản xuất kim loại tăng 39,4%; sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy, sản xuất hoá chất và sản phẩm hoá chất cùng tăng 38,7%; sản xuất da và các sản phẩm có liên quan tăng 34,7%; sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác và sản xuất trang phục cùng tăng 20,9%; sản xuất chế biến thực phẩm tăng 17,2%; sản xuất phương tiện vận tải khác tăng 13,1%; sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn (trừ máy móc, thiết bị) tăng 7,8%; sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học tăng 5,6%; sản xuất đồ uống tăng 3,7%; khai thác dầu thô và khí đốt tự nhiên giảm 1,1%.
Đáng chú ý, chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 01/2024 so với cùng kỳ năm trước tăng ở 60 địa phương và giảm ở 3 địa phương trên cả nước. Một số địa phương có chỉ số IIP đạt mức tăng khá cao do ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; ngành sản xuất và phân phối điện tăng cao . Ở chiều ngược lại, một số địa phương có chỉ số IIP tăng thấp hoặc giảm do ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; ngành khai khoáng và ngành sản xuất, phân phối điện tăng thấp hoặc giảm .
Theo số liệu từ Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư). Số doanh nghiệp thành lập mới trong tháng 1/2024 là 13.536 doanh nghiệp, tăng 24,8% so cùng kỳ với tổng vốn đăng ký đạt 151.451 tỷ đồng, tăng 52,8%. Tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong tháng 1/2024 là 370.101 tỷ đồng (giảm 2,1%).
Có 4.380 doanh nghiệp đang hoạt động đăng ký tăng vốn với số vốn đăng ký tăng thêm đạt 218.650 tỷ đồng, giảm lần lượt 3,5% và 21,6% so cùng kỳ. Vốn đăng ký bình quân trên một doanh nghiệp trong tháng 1/ 2024 đạt 11,2 tỷ đồng, tăng 22,4%.
Thống kê theo các ngành kinh tế, có 13/17 ngành có số lượng doanh nghiệp thành lập mới tăng so cùng kỳ. Trong đó, doanh nghiệp thành lập mới tăng mạnh nhất trong các lĩnh vực hoạt động nghệ thuật, vui chơi và giải trí; dịch vụ khác; vận tải kho bãi; bán buôn; bán lẻ; sửa chữa ô tô, xe máy.
Về vốn đầu tư là một chỉ số rất quan trọng cho sự phát triển kinh tế, vốn đầu tư thực hiện từ ngân sách nhà nước trong tháng 1 tăng gần 13% so với cùng kỳ, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI đăng ký tăng trên 40% so với cùng kỳ, còn vốn FDI thực hiện tăng gần 10% so với cùng kỳ.
Ngay sau Tết, người lao động nhanh chóng trở lại làm việc, với không khí ra quân thực hiện nhiệm vụ đầu năm, tạo khí thế vui tươi, phấn khởi trong lao động sản xuất ngay từ đầu năm. Dây chuyền sản xuất của nhiều đơn vị đã hoạt động. Công nhân mừng vì có việc ngay, còn lãnh đạo phấn khởi vì 1 khởi đầu tốt: Đơn hàng có đủ và ổn định.
Ngành giao thông vận tải bố trí được đủ phương tiện; Các cơ quan nhà nước thực hiện nghiêm quy định cán bộ, công chức khẩn trương xử lý công việc ngay từ đầu năm, đặc biệt là những công việc bị dồn lại sau Tết.
Đầu tư công được đẩy mạnh với việc hàng loạt địa phương đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm, phấn đấu giải ngân đầu tư công đạt 95% trong năm 2024.
Những dự báo lạc quan về nền kinh tế
Dây truyền sản xuất phở của Bình Tây Food. (Ảnh: Bình Tây Food). |
Gần đây, các tổ chức quốc tế đã đưa ra nhiều dự báo lạc quan về nền kinh tế Việt Nam năm 2024. Hầu hết các dự báo cho rằng, tăng trưởng kinh tế của nước ta sẽ đạt trên 6%. Thậm chí có tổ chức tài chính đưa ra dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam đạt mức 6,7%.
Việt Nam khởi đầu năm 2024 một cách "hanh thông" bằng những dấu hiệu phục hồi kinh tế vững vàng khi xuất khẩu tiếp tục phục hồi. Các nhà đầu tư nước ngoài cũng đang nỗ lực tìm kiếm cơ hội từ thị trường tiêu dùng trong nước đang phát triển.
Vào tháng 10-2023, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo năm 2024, kinh tế toàn cầu sẽ tăng trưởng khoảng 2,9% tổng sản phẩm nội địa (GDP), trong đó Việt Nam tăng trưởng khoảng 5,8%, tức cao gấp đôi mức trung bình thế giới và thuộc nhóm 20 nền kinh tế có mức tăng trưởng cao nhất thế giới năm 2024.
Trên thực tế, Việt Nam bước vào năm 2024 với những thuận lợi cơ bản từ sự ổn định vĩ mô chung và là điểm sáng trong bức tranh kinh tế toàn cầu hậu Covid-19. Nền kinh tế từng bước được phục hồi, tăng trưởng GDP năm 2023 quý sau cao hơn quý trước.
Nhiều tổ chức quốc tế có uy tín đã đánh giá cao và ghi nhận cải thiện nhiều chỉ số xếp hạng quốc tế của Việt Nam, nổi bật là về: Chỉ số hạnh phúc toàn cầu, Chỉ số đổi mới sáng tạo, Giá trị thương hiệu quốc gia Việt Nam cũng như về truyền thông số, thanh toán số, kinh tế số và xếp hạng tín nhiệm quốc tế về tín dụng dài hạn (ngày 8-12-2023, Fitch Ratings đã nâng hạng tín nhiệm nhà phát hành nợ dài hạn bằng ngoại tệ của Việt Nam từ mức BB lên BB+, với triển vọng ổn định). Đồng thời, các dự báo quốc tế cũng tin tưởng vào triển vọng phục hồi nhanh trong thời gian tới của nền kinh tế Việt Nam.
Theo ông Shantanu Chakraborty, Giám đốc quốc gia Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam, môi trường bên ngoài yếu đã ảnh hưởng tiêu cực tới lĩnh vực sản xuất định hướng xuất khẩu của Việt Nam, làm thu hẹp sản xuất công nghiệp... Tuy nhiên, nền kinh tế Việt Nam vẫn vững vàng và dự kiến sẽ phục hồi nhanh trong tương lai gần nhờ tiêu dùng trong nước mạnh, được hỗ trợ bởi lạm phát ở mức vừa phải, tăng tốc giải ngân vốn đầu tư công và cải thiện các hoạt động thương mại cũng như các lĩnh vực khác được dự báo tăng trưởng lành mạnh. Lĩnh vực dịch vụ được kỳ vọng tiếp tục mở rộng nhờ sự hồi sinh của ngành du lịch và sự phục hồi của các dịch vụ liên quan. Nông nghiệp sẽ được hưởng lợi từ giá lương thực tăng. Lĩnh vực chế biến, chế tạo sẽ vẫn là động lực chính thúc đẩy hoạt động kinh tế của đất nước và những trở ngại đối với xuất khẩu được dự báo sẽ giảm dần trong năm 2024, khi nền kinh tế Hoa Kỳ và Liên minh châu Âu (EU) bắt đầu phục hồi.
Năm 2024, tăng trưởng GDP của Việt Nam được dự báo đạt 6-6,5%, đưa Việt Nam trở thành một trong những môi trường tăng trưởng mạnh nhất ở Đông Nam Á. Theo ông Khánh Vũ, Phó Giám đốc điều hành của quỹ đầu tư VinaCapital, sự tăng trưởng này sẽ được thúc đẩy bởi các yếu tố tăng trưởng của toàn bộ các lĩnh vực kinh tế - từ xuất khẩu, sản xuất, du lịch đến tiêu dùng trong nước và tâm lý tiêu dùng. Lương của khu vực công sẽ tăng từ giữa năm, là một lý do khiến chi tiêu trong nước trong năm 2024 sẽ mạnh hơn năm 2023.
Tăng trưởng kinh tế cũng được hỗ trợ nhờ môi trường lãi suất thuận lợi. Theo ông Vũ, điều đáng khích lệ là các công ty hiện đang vay để làm vốn lưu động và chi tiêu vốn. Cách đây một năm, họ vay với lãi suất từ 9-10%, nhưng giờ đây có thể vay với lãi suất 5-7%. Lãi suất huy động giảm nhanh hơn lãi suất cho vay nên lãi suất cho vay có lẽ sẽ còn giảm sâu hơn.
Nhà kinh tế Helmi Arman tại Citi, công ty đa quốc gia về dịch vụ tài chính có trụ sở ở Manhattan (Mỹ) nhận định sau khi đóng băng vào đầu năm 2023, hoạt động trong lĩnh vực bất động sản tại Việt Nam đã phục hồi vào nửa cuối năm. Chính phủ đang thúc đẩy các cải cách cơ cấu nhằm đặt nền móng cho sự phục hồi bền vững hơn trong lĩnh vực bất động sản. Tuy nhiên, điều này sẽ không xảy ra ngay lập tức. Đến năm 2025, Luật Đất đai sửa đổi được thông qua gần đây mới có hiệu lực.
Đối với các nhà đầu tư quốc tế, lĩnh vực sản xuất của Việt Nam vẫn hấp dẫn nhất, đặc biệt là chuỗi cung ứng điện thoại thông minh và điện tử tiêu dùng. Đối với các nhà đầu tư trong nước, xuất khẩu hàng may mặc, giày dép, đồ nội thất đang được quan tâm nhiều nhất.
Xu hướng nhiều công ty chuyển hoạt động sản xuất sang Việt Nam đã mang lại lợi ích. Khi hướng tới sản xuất chất bán dẫn, Chính phủ Việt Nam có chiến lược mở rộng quy mô trong toàn bộ chuỗi cung ứng bằng cách tăng năng lực kiểm tra và đóng gói chip bán dẫn. Sức mạnh của ngành sản xuất đang có tác động tích cực đến dòng xuất khẩu. Chuyên gia kinh tế Khánh Vũ và Giám đốc danh mục đầu tư cấp cao tại Quỹ quản lý đầu tư Manulife Kenglin Tan đều lạc quan về một số dấu hiệu ổn định trong xuất khẩu của Việt Nam.
Đã có một số ý kiến lo ngại rằng quyết định của Việt Nam áp dụng mức “thuế tối thiểu toàn cầu” sẽ tác động đến dòng vốn đầu tư, nhưng điều này đã không xảy ra. Theo bà Kenglin Tan, ở góc độ nhà đầu tư nước ngoài, dù đầu tư vào Việt Nam hay các nước khác theo hiệp định như Mexico hay Thái Lan, họ đều chịu ảnh hưởng từ chính sách tương tự. Dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong tháng 12/2023 cho thấy các nhà đầu tư không hề bị cản trở.
Sự quan tâm đến FDI cũng tăng. Hàn Quốc đã nêu rõ mục tiêu vượt 100 tỷ USD tổng vốn đầu tư vào năm 2025. Đến nay, nước này đã đầu tư 84 tỷ USD vào Việt Nam, tập trung vào lĩnh vực sản xuất, với 62 tỷ USD đầu tư vào hơn 4.600 dự án, gồm các nhà sản xuất lớn như Samsung, LG và SK.
Một dự án lớn được hưởng lợi từ FDI là Sân bay Quốc tế Long Thành. FDI cho dự án này đến từ Mỹ, Nhật Bản, Pháp, Thổ Nhĩ Kỳ và Hà Lan.
Lạm phát năm 2024 được dự báo sẽ “hạ nhiệt” |
Năm 2023, xuất khẩu gạo cả nước đạt kỷ lục 8,13 triệu tấn |
2 kịch bản tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2024 |