Nâng cao giá trị hạt gạo xuất khẩu để khẳng định thương hiệu trên thị trường quốc tế. |
Năm có nhiều kỳ tích của gạo Việt
Tại tọa đàm "Giải pháp đường dài cho xuất khẩu gạo" tổ chức ngày 9/1, đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, năm 2023 là một năm có nhiều kỳ tích của gạo Việt Nam khi đã xuất khẩu khoảng 8,29 triệu tấn gạo, mang về giá trị 4,78 tỷ USD, tăng 16,7% về khối lượng và tăng 38,4% về giá trị so với năm 2022. Đây là con số cao kỷ lục kể từ năm 1989 khi Việt Nam bắt đầu tham gia xuất khẩu gạo. Cũng trong năm 2023, gạo ST25 của Sóc Trăng tiếp tục đoạt giải "Gạo ngon nhất thế giới". Điều đặc biệt hơn, giá trị gạo Việt Nam trên thị trường thế giới đã được khẳng định khi các đối tác nhập khẩu và người tiêu dùng đều ưa chuộng gạo Việt.
Thực tế, theo chuyên gia nông nghiệp - GS Võ Tòng Xuân, kể từ khi gạo ST25 của chúng ta được vinh danh là gạo ngon nhất thế giới vào năm 2019 tại Philippines, ông đã chia sẻ tại hội nghị đó rằng gạo Việt Nam không thua gạo Thái Lan.
Đến hiện tại GS Võ Tòng Xuân khẳng định, gạo của Việt Nam có thể bán được giá 600-700 USD, thậm chí hơn giá của Thái Lan vì giống lúa mới. “Gạo ngắn ngày của Thái Lan không thơm như gạo của mình. Đây không hẳn là do Ấn Độ, Thái Lan bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu, mà là do gạo Việt Nam khởi sắc lên nhờ giống mới - còn Thái Lan, Ấn Độ không có. Do đó, giá cao sẽ tiếp tục cao. Đặc biệt, trong khi các đối thủ sản xuất gạo của Việt Nam bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu thì Việt Nam vẫn bố trí vùng lúa cao sản 3-4 vụ nhờ biết sống chung với biến đổi khí hậu”- GS Võ Tòng Xuân dự báo.
Nhận định về thị trường năm 2024, ông Nguyễn Vĩnh Trọng - Giám đốc Công ty TNHH Việt Hưng dự báo, giá lúa gạo trong năm 2024 và những năm tới vẫn cao. Ông Trọng cho rằng Việt Nam nên tận dụng cơ hội sản xuất, xuất khẩu để nâng cao thu nhập người dân. Bởi lẽ theo ông Trọng, những năm trước, xuất khẩu gạo giá thấp và giá như hiện tại mới phù hợp với công sức của bà con.
Cũng nhận định thị trường năm 2024 có nhiều yếu tố thuận lợi cho xuất khẩu gạo với giá tốt, ông Phạm Thái Bình - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An khẳng định: Năm 2024 có thể tốt hơn khi chúng ta tận dụng được cơ hội thị trường, nhu cầu tiêu thụ vẫn lớn. “Bối cảnh thế giới đang thiếu gạo, Việt Nam cũng bị biến đổi khí hậu nhưng chúng ta vẫn có thể tăng sản xuất”- ông Bình cho biết và nhận định đây không chỉ là cơ hội trời cho mà còn cả sức mạnh nội tại.
Giải pháp đường dài cho xuất khẩu gạo
Cần sắp xếp lại chuỗi sản xuất lúa gạo để đi dường dài và bền vững. |
Với kinh nghiệm hơn 30 năm trong lĩnh vực lúa gạo, ông Phạm Thái Bình Chủ tịch HĐQT Công ty CP Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An cho biết giải pháp đường dài cho ngành lúa gạo hiện nay chính là cánh đồng lớn tức liên kết doanh nghiệp và nông dân – đôi bên cùng có lợi.
"Chính phủ có giải pháp, chính là đề án 1 triệu ha lúa gạo chất lượng cao, phát thải thấp. Nếu triển khai thành công nông dân có lãi, doanh nghiệp có lãi", ông Bình nói.
Là tỉnh có diện tích lúa gạo bậc nhất Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), đại diện Sở Công Thương tỉnh Đồng Tháp cho biết nhờ xây dựng chuỗi liên kết doanh nghiệp và nông dân tỉnh xác định giảm sản lượng gạo xuất khẩu nhưng tăng chất lượng và giá trị. Kết quả sản lượng gạo xuất khẩu toàn tình năm 2023 đạt 536.000 tấn, kim ngạch 400 triệu USD, tăng mạnh so với năm 2022.
Bà Thủy cho biết thêm với 25% diện tích lúa có liên kết với doanh nghiệp như hiện tại, địa phương xác định không chỉ trồng lúa bán gạo mà còn sản phẩm chế biến sâu, các phụ phẩm. Bằng chứng là Đồng Tháp hiện có nhiều đơn vị chế biến sản phẩm từ gạo, nâng giá trị cho hạt gạo.
Tương tự, các doanh nghiệp lúa gạo Long An vừa qua cũng tập trung sản xuất nhưng theo ông Nguyễn Thanh Truyền, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Long An cho biết diện tích sản xuất lớn trên địa bàn tỉnh vẫn chưa nhiều, chỉ được khoảng 20.000-30.000 ha, trong khi trên tổng diện tích 200.000 - 300.000 ha.
"Do nông dân sản xuất với diện tích nhỏ, muốn có sản xuất lớn thì cần phải liên kết, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật trên nền đã được tập huấn. Tiến tới phát thải thấp, đạt được tín chỉ carbon tăng thêm thu nhập cho bà con; đồng thời tiến tới áp dụng khoa học kỹ thuật để liên kết các HTX với nhau", ông Truyền nêu giải pháp dài hạn.
Với những tồn đọng hiện tại, GS Võ Tòng Xuân đề xuất cần sắp xếp thị trường, chia thị phần gạo của mình ra để xuất khẩu hoặc bán trong nước. Nếu làm vậy các doanh nghiệp sẽ từ từ không còn tranh mua, tranh bán, mà mỗi doanh nghiệp có vùng nguyên liệu của mình. Đây là con đường tương lai để gạo của Việt Nam có thể tiếp tục phát triển bền vững.
Cũng theo GS Xuân hiện tại nhiều thương lái của châu Âu, Pháp, Bỉ, Hà Lan, Hong Kong, Ma Cao… họ phân ra gạo xuất khẩu là 2 loại: 1 là gạo thơm, hạt dài ngon cơm của Thái Lan; và hai là gạo trắng, ngon cơm. Gạo trắng của Việt Nam xuất khẩu được khoảng 250-300 USD; còn gạo thơm Thái Lan giá 800-900 USD. Vì họ biết Thái Lan sản xuất gạo chỉ 1 lần/năm là lúa mùa, năng suất không cao đành phải mua giá 800 USD.
Giá lúa gạo trải qua tuần biến động trái chiều |
Giá gạo xuất khẩu thế giới tăng mạnh trở lại |
Giá lúa gạo hôm nay 20/12/2023: Giá gạo xuất khẩu tăng, gạo chợ quay đầu giảm |