Sầu riêng cuối vụ giá tăng cao mỗi ngày Thái Lan đã hết vụ, sầu riêng Việt sẽ "một mình một chợ" tại Trung Quốc Người Việt đang chuộng sầu riêng ngoại? |
Giá sầu riêng tăng dựng đứng lên mức 150.000 đồng/kg. |
Một thương lái thu mua sầu riêng, cho biết nguồn cung thiếu hụt khi vụ sầu tại Tây Nguyên sắp kết thúc. Các thương lái buộc chuyển hướng thu mua sầu riêng trái vụ từ các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long. Tuy nhiên, sản lượng trái vụ không đủ đáp ứng nhu cầu, nguồn cung thiếu hụt khiến giá sầu riêng liên tục tăng cao trong tuần vừa qua.
Trước đây, mỗi ngày họ thu mua được khoảng gần 10 tấn, nhưng hiện chỉ được 1-2 tấn, dự kiến giá sầu riêng tiếp tục tăng tới cuối năm.
Đại diện một doanh nghiệp tại Tây Nguyên cho biết, họ di chuyển các trạm thu mua xuống miền Tây và miền Đông Nam Bộ để thu gom hàng trái vụ và đáp ứng nhu cầu của các đối tác.
Theo khảo sát, giá sầu riêng Ri6 và sầu riêng Thái hôm nay tiếp tục tăng mạnh với giá rất cao.
Tại khu vực miền Tây - Đồng bằng sông Cửu Long: Sầu riêng Ri6 giữ giá cao gần bằng giá sầu riêng Thái, sầu riêng Thái giá vượt mốc 150.000 đồng/kg. Hàng dạt được mua với giá từ 30.000 - 40.000 đồng/kg.
Tại khu vực Đông Nam Bộ: Sầu riêng Ri6 khu vực Đông Nam Bộ hôm nay tăng 5.000 đồng/kg so với hôm qua, sầu riêng Thái A đã chạm mốc 150.000 đồng/kg.
Khu vực Tây Nguyên: Sầu riêng Ri6 tại khu vực Tây Nguyên hôm nay cũng có giá rất cao, loại đẹp tăng thêm 10.000/kg.
Ghi nhận của phóng viên một tuần qua, giá tại kho với Ri 6 loại A (2,7 hộc, 2-5 kg) là 135.000 đồng một kg, trong khi đầu tháng 8 khoảng 50.000-55.000 đồng. Tương tự, sầu riêng Monthong cũng tăng từ 70.000 đồng lên 150.000 đồng một kg. Với loại B (2,5 hộc), Ri 6 có giá 115.000 đồng, còn Monthong là 130.000 đồng.
Theo các chủ vườn sầu riêng trái vụ tại huyện Cai Lậy (Tiền Giang), do thời tiết bất lợi bão lũ và mưa nhiều, sầu riêng năm nay ra hoa muộn, thời gian thu hoạch kéo dài hơn. Sản lượng hiện chưa nhiều, nhưng giá tăng vọt so với vụ chính.
Mùa thu hoạch sầu riêng Việt Nam rơi vào tháng 10 hằng năm, nhất là ở những vùng trồng có sản lượng lớn như Gia Lai, Lâm Đồng. Còn sầu riêng trái vụ thu hoạch rơi vào các tháng cuối năm, cho vùng trồng thuộc các tỉnh miền Tây. Mùa năm nay, do ảnh hưởng bão lũ và mưa nhiều nên số lượng sầu riêng không có nhiều, nguồn cung ít; tuy nhiên các kho thu mua lại đang rất cần hàng. Chính vì vậy, giá sầu riêng liên tục tăng trong thời gian gần đây.
Bên cạnh việc xuất khẩu dưới dạng quả tươi, các doanh nghiệp đang hướng đến chế biến sâu sầu riêng để gia tăng giá trị và nâng cao thị phần, chiếm lĩnh thị trường nhập khẩu.
Theo dự báo của Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, giá sầu riêng còn tăng khi người tiêu dùng Trung Quốc đẩy mạnh việc mua biếu tặng dịp lễ, Tết.
Trong khi đó, theo Bộ Công Thương, nhu cầu tiêu thụ rau quả trong và ngoài nước tăng mạnh vào quý cuối năm, cùng với hiệu quả từ các nghị định thư mới. Đây là động lực giúp xuất khẩu rau quả Việt Nam tăng trưởng bền vững.
Dự báo cả năm, kim ngạch xuất khẩu rau quả sẽ vượt 7 tỷ USD, tăng hơn 25% so với 2023. Trong đó, sầu riêng có thể đạt kỷ lục 3,5 tỷ USD. Đây sẽ là cột mốc mới cho ngành rau quả, trong đó sầu riêng vẫn đóng vai trò chủ lực.
Năm ngoái, Việt Nam xuất khẩu 500.000 tấn sầu riêng tươi, đạt 2,3 tỷ USD, với 90% xuất sang Trung Quốc. Hiện cả nước có 154.000 ha trồng sầu riêng, sản lượng gần 1,2 triệu tấn, dự kiến tăng trưởng 15% mỗi năm.
Theo số liệu của Hiệp hội Rau quả Việt Nam, hết tháng 9/2024 kim ngạch xuất khẩu sầu riêng đạt 2,7 tỉ USD, đây là mức kỷ lục lịch sử. Và Trung Quốc là thị trường xuất khẩu dẫn đầu, đạt khoảng 2,5 tỉ USD. Ở chiều ngược lại, trong 8 tháng năm nay Việt Nam chi gần 9 triệu USD để nhập khẩu sầu riêng từ Thái Lan, Malaysia. So với cùng kỳ năm 2023, kim ngạch nhập khẩu sầu riêng tăng đột biến, tăng gấp gần 11,6 lần. |
Ngành sầu riêng Việt Nam có nhiều lợi thế nhưng cũng không ít thách thức |
Cần làm gì để xuất khẩu sầu riêng bền vững? |
Chân dung nữ doanh nhân trúng đấu giá quả sầu riêng Ri6 1,4 tỉ đồng |