Xuất khẩu cua ghẹ sang Top 4 thị trường chính đều tăng Cua ghẹ sống ngâm tương, món đặc sản tốn cơm xứ Kim Chi Xuất khẩu cua ghẹ vẫn chưa phục hồi |
Theo kinh nghiệm dân gian, mùa thu là thời điểm cua ghẹ ngon nhất trong năm. Bước vào khoảng tháng 9 trở đi, cua, ghẹ sẽ béo, thịt dày, chắc ngọt. Đây cũng là thời điểm giá cua sẽ rẻ hơn so với các mùa khác.
Cua ghẹ mùa thu ngon và dễ chọn được các con béo. Vậy những mùa khác thì sao? Dưới đây là 5 mẹo được lão ngư dân mách nhỏ giúp bạn mua được cua ghẹ ngon ở bất cứ thời điểm nào trong năm.
Xem vỏ
Những con cua, ghẹ có đốm nâu sẫm trên vỏ thường gầy, thịt ít và rất bở. Thậm chí, một số con còn cho cảm giác có mùi hôi.
Theo kinh nghiệm, con cua, ghẹ ngon phải có vỏ ngoài sáng, nhẵn, trên bề mặt không xuất hiện vết đốm lạ. Cua ghẹ vỏ càng xanh thì càng tươi, thịt càng béo. Ngược lại, vỏ càng vàng thì càng gầy, không ngon.
Xem bụng
Dù mua cua hay ghẹ thì cũng đều phải quan sát phần bụng. Những con có bụng trắng, không bị lõm là cua/ghẹ ngon. Với con đực, phần bụng sẽ phẳng hơn. Những con cua cái thường bụng tròn và đầy đặn. Nếu thấy bụng cua hơi lồi ra, có lớp dịch hơi đỏ hoặc vàng thì nhiều trứng, ăn béo ngậy.
Nếu quan sát thấy bụng cua có màu xỉn, thâm đen hoặc có xuất hiện đốm lạ thì không nên mua. Loại cua/ghẹ này rất có thể đã bị bơm nước để tăng trọng lượng.
Xem càng
Một trong những kinh nghiệm của ngư dân khi chọn mua cua là quan sát phần càng. Nếu càng cua có màu đỏ vàng, toàn thân trông có cảm giác phồng lên thì con đó nhiều thịt.
Nên chọn những con có càng bám chắc vào thân, vẫn bò khỏe. Phần lông trên càng bám chắc, không thể giật ra.
Tránh chọn cua/ghẹ có màu ngả vàng, dùng tay giật nhẹ phần lông bên trên, nếu thấy rời ra dễ dàng thì tuyệt đối đừng mua vì đó là cua non.
Trọng lượng
Thêm một lưu ý khi mua cua nữa là trọng lượng. Bạn hoàn toàn có thể phân biệt được cua ngon hay không dựa vào cân nặng của chúng. Cua càng tươi càng béo thì càng nặng. Nếu cầm 2 con cua có kích thước tương đương nhau, con nào nặng hơn thì con đó ngon, nhiều thịt.
Chọn theo giới tính
Bên cạnh những tiêu chí kể trên thì nhiều người chọn cua/ghẹ dựa trên “giới tính” của chúng. Thường cua/ghẹ cái sẽ có nhiều trứng, thịt thơm, ngậy và mềm. Tuy nhiên, sau khi chúng đẻ thì thường gầy, thịt óp và không ngọt nữa.
Ngược lại, thịt cua đực lại luôn chắc và dai ngon. Nhìn chung, tùy vào sở thích của mỗi người mà lựa chọn loại phù hợp. Để nhận biết con đực, con cái, bạn hãy quan sát phần tam giác dưới bụng cua/ghẹ. Tam giác dưới bụng của cua đực sẽ bé hơn so với cua cái.
Ngoài ra, bạn cũng cần quan sát xem cua có bò linh hoạt không. Nếu chúng vừa bò vừa nhả bọt khí ra là con khỏe mạnh. Với các con cua tươi mua về chưa ăn đến, bạn có thể bỏ chúng vào ngăn mát của tủ lạnh. Cua lúc này sẽ chuyển sang trạng thái ngủ đông, không những không chết mà còn sống rất lâu.
Khi đã chọn được cua ngon rồi thì bạn có thể đem chế biến theo nhiều cách khác nhau. Một trong những phương pháp phổ biến nhất là hấp. Tham khảo ngay cách làm món cua hấp siêu đơn giản mà thơm ngon sau đây.
Cách làm cua hấp
Nguyên liệu
Cua: 4 con
Hành baro: 1 - 2 cây
Giấm balsamic: 2 thìa
Đường trắng: 1 thìa cà phê
Gừng: 1 củ
Xì dầu: 1 thìa
Dầu mè: 1 thìa cà phê
Tỏi: 1 củ
Cách làm cua hấp đơn giản
Cua mua về đem rửa thật sạch. Dùng bàn chải chải sạch phần mai và càng cua.
Hành baro cắt rễ, rửa sạch rồi cắt gốc thành từng đoạn vừa ăn. Gừng cạo vỏ, thái lát.
Đun nước sôi rồi đặt xửng hấp vào. Xếp gừng thái lát, gốc hành baro sau đó xếp cua vào.
Đặt phần bụng cua ngửa lên bên trên, đậy vung và hấp trên lửa lớn trong thời gian từ 15 - 20 phút. Cua càng to thì thời gian hấp sẽ càng lâu.
Chuẩn bị nước chấm gồm xì dầu, giấm, đường, tỏi băm, gừng băm, dầu mè rồi khuấy đều lên.
Gắp cua ra đĩa rồi thưởng thức. Cua hấp kiểu này thịt rất thơm ngon. Thịt cua ngọt mềm chấm ngập trong xì dầu chua cay ăn cực kỳ cuốn.