Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát Trần Đình Long. Ảnh: Hoàng Hà |
Khởi nghiệp từ buôn bán đồ cũ
Tỷ phú Trần Đình Long sinh năm 1961, quê ở Hải Dương. Ông hiện đang là Chủ tịch HĐQT của Tập đoàn Hòa Phát (HOSE: HPG) – một tập đoàn sản xuất, cung cấp thép lớn nhất của Việt Nam. Tập đoàn có trụ sở chính tại 66 Nguyễn Du, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội.
Ông Long xuất thân từ một gia đình không có điều kiện, nhưng với khát khao làm giàu cùng trí thông minh sẵn có, ông bươn chải khắp nơi cả trong và ngoài nước để tìm kiếm cơ hội kinh doanh. Năm 1986, ông tốt nghiệp Đại học Kinh tế Quốc dân.
Sau khi tốt nghiệp, tỷ phú Long khởi nghiệp với nghề buôn bán đồ cũ nhập khẩu từ Nga. Đến năm 1992, sau khi đã tìm hiểu kỹ lưỡng về thị trường đồ cũ, ông Long cùng bạn thân của mình là ông Trần Tuấn Dương thành lập nên Công ty TNHH Thiết bị Phụ tùng. Sự nghiệp của ông chính thức bắt đầu từ đây.
Dẫu vậy, bởi điều kiện kinh tế khó khăn, nguồn vốn của đôi bạn thân không có nhiều nên việc kinh doanh gặp vô vàn trắc trở. Thời điểm đó, Luật Doanh nghiệp ra đời nên quá trình đăng ký kinh doanh, chứng minh tài chính cho công ty rất nan giải.
Năm 1993, đôi bạn thân có chuyến xuất ngoại đầu tiên với mục đích tìm hiểu thị trường một cách bài bản. Đến năm 1994, nhận thấy thị trường nội thất nhập khẩu đang rất tiềm năng, ông Long quyết định thành lập công ty nội thất với nguồn hàng chủ yếu từ các nước bạn như Đài Loan, Malaysia, Singapore…
Năm 1996 có thể coi là một năm có tính chất quyết định đến sự “ra đời” của Thép Hòa Phát. Khi đó, Công ty Phụ tùng của ông Long cần mua ống thép về làm giáo nhưng phải nhập hàng từ Đài Loan với chi phí đắt đỏ, từ đó ý tưởng sản xuất thép theo dây chuyền đã nảy ra trong đầu ông.
Bên cạnh việc nhạy bén với thị trường, “cha đẻ” của Hòa Phát còn được biết đến là người có những chiến lược kinh doanh thận trọng, có tầm nhìn xa trông rộng. Những người đã từng hợp tác với ông Long đều nhận xét rằng “Nếu như người ta chơi cờ được 3 - 5 nước đã là cao nhân thì ông Long được ví như là người chơi cờ tính trước đến 20 nước”.
Năm 2000, đứa con tinh thần Công ty TNHH sắt thép Hòa Phát của tỷ phú Long ra đời. Lúc này, Hòa Phát đã có cho mình 1 số công ty liên kết. Đến năm 2001, ông Long đổi tên thành Công ty cổ phần thép Hòa Phát và bắt đầu hoạt động nhà máy cán thép đầu tiên với công suất 300.000 tấn/năm.
Sau 5 năm hoạt động, “ông trùm thép” Trần Đình Long đã mua lại 6 doanh nghiệp độc lập mang thương hiệu Hòa Phát và đổi tên Công ty lần 2 thành Công ty CP Tập đoàn Hòa Phát. Lúc này, vốn điều lệ của Hòa Phát là 90 tỷ đồng, ông Long xây dựng thêm 1 nhà máy tại quê hương Hải Dương với mong muốn phát triển nhà máy thép hàng đầu Việt Nam.
Không chỉ dừng lại ở lĩnh vực sản xuất thép, từ năm 2016, ông Long thử sức đầu tư ở lĩnh vực nông nghiệp. “Đứa con thứ 2” là Công ty phát triển nông nghiệp Hòa Phát được thành lập với số vốn điều lệ 2.500 tỷ đồng, chủ yếu để sản xuất, kinh doanh thức ăn chăn nuôi.
Muốn làm một việc "cực khó"
Ông Long chụp ảnh cùng cổ đông. |
Tại đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) năm 2024 diễn ra vào ngày 11/4, ông Trần Đình Long cho biết, hàng năm, tập đoàn đều chia tiền mặt, cổ phiếu cho các cổ đông. Người đứng đầu Tập đoàn Hòa Phát chia sẻ ông đang rút dần ra khỏi tập đoàn, vì ông đã 64 tuổi và theo nhẽ bình thường là "nghỉ hưu lâu rồi".
Thay vì trả lời chi tiết về các số liệu kinh doanh, ông Trần Đình Long chia sẻ với các cổ đông về những vấn đề mang tính chiến lược của tập đoàn. Theo ông Long, Hòa Phát trong ngắn hạn sẽ chỉ tập trung vào thép.
"Thị trường thép đang rất khốc liệt, nên trong ngắn hạn từ 5 – 10 năm tới, Hòa Phát sẽ dồn toàn lực", ông Trần Đình Long chia sẻ.
Ngoài ra, với những mảng kinh doanh khác ngoài thép, chiến lược trong ngắn hạn của Hòa Phát là tập trung hoạt động và không mở rộng.
Về dài hạn, Hòa Phát sẽ tập trung vào những sản phẩm cần đầu tư, chất lượng cao, chẳng hạn như thép cho xe điện, biến thế, thép cho đường ray cao tốc. Lãnh đạo Tập đoàn thép lớn nhất Việt Nam cho biết, đang tiến hành nghiên cứu để làm đường ray đường sắt tốc độ cao, với tốc độ dự kiến lên tới 850 km/h.
Dù biết việc làm đường ray đường sắt cao tốc là cực kỳ khó, nhưng Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát chia sẻ rằng tập đoàn không ngại khó và cũng không sợ khó. Hiện tại, việc làm đường ray đường sắt cao tốc vẫn đang trong giai đoạn nghiên cứu và để trở thành hiện thực thì vẫn còn rất nhiều bước cần triển khai.
Năm 2024, Tập đoàn Hòa Phát đặt mục tiêu doanh thu đạt 140.000 tỷ đồng, lãi sau thuế là 10.000 tỷ đồng, lần lượt tăng 16% và 47% so với năm 2023. Doanh nghiệp này cũng dự kiến sẽ chia cổ tức 10%.
Theo ông Trần Đình Long, trong 3 tháng đầu năm 2024, Tập đoàn Hòa Phát đã đạt được 2.869 tỷ đồng lợi nhuân, tương đương với đạt 28,7% kế hoạch của năm 2024 đề ra. Trong đó, lĩnh vực sản xuất thép và gang thép đóng góp khoảng 90% về kết quả này.