Mức nền 2023 thấp, xuất khẩu có thể đạt được tăng trưởng 6%
Xuất khẩu, tiêu dùng và đầu tư công vốn là ba động lực tăng trưởng của kinh tế Việt Nam. Dựa trên mục tiêu tốc độ tăng trưởng GDP của cả nước năm 2024 ở mức 6 - 6,5%, Bộ Công Thương đặt chỉ tiêu kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 6%, tương ứng 377 tỷ USD, cán cân thương mại duy trì trạng thái thặng dư khoảng 15 tỷ USD.
Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu được dự báo còn nhiều yếu tố “khó đoán định”, các chuyên gia đưa ra nhiều quan điểm xoay quanh mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đạt 377 tỷ USD.
PGS.TS. Nguyễn Bá Minh, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính, Giảng viên cao cấp, Học viện Tài chính cho biết với mục tiêu tăng trưởng GDP khoảng 6-6,5%, Chính phủ đã tính toán rất kỹ những giải pháp điều hành để thực hiện được kỳ vọng này.
Bên cạnh các giải pháp về đầu tư công, tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, xuất khẩu một số hàng hóa chủ lực vẫn tăng trưởng. Do vậy, ông Minh cho rằng mục tiêu tăng trưởng năm 2024 Quốc hội đề ra có thể khả thi.
Riêng với mảng xuất khẩu, ông Minh đánh giá Bộ Công Thương đặt mục tiêu kim ngạch đạt 377 tỷ USD, tăng trưởng 6% là khiêm tốn, chỉ tiêu này có thể đạt ở mức cao hơn là 8%.
“Nhu cầu nhập khẩu hàng hóa Việt Nam của thế giới đang tăng trở lại, đặc biệt là những ngành dệt may, giày da, thủy sản…
Sau nhiều quý lỗ, một số doanh nghiệp xuất khẩu đã có lãi, các doanh nghiệp dệt may, da giày cũng tuyển dụng công nhân trở lại, đây là tín hiệu phục hồi cho năm 2024” ông Minh chia sẻ.
“Khả thi” cũng là từ khóa ông Lê Quốc Phương, nguyên Phó tổng giám đốc Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại (VITIC) nói với chúng tôi về mục tiêu xuất khẩu 377 tỷ USD trong năm 2024.
“Quy ra con số, xuất khẩu năm 2024 dự kiến tăng hơn 21,5 tỷ USD so với năm 2023. Con số này có thể thực hiện được vì năm 2023 xuất khẩu tăng trưởng âm, mức nền thấp. Do đó, mức tăng trưởng 6% là khả thi”, ông Phương nói.
Tuy nhiên, nguyên Phó giám đốc VITIC cho rằng kinh tế Việt Nam đang hội nhập sâu rộng, độ mở hơn 200% và phụ thuộc rất nhiều vào diễn biến kinh tế thế giới. Nếu kinh tế thế giới phục hồi tốt, xuất khẩu sẽ tăng trưởng, ở chiều ngược lại, kinh tế trì trệ, xuất khẩu sẽ đi lùi.
Kinh tế thế giới muốn phục hồi sẽ phải quay lại bài toán lạm phát và lãi suất giảm. Theo ông Phương, ít nhất phải qua quý I, lãi suất mới giảm dần và nhu cầu tiêu dùng mới dần ấm lên.
“Hiện nay, đơn hàng của doanh nghiệp quay trở lại, chủ yếu do tồn kho ở các thị trường đã hết, chứ không phải tổng cầu thế giới hồi phục. Tổng cầu thế giới chỉ tăng khi lãi suất giảm, đầu tư và tiêu dùng khởi sắc, ông Phương nhận định.
Trước đó, ông Nguyễn Xuân Thành, Chuyên gia kinh tế, Giảng viên Trường Chính sách công và quản lý Fulbright cũng nhận định bước sang năm 2024, kinh tế sẽ có nhiều bất trắc.
Trường hợp, kinh tế toàn cầu, trong đó có Mỹ có thể hạ cánh mềm thì Việt Nam có thể phục hồi xuất khẩu sang thị trường này. Và nếu kinh tế Trung Quốc không quá xấu thì có thể tạo động lực xuất khẩu cho cả năm 2024.
“Vẫn còn rất nhiều bất trắc đối với tăng trưởng toàn cầu. Dù vậy, xuất khẩu của Việt Nam năm 2024 có thể tăng trưởng 5 - 7%, chứ không bị âm như năm 2023”, chuyên gia Nguyễn Xuân Thành nói.
Sẽ cần thêm thời gian cho xuất khẩu phục hồi
Đặt trong bối cảnh kinh tế thế giới vẫn trong vòng xoáy lạm phát cao, xung đột chính trị chưa dừng lại, nhiều yếu tố bất định biến đổi khí hậu, thương mại… một số chuyên gia lại cho rằng kim ngạch xuất khẩu năm 2024 đạt 377 tỷ USD, tăng 6% so với năm 2023 là nhiệm vụ bất khả thi.
Trao đổi với người viết, PGS.TS. Phan Thế Công, Trưởng khoa Kinh tế, Trường Đại học Thương mại cho rằng kinh tế thế giới nửa đầu năm 2024 được dự báo vẫn rất ảm đạm và phải chờ đến giữa năm 2024, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) giảm lãi suất, khi đó mới có thể hỗ trợ cho tiêu dùng, các thị trường gia tăng đặt hàng.
Kinh tế thế giới có thể khởi sắc từ giữa năm 2024, mặt bằng chung và tốc độ tăng trưởng duy trì ở mức khá thấp. Xuất khẩu của Việt Nam năm 2024 tăng trưởng hay đi lùi sẽ phụ thuộc vào kinh tế thế giới, đặc biệt là các thị trường trọng điểm.
“Trải qua đại dịch COVID-19, suy thoái kinh tế, nhiều doanh nghiệp phải gánh hệ lụy rất lớn, một số đã rời thị trường, số còn lại phải đổi mới, tái cơ cấu để tồn tại.
Qua các cuộc trao đổi, một số doanh nghiệp lớn chia sẻ rằng 2024 sẽ khó khăn như 2023. Phải chờ đến giữa hoặc cuối năm 2025, tình hình kinh doanh của doanh nghiệp mới phục hồi thực sự”, PGS.TS. Phan Thế Công chia sẻ.
Hiện nay, tồn kho của các nhãn hàng lớn như Walmart, Costco, Amazon… đang vơi dần, nhiều doanh nghiệp đặt kỳ vọng rằng năm 2024 sẽ có nhiều đơn hàng hơn.
Tuy nhiên, ông Trần Lê Minh, Tổng Giám Đốc & Giám đốc cao cấp phát triển kinh doanh VIS Rating lại không nghĩ như vậy. Ông Minh cho rằng xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam vẫn phụ thuộc nhiều vào Mỹ và EU, tuy nhiên kinh tế của hai thị trường lớn này được dự báo chưa thực sự khả quan.
“Các tổ chức lớn dự báo GDP của Mỹ năm sau chỉ tăng trưởng 0,9-1,2%, trong khi năm nay chỉ 2,8%. Kinh tế Mỹ trong năm 2023 mạnh nhưng tiêu dùng vẫn yếu. 2024 có thể tăng trưởng kinh tế sẽ yếu hơn, sớm nhất tháng 6 Fed mới cắt giảm lãi suất, khi đó tiêu dùng mới ấm lên”, ông Minh nói.
Quay lại câu chuyện năm 2022, đại diện VIS Rating cho rằng các nhãn hàng đã có bài học lớn, trước đây họ đặt đơn hàng cho 6 tháng thì giờ rút lại theo quý. Các nhãn hàng cũng phải chững lại để theo dõi thị trường và tình hình tiêu dùng.
“Chúng tôi không nhận thấy trong 6 tháng đầu năm 2024 có những tín hiệu phục hồi rõ ràng cho lực cầu của các thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam. Có quá nhiều yếu tố không chắc chắn, do vậy xuất khẩu hàng hóa khó tạo ra đột phá trong năm 2024”, ông Minh nhận định.
Còn ông Trần Ngọc Báu, Founder & CEO tại WiGroup cho rằng “ai là người mua hàng, người đó sẽ quyết định lực cầu”.
Nhìn vào câu chuyện triển vọng kinh tế của Mỹ và EU năm 2024, ông Báu thấy năm 2023 kinh tế Mỹ “khỏe” hơn các dự báo, tuy nhiên những yếu tố tiêu cực có thể bắt đầu thẩm thấu trong năm 2024, tiêu dùng hàng hóa sẽ yếu hơn năm 2023.
Châu Âu – thị trường xuất khẩu lớn thứ ba của Việt Nam vẫn nằm trong khủng hoảng và chưa tìm ra lối thoát rõ ràng.
“Tiêu dùng của một số thị trường trọng điểm vẫn còn yếu, tổng thể năm 2024 có thể thấp hơn so với năm 2023. Do vậy, tôi không nghĩ xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sẽ phục hồi tốt trong năm 2024”, ông Báu nhận định.
Thực tế, xuất khẩu hàng hóa đã tăng trưởng dương trong những tháng cuối năm. Tuy nhiên, ông Báu cho rằng đây chưa hẳn là tín hiệu phục hồi bởi mức nền những tháng cuối năm 2022 rất thấp. Sự tăng trưởng này chủ yếu do mức nền 2022 thấp, không phải yếu tố nội lực chính là tổng cầu hàng hóa.
“Giá trị xuất khẩu hàng hóa đi ngang qua các tháng, không tăng trưởng nhiều. Mùa cao điểm đã như vậy, mùa thấp điểm có lẽ phải thở oxy”, ông Báu nói.
Ưu tiên hơn cho mục tiêu tăng trưởng
Rất nhanh sau khi tổ chức hội nghị với các địa phương, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 01/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2024. Sáu quan điểm, mục tiêu điều hành và 12 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đã được nhấn mạnh tại nghị quyết này.
Và một điểm mới quan trọng, xác định năm 2024 là năm tăng tốc, bứt phá, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc thực hiện thắng lợi Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025, Chính phủ đã đặt thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trở thành mục tiêu ưu tiên hàng đầu.
Điều này là dễ hiểu trong bối cảnh 3 năm đầu của Kế hoạch 5 năm 2021-2025, ngoại trừ năm 2022, tăng trưởng GDP đạt mức đột phá 8,02%, thì năm 2021 và 2023, tăng trưởng GDP chỉ ở mức thấp, tương ứng là 2,56% và 5,05%. Trong khi đó, mục tiêu tăng trưởng GDP của giai đoạn 2021-2025 được quyết nghị ở mức 6,5-7%.
Khi báo cáo trước Quốc hội về tình hình kinh tế giữa kỳ, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhận định, áp lực đạt mục tiêu của Kế hoạch 5 năm là rất nặng nề. Còn Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, khi thẩm tra báo cáo của Chính phủ, nhấn mạnh, để đạt được mục tiêu tăng trưởng bình quân khoảng 6,5-7%, cao hơn mức bình quân của 5 năm 2016-2020 (6,25%) theo Nghị quyết của Quốc hội, thì “cần phải có sự cố gắng rất lớn”.
Đây chính là một trong các lý do khiến Chính phủ quyết định trình mục tiêu tăng trưởng năm 2024 ở mức 6-6,5% và Quốc hội đã thông qua, dù nhiều dự báo cho thấy, kinh tế 2024 còn rất nhiều khó khăn, thách thức, thậm chí khó khăn, thách thức còn lớn hơn cơ hội. Và đó cũng là lý do Chính phủ quyết ưu tiên hơn cho mục tiêu tăng trưởng, bên cạnh việc tiếp tục nhất quán quan điểm ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế.
“Giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô là nền tảng quan trọng để đảm bảo nền kinh tế phát triển nhanh và bền vững”, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương nói và cho rằng, điều này là hết sức cấp bách trong năm 2024, khi các dự báo cho thấy, có một số yếu tố có thể tác động mạnh đến mục tiêu kiểm soát lạm phát, như chính sách tiền lương mới, hay việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế, giáo dục, giá điện... theo lộ trình, trong khi giá xăng dầu vẫn diễn biến khó lường.
Ổn định kinh tế vĩ mô là nền tảng, còn thúc đẩy tăng trưởng là ưu tiên hàng đầu. Để thực hiện mục tiêu tăng trưởng 6-6,5% trong năm nay, Chính phủ đã “xây” kịch bản tăng trưởng cho cả năm và ban hành kèm theo Nghị quyết 01/NQ-CP. Theo đó, quý I/2024, tăng trưởng GDP phải đạt 5,26 - 5,69%. Quý II, con số là 5,8 - 6,29%, để 6 tháng, có thể đạt được tăng trưởng 5,54 - 6%.
Sang quý III, tăng trưởng GDP phải đạt mức cao hơn, là 6,24 - 6,77%; để 9 tháng, đạt 5,78 - 6,27%. Quý IV/2024 sẽ là quý đóng vai trò quyết định tới tốc độ tăng trưởng kinh tế, do đó, con số phải đạt được là 6,55 - 7,09%.
Dốc toàn lực để về đích
Kinh tế còn khó khăn, nhất là trong bối cảnh tình hình kinh tế, chính trị thế giới tiếp tục diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường, nhiều yếu tố rủi ro, bất định. Bởi thế, nỗi lo nền kinh tế sẽ rất vất vả để đạt được mục tiêu tăng trưởng 6-6,5% đã được đặt ra ngay từ những ngày đầu tiên của năm mới 2024. Liệu nền kinh tế có thể về đích?
Nhóm chuyên gia của Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV vừa đưa ra 3 kịch bản tăng trưởng kinh tế trong năm 2024. Theo đó, ở kịch bản cơ sở, kinh tế Việt Nam có thể đạt mức tăng trưởng 6-6,5%. Với kịch bản tích cực, trong điều kiện môi trường quốc tế và trong nước thuận lợi hơn, các động lực tăng trưởng cả truyền thống và mới được khai thác hiệu quả hơn, tăng trưởng GDP sẽ cao hơn 0,5-1 điểm phần trăm so với kịch bản cơ sở.
Còn với kịch bản tiêu cực, nếu các rủi ro bên ngoài gia tăng và tác động tiêu cực hơn, các nền kinh tế lớn phục hồi chậm, xung đột địa chính trị leo thang, thiên tai, dịch bệnh diễn biến phức tạp, khó lường, tác động tiêu cực đến xuất khẩu, đầu tư, tiêu dùng và du lịch quốc tế của Việt Nam, trong khi các động lực tăng trưởng chưa phát huy hiệu quả như kỳ vọng, thì mức tăng trưởng có thể chỉ ở mức 5-5,5%.
Trong bối cảnh diễn biến kinh tế toàn cầu còn nhiều yếu tố bất định như hiện nay, bất cứ kịch bản nào cũng có thể xảy ra. Bởi thế, theo bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, cần dồn toàn lực để về đích. Điều này đã được các thành viên Chính phủ và lãnh đạo các địa phương nhấn mạnh tại Hội nghị Chính phủ với các địa phương mới đây.
“Đầu tư công, tiêu dùng nội địa và sự phục hồi xuất khẩu chính là 3 động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế Việt Nam trong năm 2024”, ông Shantanu Chakraborty, Giám đốc quốc gia Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam nói.
Theo ông Shantanu Chakraborty, còn dư địa, nên chính sách tài khóa cần được ưu tiên tại Việt Nam. Trong đó, đầu tư công là giải pháp quan trọng.
Năm 2024, Quốc hội quyết nghị nguồn lực đầu tư công thấp hơn năm 2023, với chỉ hơn 640.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho rằng, nếu quan tâm thúc đẩy giải ngân từ sớm, từ xa, đạt kết quả cao, thì sẽ tác động tích cực tới tăng trưởng kinh tế.
Hơn thế, bên cạnh đầu tư công, đầu tư tư nhân và đầu tư nước ngoài sẽ tích cực hơn trong năm 2024, qua đó hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Năm 2023, thu hút đầu tư nước ngoài là một điểm sáng, với tổng vốn thu hút được trên 36,6 tỷ USD, còn giải ngân gần 23,3 tỷ USD.
“Năm 2024, thu hút đầu tư nước ngoài tiếp tục là một điểm sáng”, ông Lương Văn Khôi, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) nói và bày tỏ sự vui mừng trước xu hướng nhiều dự án trong lĩnh vực bán dẫn, AI, công nghệ cao sẽ đổ vào Việt Nam trong thời gian tới. Chính các dự án này sẽ thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới của nền kinh tế.
Theo chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực, bên cạnh đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công hiệu quả, kích cầu đầu tư tư nhân và tiêu dùng hiệu quả, cần khai thác tốt hơn các động lực tăng trưởng mới, như phát triển kinh tế số, ứng dụng khoa học - công nghệ, tăng trưởng xanh, chuyển đổi năng lượng; tăng năng suất lao động, đẩy mạnh cải cách thể chế kinh tế, môi trường đầu tư kinh doanh, nhất là trong bối cảnh áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu và cần kích thích kinh tế tư nhân... Quan tâm thúc đẩy tăng trưởng của các đầu tàu kinh tế (nhất là Hà Nội, TP.HCM và Đà Nẵng - chiếm 32% GDP cả nước năm 2023), qua đó thúc đẩy liên kết vùng…, cũng là điều được ông Lực nhắc tới.
Đây chính là các giải pháp được Chính phủ nhấn mạnh tại Nghị quyết 01/NQ-CP. Thực thi quyết liệt và hiệu quả các giải pháp này, nền kinh tế có thể tăng tốc, bứt phá để về đích.