Mỹ nhập khẩu phần lớn hạt điều từ Việt Nam. |
Nhiều mặt hàng nông sản gặp thuận lợi
Theo số liệu từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành nông nghiệp trong 10 tháng trở lại đây đạt gần 52 tỷ USD, nhiều mặt hàng nông sản ghi nhận giá trị xuất khẩu tăng vọt.
Xuất khẩu gỗ, tiêu, thủy sản, hạt điều sang Mỹ tăng 26-96% trong 9 tháng đầu năm.
Đặc biệt, sau khi ông Donald Trump giành được thắng lợi trong cuộc tranh cử Tổng thống Mỹ 2024, nhiều thị trường xuất hiện biến động. Theo thông tin từ báo Thanh Niên, rạng sáng 8/11 (giờ Việt Nam), chốt phiên giao dịch trên sàn London (Anh), giá cà phê Robusta tăng cao ở cả 4 kỳ hạn giao hàng, mức tăng từ 4,06 – 4,2%. Mức tăng này được xác định là cao nhất trong khoảng hơn 1 tháng qua, khi Việt Nam bước vào niên vụ thu hoạch 2024 – 2025.
Mỹ chính là một trong những thị trường nhập khẩu cà phê lớn của Việt Nam (đứng thứ 5 sau Đức, Ý, Nhật, Tây Ban Nha). Niên vụ 2023 – 2024, thị trường Mỹ nhập khẩu gần 91.000 tấn cà phê của Việt Nam. Chính vì vậy mà việc giá cà phê Robusta bật tăng mạnh sau ông Donald Trump trở thành Tổng thống Mỹ báo hiệu tín hiệu đáng mừng cho ngành này.
Ông Đỗ Hà Nam, Tổng giám đốc Intimex Group, một trong những doanh nghiệp xuất khẩu nông sản hàng đầu Việt Nam, đặc biệt là cà phê, nói theo quan sát của cá nhân ông, chính quyền Mỹ lâu nay và bản thân Tổng thống đắc cử Donald Trump rất có thiện cảm với Việt Nam. Đây là một lợi thế chính trị rất quan trọng. Thực tế, từ nhiệm kỳ cầm quyền trước đây, các chính sách của ông Trump luôn hướng đến thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và làm cho USD mạnh lên. Trong khi đó, ở chiều ngược lại, Việt Nam là nước xuất khẩu nên khi USD mạnh lên sẽ giúp hàng hóa của Việt Nam có thêm tính cạnh tranh trên thị trường Mỹ cũng như các nước khác.
"Mỹ là thị trường nhập khẩu cà phê lớn thứ 5 của Việt Nam với khối lượng 91.000 tấn và giá trị gần 310 USD, trong niên vụ 2023 - 2024. Không chỉ có cà phê mà chúng ta có thể kỳ vọng thương mại của Việt Nam, đặc biệt là nông sản, sẽ tiếp tục thuận lợi trong thời gian tới", ông Nam nói.
Ngoài ra, với mặt hàng điều, ông Đặng Hoàng Giang, Tổng thư ký Hiệp hội Điều Việt Nam (VINACAS), nhận định: Kết quả bầu cử tổng thống Mỹ có thể ảnh hưởng đáng kể đến các ngành hàng xuất khẩu của Việt Nam, trong đó có ngành điều. Hiện tại quan hệ ngoại giao và kinh tế giữa Việt Nam và Mỹ đang rất tốt, có xu hướng tăng trưởng ổn định. Ngành điều Việt Nam có lợi thế khi không gặp phải cạnh tranh trực tiếp từ nông dân Mỹ vì cây điều không được trồng tại nước này.
Hiện Mỹ nhập khẩu phần lớn hạt điều từ Việt Nam. “Chúng tôi hy vọng chính phủ mới của Mỹ sẽ tiếp tục duy trì chính sách mở cửa và ủng hộ tự do thương mại, để các sản phẩm điều Việt Nam, bao gồm các sản phẩm có hàm lượng giá trị gia tăng cao như điều rang, điều chiên, bánh kẹo điều và các sản phẩm phụ như dầu vỏ hạt điều, Cardanol… có thể tiếp tục thâm nhập và phát triển vững chắc tại thị trường Mỹ”, ông Đặng Hoàng Giang nhấn mạnh.
Thủy sản có nhiều cơ hội
Xuất khẩu thủy sản sang Mỹ còn nhiều cơ hội sau khi ông Trump thành tổng thống. |
Vnexpress thông tin, sau khi ông Donald Trump đắc cử tổng thống, Vasep nhận định xuất khẩu thủy sản sang Mỹ có thể gặp thách thức từ chính sách phòng vệ thương mại, nhưng vẫn còn nhiều cơ hội sau khi ông Trump thành tổng thống.
Những năm gần đây, Mỹ luôn là thị trường xuất khẩu thủy sản lớn nhất của Việt Nam. Theo số liệu của Vasep, 5 năm qua, bình quân mỗi năm xuất khẩu thủy sản sang nền kinh tế lớn nhất thế giới đạt 1,5-2,1 tỷ USD.
10 tháng đầu năm, kim ngạch sang Mỹ đạt 1,5 tỷ USD, tăng 15% so với cùng kỳ 2023. Ước cả năm nay, Mỹ sẽ chi 1,85 tỷ USD mua thủy sản Việt Nam, tăng 19%. Hiệp hội này cho rằng chất lượng thủy sản Việt Nam ngày càng cải thiện, giúp duy trì và mở rộng vị thế nên ít bị tác động trước kết quả bầu cử Mỹ.
"Nhu cầu thủy sản Việt của thị trường Mỹ vẫn rất lớn, dù mặt hàng này luôn đối mặt với thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp", Vasep nhận định.
Vasep cho rằng việc ông Trump tái đắc cử tổng thống có thể khiến chuỗi cung ứng của Mỹ thay đổi lớn, theo hướng giảm nhập thủy sản từ Trung Quốc và tìm kiếm các nguồn cung thay thế, trong đó có Việt Nam. Tôm và cá tra là những sản phẩm thủy sản chủ lực sang Mỹ nên sẽ thêm cơ hội tăng trưởng.
Bên cạnh đó, nếu Trung Quốc giảm mua thủy sản Mỹ, khả năng chuyển sang nhập hàng Việt để thay thế. Nhìn chung, chuỗi cung ứng toàn cầu xáo trộn thì vẫn tạo ra cơ hội. "Việt Nam có thể được lựa chọn làm nhà cung cấp thay thế trong chuỗi cung ứng toàn cầu", Vasep nhận định.
Tuy nhiên, ngành thủy sản đồng thời cũng đối diện với các biện pháp phòng vệ thương mại tăng, gồm thuế chống bán phá giá, thuế chống trợ cấp và các yêu cầu nghiêm ngặt về chất lượng sản phẩm.
Từ đó, Vasep khuyến nghị doanh nghiệp thận trọng và có chiến lược khi xuất khẩu sang thị trường Mỹ dù thuế chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp thuận lợi hơn năm nay.