Doanh nhân Việt Nam khẳng định vị thế từ tâm và tài Doanh nhân Việt Nam vững mạnh vì quốc gia hùng cường Tôn vinh Top 10 doanh nhân Việt Nam tiêu biểu năm 2022 |
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước đến dự lễ kỷ niệm ngày Doanh nhân Việt Nam - Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Doanh nhân là chủ lực trong nền kinh tế
Với việc đầu tư sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm, khai thác, sử dụng các nguồn lực, doanh nhân Việt Nam đang là lực lượng chủ lực trong việc thay đổi cơ cấu kinh tế quốc dân, đóng góp quan trọng vào tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Phát biểu tại lễ kỷ niệm Ngày Doanh nhân Việt Nam (13/10) và tuyên dương doanh nhân Việt Nam tiêu biểu năm 2022 do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính bày tỏ phấn khởi và niềm tin cùng cả nước và đội ngũ doanh nhân về những kết quả phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội của đất nước trong bối cảnh khu vực và thế giới còn nhiều khó khăn thời gian qua, nhất là kết quả rất tích cực của 9 tháng năm 2022.
Thủ tướng chỉ rõ, trong 2 năm qua, trước diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường, chưa có tiền lệ của tình hình thế giới và khu vực, chúng ta vẫn duy trì ổn định vĩ mô; kiểm soát được lạm phát; các cân đối lớn được bảo đảm; tình hình kinh tế - xã hội nước ta khởi sắc trên hầu hết các lĩnh vực, nhiều chỉ số vượt kế hoạch đề ra: GDP quý III tăng cao 13,67%; 9 tháng đầu năm tăng 8,83%; các ngành, lĩnh vực kinh tế đều phục hồi, có bước phát triển mạnh; số doanh nghiệp thành lập mới và trở lại hoạt động trong 9 tháng là trên 163 nghìn, gấp 1,44 lần số doanh nghiệp rút lui; xuất siêu hơn 6,5 tỷ USD. Cải cách thể chế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh được chú trọng. An sinh xã hội, trật tự an toàn được bảo đảm; quốc phòng, an ninh được giữ vững; đối ngoại được đẩy mạnh, xử lý hài hòa, phù hợp...
Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh, những kết quả đạt được là do sự lãnh đạo sáng suốt của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đứng đầu là đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, cùng các quyết sách quan trọng của Nhà nước; sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt, mạnh mẽ, có trọng tâm, trọng điểm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; sự tham gia vào cuộc tích cực, hiệu quả của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị xã hội, đoàn thể nhân dân; sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị cùng sự hỗ trợ của bạn bè quốc tế.
Đặc biệt có sự đồng lòng, ủng hộ, tham gia tích cực của nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp doanh nhân Việt Nam - những chiến sĩ trên mặt trận kinh tế, tỏa sáng truyền thống “Tâm-Tài-Trí-Tín” của doanh nhân Việt Nam, kiên cường đồng hành cùng đất nước vượt qua khó khăn, thử thách và tận dụng thời cơ, thuận lợi để xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả trong tình hình mới.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại lễ kỷ niệm - Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định, Đảng, Nhà nước luôn quan tâm và đánh giá cao vai trò của đội ngũ doanh nhân và cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam; khẳng định đây là lực lượng sản xuất vật chất chủ yếu của nền kinh tế Việt Nam, đóng vai trò hết sức quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước qua các thời kỳ lịch sử của Cách mạng Việt Nam.
Theo Thủ tướng, nhờ quan điểm và đường lối đúng đắn trong xây dựng, phát triển đất nước và đội ngũ doanh nhân “... Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay...” như đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã từng nói. Việt Nam đã trở thành nền kinh tế lớn thứ tư của ASEAN và thứ 40 của thế giới, quy mô thương mại quốc tế nằm trong TOP 20 của thế giới, là một trong những nền kinh tế được đánh giá là năng động và có độ mở cao nhất thế giới.
Đội ngũ doanh nhân Việt Nam đã không ngừng phát triển cả về số lượng và chất lượng, đã có những đóng góp to lớn, quan trọng đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trên nhiều phương diện; là lực lượng chủ lực, tiên phong tạo ra nhiều công ăn việc làm, sinh kế cho người lao động, qua đó góp phần xóa đói, giảm nghèo và phát triển kinh tế-xã hội.
Những quyết sách tạo động lực cho doanh nghiệp phát triển
Nói về sự đồng hành của Chính phủ và các cơ quan với cộng đồng doanh nghiệp, ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch VCCI cho rằng, đó là sự đồng hành khăng khít, kề vai sát cánh của Chính phủ, đặc biệt là trong giai đoạn đại dịch COVID-19.
Chính phủ đã thể hiện sự quyết liệt, kịp thời, sáng tạo và đặc biệt lắng nghe các doanh nghiệp với các quyết sách lớn: Chuyển chiến lược phòng, chống dịch từ Zero-COVID sang thích ứng, linh hoạt và chúng ta ứng phó với dịch, sống cùng với dịch. Cùng với đó là các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển hậu COVID-19. Đó là những chính sách giúp doanh nghiệp bảo toàn lực lượng, không bị đứt gãy sản xuất, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phục hồi sớm, chiếm được vị trí mới trong chuỗi cung ứng sản xuất toàn cầu.
Theo ông Trần Đình Thiên, chuyên gia kinh tế, thời gian qua, các doanh nghiệp tuy gặp nhiều khó khăn nhưng với tinh thần dân tộc cao, đặc biệt là bản sắc của doanh nhân Việt Nam rất sáng tạo, năng động, đã đồng hành với Chính phủ, chia sẻ khó khăn, đóng góp các nguồn lực lớn cho hoạt động phòng chống dịch COVID-19, giữ vững được nền sản xuất.
Những chính sách hỗ trợ của Chính phủ đã tạo đà phát triển cho cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam. (Ảnh minh họa). |
Với sự quyết liệt của Chính phủ và nỗ lực của doanh nghiệp, dự kiến, tăng trưởng GDP năm 2022 của Việt Nam sẽ vượt mục tiêu, cao nhất trong khu vực.
Ở góc độ quản lý, để ứng phó, hỗ trợ doanh nghiệp thúc đẩy xuất khẩu trong những tháng cuối năm 2022, Bộ Công Thương cho biết sẽ tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp về thông tin thị trường, xúc tiến xuất khẩu, tận dụng cam kết trong các hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký kết và thông qua chuỗi giá trị toàn cầu để tìm kiếm thị trường mới.
Bộ Công Thương chỉ đạo các thương vụ Việt Nam ở nước ngoài tiếp tục nghiên cứu, nắm vững nhu cầu, thị hiếu, yêu cầu của thị trường, từ đó tham mưu cho bộ về chiến lược phát triển thị trường, kết nối giao thương, phát triển sản xuất và đa dạng hóa mặt hàng xuất khẩu.
Bộ Công Thương sẽ hỗ trợ doanh nghiệp trong việc tìm kiếm nguồn cung nguyên vật liệu thay thế với giá cả phù hợp để bảo đảm sản xuất, hỗ trợ các doanh nghiệp ứng dụng số hóa, thương mại điện tử trong xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường, tiêu thụ sản phẩm...
Kỷ niệm ngày Doanh nhân Việt Nam năm nay, Chính phủ, các bộ ngành và địa phương đã có nhiều hoạt động ý nghĩa. Đây cũng là dịp để tôn vinh lực lượng có vai trò quan trọng đối với nền kinh tế đất nước./.