Mận hay còn gọi mận bắc (danh pháp khoa học: Prunus salicina) là một loài cây rụng lá nhỏ bản địa tại miền bắc Việt Nam và Trung Quốc thuộc Chi Mận mơ. Loại quả này cũng được trồng trong các vườn cây ăn quả ở miền bắc Việt Nam, Triều Tiên, Nhật Bản, Mỹ và Úc. Mận cùng thuộc phân chi Prunus của chi Prunus với một số loài khác như mơ ta (cũng được trồng tại miền bắc Việt Nam, Trung Quốc, Nhật Bản và Triều Tiên), mận gai, mận anh đào, mận châu Âu...
Mận là cây ăn quả được trồng nhiều ở vùng miền núi phía Bắc nước ta. Mùa xuân ra hoa, mùa hè cho quả. Các bộ phận của cây mận đều được dùng làm thuốc. Mận còn có tên là lí tử, lí thực,... Đây là loại cây nhỡ, cành ngắn có màu nâu đỏ hồng, lá nhọn hai đầu, mặt trên nhẵn, mặt dưới hơi có lông ở gân. Hoa màu trắng, cánh hoa hình trứng, ngược, nhân hạch nhẵn, có màu sắc thay đổi như tím, bồ quân, vàng lục, thường có một rãnh bên. Mùa ra hoa từ tháng 12 - 1, quả chín vào tháng 5 - 7.
Theo y học cổ truyền, các bộ phận của cây mận như: quả, rễ, vỏ rễ, nhựa, lá, nhân hạt... đều có tác dụng chữa bệnh. Quả mận có vị chua ngọt, tính bình, có công dụng thanh can điều nhiệt, sinh tân lợi thủy, thường được dùng để chữa các chứng bệnh như hư lao cốt chưng, âm hư nội nhiệt, thủy thũng, tiêu khát... Rễ mận thường được thu hoạch vào tháng 9 - 10, vị đắng, tính lạnh, có công dụng thanh nhiệt giải độc. Lá mận vị chua, tính bình, chuyên trị vết thương do sang chấn... Nhân hạt mận còn gọi là lí hạch nhân, vị ngọt đắng, tính bình, có công dụng tán ứ, lợi thủy, nhuận tràng.
Công dụng đối với sức khoẻ của mận
Chất chống oxy hoá dồi dào
Một trong những lợi ích lớn nhất của mận là có các chất chống oxy hoá mạnh mẽ. Mận chứa vitamin C và phytonutrients như lutein, cryptoxanthin, zeaxanthin, neochlorogenic và chlorogenic acid.
Một nghiên cứu năm 2009 được công bố trên Tạp chí Dược phẩm cho thấy những quả mận giàu chất chống oxy hoá tự nhiên có khả năng bảo vệ các bạch cầu khỏi oxy hóa. Nghiên cứu được thực hiện với bảy loại mận khác nhau và kết quả cho thấy tác dụng chống oxy hoá của mận trong các tế bào bạch cầu của chuột rất tốt.
Một số lợi ích khác của mận là giúp làm lão hóa chậm hơn, da sáng khỏe mạnh, giảm nguy cơ ung thư, hỗ trợ cai nghiện và kéo dài tuổi thọ.
Hỗ trợ tiêu hoá
Mận là một nguồn chất xơ dồi dào và giúp điều hòa hệ tiêu hóa. Kể cả mận khô hay mận tươi đều có hiệu quả trong việc hỗ trợ rối loạn tiêu hóa như táo bón.
Trung tâm Y tế Đại học Maryland khuyến cáo rằng trẻ em khi bắt đầu ăn dặm nên ăn mận và các thực phẩm có chất xơ cao khác hai lần một ngày để điều trị táo bón. Bởi vì mận có chứa cả chất xơ hòa tan và không hòa tan. Vì vậy, mận là một trong những biện pháp ngăn ngừa táo bón tự nhiên tốt nhất, thúc đẩy quá trình hoạt động của đường ruột và giữ lượng đường trong máu ổn định.
Giảm cholesterol
Mận cũng có khả năng hạ thấp mức cholesterol một cách tự nhiên. Sự hiện diện của chất xơ hòa tan có trong mận có thể làm giảm LDL cholesterol bằng cách can thiệp vào việc hấp thu cholesterol.
Cải thiện sức khoẻ tim mạch
Các flavonoid và các thành phần phenol như anthocyanin, axit chlorogenic, quercetin và catechins có trong mận có tác dụng chống viêm trên các tế bào cơ thể khác nhau.
Ngoài ra trong mận còn có chứa vitamin K rất quan trọng để ngăn ngừa huyết áp cao và giảm nguy cơ bị ngừng tim. Một nghiên cứu đầy triển vọng năm 2014 được công bố trên Tạp chí Dinh dưỡng cho thấy chế độ ăn chứa nhiều vitamin K có thể giảm nguy cơ mắc các bệnh tim mạch, ung thư hoặc tử vong do mọi nguyên nhân liên quan đến tim mạch.
Hỗ trợ cải thiện làn da
Thành phần vitamin C trong mận đóng vai trò như một “spa” cho da và các mạch máu. Một nghiên cứu năm 2007 được công bố trên Tạp chí Dinh dưỡng lâm sàng Hoa Kỳ đã đánh giá trên 4.000 phụ nữ tuổi từ 40-74 và nhận thấy những người nạp càng nhiều vitamin C càng làm giảm khả năng xuất hiện nếp nhăn, khô da và giúp làm chậm lão hóa.
Tăng cường hệ miễn dịch
Hàm lượng vitamin C cao trong mận có lợi cho những người có hệ miễn dịch bị suy yếu do căng thẳng. Rõ ràng căng thẳng đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống hiện đại, vậy nên một lượng đủ thực phẩm cung cấp vitamin C sẽ giúp cho sức khỏe tổng thể được cải thiện rõ rệt.
Ngăn ngừa và hỗ trợ điều trị bệnh tiểu đường
Mận có chỉ số đường thấp, giúp giảm lượng đường trong máu và triglyceride trong cơ thể. Sự hiện diện của flavonoid là một lợi ích khác của mận bởi vì chúng giúp cơ thể chống lại sự đề kháng insulin. Chất xơ hòa tan trong mận cũng giúp bình thường hóa lượng đường trong máu và được coi như một phương thuốc tự nhiên cho bệnh tiểu đường.
Tăng cường sức khoẻ xương
Các polyphenol và kali trong mận có lợi cho xương vì chúng tăng cường mật độ xương và ngăn ngừa loãng xương.
Kali được tìm thấy trong mận là một yếu tố cần thiết giúp bảo vệ xương khỏi bị yếu và dễ bị gãy. Khi cơ thể có mức kali thấp, xương sẽ không được đệm đúng cách do tác động của axit sulfer do đó làm tăng nguy cơ loãng xương và gãy xương.
Mận, và các loại thực phẩm giàu kali khác được coi như là một giải pháp điều trị tự nhiên cho bệnh loãng xương vì chúng giúp tăng cường sức khoẻ và cải thiện sự hình thành xương.
Một số bài thuốc từ quả mận theo kinh nghiệm dân gian
Vết thương do côn trùng đốt: Lấy hạt mận rửa sạch, giã nát rồi đắp lên vết thương để 5 phút rồi rửa sạch. Đắp ngày 2 lần.
Giảm đau nhức răng: Rễ mận 30g, sắc đặc với 100ml nước, ngậm 5 - 7 phút vào buổi sáng, chiều, tối trước khi đi ngủ, ngậm 5 ngày.
Tác dụng nhuận tràng: Nhân hạt mận 10g, đào nhân 10g, hạnh nhân 10g. Tất cả cho vào ấm đổ 700ml, sắc còn 250, chia 2 lần uống trong ngày. Dùng liền 10 ngày.
Chữa đau nhức xương khớp khi thời tiết thay đổi: Lá mận 50g, lá thài lài tía, lá đào, lá si, lá dâm bụt mỗi thứ 30g. Tất cả rửa sạch, giã nhỏ, sao vàng ngâm với rượu 10 - 15 ngày. Dùng rượu này xoa bóp chỗ đau ngày 2 lần.
Làm đẹp da mặt: Quả mận tươi 250g, rửa sạch, bỏ hạt, giã nát, ép lấy nước rồi hoà với 250ml rượu gạo, đựng trong lọ kín để dùng dần, mỗi ngày uống 2 lần, mỗi lần 10 - 20ml. Trường hợp mặt bị sạm đen: bột nhân hạt mận nghiền mịn trộn với lòng trắng trứng đắp ngày 1-2 lần trong 5-7 ngày.
Chữa các bệnh sốt cao, kinh giật ở trẻ em, giảm ho, điều trị vết thương: Lá mận (lý thụ diệp) khô 8-12g, sắc uống. Dùng ngoài nấu lấy nước, bỏ bã tắm cho trẻ hoặc giã lấy nước cốt lá mận tươi thấm vào chỗ sưng đau.
Chủ trị mắt có màng, tác dụng giảm đau, tiêu sưng, thúc sởi mọc: Nhựa mận (lý thụ giao) 8-16g sắc uống. Thường dùng nhựa khô ở thân cây mận.
Tác dụng thanh nhiệt giải độc, dùng trong các chứng đái buốt, đái rắt do thấp nhiệt, các trường hợp đi lỵ ra máu, bệnh tiêu khát, trẻ em sốt nóng, mụn nhọt: Rễ mận (lý căn) 8-12g, sắc uống. Dùng ngoài sao tồn tính, nghiền thành bột, đắp hoặc rắc lên vết đau.
Thanh nhiệt, giải trừ uất nhiệt, chữa tiêu khát, tâm phiền, các trường hợp khí hư, đau răng, lở loét: vỏ rễ mận (lý căn bì) 8-12g, sắc uống. Có thể sắc đặc ngậm rồi nuốt hoặc lấy nước thấm đắp bên ngoài nơi sang lở.
Tác hại khi ăn quá nhiều mận
Hại thận: Mận có chứa nhiều chất oxalate, do đó gây cản trở quá trình hấp thụ canxi của cơ thể. Điều này có thể dẫn đến hiện tượng kết tủa trong thận, nguyên nhân chính gây sỏi thận và sỏi bàng quang. Đặc biệt, những người bị bệnh thận hoặc có tiền sử gia đình bị bệnh này nên hạn chế hoặc không ăn mận.
Hàm lượng axit cao: Điều này có thể ảnh hưởng đến dạ dày và men răng, đặc biệt ở trẻ em. Người bị bệnh dạ dày ăn nhiều mận sẽ trầm trọng thêm bệnh.
Gây nóng: Mận có tính nóng nên ăn nhiều mận có thể gây ra các hiện tượng nóng trong, nhiệt miệng, mụn nhọt... Đặc biệt, phụ nữ mang thai không nên ăn mận vì dễ bị nóng, phát ban, không tốt cho sức khỏe của mình và thai nhi.
Làm giảm tác dụng của một số loại thuốc: Mặc dù nhiều chất dinh dưỡng, mận có thể ảnh hưởng đến tác dụng của một số loại thuốc khi ăn nhiều. Do tác dụng giảm lượng đường trong máu của mận, người vừa trải qua phẫu thuật không nên tiêu thụ mận. Các bác sĩ khuyến cáo người bệnh dừng ăn mận 2 tuần trước khi phẫu thuật.
Xem thêm