Tại họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 6/2023, trả lời báo chí về những giải pháp trọng tâm, trọng điểm trong phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng cuối năm 2023, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết, trong 6 tháng đầu năm nay, tăng trưởng GDP đạt 3,72%, thấp hơn kịch bản đề ra tại Nghị quyết số 01/NQ-CP (6,2%), trong đó, khu vực công nghiệp – xây dựng chỉ tăng 1,13% (kịch bản tại Nghị quyết số 01/NQ-CP là 6,7%), tác động mạnh đến tăng trưởng chung của nền kinh tế.
Trong 6 tháng cuối năm, khó khăn, thách thức còn rất lớn, tạo rủi ro, sức ép lên công tác điều hành tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô, các cân đối lớn |
Lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, trong 2 kịch bản tăng trưởng vừa được Bộ cập nhật, dù kịch bản thấp, với tăng trưởng cả năm dự kiến đạt 6%, thì tăng trưởng quý III cũng phải đạt 6,8%, quý IV đạt 9%, tính chung 6 tháng cuối năm tăng trưởng phải đạt 8,0%.
Với kịch bản tăng trưởng cả năm dự kiến đạt 6,5%, thì tăng trưởng quý III phải đạt 7,4%, quý IV đạt 10,3% (cao hơn lần lượt 0,9 điểm % và 3,2 điểm % so với kịch bản tại Nghị quyết số 01/NQ-CP), tính chung 6 tháng cuối năm tăng trưởng phải đạt 8,9%. Đây là thách thức rất lớn.
Thứ trưởng Trần Quốc Phương chỉ rõ, trong 6 tháng cuối năm, khó khăn, thách thức còn rất lớn, tạo rủi ro, sức ép lên công tác điều hành tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô, các cân đối lớn. Trong khi, khả năng chống chịu của các doanh nghiệp trong nước còn yếu sau thời gian dài bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp đã đến mức tới hạn, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Vì thế, trong thời gian tới, cần có các giải pháp chỉ đạo, điều hành quyết liệt, chủ động, phối hợp nhịp nhàng, chặt chẽ hơn, tạo thành tác động cộng hưởng, phát huy tối đa hiệu quả các chính sách, nguồn lực hỗ trợ doanh nghiệp, người dân, tranh thủ mọi cơ hội, tận dụng thời gian để phục hồi tăng trưởng, thực hiện các giải pháp trong trung và dài hạn.
Các bộ, cơ quan trung ương, địa phương cần tiếp tục thực hiện hiệu quả, thực chất, toàn diện, nhất quán các Nghị quyết, Kết luận của Đảng, Quốc hội, Nghị quyết số 01/NQ-CP, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ…
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương đưa ra một số giải pháp trọng tâm, trọng điểm trong 6 tháng cuối năm. |
Trong đó, Thứ trưởng cho rằng, cần triển khai nhanh, hiệu quả hơn nữa các giải pháp đã ban hành, đồng thời tiếp tục, chủ động có các giải pháp mới.
Thứ nhất, nắm bắt chặt chẽ tình hình, diễn biến của quốc tế, trên cơ sở đó đề xuất kịp thời các giải pháp ứng phó linh hoạt trong mọi tình huống.
Thứ hai là bám sát quan điểm chỉ đạo của Chính phủ là phải giữ cho bằng được ổn định kinh tế vĩ mô. Đây là yếu tố nền tảng để chúng ta thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, các động lực tăng trưởng. Trên cơ sở như vậy, nhóm giải pháp này tập trung vào việc tiếp tục điều hành hàng hoá, chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ cũng như kiến nghị với Ngân hàng Nhà nước tiếp tục thực hiện các chương trình, định hướng cải thiện lãi suất cho vay để kích thích, khơi thông nguồn vốn cho nền kinh tế cũng như tiếp tục thực hiện các giải pháp hỗ trợ chính sách tài khóa về miễn, giảm thuế, triển khai các nghị quyết của Quốc hội về giảm thuế VAT 2%.
“Chúng ta cũng biết rằng trong nhóm giải pháp này, sức ép về điều hành lạm phát từ nay đến cuối năm đã giảm so với trước rất nhiều. Hiện nay mức độ tăng CPI của chúng ta khoảng 3,29%. Như vậy, chúng ta có rất nhiều dư địa so với mục tiêu của Quốc hội là 4,5%, tạo điều kiện cho chúng ta tập trung hơn vào các giải pháp để thúc đẩy tăng trưởng”, Thứ trưởng Phương nói.
Thứ ba là siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính. Đây là một trong những nhiệm vụ để khắc phục được hạn chế về tinh thần trách nhiệm đối với một số cán bộ.
Thứ tư là đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính để tháo gỡ khó khăn của cộng đồng doanh nghiệp để khơi thông được động lực từ đầu tư của khu vực tư nhân.
Thứ năm, bảo đảm an sinh xã hội, cải thiện đời sống của nhân dân trên tất cả lĩnh vực của xã hội, đặc biệt trên hai lĩnh vực là y tế và giáo dục, gắn với đó là bảo đảm quốc phòng, an ninh.
Đáng chú ý, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, Bộ đã đề xuất 10 nhóm chính sách giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế. Trên cơ sở kết quả của 27 đoàn công tác của thành viên Chính phủ khi làm việc với địa phương trong thời gian vừa qua, Bộ cũng dự thảo Nghị quyết chuyên đề đặc biệt cho 6 tháng cuối năm.
"Bộ đã trình xin ý kiến Chính phủ, sắp tới sẽ ban hành, Nghị quyết này tập trung nhiều giải pháp để phấn đấu mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội", Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho biết.
Triển khai các nhiệm vụ, giải pháp lớn ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế |
GDP quý II/2023 tăng 4,14% |
Hai kịch bản tăng trưởng 6 tháng cuối năm 2023 |