Lợi thế địa lý
Vùng ven biển tỉnh Nam Định gồm 3 huyện (Nghĩa Hưng, Giao Thủy, Hải Hậu) với 80 xã, thị trấn (trong đó có 19 xã, thị trấn giáp biển); tổng diện tích đất tự nhiên khoảng 724 km2, bằng 43% diện tích toàn tỉnh; dân số hơn 606 nghìn người, khoảng 34% dân số toàn tỉnh.
Về lợi thế tiềm năng, vùng ven biển tỉnh Nam Định có địa hình tương đối bằng phẳng, chủ yếu là đồng bằng thấp trũng và đồng bằng ven biển, vùng bãi bồi ngập mặn ven biển có diện tích trên 22.000 ha; có chiều dài bờ biển 72 km và hệ thống sông Hồng, sông Đáy, sông Ninh Cơ chảy qua, mang lại rất nhiều điều kiện thuận lợi trong vận tải đường thuỷ và phát triển công nghiệp, nuôi trồng và khai thác hải sản.
Cơ sở hạ tầng
Đường trục phát triển nối vùng kinh tế biển tỉnh Nam Định với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình, đường cao tốc Ninh Bình – Nam Định – Thái Bình, tạo thuận lợi phát triển khu kinh tế Ninh Cơ, khu công nghiệp dệt may Rạng Đông; các khu, cụm công nghiệp nhất là Khu công nghiệp Hải Long với quy mô lớn trên 1.100 ha. Đặc biệt, khu đô thị Thịnh Long - Rạng Đông đang hình thành và phát triển là đô thị loại III, trung tâm phía nam của tỉnh, phát triển đa ngành, đa lĩnh vực.
Dịch vụ cảng biển cũng là thế mạnh của Nam Định. Khu bến Hải Thịnh - Cửa Đáy có thể phục vụ cỡ tàu trọng tải đến 3.000 tấn hoặc lớn hơn khi đủ điều kiện. Bến phao, khu neo đậu chuyển tải Ninh Cơ, vị trí vùng nước khu vực ngoài cửa Lạch Giang phục vụ chuyển tải hàng lỏng, hàng rời cho tàu trọng tải đến 50.000 tấn.
Tỉnh Nam Định đã đề xuất với Bộ Giao thông vận tải bổ sung bến cảng biển chuyên dùng quy mô đến năm 2030 đáp ứng tiếp nhận tàu có trọng tải đến 300.000 tấn vào quy hoạch chi tiết nhóm cảng biển số 1 giai đoạn đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.
Khai thác kinh tế
Với nhiều lợi thế để phát triển vùng kinh tế ven biển, thời gian qua, đã có nhiều nhà đầu tư lớn trong và ngoài nước tìm hiểu, đề xuất, triển khai các dự án trọng điểm, có tác động lâu dài tới sự phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh Nam Định. Trong năm 2021 và 8 tháng đầu năm 2022, tỉnh Nam Định đã thu hút được 111 dự án, số vốn đầu tư trong nước gấp 8,5 lần của cả giai đoạn 2016-2020.
Vùng kinh tế ven biển Nam Định đang dần trở thành động lực phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, hằng năm đóng góp trên 25% tổng giá trị sản xuất trên địa bàn. Các địa phương vùng ven biển luôn đi đầu trong phong trào xây dựng nông thôn mới, đóng góp quan trọng vào thành tích xây dựng nông thôn mới của tỉnh.
Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Nam Định đã ban hành Nghị quyết chuyên đề về xây dựng, phát triển vùng kinh tế ven biển tỉnh Nam Định giai đoạn 2021-2025 và những năm tiếp theo. Trong đó, đề ra định hướng xây dựng vùng kinh tế ven biển trở thành vùng kinh tế động lực, có bước phát triển nhanh, bền vững; phấn đấu đến năm 2030, vùng kinh tế ven biển là cực tăng trưởng phía nam của tỉnh, đóng góp quan trọng để hoàn thành mục tiêu Nam Định là tỉnh phát triển khá của cả nước.
Cùng với đó, xây dựng và phát triển các ngành kinh tế vùng ven biển toàn diện, đồng bộ theo hướng hiện đại, có sức cạnh tranh cao; trong đó chú trọng phát triển phát triển 4 nhóm ngành gồm: Công nghiệp ven biển; du lịch biển; kinh tế hàng hải; nông nghiệp, nuôi trồng và khai thác hải sản.
Phát triển kinh tế vùng ven biển phải gắn với bảo vệ môi trường, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu và phòng, chống thiên tai.
Phát triển tiềm năng du lịch
Nam Định có 72km bờ biển nối cửa Ba Lạt (sông Hồng) với cửa Đáy (sông Đáy) với những bãi biển thoải, dài, cát mịn đã được khai thác, xây dựng thành các khu du lịch biển hấp dẫn như: Thịnh Long (huyện Hải Hậu), Quất Lâm (huyện Giao Thủy)... Các khu du lịch biển của Nam Định còn có thể kết nối với các khu di tích lịch sử văn hóa nổi tiếng, hình thành nên các tour du lịch tổng hợp, đáp ứng nhu cầu của du khách. Khu vực bãi biển Rạng Đông cũng đang được đầu tư kết cấu hạ tầng để hình thành khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng tắm biển nằm trong quy hoạch phát triển Khu kinh tế Ninh Cơ.
Vùng rừng ngập mặn Nghĩa Hưng thuộc Khu dự trữ sinh quyển đất ngập nước ven biển liên tỉnh châu thổ sông Hồng là vùng đất ngập nước nằm giữa hai cửa sông Đáy và sông Ninh Cơ (nhánh của sông Hồng). Hệ sinh thái vùng đất ngập nước này khá đa dạng phong phú. Sinh cảnh rừng ngập mặn cùng với môi trường trong lành, gần khu nghỉ dưỡng sinh thái Rạng Đông, trong tương lai sẽ trở thành điểm tham quan du lịch sinh thái hấp dẫn.
Đặc biệt, vùng đất ngập nước cửa sông Hồng đổ ra biển Đông với hệ sinh thái rừng ngập mặn, nơi dừng chân của các loài chim di trú - Vườn quốc gia Xuân Thủy (đã được UNESCO công nhận là vùng lõi của Khu dự trữ sinh quyển thế giới liên tỉnh khu vực đồng bằng châu thổ sông Hồng) bởi các giá trị nổi bật về địa hình và hệ sinh thái của Vườn quốc gia này đặc biệt hơn các nơi khác trong cả nước và trong khu vực Đông Nam Á. Đây là điểm du lịch sinh thái độc đáo, đạt được ba điều nhất đó là “Đa dạng sinh học cao nhất, năng suất sinh học lớn nhất và cũng là hệ sinh thái nhạy cảm nhất”.
Xác định đẩy mạnh khai thác kinh tế biển
Mới đây ngày 15/2/2023, tại buổi làm việc của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính với lãnh đạo tỉnh Nam Định, Thủ tướng đã nhấn mạnh về việc tỉnh Nam Định cần chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, tái cơ cấu, chuyển dịch từ nông nghiệp sang công nghiệp, công nghiệp hóa nông nghiệp.
Cụ thể, tỉnh Nam Định cần xác định đẩy mạnh khai thác tiềm năng, thế mạnh vùng kinh tế biển trở thành vùng kinh tế động lực, có bước phát triển nhanh, bền vững, trong đó ưu tiên thu hút đầu tư và phát triển các ngành công nghiệp ứng dụng công nghệ cao, thân thiện với môi trường. Bên cạnh đó cần tập trung mở rộng không gian du lịch, phát triển lĩnh vực du lịch, dịch vụ, làng nghề.
Nâng cao hiệu quả đánh bắt, nuôi trồng gắn với bảo vệ nguồn lợi thủy sản, thân thiện môi trường, ngăn chặn khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU).
Đồng thời, tỉnh Nam Định cần đa dạng hóa nguồn lực, ưu tiên bố trí đầu tư cho phát triển kết cấu hạ tầng giao thông chiến lược, đặc biệt là hệ thống giao thông liên kết vùng như đường cao tốc Ninh Bình - Nam Định - Thái Bình - Hải Phòng, nghiên cứu đầu tư nâng cấp cao tốc Nam Định (Nam Định) - Phủ Lý (Hà Nam).
Trên cơ sở lợi thế và tiềm năng kinh tế biển của tỉnh, tỉnh Nam Định nghiên cứu xây dựng các chương trình phát triển kinh tế, xã hội, cơ sở hạ tầng và du lịch, tận dụng và khai thác nguồn lực tài nguyên biển.